Thúc đẩy phát triển sản phẩm quốc gia Sâm Việt Nam

ngũ hiệp |

Sâm Ngọc Linh được đánh giá có hàm lượng saponin rất cao, có thể lên tới 20%, cao hơn nhiều so với nhân sâm và các loài Panax, giá trị kinh tế mang lại từ 80 - 100 triệu/kg tươi. 

Tại Hội thảo khoa học quốc tế “Trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu và phát triển sản phẩm hàng hóa từ sâm” do Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) tổ chức tại Hà Nội gần đây, phần lớn các chuyên gia cho rằng, việc phát triển và bảo tồn nguồn gene quý này rất cần sự chung tay của các nhà khoa học, các công bố quốc tế, đặc biệt là sự hỗ trợ từ phía Chính phủ nhằm khẳng định thương hiệu sâm Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước.

Với sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ KHCN Trần Văn Tùng, Hội thảo còn có sự tham dự của các chuyên gia về sâm đến từ Hàn Quốc, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành T.Ư, lãnh đạo các địa phương trồng sâm, các nhà khoa học, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có liên quan.

Khẳng định thương hiệu

Ông Phan Kế Long, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam cho biết, với ưu thế đa dạng về địa hình, khí hậu đã tạo điều kiện cho Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có sự đa dạng sinh học cao nhất thế giới với nhiều loài dược liệu quý, tiềm năng về chi nhân sâm Panax ở Việt Nam là rất lớn.

Hơn 60 mẫu sâm thuộc chi Panax đã được tìm thấy ở những vùng núi cao trên 1.300km so với mực nước biển như: Dãy Hoàng Liên Sơn (Lào Cai); Mường Tè, Tam Đường (Lai Châu); Ngọc Linh (Quảng Nam và Kon Tum); cao nguyên Langbian (Lâm Đồng)... Ngoài ra, trên cơ sở phân tích vùng gene ITS-rDNA của 31 mẫu thuộc chi Panax thu được ở vùng núi Phu xai lai leng (Khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An) cho thấy, các mẫu này thuộc 3 nhóm: P.wangianus, P.notoginseng và P. stipuleanatus.

Theo GS.TS Nguyễn Minh Đức, Đại học Tôn Đức Thắng, sâm Việt Nam (sâm Ngọc Linh), tên khoa học là Panax vietnamensis Ha et Grushv, họ Nhân sâm (Araliaceae) được phát hiện tại đỉnh Ngọc Linh thuộc Gia Lai – Kontum (cũ) vào năm 1973. Đây là một vị thuốc giấu của người dân tộc Xê Đăng sống trên dãy Trường Sơn, được dùng để tăng sức lực và chữa nhiều bệnh tật.

Nhân sâm là một dược liệu đã được biết và được dùng hàng nghìn năm với nhiều tác dụng trị liệu; là một trong những dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế lớn với các sản phẩm được chế biến gồm: Sâm tươi, bạch sâm, hồng sâm, các sản phẩm chế biến từ sâm (cao, viên nang, viên nén, trà, kẹo...)

Hiện nay, đã có 27 công bố quốc tế về sâm Việt Nam trên các tạp chí quốc tế. Các nghiên cứu đã xác định hơn 50 saponin, trong đó có 24 saponin có cấu trúc mới được đặt tên là vina – ginsenoside – R1 – 24 với nhiều tác dụng dược lý: Tăng lực, kích thích thần kinh T.Ư; tác dụng trên hệ sinh dục (androgen hoặc estrogen); chống stress; chống oxi hóa; cải thiện trí nhớ và khả năng học tập; kích thích miễn dịch; kháng khuẩn; hạ đường huyết...

Ngoài có hàm lượng saponin cao, có thể lên đến 20%, cao hơn nhiều so với Nhân sâm và các loài khác Panax spp. Sâm Việt Nam còn chứa một tỉ lệ cao các saponin occotillol, trong đó saponin chủ yếu là majonosid-R2 có thể chiếm gần ½ hàm lượng saponin toàn phần. Majonosid-R2 cũng đã được chứng minh có tác động chống stress, chống trầm cảm, bảo vệ gan, chống oxi hóa và chống khối u.

Các nghiên cứu về sâm Việt Nam chế biến cho thấy khi hấp ở nhiệt độ 105oC – 120oC, thành phần saponin của sâm Việt Nam biến đổi, tương tự như khi chế biến hồng sâm và tạo ra những hợp chất saponin mới với số lượng tăng theo thời gian hấp. Quá trình chế biến với nhiệt làm tăng cường tính oxi hóa, tính ức chế tế bào ung thư phổi A549.

“Việc cập nhật liên tục những thông tin khoa học để áp dụng trong quá trình trồng trọt, kỹ năng canh tác, khai thác nguồn trồng sâm... cũng cần phải tính đến bởi điều này đóng vai trò quan trọng quyết định yếu tố dược lý trong sâm”, GS Đức cho hay.

Đồng quan tình điểm với quan điểm trên, TS. Nguyễn Văn Bình, Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KHCN, Bộ KHCN cho biết thêm, từ phần dưới mặt đất (thân rễ/củ) của cây sâm Ngọc Linh hoang dại, có 52 hợp chất saponin bao gồm 26 saponin đã biết và 26 saponin có cấu trúc mới được đặt tên là vina-ginsenosid-R1-R25 và 20-O-Me-G-Rh1.

Các saponin có cấu trúc ocotillol gồm 11 hợp chất với đại diện chính là majonosid-R1, –R2. “Đặc biệt majonoside-R2 chiếm gần 50% hàm lượng saponin toàn phần và trở thành hợp chất chủ yếu của sâm Việt Nam, đây được xem như một hợp chất có giá trị dược liệu cao mà rất nhiều loài sâm khác không có”, TS. Nguyễn Văn Bình khẳng định.

Từ trái qua phải: GS.TS Nguyễn Minh Đức; GS.TS. Yang Tae – Jin; GS.TS. Park Jeong Hill; chuyên gia Vũ Duy Dũng và TS. Nguyễn Văn Bình trong chuyến đi khảo sát thực địa về sâm vào ngày 3/8/2018 tại tỉnh Kon tum – Quảng Ngãi.
Từ trái qua phải: GS.TS Nguyễn Minh Đức; GS.TS. Yang Tae – Jin; GS.TS. Park Jeong Hill; chuyên gia Vũ Duy Dũng và TS. Nguyễn Văn Bình trong chuyến đi khảo sát thực địa về sâm vào ngày 3/8/2018 tại tỉnh Kon tum – Quảng Ngãi.

Thương mại hóa thành sản phẩm quốc gia

Cùng so sánh, chia sẻ kinh nghiệm canh tác về sâm Hàn Quốc (KG) và sâm Việt Nam, GS.TS. Park Jeong Hill, Trường Đại học Dược – Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc cho biết, KG là một trong những loại dược liệu nổi tiếng nhất trên thế giới, là mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất trong hơn 1.500 năm qua ở Hàn Quốc.

Sản lượng sâm Hàn Quốc hàng năm là 23.000 tấn, đem lại doanh thu 2 tỉ USD, tổng diện tích canh tác là 15.000ha, năng suất thu hoạch 6 tấn/ha. Hiện Hàn Quốc có 21.000 nông trại, 4 chợ sâm, 7 viện nghiên cứu và 12 hợp tác xã (gồm cả của Chính phủ và tư nhân). Lượng sâm xuất khẩu năm 2017 đạt 6.415 tấn/160 triệu USD. Thu nhập trung bình mỗi hộ trồng sâm khoảng 40.000USD/năm (số liệu năm 2017).

Ngoài ra, KG đã có hơn 6.000 bài báo nghiên cứu khoa học được công bố bao gồm các lĩnh vực trồng trọt, hóa học, sinh học và các tác dụng có lợi đối với sức khỏe con người của KG.

GS. Park Jeong Hill cho rằng, so với KG, Sâm Việt Nam có tiềm năng cao để trở thành sản phẩm tương tự KG ở Việt Nam do có hàm lượng saponin cao, tuy nhiên việc quy hoạch quy mô, lập kế hoạch và kỹ thuật trồng trọt còn hạn chế. Để phát triển cây sâm ở Việt Nam, GS. Park Jeong Hill cho rằng, trước hết, các nguồn gene, mẫu sâm cần được bảo tồn, thu thập từng mẫu riêng biệt, đặc biệt với sự hỗ trợ của Chính phủ là thật sự cần thiết.

Tiếp đó, cần tiếp tục có thêm các nghiên cứu, công bố khoa học về sâm, bởi đó là các bằng chứng khoa học về chất lượng, lợi ích của sâm Việt Nam cũng vừa là cơ sở để thế giới công nhận và thu hút nhu cầu sử dụng sâm.

Và cuối cùng là tập trung, phát triển phương pháp trồng trọt phù hợp, đạt tiêu chuẩn. Đồng thời, nên thành lập những hiệp hội về sâm để tạo điều kiện thực hiện những nghiên cứu chuyên sâu, phát hành các tạp chí nghiên cứu chuyên sâu về sâm.

“Hiện sâm Hàn Quốc có 3.774 các công bố quốc tế liên quan, sâm Việt Nam chỉ có 27, Tam thất (sâm Trung Quốc) có 856, sâm Mỹ có 781. Tuy nhiên, với quyết tâm phát triển của Việt Nam, sự hỗ trợ từ Chính phủ và sự vào cuộc của khoa học, sâm Việt Nam trong 5 – 10 năm tới sẽ có khả năng vươn ra ngoài thế giới”, GS Park bày tỏ.

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KHCN Trần Văn Tùng cho biết, việc phát triển sâm Việt Nam không chỉ mang lại giá trị về kinh tế từ việc thương mại hóa các sản phẩm từ sâm mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Bộ KHCN thời gian qua đã chủ trì phối hợp với các tỉnh Kon Tum, Quảng Nam để phát triển sản phẩm sâm Việt Nam trở thành sản phẩm quốc gia.

Trên cơ sở đề nghị của Bộ KHCN, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt việc phát triển sản phẩm quốc gia sâm Việt Nam. Tiếp đó Bộ KHCN đã triển khai Đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia sâm Việt Nam. Đến nay, Đề án đã nhận được sự quan tâm, tham gia của nhiều địa phương gồm Quảng Nam, Kon Tum và các tổ chức, nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp, y tế và đặc biệt là có sự gắn kết từ phía các doanh nghiệp với người dân địa phương.

Qua ý kiến chia sẻ, đóng góp từ các chuyên gia, Thứ trưởng bày tỏ mong muốn phát triển mô hình sản xuất sâm Việt Nam phù hợp theo hướng phát triển hàng hóa, vừa có thể đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng trong nước vừa có khả năng tham gia thị trường thế giới.

“Cây sâm là loại dược liệu chữa bệnh dùng cho con người vì vậy từ sản xuất cây giống, thu hoạch, bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu... phải đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế”, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh.

Theo TS. Nguyễn Văn Bình, điểm đặc biệt của sâm Ngọc Linh (thuộc chi Panax, họ Araliaceae) có hoa màu vàng lục nhạt, đường kính 3 - 4mm gồm 5 lá đài hợp thành hình chuông với 5 răng nhỏ, hình tam giác, 5 cánh hoa, 5 nhị màu trắng. Bao phấn hình xoan, đính lưng, đĩa hoa hơi lồi. Quả mọng, khi chín màu đỏ tươi, có chấm đen ở đỉnh. Quả chủ yếu có 1 hạt dạng hình thận, một số ít hình cầu dẹt chứa 2 hạt.

Hạt màu trắng hay màu vàng nhạt, dài 6 - 8mm, rộng 5 - 6mm, dày 2mm bề mặt có nhiều chỗ lồi lõm. Hình thái củ của cây sâm Ngọc Linh nhìn chung khác so với các loài sâm khác như: Sâm Hàn (Panax ginseng), sâm Mỹ (Panax quinquefolius), sâm Trung Quốc (Panax notoginseng). Tuy nhiên, có một số đặc điểm giống các dòng sâm khác như: Sâm Nhật Bản (Panax japonicus), sâm Tam Thất Hoang (Panax stipuleanatus), sâm Vũ Diệp (Panax bipinnatifidus)...

ngũ hiệp
TIN LIÊN QUAN

Cây sâm cấp huyện

TRUNG HIẾU |

Hai năm gần đây, huyện miền núi Nam Trà My (Quảng Nam) tổ chức hội chợ sâm Ngọc Linh trên địa bàn. 

Quảng Nam: Khai mạc Lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ 2

Tăng Thùy Dung |

Tối 1.8, tại Trung tâm văn hóa thông tin- thể thao huyện Nam Trà My, UBND tỉnh Quảng Nam cùng với các cơ quan liên quan đã tổ chức khai mạc Lễ hội Sâm Ngọc Linh lần thứ 2 với chủ đề “Hương sắc sâm Ngọc Linh”.

Trộm 150 gốc sâm Ngọc Linh trị giá 100 triệu đồng

L.P |

Để có tiền tiêu xài, 2 thanh niên 9X ở huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) vào vườn nhổ trộm hơn 150 gốc sâm Ngọc Linh của người dân trồng, thiệt hại hơn 100 triệu đồng.

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Cây sâm cấp huyện

TRUNG HIẾU |

Hai năm gần đây, huyện miền núi Nam Trà My (Quảng Nam) tổ chức hội chợ sâm Ngọc Linh trên địa bàn. 

Quảng Nam: Khai mạc Lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ 2

Tăng Thùy Dung |

Tối 1.8, tại Trung tâm văn hóa thông tin- thể thao huyện Nam Trà My, UBND tỉnh Quảng Nam cùng với các cơ quan liên quan đã tổ chức khai mạc Lễ hội Sâm Ngọc Linh lần thứ 2 với chủ đề “Hương sắc sâm Ngọc Linh”.

Trộm 150 gốc sâm Ngọc Linh trị giá 100 triệu đồng

L.P |

Để có tiền tiêu xài, 2 thanh niên 9X ở huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) vào vườn nhổ trộm hơn 150 gốc sâm Ngọc Linh của người dân trồng, thiệt hại hơn 100 triệu đồng.