Nghịch lý trong việc tăng lượng bán ra
Theo đại diện lãnh đạo Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam (C.P), từ đầu tháng 3.2020 đến nay, C.P đã 2 lần giảm giá lợn hơi và lần giảm gần đây nhất là 70.000 đồng/kg trong khi giá thị trường chênh lệch hàng chục nghìn đồng. Cùng với việc đưa giá lợn hơi về mức 70.000 đồng/kg, để tăng nguồn cung cho thị trường, góp phần giảm giá thịt lợn, C.P đã tăng lượng bán ra với số lượng 23.000-26.000 con/ngày, tăng 8.000-9.000 con/ngày.
Cùng với C.P, Dabaco cũng tăng lượng lợn hơi bán ra thị trường với mức giá 70.000 đồng/kg.
Ngay sau đó, giá lợn hơi giảm nhẹ. Nhưng mức giảm chỉ duy trì được vài ngày, sau đó bật tăng trở lại và đến sáng nay (20.4.2020), giá lợn hơi trên thị trường miền Bắc đã “nổ” ở mức 92.000-93.000 đồng/kg khiến nhiều người đã bán ra trước đó với mức 85.000-86.000 đồng/kg "tiếc đứt ruột", còn các tiểu tương bán lẻ thịt lợn tại chợ thì lâm tình trạng bán hàng ế ẩm.
Tìm lời giải tại sao càng bán ra càng thiếu hụt nguồn cung
Trao đổi với PV Lao Động – ông Phạm Minh Tuấn – Phó Tổng Giám đốc Anova Feed cho biết: Số lượng đầu lợn bán ra nhiều, nhưng sản lượng thịt không tương xứng. Trước đây lợn hơi phải đủ 100-120kg mới được bán ra, thì nay do thiếu nguồn cung, các doanh nghiệp bán ra cả lợn hơi chỉ 80kg/con làm gia tăng số đầu lợn xuất chuồng.
“Vì bán non ở mức 80kg, tổng số lượng con lợn bán ra càng nhiều hơn, nguồn cung lại càng thiếu hụt. Việc mất cân đối cung-cầu tất yếu khiến giá tăng. Điều này lý giải sau 2 đợt thực hiện giảm giá theo yêu cầu, giá lợn đã tăng sau đó” – ông Phạm Minh Tuấn nói.
Ông Tuấn cũng phân tích, nếu xuất chuồng trễ khi lợn đã lớn đạt trọng lượng 120kg, thì sản lượng thịt lợn tăng 20%. Nhưng nếu bán ra sớm khi lợn chỉ mới có trọng lượng 80kg, thì cứ mỗi con lợn bán ra sẽ bị hụt sản lượng 40% (120kg-80kg=40kg).
Do đó, cho xuất chuồng trọng lượng lớn thì mới là tăng đàn nhanh nhất. Điều này đồng nghĩa với việc chấp giá lợn cao 1 thời gian, sau đó đàn sẽ tăng nhanh, còn hơn cứ ăn heo non hụt 20% và cái sự hụt này kéo dài mãi.
Theo chủ trại chăn nuôi Hòa Bình (Đồng Nai), lợn về về hai chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn hôm nay (20.4) có 4.250 con (trước đây thường từ 5.500-6.300 con-PV), vì có giá cao nên lợn bán rất chậm vì với giá mua về 90.000-92.000 đồng/kg thì lái buôn rất khó có lãi.
Thịt lợn nhập khẩu đang ở đâu?
Trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Văn Long-Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết: Năm 2020 (tính hết ngày 13.4.2020), có 108 doanh nghiệp nhập khẩu hơn 46.402 tấn thịt lợn và sản phẩm thịt lợn, tăng trên 300% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó nhập khẩu từ Canada 25,81%, Đức 20,59%, Ba Lan 13,77%, Braxin 9,68%, Hoa Kỳ 7,65%, LB Nga 2,62%.
Về nhập khẩu thịt lợn từ Liên bang Nga và Công ty Miratorg, từ đầu năm 2020 đến ngày 27.3.2020, Việt Nam đã nhập khẩu 1.026 tấn thịt lợn; từ ngày 28.1.2020 đến nay, Công ty Miratorg đã làm thủ tục xuất khẩu trên 3.465 tấn thịt lợn thông qua 15 doanh nghiệp của Việt Nam; các lô hàng về đến các cảng của Việt Nam vào ngày 18.3.2020 và hiện đã bắt đầu cung cấp ra thị trường.
“Mặt hàng thịt lợn không phải cấp hạn ngạch nhập khẩu. Hiện tại, có 788 doanh nghiệp của 19 quốc gia được phép xuất khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn vào Việt Nam” – ông Nguyễn Văn Long cho biết.
Tại cuộc họp với các bộ, ngành về giải pháp bình ổn giá thịt lợn, ngoài việc giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) kiểm soát tốt dịch bệnh, tổ chức tăng đàn, tái đàn,... Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Công Thương chỉ đạo tổ chức kiểm tra, rà soát hệ thống kênh phân phối, cung ứng, đầu mối bán buôn, bán lẻ với mặt hàng thịt lợn từ cửa trại, cửa chuồng nuôi đến thương nhân, người bán cuối cùng nhằm giảm chi phí trung gian đến mức thấp nhất cho người tiêu dùng; xử lý nghiêm các trường hợp găm hàng, đẩy giá lên cao.
Bộ Công Thương phối hợp với cơ quan liên ngành, Ban Chỉ đạo 389 chỉ đạo, tổ chức kiểm tra ngăn chặn, xử lý nghiêm các hoạt động xuất nhập khẩu lợn và các sản phẩm thịt lợn trái phép; phối hợp với Bộ Ngoại giao chỉ đạo khẩn trương hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp tìm kiếm các nguồn hàng tại các nước xuất khẩu.