Quyền Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC – Vinalines) Nguyễn Cảnh Tĩnh cho biết với việc giảm lỗ đến 80% có thể khẳng định Vinalines đã "hồi sinh", thoát nợ, thoát lỗ để tiếp tục dần trở lại chiếm lĩnh thị phần vận tải biển trong nước và thế giới".
Theo ông Tĩnh, năm 2018, Vinalines đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh chính. Sản lượng vận tải biển đạt hơn 26,7 triệu tấn vượt 24,5% kế hoạch, sản lượng hàng thông qua cảng đạt gần 97 triệu tấn, tăng trưởng gần 10% so với năm 2017.
Doanh thu của Tổng công ty đạt gần 14.000 tỉ đồng - đạt 102,6% kế hoạch, lợi nhuận trước thuế đạt 365 tỉ đồng, trong đó lợi nhuận khối cảng biển là 1.022 tỉ đồng, khối dịch vụ hàng hải 83 tỉ đồng và khối vận tải biển giảm lỗ 209 tỉ đồng - giảm lỗ trên 80% so với kế hoạch.
Tính đến tháng 12/2018, tổng số doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vận tải biển thuộc Vinalines là 11 doanh nghiệp, gồm 82 tàu, tuổi tàu trung bình 15,7 tuổi, tổng trọng tải 1,726 triệu DWT, chiếm 21,7% tổng trọng tải đội tàu quốc gia, thị phần chiếm 18,4%.
Tổng số doanh nghiệp cảng biển thuộc Vinalines là 15 doanh nghiệp, trong đó có 1 cảng sông và 4 cảng liên doanh, 72 bến cảng với tổng chiều dài 12.591m chiếm 26,4% tổng số bến cảng, 20% tổng số chiều dài cầu cảng cả nước.
Tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng năm 2018 đạt 96,6 triệu tấn, chiếm 18,3% tổng sản lượng quốc gia, trong đó hàng container đạt 4,3 triệu Teus, chiếm 24,1% tổng sản lượng hàng container cả nước.
Trong năm 2019, Vinalines đặt mục tiêu sản lượng vận tải biển đạt khoảng 18 triệu tấn, hàng thông qua cảng khoảng 107 triệu tấn, doanh thu khoảng 12.714 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 710 tỉ đồng.
Theo kế hoạch,Vinalines sẽ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng Cảng biển trọng điểm gồm bến 3,4 Cảng Lạch Huyện, Cảng Vinalines Đình Vũ; phát triển cơ sở hạ tầng logistics gắn liền với hệ thống cảng và tại các trung tâm kinh tế, khu công nghiệp lớn…