Doanh nghiệp (DN) cho rằng, tỉnh o ép DN nhỏ, muốn “tịch thu” để nhường cho DN lớn. Quan điểm của tỉnh Gia Lai, thu hồi để quy hoạch Khu Trung tâm thương mại, làm đòn bẩy phát triển và bất kỳ DN nào cũng có quyền đấu giá, đầu tư.
Doanh nghiệp: “Tỉnh làm khó”
Cty CP Sản xuất - Kinh doanh lâm sản Gia Lai (Cty Lâm sản Gia Lai) do ông Huỳnh Vĩ Đương (SN 1970, trú P.Bến Nghé, quận 1, TPHCM) làm Giám đốc đã khiếu nại Quyết định (QĐ) thu hồi đất của tỉnh Gia Lai. Bởi lẽ, diện tích đất “vàng” 6.389,4m2 ở 17/ Trường Chinh, tỉnh Gia Lai đã cho Cty thuê tại QĐ số 108 (ngày 2.6.2006), làm phân xưởng sản xuất kinh doanh, thời hạn thuê đến 21.12.2021.
Tiền thân của khu đất “vàng” này trước đó, cũng chính tỉnh Gia Lai cho Cty Lâm sản Gia Lai thuê. Năm 2014, Cty cổ phần hóa, ông Huỳnh Vĩ Đương cùng cổ đông bỏ ra 35 tỉ đồng mua cổ phần, tiếp quản. Mà theo Cty, trước đó đơn vị kinh doanh thua lỗ, nhân sự mới phải “oằn lưng” trả nợ lương người lao động (NLĐ), nợ bảo hiểm xã hội, nợ thuế và nợ ngân hàng.
Cty cho rằng, việc thu hồi đã đẩy Cty vào cảnh “trở đi mắc núi trở về mắc sông”; không đầu tư thì sản xuất đình trệ, mà đầu tư thì đằng nào tỉnh cũng thu hồi (đến hạn 2021).
Cty trưng ra 2 trong số nhiều hợp đồng (HĐ) kinh doanh đã ký kết với đối tác nước ngoài có “dấu hiệu phá sản” do quyết định thu hồi đất của tỉnh tác động, đó là HĐ số 2017-2019/GFC-GL (ngày 17.4.2017) với đối tác DN nước Đức có giá trị 8 triệu USD và HĐ số LTC8 với đối tác Malaysia, giá trị 27 tỉ đồng.
Tỉnh Gia Lai: “Quỹ đất sạch phát triển đô thị”
Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư (KHĐT) Gia Lai Hồ Phước Thành cho biết: Công tác thu hồi đất nhằm mở rộng quỹ đất sạch, thu hút đầu tư. Mục đích chính tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh. Vì vậy, cần phải gộp 6.389,4m2 của Cty Lâm sản Gia Lai cùng với khu đất 9.389,1m2 do Trung tâm Quỹ đất tỉnh quản lý nằm bên cạnh để tạo mặt bằng.
“Có mặt bằng sạch, tỉnh tổ chức đấu giá, kêu gọi đầu tư xây dựng tổ hợp thương mại - dịch vụ cao cấp, vui chơi giải trí, kết hợp công trình Shophouse…, gạt bỏ tư duy DN lớn hay DN nhỏ, mà bất kỳ DN nào nếu có đủ năng lực thì đấu giá, triển khai xây dựng” - ông Thành cam kết.
Ông Phạm Ngọc Chung - Phó Trưởng phòng Quy hoạch - Đo đạc sở Tài nguyên - Môi trường (TNMT) cho biết, năm 2015, TP.Pleiku ra quyết sách chỉnh trang đô thị, ghép 6.389,4m2 vào 9.389,1m2, đảm bảo diện tích trên 1,5ha, từ đó đủ tiêu chí xây dựng Trung tâm thương mại - dịch vụ.
Cty Lâm sản Gia Lai tỏ rõ sự thiện chí khi cũng mong muốn tỉnh Gia Lai phát triển, do đó đã nhường khu đất “vàng” 17 Trường Chinh. Đổi lại, tỉnh phải hoán đổi khu đất 4.200m2 tại góc đường Lê Duẩn - Lý Nam Đế cho Cty đầu tư kinh doanh.
Tỉnh Gia Lai cam kết bồi thường 1,5 tỉ đồng cho tài sản trên đất, tuy vậy lại không bố trí khu đất theo Cty đề xuất mà bố trí khu đất khác là 154 đường Trường Chinh, mà theo Cty “khu này không có giá trị thương mại và đang
tranh chấp”.
Không tìm được tiếng nói chung, Cty Lâm sản đã khiếu kiện QĐ 213 thu hồi đất của tỉnh Gia Lai. Bộ TNMT trong QĐ số 460 do Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển ký, đã yêu cầu tỉnh Gia Lai hủy bỏ QĐ 213, do thu hồi đất chưa đúng quy định. Tỉnh Gia Lai sau đó, đã ra QĐ số 414 hủy bỏ QĐ thu hồi đất 213.
Không dừng lại ở đó, với mong muốn tăng tốc phát triển đô thị, tỉnh Gia Lai tiếp tục ban hành QĐ 133 (26.12.2017) thu hồi 6.398,4m2 đất “vàng” 17 Trường Chinh. Cty lại tiếp tục “cầu cứu” Bộ TNMT can thiệp. Chánh Văn phòng UBND tỉnh Gia Lai - ông Ngô Ngọc Sinh - cương quyết: “Vì mục đích phát triển đô thị, nếu Cty không bàn giao để tạo mặt bằng sạch, tỉnh sẽ chỉ đạo cưỡng chế”.