Từ nghi lễ tịch điền bàn về xuất khẩu nông lâm thủy sản: Giải bài toán 4.0 và 40 tỉ USD

LINH ANH - KHÁNH VŨ |

Sáng 22.2 (mùng 7 tháng giêng năm Mậu Tuất), tỉnh Hà Nam tổ chức Lễ hội Tịch điền (cày ruộng) Đọi Sơn năm 2018. Đây là lễ hội truyền thống xuống đồng cày ruộng và cầu mong cho một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi.

Sản xuất nông nghiệp hiện nay cũng đang đứng trước những trang sử mới với mục tiêu cao là đạt mức xuất khẩu nông sản lên con số 40 tỉ USD, đồng thời cũng phải biết giải bài toán cách mạng 4.0. Đó đều là những mục tiêu không hề dễ dàng.

40 tỉ USD được không?

Tại hội nghị tổng kết năm 2017 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chốt mục tiêu năm 2018 phải đưa kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản lên mốc 40 tỉ USD (cao hơn mức Bộ NNPTNT đưa ra để phấn đấu là 38 tỉ USD).

Ở thời điểm 5 năm trước, mục tiêu này được cho là không tưởng khi giá trị xuất khẩu chỉ đạt 27,5 tỉ USD. Đến năm 2017, theo báo cáo của ngành nông nghiệp thì tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy, sản đã lên tới 36,37 tỉ, tăng 13% so với năm 2016. Trừ “độ chững” 2014-2015 thì mức tăng trưởng đều trong khoảng 10%.

Để cán mốc 40 tỉ USD thì mức tăng phải 10%. Nhìn vào bức tranh xuất khẩu của nông nghiệp năm 2017 có thể nhận thấy có rất nhiều điểm sáng làm tiền đề cho mục tiêu 40 tỉ USD năm 2018: năm 2017, cả nông sản, lâm sản, thủy sản đều thiết lập con số kỷ lục mới về kim ngạch xuất khẩu: Kim ngạch nhóm nông sản tăng 15,7%; nhóm thuỷ sản tăng 18% (lần đầu đạt 8,315 tỉ USD); nhóm lâm sản tăng 9,2% (cán mốc 8 tỉ USD) so với năm 2016.

Đặc biệt phải ghi nhận mức tăng đột biến lĩnh vực rau - củ - quả. Năm 2016 xuất khẩu rau củ quả đạt 2,457 tỉ USD thì năm 2017 đạt trên 3,5 tỉ USD, tăng 40%!

Trong bài viết gửi Báo Lao Động hồi tháng 11.2017, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhận định: “Nhóm sản phẩm quả - rau - hoa chưa được chọn là sản phẩm quốc gia, song kết quả xuất khẩu năm 2016 là 2,457 tỉ USD vượt qua giá trị xuất khẩu dầu thô 2,4 tỉ USD và hơn cả giá trị sản phẩm quốc gia là gạo (2,16 tỉ USD) là một sự kiện đặc biệt của nông nghiệp Việt Nam và đặt ra câu hỏi: Sự phát triển vượt bậc của sản xuất và xuất khẩu quả - rau - hoa có tính ổn định lâu dài hay chỉ nhất thời, đây có phải là một thời cơ mới trong hội nhập quốc tế của Việt Nam không?”.

Câu trả lời là “Có”. Thậm chí ông Nguyễn Thiện Nhân còn đưa ra hàng loạt các giải pháp khả thi để rau - củ - quả cán mốc 10 tỉ USD trong năm 2025. Riêng trong năm 2018, ông Nguyễn Thiện Nhân đánh giá “Dự báo giá trị xuất khẩu quả - rau - hoa năm 2018 sẽ vượt giá trị xuất khẩu gạo thời điểm cao nhất (3,67 tỉ USD năm 2012)”.

Thực tế, xuất khẩu rau quả tăng mạnh vào các thị trường: Nhật Bản tăng 70,6%, Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống Nhất tăng 57,4%, và Trung Quốc tăng 54,9%. Ngoài ra, trái cây Việt đã từng bước khẳng định chất lượng, chinh phục được những thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Canada…

Xuất khẩu thuỷ sản. Ảnh: KH.V
Xuất khẩu thuỷ sản. Ảnh: KH.V

Rào cản và thẻ vàng

Trả lời phỏng vấn Báo Lao Động đầu năm 2018, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đưa ra đánh giá: “Dù là một quốc gia xuất khẩu nông sản mạnh trên thế giới, nhưng tỉ lệ hàng nông sản Việt Nam xuất đi vẫn chủ yếu dưới dạng thô hoặc với hàm lượng chế biến thấp, dẫn đến chất lượng và giá trị chưa cao. Nhiều sản phẩm được bán ra thị trường thế giới mà không có thương hiệu, nhãn mác hoặc phải sử dụng thương hiệu nước ngoài. Đó là bất lợi lớn khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của nông sản Việt Nam.

Trong khâu chế biến, sản xuất hàng hóa, ngoài những hạn chế về quy mô sản xuất còn manh mún, ngành nông nghiệp còn phải đối mặt với vấn đề như việc sử dụng vật tư đầu vào và tài nguyên chưa hợp lý, ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao tuy có nhiều tiến bộ nhưng còn hạn chế, công nghệ chế biến phát triển chậm. Trong chế biến rau quả, dù đã cố gắng nhiều nhưng mới chỉ có khoảng 9% tổng lượng sản phẩm tiêu thụ có qua chế biến, còn lại là xuất bán thô”.

Rào cản thứ hai, đó là diễn biến khó lường của thời tiết. Bộ NNPTNT công bố con số thiệt hại 60.000 tỉ đồng do thiên tai năm 2017 cho thấy cái giá phải trả không hề nhỏ với nền sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào thời tiết như ở Việt Nam.

Rào cản thứ ba là “thẻ vàng” từ EU. Tháng 10.2017, ngành thủy sản bàng hoàng với thông tin Liên minh Châu Âu (EU) vừa công bố “giơ thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này. Theo đó, nếu trong 6 tháng tới (cụ thể là 23.4.2018), Việt Nam không đáp ứng được các yêu cầu mà EU đưa ra, thì nguy cơ sẽ bị “giơ thẻ đỏ”, tức là cấm hoàn toàn việc xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào EU.

Mặc dù lệnh rút thẻ vàng của EU bắt đầu có hiệu lực từ ngày 23.10 chỉ áp dụng đối với hải sản khai thác từ biển (tỉ lệ xuất sang EU chỉ trên 5%) chứ không phải cả với thủy sản nuôi trồng. Nhưng các chuyên gia đánh giá, thị trường này rất khó tính, nếu dính “thẻ đỏ” thì rất khó mở cửa trở lại, chưa kể sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới hải sản nuôi trồng khác.

Nông nghiệp 4.0 và lời giải cho bài toán 40 tỉ USD

Theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, việc sau 30 năm đổi mới, thu nhập vùng nông thôn vẫn chỉ bằng 55,8% thu nhập thành thị, vùng trung du - miền núi phía Bắc chỉ bằng 46,5% thu nhập thành thị và nếu không có các giải pháp mới, đột phá thì phải mất 10-15 năm nữa thì thu nhập nông thôn mới bằng 2/3 thu nhập thành thị.

“3 câu hỏi: Trồng cây gì, nuôi con gì, bán cho thị trường nào và tổ chức sản xuất như thế nào vẫn là nền tảng để người nông dân có thu nhập cao hơn và nông nghiệp phát triển bền vững hơn”- Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh.

Thực tiễn đang chỉ ra nhóm sản phẩm mới có tiềm năng đột phá xuất khẩu và nâng cao thu nhập cho nông dân: Xuất khẩu quả-rau-hoa đã vượt qua xuất khẩu dầu thô và gạo.

Trao đổi với Lao Động về câu chuyện làm sao để phát triển bền vững nền nông nghiệp nói chung và ngành chăn nuôi nói riêng, TS Ngô Thị Kim Cúc - Phó Viện trưởng Viện Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - cho rằng, cần phải tổ chức lại sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi, tiến hành hiện đại hóa đi theo nền sản xuất lớn, tích cực nghiên cứu ứng dụng KH&CN cao trong sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi, đón “sóng” cách mạng công nghiệp 4.0 của thế kỷ XXI.

Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao là con đường ngắn nhất giúp thu hẹp khoảng cách về công nghệ và hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp giữa Việt Nam và các nước tiên tiến trên thế giới.

Để đạt mục tiêu 40 tỉ USD và cao hơn, có tính bền vững cần nhiều thời gian và nỗ lực. Lời giải đầu tiên đó là việc xuất khẩu không chỉ chạy theo thành tích số lượng mà tập trung đẩy chất lượng và giá trị sản phẩm. Năm qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC) đến năm 2020 quy định rõ: Đưa tỉ trọng giá trị sản xuất NNƯDCNC chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của cả nước; hình thành và phát triển khoảng 200 doanh nghiệp NNƯDCNC tại các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm... Đi cùng với nó là gói vay 100.000 tỉ đang giải ngân và nhận được phản hồi tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp làm nông nghiệp.

Điều tiên quyết để khơi thông dòng chảy xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp là tháo bỏ những điều kiện kinh doanh. Theo thống kê, ngành nông nghiệp có tổng số 345 điều kiện đầu tư kinh doanh. Đến nay Bộ NNPTNT đã đề xuất bãi bỏ, sửa đổi 118 điều kiện (chiếm 34,2%), trong đó bãi bỏ 65 điều kiện, sửa đổi theo hướng rút gọn 53 điều kiện. Chính phủ yêu cầu cao hơn, trong năm 2018 Bộ NNPTNT phải bãi bỏ và sửa thêm 59 điều kiện kinh doanh để đạt mục tiêu bãi bỏ 50% thủ tục theo Nghị quyết 19. Hiện, bộ đang có 7.698 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành, cần cắt giảm 50% để đạt con số 3.849 dòng hàng phải kiểm tra thủ tục chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu.

Làm được việc này, không chỉ là câu chuyện thoát nghèo mà còn đưa tỉ trọng xuất khẩu nông nghiệp lên một tầm cao mới, thoát khỏi cái bóng xuất khẩu khoáng sản, dầu thô.

TS Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Cần “hóa giải” những yếu kém thành lợi thế

Với kết quả đạt được trong năm 2017, thì mức XK 40 tỉ USD mà Thủ tướng giao cho Bộ NNPTNT chỉ tăng khoảng 10% là khả thi, bởi lĩnh vực thủy sản và rau - củ - quả vẫn còn nhiều dư địa. TS Lưu Bích Hồ cũng cho rằng, cả hai khâu nuôi trồng và chế biến của chúng ta đang yếu kém, cần cơ cấu lại. Bởi nguyên liệu là nền của chất lượng, và chế biến phải có công nghệ tốt hơn. Để đạt được con số trên 36 tỉ USD trong năm qua, ngành NN đã phải gồng mình khắc phục nhiều “điểm nghẽn”. Trong đó, về mặt hàng rau quả và trái cây với tổng sản lượng hiện có 22 triệu tấn/năm, nhưng chúng ta mới chế biến được 9%. So với giá trị hiện có và giá trị khai thác, thì đây là khâu yếu, cần phải tập trung đẩy mạnh, cần tăng cường ứng dụng KHCN nhiều hơn nữa và đặc biệt phải tiếp tục chú ý hai “nút thắt” mà hiện nay chúng ta chưa làm tốt: Chế biến sâu, mở rộng thị trường. Nếu khắc phục được sự cố “thẻ vàng từ EU”, hải sản Việt Nam sẽ nâng cao chất lượng, xây dựng được thương hiệu, có giá trị XK bền vững hơn tại các thị trường cao cấp như EU, Mỹ, Nhật Bản, Australia...

Huỳnh Minh Tuấn - Giám đốc Sở KHCN Đồng Tháp: Quan hệ giữa nông dân và doanh nghiệp phải chặt chẽ

Những DN hoạt động bài bản đòi hỏi nông dân gây dựng được vùng nguyên liệu sạch rồi mới dám ký hợp đồng trong khi nông dân đòi hỏi DN đảm bảo bao tiêu đầu ra rồi mới dám đầu tư làm vùng nguyên liệu sạch. Trong thời gian tới, với tình hình hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, chúng ta phải có những giải pháp rất tổng thể. Một mặt chúng ta đàm phán với các nước để tháo gỡ rào cản về thị trường; mặt khác, để giải quyết các rào cản kỹ thuật từ các thị trường thì chúng ta đã phải quyết liệt tổ chức sản xuất theo chuỗi từ sản xuất nguyên liệu, chế biến, bảo quản đến thương mại, tiêu thụ sản phẩm để vừa cắt giảm chi phí, quản lý được chất lượng sản phẩm và hài hòa được lợi ích của các đối tác trong chuỗi giá trị, bảo đảm lợi ích cho nông dân; khuyến khích bà con nông dân liên kết với doanh nghiệp, tham gia các hợp tác xã để hình thành chuỗi sản xuất khép kín, đưa sản phẩm phù hợp với các thị trường. KHÁNH VŨ

LINH ANH - KHÁNH VŨ
TIN LIÊN QUAN

Video: Đàn trâu sặc sỡ sắc màu tại lễ hội Tịch Điền Đọi Sơn

Đăng Khoa |

Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn (tổ chức tại xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) tổ chức vào ngày mùng 7 tháng Giêng, với sự tham gia của hàng nghìn người dân và du khách thập phương là nơi lưu giữ nét đẹp, bản sắc văn hóa của dân tộc.

Cận cảnh linh vật chó cưỡi mình trâu trong lễ Tịch điền

Dung Hà |

Những chú trâu tham gia lễ hội Tịch điền (Duy Tiên, Hà Nam) được trang trí những họa tiết sinh động, trong đó nổi bật là hình linh vật chó biểu tượng cho năm Mậu Tuất.

Cụ ông 90 tuổi khoác long bào giả vua đi cày trong lễ hội Tịch điền Đọi Sơn

Dung Hà |

Sáng 22.2, tức ngày mùng 7 Tết Mậu Tuất, tỉnh Hà Nam đã long trọng tổ chức Lễ hội Tịch điền tại cánh đồng xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên nhằm khuyến khích nhân dân sản xuất nông nghiệp, mở ra điển lễ để các đời sau noi theo.

Chứng khoán: Thị trường giữ trạng thái đi ngang trong ngắn hạn

Gia Miêu |

Xu hướng đi ngang ngắn hạn của thị trường chứng khoán dự báo sẽ tiếp tục được duy trì và chỉ số sẽ chuyển trạng thái vào sau kỳ nghỉ lễ.

Vì sao Đại học quốc gia Hà Nội giới hạn thi đánh giá năng lực 2 lần?

Linh Chi - Dương Anh |

Từ năm 2023, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) sẽ giới hạn mỗi thí sinh chỉ được đăng ký thi đánh giá năng lực tối đa 2 lần. Điều này được GS.TS Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm khảo thí ĐHQGHN lý giải là do muốn tạo công bằng cho các thí sinh.

Khán giả Việt Nam tiếc nuối chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo

Chi Trần |

Người hâm mộ Việt Nam tiếc nuối khi phải nói lời chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo sau hơn 5 năm gắn bó.

Tranh luận trả lương tháng 13 và thưởng Tết nguyên đán

TUỆ NHI |

Dù đã 26 tháng Chạp nhưng nhiều người vẫn chưa được nhận lương tháng thứ 13 hay tiền thưởng Tết và đùa rằng với họ niềm vui xuân vẫn chưa về.

Apple đang ấp ủ gì với dòng Mac Pro mới?

Anh Vũ |

Đã bước sang năm thứ tư kể từ lần cuối cùng Apple tung ra máy tính Mac Pro, mẫu máy tính mãnh mẽ nhất mà hãng có thể sản xuất. Vậy điều gì đang diễn ra với Mac Pro, và liệu nó có được làm mới vào năm 2023 hay không?

Video: Đàn trâu sặc sỡ sắc màu tại lễ hội Tịch Điền Đọi Sơn

Đăng Khoa |

Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn (tổ chức tại xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) tổ chức vào ngày mùng 7 tháng Giêng, với sự tham gia của hàng nghìn người dân và du khách thập phương là nơi lưu giữ nét đẹp, bản sắc văn hóa của dân tộc.

Cận cảnh linh vật chó cưỡi mình trâu trong lễ Tịch điền

Dung Hà |

Những chú trâu tham gia lễ hội Tịch điền (Duy Tiên, Hà Nam) được trang trí những họa tiết sinh động, trong đó nổi bật là hình linh vật chó biểu tượng cho năm Mậu Tuất.

Cụ ông 90 tuổi khoác long bào giả vua đi cày trong lễ hội Tịch điền Đọi Sơn

Dung Hà |

Sáng 22.2, tức ngày mùng 7 Tết Mậu Tuất, tỉnh Hà Nam đã long trọng tổ chức Lễ hội Tịch điền tại cánh đồng xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên nhằm khuyến khích nhân dân sản xuất nông nghiệp, mở ra điển lễ để các đời sau noi theo.