Cụ thể như Báo Lao Động phản ánh, trao đổi với phóng viên mới đây, ông Võ Trọng Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh - khẳng định tỉnh Hà Tĩnh vẫn giữ nguyên quan điểm đề nghị dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Đề nghị đó trước đây Hà Tĩnh cũng đã gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, gửi Chính phủ và Bộ Chính trị.
“Mặc dù họ đề nghị khai thác nhưng Hà Tĩnh vẫn dứt khoát với quan điểm đề nghị dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê” - ông Hải nói và chia sẻ rằng, rất lo ngại về công nghệ khai thác mỏ sắt Thạch Khê chưa hiện đại, vẫn với kiểu khai thác truyền thống sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn nước, đến môi trường.
Vào cuối tháng 11.2021, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải cũng có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm đồng ý chấm dứt hoạt động khai thác mỏ sắt Thạch Khê và nhà máy luyện thép công suất 2 triệu tấn/năm của Công ty CP sắt Thạch Khê.
UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đề nghị xem xét kiến nghị về việc tạm dừng thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với Công ty CP sắt Thạch Khê để công ty duy trì hoạt động trong thời gian dừng khai thác.
Theo UBND tỉnh Hà Tĩnh, từ năm 2011 đến nay, dự án khai thác, tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê đã dừng bóc đất tầng phủ và tạm dừng khai thác. Thời gian qua, Hà Tĩnh đã có nhiều văn bản kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Bí thư Trung ương, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành liên quan xem xét chấm dứt dự án, đồng thời chỉ đạo giải quyết tồn đọng, hoàn trả nguyên trạng, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống người dân.
Việc dự án đã tạm dừng từ lâu nhưng chưa có quyết định cuối cùng về việc dừng khai thác dẫn tới nhiều tồn đọng, trong đó có phát sinh liên quan đến Công ty CP sắt Thạch Khê chưa được giải quyết.
Liên quan đến các đề xuất của UBND tỉnh Hà Tĩnh, trao đổi với PV Báo Lao Động chiều ngày 6.5, ông Nguyễn Tiến Mạnh - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) - cho biết, chủ trương của tập đoàn đến thời điểm này là vẫn kiến nghị Chính phủ cho phép khởi động lại dự án mỏ sắt Thạch Khê.
“Tập đoàn có đầy đủ các cơ sở pháp lý để triển khai dự án này” - ông Nguyễn Tiến Mạnh cho biết.
Trong báo cáo tham luận về đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước được TKV gửi các bộ, ngành và Chính phủ mới đây, ngoài đề xuất nâng công suất nhà máy Alumin ở Tây Nguyên, TKV cũng đề nghị cho tái khởi động lại dự án khai thác, tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê đã bị đóng cửa từ 5 năm trước (2017).
Cụ thể, TKV nêu vào ngày 10.2.2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, Bộ Chính trị cho phép TKV đánh giá hiệu quả đầu tư, hiệu quả kinh tế - xã hội bền vững để xem xét đầu tư các dự án khai thác, chế biến sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh) hoàn thành trước năm 2030.
Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh nội dung TKV duy trì hoạt động hiệu quả các dự án khai thác, chế biến bôxít - alumin - nhôm, đất hiếm, ximăng, sắt, thép... trở thành ngành công nghiệp chủ đạo, phát triển bền vững tương xứng với quy mô khoáng sản; sử dụng công nghệ, thiết bị khai thác, chế biến tiên tiến hiện đại theo mô hình kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính và sử dụng than hợp lý, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 trước năm 2050.
Để triển khai dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh), từ năm 2007, TKV đã chủ trì cùng với các nhà đầu tư trong nước thành lập Công ty Cổ phần sắt Thạch Khê (trong đó TKV nắm cổ phần chi phối).
Luỹ kế đến nay, TKV và các nhà đầu tư đã góp 1.800 tỉ đồng vào dự án. Tuy nhiên, sau gần 10 năm triển khai dự án, từ năm 2017 đến nay dự án đã phải dừng triển khai do tỉnh Hà Tĩnh và một số bộ, ngành đã kiến nghị với Chính phủ xem xét dừng dự án Sắt Thạch Khê.