Ngang nhiên cõng hàng vượt biên
Cửa khẩu Tân Thanh thuộc địa bàn xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn, phía bên kia là cửa khẩu thị trấn Bằng Tường (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc). Chỉ cách cửa khẩu Tân Thanh khoảng vài trăm mét là lối rẽ có hàng chục xe container xếp hàng dọc đang đợi đến lượt để trả hàng. Đi sâu vào trong có một khoảng đất trống rộng tới vài nghìn mét vuông. Từ bãi trống này, trước mắt là đồi Keo mà vượt qua đỉnh con đồi là nước bạn (Trung Quốc).
Sau nhiều ngày chúng tôi túc trực quan sát tại bãi đất bốc dỡ hàng này, cảnh dễ dàng nhìn thấy là mỗi khi đêm xuống, hàng trăm cửu vạn rọi đèn nối gót nhau sáng rực cả góc đồi. Để có một chân bốc vác ở đây không hề dễ dàng chút nào, phải nhiều ngày la cà hàng quán, chúng tôi mới tiếp cận được Hùng “nghiện” (là cửu vạn) để được theo nghề. Sau khi tin tưởng, chúng tôi được Hùng dẫn đến một quán nước ven đường cạnh ngã ba chùa Tân Thanh để "dạy" những điều cơ bản trước khi nhận việc. Hùng nói phủ đầu với chúng tôi rằng “tiền thì ai cũng ham, nhưng mới làm thì vác ít thôi, ham tiền trượt chân là chết”.
Hùng "nghiện" là người huyện Văn Lãng, dáng người nhỏ thó, hơi gù, mặt lúc nào cũng nghếch lên, nhìn rất khắc khổ. Hùng nói việc ở đây không thiếu, chỉ sợ không có sức khoẻ, nếu chăm chỉ và làm quen việc, mỗi ngày phải kiếm được từ 700.000 đến 1.000.000 đồng. Theo tính toán của Hùng "nghiện", vác 1kg hàng sang Trung Quốc được chủ trả 1.800 đồng hoặc 2.000 đồng (tuỳ chủ), các bao tải được chia làm nhiều loại từ 25 kg tới 50 kg, cứ tính số kg vác được qua biên là có tiền. “Nếu tối vác thì sáng mai chủ sẽ trả tiền luôn”, Hùng nói.
Không giống như cảnh chúng tôi đã chứng kiến vào những ngày trước đó, khi hàng lậu chỉ được chuyển về đêm, dòng người cõng hàng leo đồi vượt biên, đèn pin soi rọi cả góc đồi; lần này, trong vai làm cửu vạn, vào khung giờ sáng những ngày đầu tháng 1.2019, chúng tôi theo chân Hùng "nghiện" tới bãi tập kết hàng, chờ đợi khoảng 10 phút, một chiếc xe rơ móoc đang lùi vào hướng đường mòn, dân cửu vạn tranh nhau ghi số. Mỗi người sẽ được xếp cho 1 số cùng với tên được ghi vào sổ. Những hộp sầu riêng cân nặng khoảng 25 - 50kg đóng thùng giấy màu vàng nhanh chóng được "phu vạn" xếp vào gùi đeo lên lưng.
Lần đầu làm "cửu", tôi chỉ nhận bao hàng 25 kg, quai gùi bằng sợi dây thừng dù đã có lớp vải lót nhưng nó vẫn hằn sâu cứa vào vai, đau rát. Đường dốc, ướt, hàng dài cửu vạn nối đuôi nhau nhích từng bước chân. Thỉnh thoảng lại có người chao đảo, suýt trượt ngã.
Mất hơn 20 phút đi bộ, chúng tôi cũng lên được tới gần đỉnh dốc… Tại đây, trước mắt là đỉnh con dốc hiện rõ tấm bảng ghi “Khu vực cấm xuất nhập cảnh trái phép”. Phía trên tấm biển này là hàng lán trại hàng nước đã được dựng tự bao giờ. Phía trên đỉnh đổi là hàng cột dựng kiên cố bằng bêtông. Theo lời cửu vạn, hàng cột được dựng để phân biệt được mốc giới. Vượt qua hàng cột bêtông đã là đất Trung Quốc, từ đây nhìn xuống dưới, thấy bãi đất rộng với hàng chục xe đang dỡ hàng.
Biên phòng, hải quan “thả đường biên”?
Trong suốt chuyến đi kéo dài 40 phút, cả đoạn đường đèo huyên náo với hàng trăm cửu vạn cõng hàng. Hàng từ Việt Nam sang Trung Quốc là các loại trái cây như sầu riêng, hàng khô như hạnh nhân, hạt dẻ cười... Còn từ Trung Quốc về chủ yếu quần áo, linh kiện cơ khí, điện tử, điện lạnh, hàng gia dụng. Phía ngoài bao tải hay các thùng cát tông đều có chữ Trung Quốc.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các chủ buôn lậu ít khi xuất hiện, thường mua hàng qua trung gian, điện thoại, mạng Internet hoặc thuê các đối tượng khu vực biên giới làm cai hàng.
Đây là điều lạ lùng bởi khu vực đồi Keo là cánh gà cửa khẩu Tân Thanh không phải xa xôi, hiểm trở gì, chỉ cách Chi cục Hải quan và đồn biên phòng Tân Thanh trên dưới 2 km.
Theo nhiều cửu vạn, việc không gặp bất cứ lực lượng chức năng nào vì đã có cai hàng “bao biên”, nghĩa là cai hàng đã “làm luật” để lực lượng chức năng thả đường biên. Tuy nhiên, số tiền cụ thể làm luật bao nhiêu thì không ai rõ. Chỉ biết, tại kho chứa hàng bãi hàng dưới chân đồi Keo, thỉnh thoảng lại có người lạ cầm quyển sổ vào trong kho rồi đóng cửa kín mít để làm việc với cai hàng.