Về mặt pháp lý: Nhiều chiêu trò lách luật
Nạn nhân của các app cho vay nặng lãi này cũng đã lên đến hàng ngàn đối tượng. Trong đó, nhiều người bị các app này truy bức vì chậm trả nợ, bị bôi xấu trên Internet, bị đe dọa và người thân bị quấy nhiễu…
Đỉnh điểm là ngày 10.5 vừa qua, một giảng viên tại một trường cao đẳng ở Kiên Giang vì không chịu nổi sự truy bức của app cho vay nặng lãi, giảng viên này đã tìm đến con đường tự giải thoát bằng cách tự tử.
Tội ác là thế nhưng vì sao loại app cho vay nặng lãi này vẫn tồn tại nhan nhãn ở Việt Nam mà chưa thể dẹp loạn chúng?
Theo luật sư Lê Ngọc Lam Điền (Trưởng Văn phòng luật Li và đồng sự, Đoàn Luật sư TPHCM), những app này biết hình thức cho vay của họ rất nhạy cảm và dễ vi phạm pháp luật, cho nên thuê một đội ngũ luật sư đứng đằng sau để phân tích các góc độ pháp lý để lách luật.
Thứ nhất, các app này về mặt danh chính ngôn thuận không để mức lãi suất vượt mức qui định, cả mức lãi suất trả chậm cũng thế. Tuy nhiên, họ dồn sự “nặng lãi” vào các khoản phạt, mà mức phạt thế nào thì là thỏa thuận dân sự giữa hai bên chứ luật pháp hiện hành không có qui định.
Thứ hai, các app này thường cộng dồn khoản lãi suất vào hợp đồng vay thành khoản vay ngay từ ban đầu, thành ra bên vay phải trả lãi nhiều hơn số tiền vay thực tế, và bị trừ trước vào khoản vay.
Thứ ba, trong trường hợp nếu buộc bên vay phải thế chấp, thì hợp đồng hai bên thể hiện là mua bán. Bên vay trả được nợ thì hợp đồng này được hủy. Còn nếu không trả được thì với mức phạt cao cộng dồn từng ngày, bên vay dễ dàng bị mất nhà mất cửa.
Luật sư Lam Điền cho rằng, các app cho vay nặng lãi này nếu được chứng minh là một tổ chức tín dụng thì vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, họ thường lách bằng cách cho vay giữa cá nhân với cá nhân, thậm chí còn có trò “bán” con nợ từ app này sang app kia nhằm thu hồi cả vốn lẫn lãi khiến con nợ càng chồng chất nợ.
App cho vay nặng lãi gần như độc chiếm thị trường
Nhiều chuyên gia về lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) và các app cho vay ngang hàng (P2P) tại Việt Nam thời gian qua đã lên tiếng cho rằng, hầu hết khoảng từ 60-70 app tín dụng đen cho vay nặng lãi đang tung hoành tại thị trường Việt Nam hiện nay đều đến từ Trung Quốc. Các app này đội lốt cho vay ngang hàng để nhằm mục đích cho vay nặng lãi.
Theo ông Nguyễn Hòa Bình – Chủ tịch Công ty NextTech, tình trạng các app tín dụng đen cho vay nặng lãi đang hoành hành trên thị trường có một phần nguyên nhân không nhỏ vì thị trường đang để trống. Khoảng trống thứ nhất là còn thiếu các khoản tín dụng, cho vay nhỏ với thủ tục xét duyệt nhanh gọn và thuận lợi, tín chấp từ các tổ chức tín dụng hợp pháp, có uy tín.
“Để giải quyết vấn đề này, cần thúc đẩy lĩnh vực cho vay ngang hàng trên thị trường. Tuy nhiên, việc thí điểm P2P cũng chậm được tiến hành. Thiếu các app P2P được cấp phép hợp pháp cung cấp các khoản vay nhỏ và nhanh trên thị trường chính là khoảng trống thứ hai”, ông Bình cho biết.
Từ đó, các app tín dụng đen cho vay nặng lãi gần như một mình một chợ, càng thuận lợi quảng bá và lan tỏa dịch vụ cho vay nặng lãi đến người dân.