Thông tin 4.300 người chết yểu do nhiệt điện than chỉ là suy diễn?

Nhóm PV |

Chia sẻ tại hội thảo “Cần có cái nhìn đúng về Nhà máy nhiệt điện than” do Báo Lao Động và Bộ Công thương tổ chức ngày 13.12, PGS TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội KHKT Nhiệt Việt Nam cho rằng thông tin có 4.300 người chết yểu tại Việt Nam do nhiệt điện than chỉ là sự suy diễn không có cơ sở khoa học.

12h: Phó Tổng biên tập Báo Lao Động, Nguyễn Đình Chúc: Nhìn lại hội thảo hôm nay chúng ta nhận thấy với  chủ đề khá giản dị, nhưng mang tính thời sự “Cần có cách nhìn đúng về các nhà máy nhiệt điện than”. Từ trước đến nay, ngay như bản thân tôi cũng nhìn các nhà máy nhiệt điện than như “con ngáo ộp” đồng nghĩa với ô nhiễm, nhiều hệ lụy. Nhưng hôm nay, qua hội thảo, bản thân tôi nhìn lại thấy cần có cái nhìn đúng đắn hơn, khoa học hơn, không cảm tính. Chắc nhiều đại biểu tham dự hội thảo cũng có chung suy nghĩ như vậy.


Thay mặt Ban tổ chức, xin cám ơn các diễn giả, các nhà quản lý, các DN, các nhà khoa học, các đại diện đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc….đã cung cấp nhiều thông tin khách quan, đa chiều, gợi mở nhiều suy nghĩ mới.  Cảm ơn Cục Điện lực- Bộ Công Thương, cám ơn đại diện Bộ TNMT, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam đã tài trợ cho hội thảo. Xin cảm ơn các cơ quan thông tấn báo chí đã đến đưa tin kịp thời. Tôi hy vọng sau hội thảo này, các thông tin được trình bày hôm nay sẽ lan tỏa trên các phương tiện thông tin đại chúng để đến với đông đảo công chúng.

Phó Tổng biên tập Báo Lao Động Nguyễn Đình Chúc.
Phó Tổng biên tập Báo Lao Động Nguyễn Đình Chúc.

11h50: PV đặt câu hỏi, trong Quy hoạch điện VII đã nghiên cứu sự phát triển của nhiệt điện than với kinh tế, đời sống chưa?

Ngoài ra, Bộ Công Thương nhìn nhận thế nào trong khi thời gian qua nhiều người có cái nhìn không đúng về NĐT, trách nhiệm của Bộ Công Thương ở đâu?

Trả lời câu hỏi này, ông Lê Văn Lực nhấn mạnh quy hoạch điện VII đã được nghiên cứu kỹ trước khi trình Thủ tướng phê duyệt.

Khi đã ban hành, nó chính là chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước.

Tuy nhiên, ông Lực cho rằng, thời gian qua có nhiều thông tin không có cơ sở, nguồn gốc thông tin thiếu chính xác, những thông tin đó đang tác động tới tư tưởng, nhận thức của người dân, dẫn đến chính quyền, người dân 1 số địa phương không ủng hộ phát triển các nhà máy NĐT.

Chính vì vậy, ông Lực đề nghị, cần có những hội thảo như như hôm nay để người dân có thêm thông tin.

Ông Lực cũng đánh giá, NĐT tuy có phát thải nhưng chúng ta có biện pháp khắc phục.

“NĐT trong nhiều năm tới đây vẫn phải là nguồn năng lượng quan trọng, tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn điện mới đảm bảo được việc cung cấp điện với giá hợp lý cho người dân”, ông Lực nhấn mạnh.

 

Trả lời câu hỏi của PV, PGS TS Trương Duy Nghĩa một lần nữa khẳng định, Quy hoạch điện VII tới 2020, tầm nhìn tới 2030 đã trải qua rất nhiều khảo sát, cân đối, đặc biệt là cân đối nguồn, từ đó mới ra được quy hoạch. 

Ông Nghĩa cũng cho biết, khi chọn đặt 1 nhà máy tại địa phương nào đó cũng phải làm nhiều khảo sát địa chất, thuỷ văn, phụ tải, điều kiện nước làm mát,... những khảo sát kéo dài cả năm trời.

Thêm vào đó, khi lập quy hoạch các nhà máy NĐT này phải được địa phương ủng hộ thì mới cho vào quy hoạch. 

Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Nhiệt Việt Nam bày tỏ sự không đồng tình với tình trạng tuỳ tiện rút khỏi quy hoạch của một số địa phương.

Vì theo ông, người làm quy hoạch phải đảm bảo quy hoạch đó mang lại lợi ích kinh tế lớn nhất với quốc gia.

Nhân hội thảo này, ông Nghĩa cũng đề nghị cơ quan báo chí đưa thông tin chính xác để đảm bảo sự phát triển của NĐT đáp ứng nhu cầu của phát triển.

Ông Đào Minh Hoà – Phó Giám đốc Trung tâm Nhiệt điện và Năng lượng mới thuộc Công ty cổ phần Tư vấn Điện 1 cho rằng, cần có cái nhìn đúng đắn và nhiệt điện than.

Ông Hoà cho biết, hiện có website Andcoal.org của tổ chức Globalcoalplan tập trung hết tất cả các nhà máy NĐT đã xây dựng, đang xây dựng và sắp xây dựng trên toàn thế giới và cách thức, công suất hoạt động của các nhà máy.

Ông Hoà cũng nhấn mạnh, các nước vẫn đang phát triển NĐT. Ví dụ như Trung Quốc luôn nói cắt giảm là các nhà máy NĐT nhưng đó là bỏ những nhà máy cũ và xây dựng các nhà máy mới.

11h30: Phần thảo luận:

Phóng viên VOV: Theo quy hoạch phát triển điện 7, nhà máy nhiệt điện chậm tiến độ, ảnh hưởng thế nào? Đến năm bao nhiêu thiếu điện thật sự? Về năng lượng tái tạo, có thông tin về nhà máy năng lượng điện mặt trời công suất lên tới 2.000 Mb. Nếu so với thuỷ điện, ông Nghĩa đánh giá về dự án này như thế nào?

Ông Lê Văn Lực –Phó cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo trả lời: Giai đoạn 2016-2020 chỉ 58% nhiệt điện than đáp ứng tiến độ trong quy hoạch. Bởi vậy, năm 2019- 2020 tỉ lệ dự phòng không còn nữa thì nguy cơ thiếu điện sẽ xuất hiện lúc đó. Nếu các nguồn phát điện dẫn tới sự cố như bảo dưỡng thì sẽ thiếu điện. Về câu hỏi thứ 2, nhà máy điện tái tạo gần 2.000 Mb tương đương thuỷ điện Hoà Bình. Tuy nhiên điện mặt trời buổi chiều buổi tối dừng phát điện nên không thể chủ động được, phải có nguồn khác bù vào. Vậy nên không so sánh điện mặt trời với thuỷ điện.

PGS TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội KHKT Nhiệt Việt Nam trả lời thêm: Điện mặt trời điện gió, khi tắt nắng tắt gió thì phải có nguồn dự trữ khác, nguồn dữ trữ này phải tương đương, nếu không thì sẽ dẫn tới tình trạng giãn lưới. Nguồn điện dự trự phải khởi động nhanh, khởi động nhanh hiện nay chỉ có thể thuỷ điện, hai là điện khí. Thuỷ điện cạn rồi. Điện khí thì giá điện tăng vọt lên. Tất cả các nước trên thế giới chỉ chạy điện khí phụ tải lưng, phụ tải đỉnh.

Dự kiến nhà máy điện điện Kê Gà, nâng lên 5.000 mb nhưng chủ đầu tư xin cơ chế trong thời gian tồn tại suốt 20 theo quyết định 39, giá điện 9,8 cen. Không có anh nào làm điện sướng như anh này. Tuy nhiên tôi cũng phải nói, nhà máy điện mặt trời như vậy là nhà máy điện cực lớn, chỉ đạt 10 tỉ kw/giờ chỉ tương đương với nhà máy điện than.

Giá điện quá cao, tồn tại suốt 20 năm. Về mặt chính sách phải nghiên cứu kỹ.

Phóng viên Báo Zing.vn hỏi: Hiện tại, cấp phép ồ ạt nhiệt điện mặt trời, có 121 nhà máy đang được cấp phép. Có phải doanh nghiệp đang hưởng lợi khi giá điện mua cao hơn?

Ông Lê Văn Lực trả lời: Công suất 121 dự án 8.000 kw, tập trung 1 số tỉnh. Những dự án được cấp phép có tính khả thi. Về giá điện, để khuyến khích năng lượng tái tạo, giá điện mặt trời, 9,35 cen. Về công nghệ, các nhà đầu tư phải lựa chọn công nghệ tiên tiến hiệu suất cao. Khi thẩm định thiết kế cơ sở thì phải xem xét kỹ. Xu hướng tới đây, suất đầu tư giảm, sẽ nghiên cứu để điều chỉnh giá điện hợp lý hơn.

Ông Vũ Thế Uy, Viện Năng lượng đóng góp thêm ý kiến: Cái nhìn đúng, cần phải phân tích vì sao có cái nhìn chưa đúng. Bổ sung thêm ý, lâu nay xây dựng khá nhiều nhà máy nhiệt điện, người dân và các tỉnh không ủng hộ. tổng các nhà máy nhiệt điện than lớn, tổng thầu tham gia xây dựng, các nhà máy TQ chiếm tỉ trọng lớn. Có thể so sánh nhìn thấy ở hai dự án là nhiệt điện than Phả Lại và Quảng Ninh. Theo khảo sát của Viện năng lượng, nhiệt điện phả lại 2 vận hành 20 năm, vận hành tin cậy hơn hẳn với nhiệt điện Quảng Ninh.

Có hỏi người dân thì người dân ủng hộ. Có hỏi người dân ô nhiễm gì không thì họ nói không ô nhiễm. Tuy nhiên, khi khảo sát QN thì hoàn toàn trái chiều. Khi quy hoạch địa điểm, khi xây dựng nhà máy điện than thì tỉnh QN thì người dân và tỉnh không đồng ý. Bổ sung thêm đóng góp, quá trình xây dựng nhà máy, vận hành hiệu suất cao, từ các nước tiên tiến, phát triển để người dân thấy việc vận hành tốt, không phát thải ra môi trường.

11h25: Ông Yoshikazu Ikai- Phó Tổng thư ký JCOAL với bài tham luận “Chính sách của Nhật Bản trong phát triển nhiệt điện than và công nghệ phát điện tiên tiến”.

Theo ông Yoshikazu, hiện JCOAL là tổ chức hoạt động từ lĩnh vực thượng tới hạ nguồn về than, nhiều năm hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực than sạch.

Tổ chức này có hợp tác hoạt động với hầu hết các nước ở châu Á, châu Mỹ Tổ chức này dựa trên nguồn lực than trên thế giới để xây dựng chính sách phát triển. Than là nguồn tài nguyên trải dài trên các châu lục và có tính ổn định nhất, giá thành rẻ hơn. Trong đó, JCOAL nhập khẩu khoảng 200 triệu tấn than/năm, trong đó, 50% dành cho điện, 30% cho luyện thép.

Ông Yoshikazu Ikai- Phó Tổng thư ký JCOAL.
Ông Yoshikazu Ikai- Phó Tổng thư ký JCOAL.

Nhật Bản là nước rất ít tài nguyên, nên phải kết hợp nhiều loại năng lượng khác nhau. Trong đó, vào năm 2030 tỷ lệ sẽ được chi đều cho 4 nhóm gồm: khí, than, nguyên tử, năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, khi đốt than sinh ra lượng phát thải lớn. Từ đó, JCOAL đã có nhiều công nghệ tiên tiến để xử lý những chất thải trên. Điển hình nhất của JCOAL là sử dụng than sạch, và việc xử lý các loại khí sox, nox, ... và giảm phát thải trong quá trình đốt.

Ngoài những công nghệ tiên tiến mà JCOAL đang nghiên cứu và sử dụng tại các nhà máy NĐT, ông Yoshikazu nhấn mạnh, nhiệt điện than và than đá đối với Nhật Bản đóng vai trò quan trọng trong phát triển năng lượng.

11h: PGS TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội KHKT Nhiệt Việt Nam phát biểu tham luận "Vai trò của nhiệt điện than trong đảm bảo cung cấp điện tại một số nước trên thế giới. Công tác truyền thông về nhiệt điện than tại Việt Nam".

Theo PGS TS Nghĩa, trong công tác truyền thông, chủ yếu trong 3 năm gần đây xuất hiện nội dung phê phán nhiệt điện than. Những phê phán này xuất phát từ nhận xét, đốt than nhiều là nguồn phát thải lớn khí nhà kính CO2; thải ra nhiều tro xỉ, nhiều khí độc hại SO2, Nox.

Tuy nhiên, những thông tin như vậy chưa chuẩn xác, nhiều suy diễn.

Về thông tin người chết yểu do nhiệt điện than được công bố theo nghiên cứu của trường ĐH Havard, mỗi năm Việt Nam có 4.300 người chết yểu, tới 2030, khi nhiệt điện than đạt 300 tỉ kWh thì số người chết yểu sẽ là 17.500 người. Thông tin này khiến cộng đồng dân cư khiếp sợ nhiệt điện than. Tuy nhiên thực tế có phải vậy không?

Phải khẳng định, đây là chỉ sự suy diễn không có cơ sở khoa học.

Sao không cảnh báo ngay cho nước Mỹ, có sản lượng nhiệt điện than gấp cả trăm lần nhiệt điện than VN. Cũng như vậy với Úc có nhiệt điện than gấp 22 lần, cho nước Đức gấp 15 lần, cho Hàn Quốc gấp 12 lần và đặc biệt là Trung Quốc gấp 185 lần.

Vậy ở Việt Nam, ngành Y tế đã thống kê được bao nhiêu người chết vì nhiệt điện than.

Bên cạnh đó, có ý kiến nói rằng, nhiều nguyên tố kim loại nặng, là nguồn gây ung thư cho cộng đồng.

Điều này là đúng nếu các nguyên tố kim loại nặng vượt quá giới hạn cho phép.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, các nguyên tố có mặt ở khắp nơi, bốc một nắm đất cũng có thể có hàng trăm hoá chất khác nhau. Ngay trong cơ thể động vật cũng không thiếu gì các nguyên tố kim loại nặng, đó là nguyên tố vi lượng, cần thiết cho sự sống và phát triển của động vật ví dụ sắt cần cho sự tạo ra hồng cầu.

PGS TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội KHKT Nhiệt Việt Nam.
PGS TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội KHKT Nhiệt Việt Nam.

Vấn đề là nồng độ nhưng nguyên tố nay có đạt giới hạn nguy hiểm hay không?

Theo các phân tích tro xỉ của Tổng cục Môi trường (Bộ TNMT) và của các nhà máy điện thì các nguyên tố kim loại nặng hoặc không có (KPH) hoặc chỉ có vết (cũng coi như không có).

Nếu có thì nhỏ hơn rất nhiều, thậm chí hàng nghìn lần so với giới hạn cho phép.

Bởi vậy, việc chỉ công bố có mặt các nguyên tố kim loại nặng, mà không cho biết nồng độ bé hơn rất nhiều, khiến cộng đồng hiểu sai, lo sợ.

Việc này dẫn tới coi tro xỉ là chất thải nguy hại dẫn tới việc cấm lưu thông trên đường. Việc này gây khó khăn cho việc sử dụng tro xỉ làm vật liệu xây dựng.

Về việc nhà máy nhiệt điện than làm tăng nồng độ bụi có cỡ hạt. Phải hiểu rằng, PM10 là những hạt bụi rất khó lắng đọng, chỉ lơ lửng trong không khí, sẽ lắng đọng trong phổi của động vật, gây ung thư cho động vật.

Điều này là đúng nhưng nguồn gây hại này không phải do nhiệt điện than mà do các hoạt động trên mặt đất.

Nhiệt điện than nào cũng có bụi tĩnh điện. Các hạt bụi có kích thước càng nhỏ càng có lực hút tĩnh điện lớn và sẽ bị giữ lại tại các bản cực của lọc bụi tĩnh điện.

Giả dụ không bị giữ lại thì khi thoát ra khỏi ống khói cao >200m sẽ lan toả ra không gian rộng có thể 50- 100km. Có ý kiến cho rằng nước làm mát có nhiệt độ cao trên 40 độ C, huỷ hoại hết môi sinh.

Điều này là không đúng vì nước làm mát thường từ các nguồn cấp nước lớn như sông lớn, biển, theo thống kê khí tượng thuỷ văn, nhiệt độ cao nhất là 28 độ C, qua làm mát tăng thêm 7 độ C, thì nhiệt độ thải ra cao nhất cũng chỉ 35 độ C.

Trên thế giới đều như vậy, không thấy ở đâu phàn nàn việc nước làm mát của nhà máy điện huỷ hoại môi sinh.

Về ý kiến nhiều nước tuyên bố đoạn tuyệt với nhiệt điện than, sao VN vẫn phát triển nhiệt điện than.

Tôi xin nói thế này, hiện nay trên thế giới đã thành lập CLB 20 nước đoạn tuyệt với nhiệt điện than. Cần xem những nước đó là nước nào? Đó là những nước mà tỉ lệ nhiệt điện than rất bé và đã có các nguồn năng lượng khác dồi dào hơn, các nước này đã ở giai đoạn bão hoà về nhu cầu điện. Ví dụ, Thuỵ Điển chỉ có nhiệt điện than 1%, Pháp có 3,1%. Nhiều nước có nguồn thuỷ điện lớn như Thuỵ Sĩ, Áo tỉ lệ nhiệt điện than cũng rất nhỏ bé.

Ngoài ra, điện hạt nhân cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về môi trường, có những nước đã tuyên bố sẽ đóng cửa hết các nhà máy điện hạt nhân. Tại sao Pháp tuyên bố không dám tuyên bố đoạn tuyệt với điện hạt nhân. Tôi đố nước Pháp tuyên bố đoạn tuyệt với điện hạt nhân, vì điện hạt nhân của Pháp chiếm tới 80%.

Còn nữa, tại sao các nước có nhiều nhiệt điện than như Đức, Úc, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Ba Lan, Trung Quốc sao không thấy tuyên bố đoạn tuyệt với nhiệt điện than

Bởi vậy, từ các phân tích trên, Việt Nam đang ở giai đoạn 2 về phát triển điện năng, nhu cầu điện này rất lớn, ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế, hiệu quả nhất là để đáp ứng nhu cầu điện năng rất lớn của đất nước. Nhiệt điện than là loại nhà máy có công nghệ xử lý môi trường tốt nhất và tốn kém nhất trong các loại nhà máy công nghiệp sử dụng than và luôn đạt các quy chuẩn quản lý môi trường của quốc gia.

10h30: Ông Bae Youngjin – Trưởng ban phát triển dự án, Khối dự án nước ngoài thuộc Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc, trình bày tham luận với chủ đề “Cơ cấu nguồn điện và chính sách của Hàn Quốc trong phát triển nhiệt điện than”.

Theo ông Bae Youngjin, Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc đã mở văn phòng đại diện tại Hà Nội, nhiệt điện Nghi Sơn là sản phẩm của Tập đoàn. Ông Bae Youngjin cho biết hiện tổng tài sản của tập đoàn này là khoảng 170 tỉ USD. Trong đó, Chính phủ Hàn Quốc giữ 51% cổ phần. Đây là tập đoàn quốc doanh lớn nhất Hàn Quốc, với 6 tổng công ty phát điện, giữ 70% công suất phát điện tại Hàn Quốc. Trong đó, nhiệt điện than và điện hạt nhân là nền tảng, là xương sống của ngành công nghiệp điện của Hàn Quốc.

Ông Bae Youngjin – Trưởng ban phát triển dự án, Khối dự án nước ngoài thuộc Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc.
Ông Bae Youngjin – Trưởng ban phát triển dự án, Khối dự án nước ngoài thuộc Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc.

Hiện tập đoàn này đang đầu tư 43 dự án tại 26 quốc gia. Trong đó, tại Việt Nam đang thực hiện dự án Nhiệt điện Nghi Sơn 2 tại Thanh Hoá.

Về hiện trạng các nhà máy NĐT tại Hàn Quốc và phương hướng phát triển. Hiện tổng công suất tại Hàn Quốc 117.000 MW, trong đó NĐT đạt khoảng 36.000 MW chiếm khoảng 32%. Năm 2017, công suất NĐT khoảng 37.000 MW, đến năm 2022 phát triển lên khoảng 42.000 MW. Ông Bae Youngjin cũng so sánh về công suất của NĐT giữa Hàn Quốc và Việt Nam. Trong đó, dân số của Việt Nam gấp đôi Hàn Quốc nhưng công suất NĐT chỉ bằng 1/3.

Về công nghệ phát điện, những năm 90, Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc vẫn sử dụng chủ yếu là nhà máy NĐT tiêu chuẩn với công nghệ siêu tới hạn, công suất tổ máy là 500MW.

Tới những năm 2000, tập đoàn này nâng công suất tổ máy lên tới 800MW, gần đây công suất mỗi tổ máy đạt tới 1.000MW.

Về vấn đề môi trường, các nhà máy NĐT của Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc đều sử dụng những công nghệ hiện đại như khí thải thải sẽ đi qua hệ thống lọc để loại bỏ khí NOx, lọc bụi, lọc lưu huỳnh và Sox. Khí thải còn lại sẽ được thải ra qua ống khói nhà máy.

Trong ống khói nhà máy NĐT có hệ thống giám sát khí thải liên tục (CEMS), hệ thống này sẽ giám sát lượng khí thải, lưu lại các số liệu liên quan và gửi báo cáo trực tiếp đến cơ quan quản lý.

Nước thải từ các nhà máy NĐT sẽ được xử lý sơ bộ, chất thải trong nước thải được tách ra để giao cho công ty xử lý chất thải chuyên nghiệp xử lý.

Ông Bae Youngjin cho biết thêm, xỉ thải sau quá trình đốt của các nhà máy NĐT của Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc đã được tái chế 100%.

Những chất thải này sau khi được xử lý sẽ trở thành vật liệu trong thi công xây dựng như làm phụ gia xi măng, trộn bê tông, vật liệu đóng gạch, nhựa phủ mặt đường, …

9h40: Ông Đinh Quang Trung - Phó Trưởng Ban Kinh doanh Than – Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam trình bày tham luận “Giải pháp đảm bảo cung cấp nhiên liệu than cho và các thành phần hoạt chất trong nhiên liệu than đảm bảo hạn chế tác động xấu tới môi trường”.

Ông Trung cho biết, than đóng vai trò quan trọng đối với các ngành công nghiệp, đặc biệt là than cho sản xuất điện. Việc thiếu nguồn than cho các NMNĐ là một thực tế. Phụ thuộc vào nguồn năng lượng nước ngoài là thách thức lớn đối với an ninh năng lượng quốc gia

Hiện nay, trữ lượng và tài nguyên 48,9 tỉ gồm 2,26 tỉ tấn trữ lượng tập trung chủ yếu khu vực Đông Bắc (bể than Quảng Ninh)

Ông Trung cho biết để ứng phó với việc thiếu than trong các nhà máy điện thực tế, hiện nay có 2 nguồn than chính trong đó TKV chiếm tới 85 đến 87%. Hiện nay, sản lượng sản xuất 41 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu lên tới 55 triệu tấn/năm. Nhu cầu sử dụng than của Việt Nam ngày càng gia tăng. Năm 2016 mới chỉ hơn 30 triệu tấn/năm nhưng tới năm 2030 lên tới hơn 120 triệu tấn.

Bởi vậy, quan điểm phát triển của EVN là khai thác, chế biến, sử dụng có hiệu quả và tiết kiệm nguồn tài nguyên than của đất nước.

Bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Ưu tiên đáp ứng nhu cầu trong nước. Bảo đảm việc xuất nhập khẩu hợp lý theo hướng giảm dần xuất khẩu và chỉ xuất khẩu các chủng loại than trong nước chưa có nhu cầu sử dụng.

Ông Đinh Quang Trung - Phó Trưởng Ban Kinh doanh Than – Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam.
Ông Đinh Quang Trung - Phó Trưởng Ban Kinh doanh Than – Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam.

Đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, đầu tư ra nước ngoài để đáp ứng đủ than cho nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

Thực hiện kinh doanh than theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, hài hoà với thị trường than thế giới.

Về thực trạng cung cấp than, nhu cầu sử dụng điện tăng cao và đột biến, hơn 20% so với 2017. Đối với các hợp đồng điện bảo đảm cung cấp trên 90%, nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh cung cấp đủ 100% nhưng vẫn thiếu, nhà máy điện vẫn có nhu cầu thêm. Hiện nay TKV đang huy động hết tồn kho để phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước. Năm 2018, tồn kho giảm đáng kể và gần như không có nguồn cho 2019.

Video phát biểu của ông Đinh Quang Trung - Phó Trưởng Ban Kinh doanh Than – Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam

Cuối cùng, ông Trung đưa ra những đề xuất với Chính phủ và các bộ, ngành.

Đối với chính phủ, TKV kiến nghị chỉ đạo bộ TNMT và các bộ ngành đẩy mạnh về việc cấp phép mới cho các mỏ than, chỉ đạo bộ Tài chính về giá bán than cho điện, cho phép TKV được để lợi nhuận sau thuế để đối ứng vốn.

Với Bộ Công thương, đại diện TKV đề xuất xem xét kế hoạch huy động điện cho phù hợp với thực tế, tránh huy động quá cao, phê duyệt với nguồn than pha trộn, riêng nguồn than nước ngoài phải thực hiện theo cơ chế giá thị trường.

9h20: Phát biểu tham luận về tình hình hoạt động của các NMNĐ do EVN quản lý, công tác đảm bảo an toàn môi trường, ông Nguyễn Tân Bình, Trưởng ban Khoa học công nghệ- Môi trường Tập đoàn điện lực Việt Nam, hoan nghênh cục Điện lực và báo Lao Động tổ chức hội thảo.

Ông Bình cho biết, các nhà máy NĐT lâu nay, cung cấp điện cho nền kinh tế không được mấy người nhắc đến nhưng được coi như tội đồ nên hết sức tâm tư.

Đại diện điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, các nhà máy điện than chiếm 35,06% tổng công suất toàn hệ thống, trong đó EVN quản lý 12 NMNĐ than của EVN có tổng công suất đặt là 9.585MW, chiếm 23,14% toàn hệ thống. Các NMNĐ của EVN sử dụng các loại than Antraxit nội địa hoặc than Bitum, subbtitum nhập khẩu.

 

Theo đại diện EVN, các NMNĐ của EVN đang sử dụng công nghệ hiện đại không thua kém các nhà máy trong khu vực và trên thế giới, đáp ứng tốt các yêu cầu về môi trường. Trong đó, phải kể đến một số nhà máy đã ứng dụng công nghệ siêu tới hạn (SC), công nghệ giảm thải carbon ra môi trường, tiêu biểu như Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 4 mở rộng, Duyên Hải 3 mở rộng.

Các nhà máy điện đầu tư từ những giai đoạn trước, cũng như đang được đầu tư bổ sung hệ thống xử lý khí thải và nâng cấp dây chuyền thiết bị, giảm tác động môi trường, đồng thời nâng cao hiệu suất các tổ máy.

Tại hội nghị bàn về phát triển nhiệt điện than với công nghệ hiệu suất cao, thân thiện môi trường vào tháng 3.2018 giữa EVN và trung tâm Năng lượng than Nhật Bản (JCOAL), đại diện JCOAL cũng đánh giá cao các công nghệ mà EVN đang sử dụng tại các nhà máy điện than trực thuộc EVN.

Ông Nguyễn Tân Bình, Trưởng ban Khoa học công nghệ- Môi trường Tập đoàn điện lực Việt Nam.
Ông Nguyễn Tân Bình, Trưởng ban Khoa học công nghệ- Môi trường Tập đoàn điện lực Việt Nam.

Ông Bình cho biết thêm, hiện nay tất cả các NMNĐ của EVN đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, truyền tín hiệu liên tục về Sở TNMT các địa phương để theo dõi, giám sát liên tục 24/24. Sở TNMT Quảng Ninh còn lắp đặt bảng thông tin thông số phát thải môi trường của tất cả các cơ sở sản xuất của tỉnh ngay trung tâm thành phố.

Video bài phát biểu của đại diện EVN, ông Nguyễn Tân Bình, Trưởng ban Khoa học công nghệ- Môi trường Tập đoàn điện lực Việt Nam.

Một số nhà máy điện đã lắp đặt bảng theo dõi các thông số phát thải môi trường của nhà máy ngay tại cổng ra vào của Công ty như Nhiệt điện Thái Bình.

Đồng thời, EVN cũng chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị nhà máy xây dựng và công khai minh bạch thông tin môi trường trên website của nhà máy.

9h05: Ông Phạm Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thẩm định đánh giá tác động môi trường – Tổng Cục Môi trường chia sẻ quan điểm về vấn đề Quản lý nhà nước trong đảm bảo môi trường đối với nhiệt điện than.

Theo ông Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ Thẩm định đánh giá tác động môi trường – Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT), nguồn thải từ nhiệt điện than gồm có khí thải lò hơi; nước thải công nghiệp, sinh hoạt và nước làm mát và chất thải rắn thông thường (bao gồm tro, xỉ), nguy hại.

Các nhà máy NĐT có thể gây nhiều tác động về môi trường, điển hình như: chất lượng môi trường không khí khu vực NĐT và lân cận.

Chất lượng môi trường nước (mặt, ngầm), hệ sinh thái thủy sinh ven sông, biển khu vực NĐT và lân cận. Ngoài ra, các nhà máy NĐT cần một diện tích lớn để lưu giữ tro, xỉ.

Ông Phạm Anh Dũng Phó Vụ trưởng Vụ Thẩm định đánh giá tác động môi trường – Tổng Cục Môi trường.
Ông Phạm Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thẩm định đánh giá tác động môi trường – Tổng Cục Môi trường.

Theo ông Dũng, nhiệt điện than có nguồn thải đa dạng, tác động đến môi trường trên nhiều phương diện. Do đó, đối với việc quản lý về môi trường với các nhà máy NĐT, ông Dũng cho rằng các nhà máy NĐT cần có báo cáo giám sát môi trường định kỳ (giai đoạn thi công, xây dựng, vận hành).

Thực hiện quan trắc liên tục khí thải của nhà máy và truyền số liệu về Sở TNMT để giám sát, thực hiện quan trắc liên tục (Clo dư, pH, lưu lượng) tại cửa xả để giám sát chất lượng nước làm mát.

Thực hiện công bố thông tin về quản lý môi trường của nhác nhà máy NĐT với cộng động bằng cách tổ chức các cuộc họp và mời người dân tham quan nhà máy.

8h50: Ông Lê Văn Lực –Phó cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo phát biểu tham luận với chủ đề “Tình hình thực hiện các dự án điện trong Tổng sơ đồ 7 điều chỉnh và các giải pháp đảm bảo cung ứng điện trong giai đoạn tiếp theo”.

Theo ông Lê Văn Lực, trong giai đoạn 2020-2030 và những năm tiếp theo, để đảm bảo cung cấp điện ổn định, phù hợp cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội đất nước cần phải phát triển các dự án nguồn điện gồm: nhiệt điện than, nhiệt điện khí, năng lượng tái tạo, nhập khẩu điện với tỷ lệ thích hợp, đảm bảo các mục tiêu chủ yếu như đã đề ra trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.

Phát huy mọi nguồn lực trong nước và hỗ trợ từ quốc tế để phát triển Hệ thống điện, đảm bảo cấp đủ điện cho phát triển kinh tế, xã hội đất nước.  

 
Ông Lê Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục điện lực và năng lượng tái tạo.

Đồng thời với phát triển Năng lượng tái tạo, Nhiệt điện khí thì Nhiệt điện than (NĐT) vẫn là giải pháp cơ bản đảm bảo cung cấp điện với chi phí hợp lý, phù hợp với kinh tế đất nước và thu nhập của người dân.

Trong đó, ông Lực kiến nghị những giải pháp cụ thể cần thực hiện như: Thực hiện các dự án nguồn điện trong quy hoạch đã được phê duyệt đảm bảo tiến độ, có cơ chế để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, đảm bảo cung cấp đủ than, khí để vận hành phát điện, bổ sung quy hoạch và thực hiện các dự án điện gió, điện mặt trời đồng bộ với hệ thống lưới điện, tăng cường nhập khẩu điện từ nước ngoài cũng như thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện.

8h40: Ông Cao Quốc Hưng -Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu khai mạc hội thảo “Cần có cái nhìn đúng về Nhà máy nhiệt điện than”. Ông Hưng nhận định đảm bảo an ninh năng lượng là nhiệm vụ quan trọng.

Theo đó, việc đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ.

Trong giai đoạn 2016-2030, dự báo tốc độ tăng trưởng GDP với kịch bản cơ sở bình quân 7,0%, tương ứng với tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm toàn quốc ở phương án cơ sở giai đoạn 2016-2020, 2021-2025 và 2026 -2030 là 10,6%, 8,5% và 7,5%.

Trong đó, theo ông Hưng, về thuỷ điện vừa và lớn cơ bản đã khai thác hết nên từ sau năm 2020 sẽ tiếp tục phát triển và khác thác thuỷ điện nhỏ, ít tác động tới môi trường.

Video bài phát biểu khai mạc hội thảo của Thứ trưởng bộ Công Thương, Cao Quốc Hưng

Từ năm 2015 -2016, Việt Nam đã phải nhập khẩu than cho sản xuất điện.

Riêng về nguồn khí, hiện tổng công xuất nhiệt điện khí (dùng khí đốt trong nước) đưa vào cân đối dài hạn chỉ dừng ở mức trên 12.000 MW với sản lượng điện khoảng 63 tỷ kWh/năm. Nguồn năng lượng tái tạo đạt khoảng 27.000 MW với tỷ trọng khoảng 21% vào năm 2030.

Theo ông Hưng, hiện tại và trong giai đoạn phát triển tới năm 2030, tầm nhìn năm 2035, nhiệt điện than sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Trong thời qua, trên phương tiện thông tin đại chúng, một số địa phương và người dân chưa được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về vai trò, công nghệ cũng như các vấn đề liên quan đến các nhà máy nhiệt điện than.

Ông Hoàng Quốc Vượng -Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh Sơn Tùng
Ông Cao Quốc Hưng -Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh Sơn Tùng

Do vậy, Bộ Công Thương phối hợp với Báo Lao Động tổ chức hội thảo “Cần có cái nhìn đúng về nhiệt điện than”, để các nhà khoa học, nhà quản lý, chủ đầu tư, chính quyền địa phương ... có đánh giá đầy đủ, chính xác về nhiệt điện than và môi trường. Từ đó, đề ra các biện pháp đảm bảo vận hành, xây dựng các nhà máy nhiệt điện, cung cấp đầy đủ điện cho đất nước và đáp ứng các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường.

8h35: Bà Phạm Huệ - Trưởng Ban Kinh tế Báo Lao Động tuyên bố lý do tổ chức Hội thảo “Cần có cái nhìn đúng về nhiệt điện than”.

Nhằm góp phần định hướng dư luận và có cái nhìn công bằng, chính xác với vai trò của các nhà máy nhiệt điện trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thực hiện chủ trương của Chính phủ đến năm 2030, sáng nay 13.12, Báo Lao Động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) phối hợp với Bộ Công Thương, Cục Điện lực & Năng lượng tái tạo tổ chức Hội thảo “Cần có cái nhìn đúng về Nhà máy nhiệt điện than”.  

Hội thảo có sự tham dự của ông Cao Quốc Hưng – Thứ trưởng Bộ Công Thương; ông Lê Văn Lực – Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương); ông Trương Duy Nghĩa – Chủ tịch Hiệp hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam; ông Nguyễn Ngọc Hiển – Tổng Biên tập Báo Lao Động; đại diện Bộ Tài Nguyên và Môi trường; đại diện Ban Kinh tế Trung Ương, lãnh đạo các Vụ, Cục bộ ngành liên quan, lãnh đạo một số tỉnh thành đang và sẽ triển khai dự án nhiệt điện than, nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài, lãnh đạo các tập đoàn EVN, TKV, PVN... sẽ phần nào giải đáp các vấn đề nêu trên.

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, đến năm 2030, cả nước sẽ có hơn 70 nhà máy nhiệt điện than. Dự kiến giai đoạn 2018 – 2022, tổng công suất các nguồn điện đưa vào vận hành là 34.864 MW, trong đó nhiệt điện than là 26.000 MW. Tuy nhiên, thực tế tới nay mới chỉ có 7 dự án nhiệt điện than đã được khởi công và đang triển khai xây dựng với tổng công suất 7.860 MW, còn thiếu 18.000 MW theo yêu cầu.

Trong bối cảnh áp lực tăng trưởng điện tới năm 2030 vẫn còn rất lớn, các nguồn thủy điện và năng lượng tái tạo chưa đáp ứng được đòi hỏi nhu cầu năng lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thì việc có nên phát triển thêm các nhà máy nhiệt điện than hay không là vấn đề đang được dư luận hết sức quan tâm.

Cần có cái nhìn công bằng, chính xác với vai trò của các nhà máy nhiệt điện than trong đảm bảo an ninh năng lượng. Việc phát triển thêm các nhà máy nhiệt điện than sẽ đi kèm với những hệ lụy gì; việc xử lý vấn đề môi trường, cụ thể là xử lý tro, xỉ từ các nhà máy nhiệt điện than như thế nào; các nguy cơ thiếu điện phải đối mặt...  đang là các vấn đề thời sự được đặt ra.

 
Nhóm PV
TIN LIÊN QUAN

Nhiệt điện Đông Triều bảo vệ môi trường, phát triển sản xuất

ĐẶNG TIẾN |

Những năm qua, bảo vệ môi trường và ổn định sản xuất luôn được ban lãnh đạo Cty Nhiệt điện Đông Triều xác định là hai nhiệm vụ trọng tâm.

Thách thức trong phát triển nhiệt điện than

NGUYỄN NGA - QUẾ CHI |

Trong khi phần đông công nhân háo hức trở về quê, nhiều công nhân quyết định tiếp tục làm việc vì được trả lương cao và cũng có không ít công nhân chọn cách đi du lịch với mức giá rẻ nhất.

Bộ Công Thương đề xuất giao dự án nhiệt điện Quỳnh Lập 1 cho Geleximco

Quỳnh Anh |

Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, báo cáo phương án hợp tác đầu tư một số dự án nhà máy nhiệt điện. Theo đó, Bộ này kiến nghị Thủ tướng giao liên danh Tập đoàn Geleximco - Công ty TNHH Hong Kong United (HUI) thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1 (Nghệ An) thay cho Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV).

Những món ăn đặc sắc của người Hoa ở Chợ Lớn, TPHCM

Phạm Công Luận |

Ẩm thực Hoa là thế giới đa dạng, đậm đà bản sắc từng dân tộc trong cộng đồng người Hoa sống tại Việt Nam. Đã vậy, qua hàng trăm năm ở đây, các món ăn cũng đã có điều chỉnh, gia giảm trong cách chế biến để thích nghi với nguồn nguyên liệu nhiệt đới có sẵn, chiều chuộng khẩu vị của khách…

Ông Kissinger đổi lập trường, nêu kế hoạch Ukraina mới nhất

Song Minh |

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger thay đổi lập trường, ủng hộ Ukraina gia nhập NATO.

Tiểu thương chợ hoa lớn nhất Hà Nội than ế ẩm ngày giáp Tết

MINH HÀ - DƯƠNG ANH |

Theo các tiểu thương bán hoa tại chợ Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội), năm nay giá hoa vẫn giữ mức ổn định, tăng cao nhất vào các ngày 29 và 30 Tết. Tuy nhiên, hàng hóa vẫn còn tiêu thụ chậm, chỉ bằng 50% so với mọi năm.

Những bản hợp đồng bom tấn tại V.League 2023

AN NGUYÊN |

Trước thềm mùa giải mới V.League 2023, các câu lạc bộ như Công an Hà Nội, Nam Định hay Thanh Hoá hoạt động rất tích cực trên thị trường chuyển nhượng với những bản hợp đồng "bom tấn" chất lượng.

Chứng khoán: Tiếp tục tăng lên ngưỡng kháng cự 1.100 điểm

Gia Miêu |

Việc thị trường vượt vùng tích lũy có thể là tín hiệu kỹ thuật khiến dòng tiền quay lại thị trường chứng khoán.

Nhiệt điện Đông Triều bảo vệ môi trường, phát triển sản xuất

ĐẶNG TIẾN |

Những năm qua, bảo vệ môi trường và ổn định sản xuất luôn được ban lãnh đạo Cty Nhiệt điện Đông Triều xác định là hai nhiệm vụ trọng tâm.

Thách thức trong phát triển nhiệt điện than

NGUYỄN NGA - QUẾ CHI |

Trong khi phần đông công nhân háo hức trở về quê, nhiều công nhân quyết định tiếp tục làm việc vì được trả lương cao và cũng có không ít công nhân chọn cách đi du lịch với mức giá rẻ nhất.

Bộ Công Thương đề xuất giao dự án nhiệt điện Quỳnh Lập 1 cho Geleximco

Quỳnh Anh |

Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, báo cáo phương án hợp tác đầu tư một số dự án nhà máy nhiệt điện. Theo đó, Bộ này kiến nghị Thủ tướng giao liên danh Tập đoàn Geleximco - Công ty TNHH Hong Kong United (HUI) thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1 (Nghệ An) thay cho Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV).