Truyền hình trực tiếp: "Kiên quyết loại bỏ các điều kiện kinh doanh “trói” doanh nghiệp"

Nhóm PV |

Hưởng ứng chủ trương cắt bỏ các điều kiện kinh doanh gây khó doanh nghiệp của Thủ tướng Chính phủ, vào lúc 8h30 sáng nay 18.10, Báo Lao Động tổ chức buổi truyền hình trực tiếp với chủ đề: “Kiên quyết loại bỏ các điều kiện kinh doanh “trói” doanh nghiệp”.

Khách mời tham dự buổi tọa đàm trực tiếp gồm: Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Công Thương; Bà Tống Thị Hạnh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Xây dựng; Bà Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế; Ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ (CIEM).

Toàn bộ nội dung cuộc tọa đàm được phát trực tiếp trên Báo Lao động điện tử - laodong.vn, Cổng Thông tin điện tử công đoàn Việt Nam - congdoan.vn và fanpage của Báo Lao Động. 

Tổng Biên tập Báo Lao Động Nguyễn Ngọc Hiển tặng hoa cho các khách mời của chương trình. Ảnh: Sơn Tùng.
Tổng Biên tập Báo Lao Động Nguyễn Ngọc Hiển tặng hoa cho các khách mời của chương trình. Ảnh: Sơn Tùng.

Mở đầu buổi truyền hình trực tiếp, thay mặt Ban Biên tập và cán bộ phóng viên Báo Lao Động, ông Nguyễn Ngọc Hiển - Tổng Biên tập Báo Lao Động gửi lời cảm ơn tới các khách mời tham dự buổi truyền hình trực tuyến hôm nay.

Trước khi tham gia tọa đàm, các vị khách mời cùng khán giả theo dõi video clip do Báo Lao Động thực hiện về sự thay đổi của môi trường kinh doanh khi các bộ, ngành thực hiện việc rà soát cắt bỏ các giấy phép con, “cởi trói” cho doanh nghiệp.

Người đầu tiên tham gia tọa đàm là ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện NCQL Kinh tế TƯ.

Xin được hỏi ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện NCQL Kinh tế TƯ - đơn vị đã có những thống kê về tình trạng các điều kiện kinh doanh đang "hành" doanh nghiệp hiện nay, ông có nhận xét gì về đoạn clip ngắn vừa rồi?

- Ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện NCQL Kinh tế TƯ: Có lẽ đây là lần đầu chúng ta thống kê và đưa ra các con số về giấy phép con. Nhưng tôi không cho rằng nhiều có nghĩa là xấu và ít có nghĩa là tốt. Cái đáng bàn ở đây là chúng ta nhìn về mặt nội dung. Chủ trương của Chính phủ hiện nay là chúng ta đang thúc đẩy sự cạnh tranh, thúc đẩy sự sáng tạo, để có thể đưa doanh nghiệp VN vào giai đoạn cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Chúng tôi phát hiện ra rằng, rất nhiều điều kiện kinh doanh có tác động ngược lại, cản trở cạnh tranh, cản trở sự sáng tạo, tăng rủi ro cho doanh nghiệp. Chính vì thế, Chính phủ đang quyết tâm bãi bỏ những điều kiện kinh doanh đang đi ngược lại sự thúc đẩy sáng tạo, sự cạnh tranh của doanh nghiệp. Đằng sau đó, chúng ta hình dung ra câu chuyện thế này: Hiện nay, cùng với sự thay đổi của khoa học công nghệ, quản lý xã hội, thậm chí thay đổi nhận thức của doanh nghiệp, chính bản thân doanh nghiệp cần có ý thức nâng cao sản phẩm của mình.

ông Phan Đức Hiếu- Phó Viện trưởng Viện NCQL Kinh tế TƯ.
Ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện NCQL Kinh tế TƯ.

Ở đây chúng ta cần hiểu, bãi bỏ điều kiện kinh doanh là thay đổi tư duy quản lý nhà nước, bãi bỏ tư duy quản lý trực tiếp can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh, để thúc đẩy kinh cạnh tranh, thúc đẩy sự sáng tạo. Đó là thông điệp chính của cuộc cải cách lần này.

Về phía Bộ Công Thương, sẽ có 675 điều kiện kinh doanh được Bộ này tuyên bố bãi bỏ. Đây là quyết định của một kết quả rà soát, đã được công bố một cách công khai. Tôi đánh giá rất cao 2 nội dung mà Bộ Công Thương đã làm được: Đó là lần đầu tiên trong lịch sử, một Bộ tự rà soát và bãi bỏ các quy định của mình. Thứ hai là quá trình diễn ra tương đối công khai minh bạch, lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp, những điều kiện kinh doanh thuộc quyền quản lý của Bộ Công Thương vẫn có thể tiếp tục được xóa bỏ nhiều hơn và có thể lên tới 70 – 80% tổng số đang tồn tại. Quan điểm của Bộ Công Thương về ý kiến này như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Vụ trưởng Vụ Pháp chế -  Bộ Công Thương: Bộ Công Thương hoàn toàn ghi nhận nguyện vọng chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp. Với tinh thần đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 3610a/QĐ-BCT ngày 20/9/2017 về phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2017 – 2018. 

Theo đó, dự kiến có khoảng 55,5% trên tổng số các điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực công thương đã được đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa trong 16 ngành, nghề thuộc Phụ lục IV Luật Đầu tư thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương bao gồm: xăng dầu; khí; tiền chất thuốc nổ; hóa chất; rượu; thuốc lá; thực phẩm; điện; nhượng quyền thương mại; logistic; tiền chất công nghiệp; sở giao dịch hàng hóa; giám định thương mại; đa cấp; thương mại điện tử; vật liệu nổ công nghiệp (bao gồm cả hoạt động tiêu hủy).

Tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ ngày 22.9.2017 và ngay tại cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập Nghị định sửa đổi một số Nghị định về đầu tư kinh doanh ngành công thương diễn ra ngày 13 tháng 10 năm 2017 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã luôn khẳng định: “Việc rà soát, xây dựng, thực hiện phương án cắt giảm, đơn giản hóa vừa qua là bước đầu tiên trong tiến trình chung của Bộ về cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế của đất nước. 

Công tác rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa thêm các điều kiện đầu tư kinh doanh, thủ tục hành chính là công tác thường xuyên, liên tục và cần được tiến hành theo lộ trình từng bước vững chắc, đảm bảo khả thi, đồng bộ, thống nhất". 

Như vậy, việc tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp, không có mục tiêu quản lý nhà nước, tạo gánh nặng lên cộng đồng doanh nghiệp chắc chắn sẽ được tiếp tục triển khai, thực hiện.

Tuy nhiên, tại Quyết định 3610a, công tác rà soát, triển khai cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh phải đảm bảo 5 nguyên tắc lớn phải kiên quyết thực hiện cho công tác này bao gồm: 

Thứ nhất, chuyển đổi phương thức quản lý nhà nước bằng việc chuyển dần sang hậu kiểm trong xây dựng, thực hiện các điều kiện kinh doanh.

Thứ hai, tính đến các điều kiện gia nhập thị trường theo các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. 

Thứ ba, điều kiện đầu tư, kinh doanh nếu thực sự cần thiết cũng phải đáp ứng các tiêu chí theo quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư 2014. 

Thứ tư, phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh và chuyển đổi phương thức quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực phải được đánh giá, xem xét thận trọng về tính khả thi, các điều kiện nguồn lực của cơ quan quản lý nhà nước các cấp, xem xét khả năng phân cấp mạnh mẽ hơn cho các địa phương trong quản lý, thực hiện.

Thứ năm, phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh cần phải gắn với công tác cải cách hành chính, đặc biệt là công tác cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính.

Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Công Thương.
Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Công Thương.

Vừa rồi có những điều kiện nói là xóa bỏ, thực tế là gộp nhiều điều kiện lại làm một. Sắp tới, Bộ Công Thương có xóa bỏ thực chất 675 điều kiện kinh doanh hay vẫn theo cách đã làm?

Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân: Qua phản ánh của một số cơ quan báo chí về một số lỗi trùng lặp trong các điều kiện đầu tư, kinh doanh được đề xuất cắt giảm theo Phụ lục Quyết định 3610a/QĐ-BCT (liên quan đến lĩnh vực kinh doanh thực phẩm), Bộ Công Thương đã rà soát và phát hiện có 18 điều kiện kinh doanh cụ thể liên quan thuộc Phụ lục. 

Kinh doanh thực phẩm thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương có sự trùng lặp. Theo đó, điều kiện kinh doanh đã bị gạch bỏ vẫn tồn tại ở các dòng ngay trước hoặc sau dòng đã gạch bỏ. Bộ Công Thương khẳng định các điều kiện này đã được đề xuất bãi bỏ và sẽ được bãi bỏ tại văn bản quy phạm pháp luật đang được triển khai xây dựng.

Thưa ông Phan Đức Hiếu, ông có đồng quan điểm với ông Nguyễn Sinh Nhật Tân không?

Ông Phan Đức Hiếu: Tôi rất đồng ý với quan điểm loại bỏ điều kiện kinh doanh trói doanh nghiệp, chính là thay đổi phương thức quản lý nhà nước. Chúng ta phải hình dung hiện nay nước ta có hơn 500.000 doanh nghiệp, nhưng sắp tới có thể là 2 triệu, 3 triệu, như vậy việc kiểm soát 100%, cả tiền kiểm và hậu kiểm, là điều không thể. 

Chính vì thế, phương pháp quản lý rủi ro tính đến 2 yếu tố: Một là hiệu lực (quy định của cơ quan quản lý đặt ra phải đảm bảo được thực thi), thứ hai là tính hiệu quả (chi phí bỏ ra phải phù hợp với lợi ích mà xã hội mang lại). Các bộ, ngành buộc phải phân loại được loại doanh nghiệp, sản phẩm dịch vụ, kèm theo đó là các nguy cơ gây rủi ro thấp hay cao. 

Một điều quan trọng nữa là từ trước đến nay, chúng ta đang quên vai trò của người tiêu dùng, của xã hội trong việc tham gia giám sát. Nhà nước không phải là người duy nhất giám sát, mà cần thúc đẩy sự tham gia giám sát của xã hội. Đây là điều rất quan trọng trong việc quản lý rủi ro. Chúng ta nên chuyển hẳn cách quản lý, từ việc trói doanh nghiệp sang việc tạo ra môi trường linh hoạt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

Bà Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế: Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của ông Phan Đức Hiếu, nguyên tắc quản lý an toàn thực phẩm phải là toàn bộ quá trình nhưng không có nghĩa chỉ tập trung khâu nguy cơ, bỏ khâu khác. Sản phẩm phải được kiểm soát chặt từ khâu đầu tiên đến cuối cùng. 

Một số nước tiên tiến quản lý từ vật nuôi, cây trồng…, nhưng không thể so sánh quy mô chăn nuôi và trồng trọt với các nước với Việt Nam và một số nước lân cận còn sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, cụ thể là quy mô hộ gia đình. Do đó, việc quản lý, giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước là rất khó. Thời gian tới, chúng ta cần tập trung sản xuất, chăn nuôi có quy mô và chịu sự quản lý chặt chẽ. 

Thưa bà Trần Việt Nga, được biết Chính phủ đã giao Bộ Y tế phối hợp với các bộ ngành, hiệp hội để sửa Nghị định 38 hướng dẫn chi tiết thực hiện Luật An toàn thực phẩm ban hành năm 2012. Nội dung đang có nhiều tranh cãi là kiểm tra chuyên ngành và công bố thực phẩm. Quan điểm của Bộ Y tế khi sửa đổi nghị định này như thế nào?

Bà Trần Việt Nga: Mục tiêu đầu tiên sửa đổi Nghị định 38 là tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp. Hiện Bộ Y tế đã và đang cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương trình Chính phủ sửa đổi để tạo thông thoáng cho doanh nghiệp. Chính phủ đã đồng ý cho doanh nghiệp có những sản phẩm được nhập khẩu không phải công bố, kiểm tra nhà nước và ghi nhãn tiếng Việt. Từ tháng 11.2016 đã bắt đầu thực hiện việc này.

Hiện nay, doanh nghiệp có nhiều ý kiến về công bố sản phẩm, còn nhiều ý kiến trái chiều nhau. Tuy nhiên, đối với một số nhóm sản phẩm cần kiểm soát chặt thì doanh nghiệp vẫn phải công bố và chịu sự quản lý của Nhà nước và cơ quan quản lý Nhà nước xác nhận sự công bố đó. Những sản phẩm ít có nguy cơ thì doanh nghiệp được công bố và sau 7 ngày, nếu cơ quan quản lý không có ý kiến thì doanh nghiệp được phép kinh doanh. 

Bà Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế.
Bà Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế.

Chúng tôi còn tiếp tục xin ý kiến của WTO, của doanh nghiệp để làm sao tìm được biện pháp tốt nhất, tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp. Tạo thông thoáng không có nghĩa là bỏ tất cả các quy định. Trên thế giới chưa có mô hình nào thống nhất để các nước cùng áp dụng mà phải tuỳ thuộc vào từng nước. Hiện Bộ Y tế vẫn tiếp tục tìm hiểu và mong cởi trói cho doanh nghiệp.

Với góc nhìn của chuyên gia, lại là thành viên rà soát điều kiện kinh doanh, ông Phan Đức Hiếu đánh giá thế nào về các giấy phép trong lĩnh vực an toàn thực phẩm của Bộ Y tế, có thật sự phải cần đến nhiều giấy phép như thế không, thưa ông? 

Ông Phan Đức Hiếu: Sự tranh luận này diễn ra trong rất nhiều tháng vừa rồi. Ví dụ như giấy xác nhận về quy định về an toàn thực phẩm không phải là giấy xác nhận về chất lượng sản phẩm đã gây ra rất nhiều tranh cãi. Thực tế đã chứng minh, đó là một thủ tục cực kỳ tốn kém về mặt chi phí, việc xác nhận trên giấy tờ chưa thể đảm bảo sản phẩm lưu thông ra thị trường đã an toàn chưa.

An toàn thực phẩm là một lĩnh vực rất khó, cá nhân tôi cũng là người đọc khá nhiều tài liệu và các phương pháp cách thức tiếp cận về lĩnh vực an toàn thực phẩm. Các nước nghiên cứu khá kỹ, họ không có khái niệm quản lý nhà nước một cách chung chung, an toàn thực phẩm một cách chung chung. Người ta đã phân loại nó, ví dụ, sự an toàn thực phẩm nằm ở đâu, ở khâu nào. Ví dụ như ở khâu chăn nuôi thì con gì là mất an toàn nhiều nhất, nhóm đối tượng nào mất an toàn nhiều nhất, như chăn nuôi quy mô hay nhỏ lẻ. 

Từ việc quy định rất cụ thể này, có những cách kiểm soát sản phẩm đầu ra. Họ chỉ ngăn cấm khi có một số chất vượt quá ngưỡng để đảm bảo sự an toàn. Tiếp theo là họ tăng cường công khai hóa thông tin...

Tôi nghĩ, đã đến lúc Bộ Y tế và một số Bộ liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm cần thay đổi tư duy. Chúng ta không thể nói quản lý nhà nước một cách chung chung.

Việc quản lý chất lượng thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm xuất hiện nay trong bữa ăn hàng ngày của chúng ta rất quan trọng. Bộ Y tế quản lý ra sao? 

Bà Trần Việt Nga: Hiện nay, mỗi Bộ được giao quản lý một số mặt hàng. Tuy nhiên, kỳ vọng có thể quản lý được tốt nhất các mặt hàng như mong muốn là rất khó và cần thời gian. 

Bộ Y tế quản lý 5 nhóm ngành hàng. Bộ Y tế sẽ giao cho các địa phương quản lý các cơ sở ăn uống và thức ăn đường phố. Đồng thời, Bộ Y tế đã nghiên cứu mô hình của một số nước như Thái Lan, Singapre về kinh doanh và quản lý thức ăn đường phố. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng bắt đầu thí điểm thanh tra chuyên ngành. 

Hiện thanh tra chuyên ngành chỉ thực hiện cấp tỉnh mà chưa thực hiện cấp huyện, cấp xã. Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã trình Chính phủ mô hình thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cấp huyện, xã và đã áp dụng. Bộ Y tế cũng đang trình Chính phủ nhân rộng mô hình thanh tra an toàn thực phẩm. 

Thực hiện tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 03/10/2017, Bộ Xây dựng đã có định hướng thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính nói chung và điều kiện kinh doanh nói riêng nào để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Đề nghị bà Tống Thị Hạnh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Xây dựng cho biết ý kiến? 

Tống Thị Hạnh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Xây dựng.
Tống Thị Hạnh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Xây dựng.
Bà Tống Thị Hạnh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Xây dựng: Bộ Xây dựng đã chủ động rà soát, đề xuất bãi bỏ 5 ngành, nghề không thuộc danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện của Luật số 03/2016/QH14 sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư nhưng được quy định tại các Nghị định do Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo.

Bộ Xây dựng đang tiếp tục nghiên cứu, bãi bỏ hoặc thay thế bằng hình thức quản lý khác đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện không đáp ứng tiêu chí tại Điều 7 của Luật Đầu tư “vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

Đối với những ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đáp ứng tiêu chí tại Điều 7 của Luật Đầu tư, Bộ Xây dựng sẽ đề xuất phương án đơn giản hóa các điều kiện đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Bộ Xây dựng đã chủ động đề xuất xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, báo cáo Chính phủ và được đưa vào Chương trình công tác của Chính phủ năm 2017. Hiện nay, dự thảo Nghị định này đang được hoàn thiện, dự kiến trình Chính phủ trong quý IV năm 2017.

Mặc dù chỉ tiêu cấp phép xây dựng được WB đánh giá là chỉ tiêu có thứ hạng cao nhất trong các chỉ tiêu đánh giá môi trường kinh doanh tại Việt Nam nhưng thời gian thực hiện thủ tục cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan còn cao. Để giảm thời gian thực hiện các thủ tục này cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, theo bà phải thực hiện những giải pháp gì?

Bà Tống Thị Hạnh: Chỉ tiêu cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan của Việt Nam (gọi chung là chỉ tiêu cấp phép xây dựng) có sự cải thiện đáng kể qua các năm, từ thứ hạng 157/183 nền kinh tế vào năm 2011 tăng lên thứ hạng 29/189 nền kinh tế vào năm 2014, đến nay Việt Nam đã đạt thứ hạng 24/190 nền kinh tế (theo Doing Business 2017).

Trong những năm vừa qua, chỉ tiêu cấp phép xây dựng của Việt Nam luôn đứng thứ 3 trong các nước ASEAN, chỉ xếp sau Singapore và Malaysia (cao hơn Thailand và Philippines trong nhóm ASEAN 4). Tuy nhiên, thời gian thực hiện thủ tục này ở Việt Nam là 166 ngày (theo đánh giá của WB năm 2017), là một trong những nước có số ngày thực hiện cao (trung bình các nước ASEAN 4 là 82 ngày). 

Để giảm thời gian thực hiện thủ tục cấp giấy phép xây dựng và các thủ tục liên quan, cải thiện chỉ tiêu cấp phép xây dựng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cần triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

+ Thực hiện đồng thời, song song các thủ tục hành chính thông qua việc xây dựng Quy chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương.

+ Giảm thời gian thực hiện thực tế đối với từng thủ tục thông qua việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, đẩy mạnh việc tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích.

+ Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật nhằm thực hiện lồng ghép, giảm thủ tục, đơn giản hóa hồ sơ, giảm thời gian thực hiện thủ tục.

Hiện nay, Bộ Xây dựng đang dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm mục tiêu rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng và các thủ tục liên quan làm cơ sở để các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện; dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ trong quý IV năm 2017.

 
Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân và bà Tống Thị Hạnh.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang nghi ngại việc Bộ Công Thương xóa bỏ điều kiện rồi chuyển sang thành quy chuẩn. Như vậy sẽ không phải là bãi bỏ, mà chuyển từ hình thức này sang hình thức khác. Thậm chí, quy chuẩn kỹ thuật có thể còn khắt khe hơn và tác động mạnh hơn, làm hạn chế doanh nghiệp tham gia thị trường. Lo ngại này của cộng đồng doanh nghiệp có cơ sở hay không, thưa ông Nguyễn Sinh Nhật Tân? 

Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân: Việc quản lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn là một phương thức quản lý hiện đại theo thông lệ quốc tế. Tại Việt Nam, Quốc hội đã ban hành Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với hàng hóa, dịch vụ.

Theo quy định của Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật là quy định về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý, sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế - xã hội phải tuân thủ để bảo đảm an toàn, vệ sinh, sức khoẻ con người; bảo vệ động vật, thực vật, môi trường; bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, quyền lợi của người tiêu dùng và các yêu cầu thiết yếu khác.

Với quy định nêu trên, việc ban hành quy chuẩn kỹ thuật chỉ đảm bảo có cơ sở pháp lý khi có mục tiêu rõ ràng vì mục tiêu công, sức khỏe cộng đồng. Điểm khác biệt giữa quản lý theo điều kiện kinh doanh hiện nay và theo quy chuẩn, kỹ thuật chính là tư duy quản lý nhà nước. Khi đặt ra điều kiện kinh doanh, tư duy quản lý nhà nước sẽ nặng về tiền kiểm, theo đó doanh nghiệp, người dân bắt buộc phải đến cơ quan nhà nước để thực hiện thủ tục hành chính.

Chính điều này dẫn đến nhiều phức tạp, phiền hà, tốn nhiều chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Ngược lại khi có tiêu chuẩn, quy chuẩn rõ ràng, công tác quản lý nhà nước sẽ thuận lợi hơn cho việc chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm theo đó với các quy chuẩn do nhà nước ban hành, người dân, doanh nghiệp không phải đến cơ quan quản lý nhà nước để thực hiện thủ tục hành chính nữa mà họ tự động tuân thủ thực hiện. Cơ quan quản lý nhà nước chỉ tiến hành kiểm tra, giám sát doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. 

Cũng xin lưu ý rằng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước là phải đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp đồng thời đảm bảo các lợi ích công cộng, lợi ích của người dân. Do vậy, điều quan trọng là cơ quan quản lý nhà nước phải có sự chuyển đổi về tư duy quản lý nhà nước, tăng cường sử dụng các công cụ hiện đại, để vừa đảm bảo thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước nhưng với chi phí thấp nhất cho cộng đồng, doanh nghiệp.

Thưa bà Trần Việt Nga, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật cũng như Luật Chất lượng hàng hóa đều nêu rõ: Với nhóm ngành hàng ảnh hưởng tới an toàn sức khỏe con người, bắt buộc phải công bố hợp quy. Trường hợp chưa có quy chuẩn để công bố hợp quy thì công bố phù hợp an toàn thực phẩm, đăng ký công bố hợp quy với cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng, lo cho đủ thủ tục này mất nhiều thời gian, không có tác dụng quản lý chất lượng. Bà có giải thích gì?

Bà Trần Việt Nga: Tất cả các công đoạn tạo ra sản phẩm đều phải kiểm soát trước khi sản phẩm ra thị trường. Việc lấy mẫu khi sản phẩm ra thị trường, phát hiện các chất trong sản phẩm đã ra thị trường hầu như không còn ý nghĩa.

Việc kiểm soát sản phẩm trước khi ra thị trường là quan trọng nhất. Tuy nhiên, với tính chất sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, việc kiểm tra, kiểm soát sản phẩm trước khi đưa ra thị trường là rất khó. Do đó, các bộ đang cùng nhau kiểm tra các mặt hàng trước khi ra thị trường bằng cách cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm như điều kiện vệ sinh môi trường, điều kiện sản xuất, con người… nhưng chưa đi sâu vào quy trình cụ thể sản xuất ra một sản phẩm an toàn.

Thời gian tới, Nghị định 38 sửa đổi sẽ xem xét cụ thể nhóm đối tượng nào cần kiểm soát chặt và nhóm đối tượng nào doanh nghiệp được tự công bố sau đó cơ quan quản lý Nhà nước kiểm tra. Theo lộ trình này, Bộ đã nghiên cứu và đang khu trú vào một số nhóm như sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em, thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm sử dụng trong sản xuất và kinh doanh thực phẩm sẽ được quản lý chặt chẽ. Còn các sản phẩm khác sẽ cho doanh nghiệp tự công bố chất lượng sản phẩm và cơ quan nhà nước hậu kiểm.

Đối với việc cấp phép sản phẩm cuối cùng trước khi đưa ra thị trường, doanh nghiệp phải kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm tại các phòng kiểm nghiệm cơ quan nhà nước chỉ định, đủ điều kiện.

Doanh nghiệp cũng có ý kiến về việc thủ tục hành chính, mất thời gian. Để giải quyết vấn đề này, Cục An toàn thực phẩm đã thực hiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 và đã rút ngắn thời gian cấp phép, minh bạch trong quá trình cấp phép… Dịch vụ công cấp độ 4 sẽ được triển khai xuống tận tuyến dưới trong thời gian tới.

 
Bà Trần Việt Nga và ông Phan Đức Hiếu. 

Nói đến một cửa, bà bình luận ra sao về thực trạng một thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng được thực hiện bởi nhiều cơ quan chuyên môn khác nhau. Ví dụ, trong thẩm định thiết kế của 1 dự án có 3 nội dung là: Thẩm định về xây dựng, thẩm định về phòng cháy chữa cháy, thẩm duyệt về môi trường hiện do 3 cơ quan khác nhau thực hiện? 

Bà Tống Thị Hạnh: Theo quy định của Luật Xây dựng năm 2014 và Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng thì khi tiếp nhận hồ sơ thẩm định dự án, thiết kế xây dựng, cấp giấy phép xây dựng, cơ quan đầu mối thẩm định, cấp giấy phép xây dựng có trách nhiệm tổ chức thẩm định và đồng thời lấy ý kiến của các đơn vị có liên quan theo cơ chế một cửa liên thông, không gửi nhiều đầu mối và thực hiện riêng từng thủ tục như trước đây.

Theo đó, thủ tục thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy, thỏa thuận về cấp điện, cấp nước và ý kiến của các ngành có liên quan đến dự án được thực hiện đồng thời với quá trình thẩm định dự án, thẩm định thiết kế xây dựng, cấp giấy phép xây dựng.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện quy định này trên thực tế còn gặp nhiều khó khăn do có sự khác nhau giữa các quy định của pháp luật chuyên ngành. Theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và pháp luật về phòng cháy chữa cháy thì thủ tục thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và thủ tục thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy được thực hiện riêng rẽ, độc lập với thủ tục thẩm định dự án, thẩm định thiết kế xây dựng, cấp giấy phép xây dựng.

Do vậy, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu, đề xuất hướng sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan theo hướng lồng ghép (thực hiện đồng thời) thủ tục thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường với thủ tục thẩm định dự án, thẩm định thiết kế xây dựng, cấp giấy phép xây dựng.

Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành có liên quan để hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục thẩm định dự án, thiết kế xây dựng, cấp giấy phép xây dựng trên thực tế.

Theo ý kiến của nhiều đơn vị, thủ tục hành chính quá nhiều khâu không có tác dụng đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm bởi mọi thủ tục chỉ là trên giấy tờ chứ thanh tra của Cục cũng không đến tận nơi sản xuất. Ý kiến của bà ra sao?

Bà Trần Việt Nga: Không phải chúng tôi không đến cơ sở sản xuất. Bởi trước khi doanh nghiệp được cấp phép sản xuất, kinh doanh, cơ quan quản lý Nhà nước đã phải đến kiểm tra và cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho doanh nghiệp.

Với những điều kiện vệ sinh chưa phải đáp ứng đủ hết điều kiện sản xuất kinh doanh mà chỉ là một phần, ngay cả trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, cơ quan quản lý vẫn tiếp tục tư vấn, giám sát thêm cho doanh nghiệp. Ngay cả trong quá trình sản xuất, cơ quan quản lý nhà nước cũng tiến hành kiểm tra đột xuất, thường xuyên.

Tôi cho rằng, chúng ta cắt bỏ hết các quy định không nên đồng loạt, ào ào. Chúng ta phải xem xét cắt bỏ, giảm bớt quy định cụ thể nào chứ không được cắt giảm ồ ạt.

Ngày 13.10, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chủ trì buổi họp về cắt giảm các thủ tục đầu tư kinh doanh và đã khẳng định, 675 điều kiện đề xuất cắt giảm vừa qua chưa phải là con số cuối cùng. Nghĩa là cái kéo cắt gọt thủ tục của Bộ vẫn trên tay mà chưa thể cất đi, thưa ông Tân?

Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân: Như đã trình bày ở trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã khẳng định công tác rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa thêm các điều kiện đầu tư kinh doanh, thủ tục hành chính là công tác thường xuyên, liên tục và cần được tiến hành theo lộ trình từng bước vững chắc, đảm bảo khả thi, đồng bộ, thống nhất. Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện công tác theo đúng 5 nguyên tắc đã nêu ở trên.

Nhiều điều kiện được Bộ Công Thương cắt bỏ chỉ để lại đề mục, doanh nghiệp đến Bộ chỉ còn xin cấp phép cho đề mục trong khi điều kiện kinh doanh không còn nữa. Ví dụ muốn bán buôn rượu thì dĩ nhiên phải là doanh nghiệp, vậy thì nên chăng xóa bỏ luôn giấy phép bán buôn, bán lẻ rượu...?

Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân: Đây cũng là nội dung Bộ Công Thương đang tiến hành triển khai rà soát. Tại cuộc họp ngày 13 tháng 10 năm 2017 nêu trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã khẳng định việc triển khai cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh cần được tiến hành đồng thời với rà soát, cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực có liên quan; cân nhắc bãi bỏ, đơn giản hóa các thủ tục hành chính (tương ứng với các điều kiện kinh doanh đã được đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa); hướng tới triển khai mạnh dịch vụ công cấp độ 4 hoặc xã hội hóa việc thực hiện dịch vụ công cho các thành phần kinh tế khác thực hiện.  

Chúng ta vừa lắng nghe rất nhiều ý kiến của ba bộ ngành, của doanh nghiệp. Vậy, với góc độ chuyên gia kinh tế, ông Phan Đức Hiếu có những đề xuất gì để tạo sự thông thoáng hơn nữa cho môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp?

Ông Phan Đức Hiếu: Có hai nội dung chúng ta đã trao đổi. Đầu tiên là phương pháp, tôi cho rằng đại diện các bộ, ngành cần nhìn nhận một cách thật sự sắc nét. Chúng tôi rất hay tranh luận với các bộ về vấn đề quản lý. Đây là vấn đề đương nhiên, đó là trách nhiệm, bổn phận mà các bộ, ngành phải làm. Điều quan trọng là chúng ta cần chỉ ra quản lý bằng phương pháp nào, ít tác động lên chi phí của doanh nghiệp nhất, tiết kiệm về thời gian nhất thì cần ưu tiên.

Tôi đã từng chứng kiến những doanh nghiệp khóc trong các cuộc hội thảo, chỉ vì đơn giản thế này: Chậm 10 ngày hay 30 ngày xin giấy phép với cơ quan nhà nước có thể không có nghĩa lý gì, nhưng tôi xin khẳng định một sản phẩm làm ra phải đợi đến 30 ngày mới được bán ra thị trường thì sẽ giảm tính cạnh tranh, có thể dẫn đến việc doanh nghiệp bị phá sản. Một ngày đối với họ đã như ngồi trên đống lửa. Một giấy tờ, một thủ tục đôi khi phát khóc.

Tôi lấy ví dụ cá nhân tôi, một việc không liên quan đến kinh doanh, tôi cứ suy nghĩ mãi mấy năm gần đây. Khi tôi nộp đơn xin đi học cho con, ở Cầu Diễn (Từ Liêm, Hà Nội). Khi tách Từ Liêm  ra thành quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm, nhà tôi ở ngay cạnh trường, khi nộp đơn xin cho con, nhà trường yêu cầu tôi đi xin giấy xác nhận là “tôi ở Bắc Từ Liêm”. Và tôi cũng không hiểu tôi làm thế nào để chứng minh nhà tôi ở đấy, ở ngay cạnh trường. Tôi phải đi hỏi và làm các thủ tục để xác nhận.

Các bộ, ngành có thể hiểu, mỗi khi các vị yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thêm một giấy tờ nào đó, họ có thể phải chạy đôn chạy đáo. Nhiều điều này góp phần tạo ra thất bại cho doanh nghiệp một cách đau đớn, vì không phải do thị trường, không phải từ cạnh tranh hay họ kém thông minh, đơn giản chỉ vì thủ tục của chúng ta, hoặc việc giải quyết thủ tục không đúng thời gian. 

Một chữ chúng ta viết ra có thể gây chi phí cả tỉ đồng cho doanh nghiệp, cho xã hội. Vì vậy, cái quan trọng nhất là chúng ta đưa ra quy định gì, viết ra cái gì, vừa phải đảm bảo đòi hỏi ngày càng cao của xã hội vừa phải thực sự giảm được chi phí cho doanh nghiệp.

Tôi đồng ý cách tiếp cận của Bộ Xây dựng. Ngay từ khi chúng ta chưa sửa luật, chưa gạch bỏ được những điều kiện kinh doanh ở trong luật, thì cần có tư duy làm thế nào để thủ tục hành chính nhanh hơn, thuận lợi hơn, ít gây tác động, làm mất đi cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp. Biện pháp pháp lý an toàn nhất là phải tiến tới những động thái cụ thể.

Đó là Bộ Công thương có thể ra một văn bản, cơ sở pháp lý trong đó nói rõ bãi bỏ 100 điều hay 200 điều trong các nghị định sau đây.... Tức là phải có một đạo luật để sửa các đạo luật. Đây là biện pháp mà xã hội rất mong chờ.

Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân: Chính phủ hiện nay đang thể hiện một quyết tâm rất lớn. Chúng ta cũng đang dần dần chuyển từ tư duy, rồi đến cách thức quản lý theo hướng tích cực. Với tinh thần và chủ trương hiện này, chúng tôi nghĩ các bộ, ngành, cơ quan không chỉ ở trung ương mà ở cả địa phương sẽ quán triệt và thực hiện.

Quan trọng là cần chỉ rõ ra những quy định nào đang cản trở doanh nghiệp. Muốn chỉ ra được thì cơ quan nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia cùng ngồi để bàn, để hiện thực hóa nó. Chúng tôi sẵn sàng ghi nhận và lắng nghe. Đây là cả một quá trình thường xuyên và liên tục chúng ta cùng làm, miễn là tạo nên một môi trường kinh doanh vừa có tính cạnh tranh, an toàn cho tất cả mọi người.

Chương trình truyền hình trực tuyến “Kiên quyết loại bỏ các điều kiện kinh doanh “trói” doanh nghiệp” do Báo Lao Động tổ chức xin được kết thúc. Cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi và hẹn gặp lại ở các chương trình tiếp theo.

Nhóm PV
TIN LIÊN QUAN

Nhiều người trên thế giới tin tưởng sẽ giàu có hơn sau lạm phát

Quý An (theo Reuters) |

Có 2/5 số người được hỏi tin rằng họ sẽ giàu có hơn trong tương lai, trong bối cảnh suy thoái kinh tế và lạm phát.

Các nhà vườn miền Tây tất bật vận chuyển hoa ra chợ bán Tết

YẾN PHƯƠNG |

Tại một số vườn hoa Tếtmiền Tây, vào thời điểm này, các nhà vườn đang tất bật với việc xuất hoa bán cho thương lái, hoặc vất vả vận chuyển từng chậu hoa từ vườn ra chợ để bán Tết.

Cận Tết tôm, cua Cà Mau nắm tay tăng giá chóng mặt vẫn không đủ hàng để bán

NHẬT HỒ |

Cà Mau - Giá một kg tôm đất khô đã lên đến 1,7 triệu đồng. Không thua kém tôm đất khô, cua gạch Cà Mau cũng có giá lên đến 1,2 triệu đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây và không đủ hàng để bán.

Hơn 4.441 tỉ đồng chăm lo đoàn viên công đoàn trong dịp Tết Nguyên đán

Hà Anh |

Trước dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các cấp công đoàn đã và đang tập trung tổ chức chăm lo cho hàng triệu đoàn viên, người lao động (ĐV, NLĐ), đặc biệt quan tâm đến những người có hoàn cảnh khó khăn, nhiều năm chưa có điều kiện về quê đón Tết, bị giảm, thiếu, mất việc làm…

Tăng cường củng cố tin cậy chính trị Việt Nam - Hàn Quốc

Thanh Hà |

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo nhất trí tiếp tục tăng cường củng cố tin cậy chính trị.

Tướng hàng đầu Mỹ thị sát quân đội Ukraina

Ngọc Vân |

Tướng Mỹ Mark Milley đến Đức để giám sát chương trình huấn luyện binh sĩ Ukraina của Lầu Năm Góc.

Hà Nội ngày cận Tết, ra khỏi nhà là gặp... tắc đường

Tô Thế |

Hà Nội - Cũng như mọi năm vào dịp cận Tết Nguyên đán, các tuyến đường ở Hà Nội luôn có mật độ phương tiện lưu thông rất cao. Nhiều tuyến phố ùn tắc bất kể ngày đêm.

Hà Nội phân luồng ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc dịp Tết

PHẠM ĐÔNG |

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tổ chức phân luồng cho phương tiện ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.