Thanh toán dịch vụ công không dùng tiền mặt, thúc đẩy bằng cách nào?

Nhóm PV |

Tiện dụng và minh bạch, việc thanh toán các dịch vụ công như học phí, viện phí là xu hướng tất yếu và cần thúc đẩy.

 
Ban điều hành Hội thảo “Đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng”. Ảnh: Hải Nguyễn

Hội thảo có 2 phiên chính trong đó:

Phiên 1 bao gồm các bài tham luận, thuyết trình xoay quanh chủ đề “Thực trạng, khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách về thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công”.

Phiên 2 của buổi hội thảo với các phần tham luận, thuyết trình của các diễn giả là lãnh đạo các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho thấy bức tranh bao quát nhất về cơ sở hạ tầng thanh toán dịch vụ công và các giải pháp để thúc đẩy thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng.

Đặc biệt, sẽ có phiên thảo luận bàn tròn giữa đại diện một số cơ quan quản lý nhà nước với ngân hàng, đơn vị cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và trao đổi với trực tiếp với các đại biểu tham dự. 

 
 

Bấm F5 để cập nhật.      

                          ........................................................

11h30: Đẩy mạnh hạ tầng thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng
Ông Nguyễn Đình Chúc – Phó Tổng biên tập Báo Lao Động
cho biết, đã nghe rất nhiều ý kiến tham luận tại hội thảo: Đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng. Những ý kiến của các chuyên gia đã cung cấp bức tranh tổng thể về việc thực trạng thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng

 
Ông Nguyễn Đình Chúc – Phó Tổng biên tập Báo Lao Động. Ảnh: Hải Nguyên 

Phó Tổng biên tập Báo Lao Động cho biết, có 3 vấn đề cốt lõi nổi lên tại buổi hội thảo: Đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng. Thứ nhất là ý thức người dân trong việc thanh toán dịch vụ công khi thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng trực tuyến. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng, báo chí cần tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu những lợi ích của việc thanh toán dịch vụ công quan ngân hàng điện tử.

Thứ 2 là hệ thống pháp lý: Hệ thống pháp lý trong việc thanh toán dịch vụ công quan ngân hàng đã đảm bảo nhưng chưa hoàn thiện, vì vậy, thời gian tới, mong các cơ quan chức năng hoàn thiện hành lang pháp lý, đảm bảo tốt việc thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng.

Cuối cùng là phải đẩy mạnh hạ tầng thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng. Việc đẩy mạnh hạ tầng sẽ giúp hiện đại hóa các hình thức thanh toán, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội và người dân.

11h10 Phiên thảo luận bàn tròn

Chia sẻ ý kiến thảo luận, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế khẳng định Bộ Y tế rất quan tâm tới vấn đề thúc đẩy dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

 
Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế. Ảnh: Hải Nguyễn 

Theo thống kê của bộ Y tế, hàng năm Bộ này thu khoảng 100.000 tỉ từ viện phí, phí bảo hiểm y tế trong đó dù tiền thanh toán của BHXH được thực hiện qua ngân hàng nhưng lượng tiền viện phí trả bằng tiền mặt là rất lớn. Do đó, Bộ Y tế rất muốn cải cách để triển khai mạnh mẽ chủ trương của Chính phủ.

Hiện, Bộ Y tế đang xây dựng mô hình bệnh viện thông minh trong đó đẩy mạnh ứng dụng CNTT, đơn giản hóa việc thanh toán viện phí của người dân, giảm bớt chi phí của bệnh viện cũng như bớt thời gian của người dân.

Theo ông Liên, việc thanh toán qua ngân hàng rất thuận lợi vì dân không phải đi lại nhiều lần. Bản thân Bộ trưởng Bộ Y tế đã đi nghiên cứu, xem xét thực tế việc nộp viện phí của người dân để chỉ đạo cải cách nhằm giảm hơn nữa thời gian nộp phí.

Do việc thanh toán bằng tiền mặt còn phổ biến nên tại một số bệnh viện bộ phận tài chính có khi lên tới 70-80 người. Vì vậy, Bộ Y tế rất muốn giảm số người này xuống và rất đồng tình với đề án 241 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đại diện Bộ Y tế, việc thu viện phí bằng tiền mặt tập trung chủ yếu ở các viện trung ương và hiện nay đã có 5-6 ngân hàng hợp tác với 50 bệnh viện để thu viện phí qua ngân hàng nhưng ngân hàng mới chỉ thu hộ và 1 số ít bệnh viện có phát hành thẻ thanh toán nhưng thẻ đó chưa giải quyết được vấn đề vì người dân phải mang tiền đó rồi nộp tiền vào rồi đi khám nên vẫn dùng tiền mặt.

Đại diện bộ này kiến nghị phải có hệ thống rõ ràng giúp người dân có thẻ ATM lấy trực tiếp từ thẻ để nộp viện phí. Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, các bệnh viện phải có cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin trong khi đầu tư của nhà nước cho các bệnh viện rất thấp, thiết bị chữa bệnh còn không đủ nên tiền nâng cấp hệ thống.

Ông Liên đề nghị NHNN phối hợp cùng Bộ Y tế và kiến nghị Chính phủ cho phép gửi tiền viện phí, tiền bảo hiểm y tế vào ngân hàng để các bệnh viện có thể chủ động hơn trong việc thu chi đồng thời các ngân hàng cũng cần đồng bộ hệ thống để người dân tiện lợi hơn trong quá trình thanh toán bởi người dân không chỉ khám 1 viện.

Câu hỏi: Tình hình triển khai nộp thuế điện tử với các doanh nghiệp, số doanh nghiệp nộp thuế điện tử và định hướng trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Trọng Quang, Phó Cục trưởng Cục thuế doanh nghiệp lớn cho biết, tính đến 7.2018, đã có 662.667/677.443 doanh nghiệp đang hoạt động đã kê khai thuế điện tử với các cơ quan thuế, chiếm 97.78%.

Theo báo cáo, tháng 7.2018 số tiền nộp thuế qua kê khai thuế điện tử là 373.562 tỉ đồng/651.053 tỉ đồng, chiếm 57,35% trên tổng số thu ngân sách nhà nước do ngành thuế quản lý.

 
Ông Nguyễn Trọng Quang, Phó Cục trưởng Cục thuế doanh nghiệp lớn. Ảnh: Hải Nguyễn 

Theo ông Quang, tính tới 7.2018 việc kê khai thuế điện tử đối với thuế nhà đất đã triển khai 17 tỉnh thành, trong đó có Hà Nội, TPHCM và 15 tỉnh miền Bắc.

Trong đó, việc kê khai thuế điện tử đảm bảo tính minh bạch, giúp tiết kiệm thời gian cho người dân và hạn chế tiêu cực.

Ông Quang cũng cho biết, vừa qua, các ngân hàng thương mại  đã ủng hộ cơ quan thuế rất nhiều trong việc thực hiện thanh toán. Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại cũng đề xuất cần phải có phí cho việc thu hộ thuế.

10h55: Ngành Hải quan thu thuế điện tử 24/7

Phát biểu tại hội thảo đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng, ông Lê Mạnh Hùng Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) cho biết, Cục Xuất nhập khẩu đã triển khai thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng từ năm 2010 khi thu thuế các hàng hóa xuất nhập khẩu.

 
 Ông Lê Mạnh Hùng Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Tổng cục Hải quan). Ảnh: Hải Nguyễn 

Năm 2017, Tổng cục Hải quan thu được 297 nghìn tỉ (tương đương hơn 14 tỉ đô la), trong đó, 90% thu nộp thuế điện tử, chỉ có 0,82% nộp tiền mặt, 10% thu theo hình thức khác. Quan điểm của Tổng cục Hải quan là thu đúng, thu đủ và thu kịp thời.

“Chúng tôi ký với nhiều ngân hàng thu thuế điện tử, thay vì thu tiền mặt. Bởi lẽ, các ngân hàng hay kho bạc chỉ làm giờ hành chính, trong khi hoạt động của ngành hải quan liên quan đến việc xuất, nhập các lô hàng, có lô hàng mấy chục tỷ đồng, doanh nghiệp phải “xoay tiền” trong rất nhiều ngày, khi nộp tiền thì ngân hàng lại nghỉ. Chính vì vậy, cần phải thu thuế hoặc thanh toán các dịch vụ công qua ngân hàng.

Năm 2017, ngành Hải quan tổ chức thu thuế điện tử 24/7, làm cả ngày nghỉ và ngày lễ, tết. Tuy nhiên, doanh nghiệp muốn thanh toán các dịch vụ công những ngày này, muốn xuất, nhập hàng thì phải có văn bản trước với cơ quan quản lý về ngành hải quan. Trong thời gian quan, ngành hải quan phối hợp tích cực với các ngân hàng trong việc thu ngân sách điện tử, giúp ngành hải quan hoàn thành nhiệm vụ”.

10h50: Thay đổi thói quen sử dụng dịch vụ tài chính

Bà Lê Thị Thúy Sen - Phó Vụ trưởng vụ Truyền thông Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nêu ví dụ về con số hai tỷ, trong đó có hai tỷ người trên thế giới không tiếp cận được dịch vụ tài chính. Hai tỷ USD là con số mà Ấn Độ tiết kiệm được khi chuyển từ thu tiền mặt sang thu qua ngân hàng đối với dịch vụ Cooking gas.

 
Bà Lê Thị Thúy Sen -  Phó Vụ trưởng vụ Truyền thông Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ảnh: Hải Nguyễn

Theo bà Sen, được sự quan tâm của Ngân hàng Nhà nước, vụ Truyền thông đã thực hiện nhiều chương trình truyền thông để nâng cao hiểu biết, thói quen và hành vi của người sử dụng dịch vụ tài chính để làm sao dễ hiểu, tiết kiệm và phù hợp nhất.

Bà Sen nêu ví dụ, từ các chương trình truyền hình như “Tiền khéo tiền khôn; Những đứa trẻ thông thái”, vụ Truyền thông tập trung đến khu vực nông thôn, nơi có ít thông tin về tài chính nhằm thay đổi thói quen sử dụng dịch vụ tài chính ở khu vực chiếm 70%, 80% dân số. Mục tiêu là thay đổi thói quen, hành vi, tạo thói quen tốt trong xã hội, trong đó tập trung vào giới trẻ.

Vụ Truyền thông cũng tập trung nghiên cứu các kinh nghiệm của quốc tế, đặc điểm dân cư, thói quen, để thực hiện các dự án của mình.

Bên cạnh đó, với sự cố gắng của Ngân hàng Nhà nước còn cần sự phối hợp của các cơ quan liên quan về thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng để cùng nhau thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện cho xã hội.

10h30: Cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán đối với dịch vụ công: Cần hoàn thiện hành lang pháp lý, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật

Phát biểu tham luận về thực trạng, thách thức và đề xuất liên quan tới việc cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán đối với dịch vụ công, bà Trần Thị Hồng Anh, Giám đốc Trung tâm Phát triển sản phẩm & Marketing –VietinBank cho biết VietinBank là ngân hàng tiên phong trong việc triển khai dịch vụ thanh toán với các công ty cung cấp dịch vụ công (điện, nước, viễn thông, truyền hình…), các đơn vị hành chính công, hành chính sự nghiệp, các khách hàng doanh nghiệp (KHDN) đặc thù.

 
Bà Trần Thị Hồng Anh, Giám đốc Trung tâm Phát triển sản phẩm & Marketing –VietinBank. Ảnh: Hải Nguyễn 

VietinBank đã phối hợp với nhiều đơn vị để triển khai thu hộ các nguồn thu ngân sách Nhà nước như thuế, phí sử dụng đường bộ… thu hộ tiền nước gạch nợ trực tuyến với hơn 30 công ty nước tại các địa phương đồng thời tiên phong triển khai dịch vụ thanh toán viện phí trực tuyến cho hơn 150 bệnh viện và thu hộ học phí cho hơn 120 trường học.

Ngoài ra, VietinBank cũng phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai thu kinh phí công đoàn qua ngân hàng và đang xây dựng giải pháp thanh toán phí/lệ phí công trực tuyến - eGPS để hỗ trợ người dân.

Doanh nghiệp có thể thực hiện thanh toán phí, lệ phí của các dịch vụ hành chính công, các thủ tục hành chính công 24 giờ/ngày, 7 ngày/tuần; tại bất cứ địa điểm nào có kết nối Internet. Hiện nay, VietinBank là đơn vị đầu tiên và duy nhất cung ứng dịch vụ thanh toán phí/lệ phí dịch vụ công trực tuyến trên thị trường và có trên 30 tỉnh/thành phố đã đồng ý chủ trương và 7 tỉnh/thành phố đã triển khai, bước đầu có kết quả.

Dù đã có nhiều kết quả đáng khích lệ, đại diện VietinBank thừa nhận vẫn còn nhiều khó khăn như thói quen sử dụng tiền mặt của người dân, doanh nghiệp, tình trạng thiếu hành lang pháp lý như Chưa có hướng dẫn cụ thể để cơ quan hành chính Nhà nước mở tài khoản chuyên thu phí/lệ phí tại ngân hàng thương mại; chưa có hướng dẫn cụ thể điều chỉnh quan hệ các tổ chức trung gian (Ví dụ: Các bệnh viện, trường học…) trong việc hợp tác với NH phát hành thẻ…

Do đó, VietinBank kiến nghị các bộ, ngành có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, có cơ chế khuyến khích người dân, doanh nghiệp tăng cường sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, hoàn thiện hành lang pháp lý để các đơn vị có đủ cơ sở hợp tác với các ngân hàng trong việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt đồng thời từng bước nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật của các đơn vị cung cấp dịch vụ công.

10h20: Hình thức thanh toán dịch vụ công nào giúp giảm chi phí?

Tại hội thảo, ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho biết, NAPAS trong vai trò là trung tâm chuyển mạch quốc gia, cung ứng hạ tầng thanh toán điện tử cho các ngân hàng, các trung gian thanh toán, các đơn vị hành chính công để người dân có thể dễ dàng và nhanh chóng thực hiện thanh toán. Ông Hùng đã phân tích các giải pháp thanh toán Napas cho dịch vụ công.

 
Ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) 

Ông Hùng cho hay: "Các giải pháp thanh toán điện tử của NAPAS đã được triển khai với Cổng dịch vụ công Keypay của Cục thương mại điện tử và công nghệ thông tin của Bộ Công thương, Tổng cục đường bộ Việt Nam - Bộ Giao thông vận tải, Cục An toàn thực phẩm, Cục Quản lý môi trường Y Tế ( Bộ Y Tế), Cục quản lý quốc gia giao dịch đảm bảo (Bộ Tư Pháp), Sở giao thông vận tải Hà Nội...

Trong thời gian tới, NAPAS sẽ triển khai hệ thống thanh toán và bù trừ điện tử các giao dịch bán lẻ - ACH để có thể hỗ trợ triển khai dịch vụ công bằng nhiều hình thức thanh toán mới mẻ, hiện đại và tiện lợi hơn với mức chi phí thấp hơn", ông Hùng thông tin.

Về kiến nghị, Phó tổng giám đốc Công ty NAPAS mong muốn Chính phủ, các cơ quan chức năng ban hành chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ triển khai dịch vụ công cấp 4. Đồng bộ cơ sở hạ tầng, hệ thống công nghệ thông tin nhằm quản lý dữ liệu tập trung. Phân công, phân nhiệm rõ ràng cho đầu mối phụ trách tại các đơn vị dịch vụ công. Đồng thời phối hợp với NAPAS, các ngân hàng, tổ chức tiền gửi thanh toán, truyền thông.

9h50: Tập đoàn điện lực Việt Nam đang tiến đến chấm dứt hình thức thu tiền điện tại nhà

Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng Ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN cho biết hiện EVN đang có nhiều hình thức thanh toán tiền điện như thông qua quầy giao dịch, điểm thu tập trung, thu tại nhà và thuê dịch vụ bán lẻ điện năng tại các khu vực nông thôn.

 
Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng Ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN. Ảnh: Hải Nguyễn

Ngoài ra, EVN còn thu tiền điện qua các kênh dịch vụ của ngân hàng như: trích nợ tự động, ATM, internet banking, mobile banking, ví điện tử…

Về công tác thu tiền điện, trong năm 2005, ký thoả thuận hợp tác với 04 NHTM NN lớn: ICB, VCB, BIDV, AgriBank.

Tới năm 2015, EVN đã triển khai đẩy mạnh việc thu tiền điện qua ngân hàng, tổ chức trung gian nhằm nâng cao năng suất lao động,

Trong năm 2017, EVN không còn thu nhân viên của Điện lực đến nhà khách hàng thu tiền, hợp tác với 27 ngân hàng và 10 tổ chức trung gian.

Năm 2015, EVN bắt đầu đẩy mạnh việc thu tiền điện qua ngân hàng, tổ chức trung gian.

Năm 2017, nhân viên của Điện lực không đến nhà thu tiền (trừ trường hợp khách hàng neo đơn, khu vực do dịch vụ bán lẻ điện năng thu tiền điện)

Theo EVN, tỷ lệ hóa đơn và doanh thu tiền điện qua ngân hàng, tổ chức trung gian tăng mạnh qua các năm: từ 14,88% số KH (2015) lên 44,95% số KH năm 2017. Tỷ lệ thu tiền điện luôn đạt tỷ lệ trên 99,7%.

EVN cho biết, giai đoạn 2015-2017: Tỷ lệ doanh thu tiền điện qua ngân hàng, tổ chức trung gian tăng mạnh: từ 64,35% (2015) lên 83,57% số KH năm 2017.

Tỷ lệ thu tại quầy Điện lực và thu qua các dịch vụ bán lẻ giảm mạnh.    

EVN cũng nêu một số giải pháp đã thực hiện, trong đó giảm dần, tiến đến chấm dứt hình thức thu tại nhà, đẩy mạnh hình thức thanh toán trực tuyến. 

Tại các Tổng công ty điện lực xây dựng và triển khai đề án/kế hoạch “Phát triển khách hàng thanh toán qua ngân hàng và Tổ chức trung gian”. Trong đó, nêu rõ các giải pháp thực hiện, giao chỉ tiêu cụ thể cho các đội quản lý, cơ chế khen thưởng rõ ràng...

Đại diện EVN đề xuất một số giải pháp để tăng cường thanh toán tiền điện qua ngân hàng, trong đó EVN giao các tổng công ty tập trung xây dựng các đề án thúc đẩy thu tiền điện qua ngân hàng và các tổ chức trung gian.

EVN cũng tập trung vào công tác truyền thông, hợp tác với các cấp chính quyền để tạo điều kiện chuyển đổi các hình thức thu tiền điện sao cho thuận lợi nhất.

Ngoài ra, EVN cũng tập trung xây dựng, áp dụng công nghệ thông tin vào thu tiền điện, cổng thanh toán điện tử, kết nối với các ngân hàng, tổ chức trung gian và thanh toán online.

Trong quá trình thúc đẩy việc thu tiền điện qua ngân hàng và các tổ chức trung gian, EVN cũng gặp một số khó khăn như: Khi bỏ dịch vụ thu tiền điện tại nhà, người sử dụng điện buộc phải tới các điểm thu tiền điện.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, EVN cũng gặp một số vướng mắc như tại khu vực nông thôn các điểm giao dịch của ngân hàng còn ít nên việc  thanh toán qua ngân hàng tương đối khó khăn.

Trong khi đó, các quầy thu của ngân hàng hoạt động trong giờ hành chính, trùng với giờ đi làm với người sử dụng điện, khi giao dịch tại ngân hàng cũng khá mất thời gian.

Từ đó, EVN đề nghị một số giải pháp để giải quyết những vấn đề trên như: chỉ đạo đơn vị xây dựng chính sách thanh toán trực tuyến, phân vùng đối tượng. Thúc đẩy thu tiền điện trực tuyến qua ngân hàng, qua web, qua các ứng dụng OTT và những môi trường khác.

9h35: Trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua ngân hàng: Còn nhiều khó khăn khi triển khai

Ông Phạm Thanh Du, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính Kế toán, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết từ tháng 3/2012, BHXH Việt Nam phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam thực hiện thí điểm tổ chức chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua hệ thống bưu điện tại 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 
Ông Phạm Thanh Du, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính Kế toán, Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Ảnh: Hải Nguyễn

Sau khi tổng kết, đánh giá kết quả thí điểm, từ tháng 4/2013, việc chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng được mở rộng trên địa bàn toàn quốc và đến nay đã có 63/63 tỉnh thành trong toàn quốc thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH và quản lý người hưởng qua hệ thống Bưu điện thông qua 02 hình thức: Chi bằng tiền mặt và chi qua ATM.

Ông Du cho biết đến hết tháng 7.2018, cơ quan Bưu điện đã thực hiện chi trả bằng tiền mặt cho khoảng 2,6 triệu người (chiếm 87% số người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng) với số tiền khoảng 9,5 tỉ đồng.

Hình thức này được nhận định là còn một số nhược điểm khi ở địa bàn thành phố lớn, điểm chi trả chủ yếu là đi thuê hoặc mượn, nhân viên chi trả chưa nắm kỹ và cập nhật kịp thời các quy định về chính sách, chế độ BHXH, BHTN nên giải thích thắc mắc của người hưởng chưa đầy đủ, kịp thời.

Công tác quản lý người hưởng kết quả chưa cao, tình trạng báo giảm người hưởng hàng tháng cho cơ quan BHXH như chết, mất tích, chuyển đi nơi khác... một số nơi còn chậm sau 2 đến 3 tháng, do đó còn phải thu hồi số tiền chi sai.

Còn về hình thức cơ quan bưu điện chi trả qua tài khoản ATM cho người hưởng, việc triển khai rất nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm thời gian cho người hưởng nhưng việc quản lý người hưởng qua tài khoản cá nhân của cơ quan bưu điện còn hạn chế, gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đối với những người hưởng không thường xuyên ở nơi cư trú.

Theo ông Du, hiện vẫn còn một số khó khăn trong công tác chi trả các chế độ BHXH. Cụ thể, về chi trả không dùng tiền mặt, số người nhận lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng qua thẻ ATM chiếm tỷ trọng thấp so với số người hưởng do thói quen sử dụng tiền mặt của người dân và các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt chưa được phổ biến rộng rãi trên phạm vi cả nước.

Tính đến năm 2017, có khoảng 15%, và đến tháng 2.2018 có khoảng 21% tổng số tiền thực hiện chi trả qua Tài khoản ATM, tuy nhiên tỷ lệ phân bổ giữa các tỉnh thành phố không đồng đều, chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn.

Việc sử dụng thẻ gặp khó khăn đối với đối tượng già, yếu, cao tuổi; số lượng máy ATM chưa nhiều, đặc biệt các vùng sâu, vùng xa. Việc quản lý người hưởng gặp khó khăn, như không nắm được đầy thông tin người hưởng, báo giảm chưa kịp thời, thu hồi số tiền chi trả rất khó khăn.

Về chi trả Trợ cấp thất nghiệp, Luật Việc Làm và các văn bản hướng dẫn quy định tổ chức BHXH thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động từ tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp thứ 2 trở đi trong thời hạn 05 ngày làm việc, tính từ thời điểm ngày thứ 07 của tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng hiện chưa có sự kết nối thông tin giữa ngành BHXH và cơ quan lao động nên việc tổ chức thực hiện gặp nhiều khó khăn.

9h10: Giao dịch thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng chưa nhiều: Đâu là giải pháp?

Ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ thanh toán Ngân hàng Nhà nước phân tích thực trạng thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng, định hướng và giải pháp khắc phục những tồn tại.

Ông Dũng cho biết, về hành lang pháp lý, chủ trương thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng được đề cập tại Đề án Chính phủ theo Quyết định số 1726/QĐ duyệt “Đề án khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế” và Quyết định số 241/QĐ 23.2.2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công”. Ngoài ra, Nghị định Chính phủ, các điều luật cũng quy định rất rõ việc thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng.

 
Ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ thanh toán Ngân hàng Nhà nước 

Để triển khai Đề án 241, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 923/QĐNHNN ngày  9.5.2018; Bộ Thông tin truyền thông cũng ban hành Quyết định số 637/QĐTTTT ngày 3.5.2018; 14 UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng nhanh chóng triển khai đề án này.

Ông Dũng cho biết hiện có 50 ngân hàng thỏa thuận phối hợp thu thuế điện tử với Thuế, Hải quan trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố và 768 quận, huyện trên cả nước. Có 26 ngân hàng thỏa thuận với các công ty điện lực cung ứng dịch vụ thu hộ tiền điện trên phạm vi toàn quốc.

Có 26 ngân hàng triển khai phối hợp thu tiền nước tại hơn 20 tỉnh thành phố và 11 ngân hàng triển khai phối hợp thu tiền học phí, đa số được triển khai tại các trường đại học.

Ngoài ra, có 6 ngân hàng phối hợp triển khai dịch vụ thu hộ viện phí các bệnh viện lớn như Bệnh viện Bạch Mai, Chợ Rẫy và 5 ngân hàng phối hợp chi trả lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội.

Bên cạnh những thành tích đạt được, Vụ trưởng Vụ thanh toán Ngân hàng Nhà nước cũng phân tích một số tồn tại trong việc thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng như: Giao dịch thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng chưa nhiều, đặc biệt là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa. Việc kết nối giữa ngân hàng với các tổ chức cung ứng dịch  vụ công vẫn còn có những khó khăn, tốc độ triển khai chậm. Khả năng trao đổi, chia sẻ thông tin, truy xuất dữ liệu liên quan đến các khoản thanh toán phí  dịch vụ công còn hạn chế.

Sở dĩ có những hạn chế kể trên do cơ chế chính sách và Hạ tầng cung ứng dịch vụ thanh toán của ngân hàng chưa phù hợp và đảm bảo.

Theo đó, mạng lưới ngân hàng cung ứng dịch vụ thanh toán phân bố chưa đồng đều. Hạ tầng công nghệ thông tin, thanh toán ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa tốt. Sự tương thích về mặt kỹ thuật giữa ngân hàng, trung gian thanh toán với  đơn vị cung ứng dịch vụ công như chuẩn hóa cơ sở dữ liệu, hạ tầng công nghệ chưa chặt chẽ.

Bên cạnh đó, còn có một số nguyên nhân khách quan khác như: Sự thuận tiện của tiền mặt và thói quen của người dân, tâm lý ngại thay đổi phương thức thanh toán của một bộ phận khách hàng. Trong một số trường hợp, ngân hàng không thu được phí dịch vụ thanh toán nên chưa có nhiều động lực để triển khai, phát triển sản phẩm dịch vụ thanh toán; đồng thời, một số trường hợp khách hàng còn phải trả phí khi thanh toán qua ngân hàng cũng là rào cản khiến khách hàng ưu tiên sử dụng thanh toán bằng tiền mặt.

Để khắc phục những tồn tại và thúc đẩy thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công, ông Phạm Tiến Dũng kiến nghị phải hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách về thanh toán qua ngân hàng tiếp tục thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh an toàn trong thanh toán.

Triển khai ứng dụng thêm các hình thức, phương thức thanh toán qua ngân hàng tiên tiến, hiện đại phù hợp với đặc thù thanh toán của mỗi loại  hình dịch vụ công. Đồng thời mở rộng hợp tác giữa các đơn vị cung ứng dịch vụ công với các ngân hàng, tổ chức cung ứng giải pháp thanh toán; đẩy nhanh khả năng kết nối, trao đổi thông tin dữ liệu giữa đơn vị cung ứng dịch vụ công với ngân hàng.

Tăng cường sự chỉ đạo của các Bộ, ban ngành và Ủy ban nhân dân trong việc triển khai thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục tài chính…

8h47: Nhiều lợi ích khi thúc đẩy thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng

Ông Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ và tác động đến hầu hết các quốc gia trên thế giới, việc nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ của nền kinh tế và phát triển TTKDTM là xu hướng mang tính thời đại và phù hợp với chủ trương của Chính phủ. Quá trình thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công không chỉ mang lại lợi ích cho khách hàng, ngân hàng, đơn vị cung ứng dịch vụ công mà còn ý nghĩa tích cực đối với cộng đồng xã hội.

 
 Ông Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội

Lợi ích đối với nền kinh tế: thứ nhất, hạn chế một khối lượng lớn tiền mặt trong lưu thông, từ đó giảm bớt những phí tổn to lớn của xã hội có liên quan đến việc phát hành và lưu thông tiền như chi phí in ấn, kiểm đếm, chuyên chở, bảo quản và huỷ bỏ tiền cũ, rách,...

Thứ hai, tăng sự lưu chuyển tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế thông qua việc rút ngắn thời gian luân chuyển vốn qua các hệ thống thanh toán, giảm thời gian vốn trôi nổi, thúc đẩy chu chuyển vốn, qua đó góp phần tăng hiệu suất sử dụng vốn cải thiện tính hiệu quả, tăng thêm sức cạnh tranh của nền kinh tế;

Thứ ba, thúc đẩy sự ra đời của các công ty sáng tạo, khởi nghiệp trong lĩnh vực thanh toán, tạo thêm công ăn việc làm cho xã hội cũng như mang lại những dịch vụ gia tăng như phân tích hành vi tiêu dùng qua dữ liệu chi tiêu bằng thẻ, đối thoại trực tiếp với khách hàng, từ đó xây dựng các chương trình bán hàng, khuyến mãi nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh nói chung;

Thứ tư, nâng cao hiệu quả quản lý và thu các khoản thuế, phí qua đó giúp tăng cường sự minh bạch và thuận lợi trong thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Lợi ích đối với các Cơ quan quản lý nhà nước, hoạt động thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý và minh bạch các giao dịch tài chính tại các đơn vị cung cấp dịch vụ công;

Đồng thời, tiết kiệm ngân sách nhà nước trong việc đầu tư cơ sở bàn quầy giao dịch thu tiền cũng như việc bố trí nhân sự tại các đơn vị.

Ngoài ra, còn góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính thông qua việc tiết giảm thời gian, quy trình thực hiện thanh toán đối với dịch vụ công. Thực hiện theo tinh thần của Chính phủ kiến tạo và cải cách thủ tục hành chính.

Riêng đối với hệ thống ngân hàng, việc thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng là cơ hội để ngân hàng đa dạng hoá sản phẩm và mở rộng phạm vi cung ứng dịch vụ, đối tượng khách hàng phục vụ, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng khả năng huy động, thu hút nguồn vốn nhàn rỗi trong xã hội.

Thông qua việc cung ứng đa dạng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán dịch vụ công, ngân hàng cũng sẽ có thêm cơ hội cung cấp các dịch vụ hỗ trợ, giá trị gia tăng khác cho khách hàng, từ đó tạo tiền đề cho việc phát triển doanh thu từ việc cung ứng dịch vụ.

Clip: Ông Bùi Sỹ Lợi nói về lợi ích của việc thanh toán các dịch vụ công qua ngân hàng

Thúc đẩy ngân hàng ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trong cung ứng sản phẩm dịch vụ, từ đó góp phần nâng cao chất lượng, dịch vụ thanh toán ngân hàng đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người sử dụng dịch vụ.

Lợi ích của việc thanh toán qua ngân hàng đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ công và người bán hàng hóa và dịch vụ bán lẻ:

Thứ nhất, được sử dụng dịch vụ thanh toán với nhiều tính năng và chất lượng tốt hơn, tính ổn định và chính xác cao và an toàn;

Thứ hai, quản lý hiệu quả và chính xác nguồn thu chi và dữ liệu thu chi bằng việc giao dịch qua hệ thống ngân hang giúp minh bạch đồng tiên để phòng chống tham nhũng.

Thứ ba, tăng doanh số tiêu thụ và lợi nhuận từ việc gia tăng nhu cầu người mua nhờ sự thuận tiện trong các giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ của người tiêu dùng.

Riêng đối với người dân, việc sử dụng dịch vụ TTKDTM đối với các dịch vụ công giúp tiết giảm thời gian, tiết kiệm các chi phí, đặc biệt chi phí di chuyển an toàn, nhanh chóng, thuận tiện và tránh được các rủi ro có thể phát sinh liên quan đến sử dụng tiền mặt.

Ông Bùi Sỹ Lợi đề xuất một số giải pháp thúc đẩy thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng:

Trước hết, ngành Ngân hàng thời gian qua đã chú trọng trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động thanh toán, ứng dụng công nghệ cao, gia tăng tiện ích cho khách hàng, tạo niềm tin cho người dân.

Tiếp tục cập nhật và áp dụng các biện pháp tiên tiến bảo đảm an ninh, an toàn cho các hệ thống thanh toán, các sản phẩm dịch vụ thanh toán; đồng thời tăng cường sự giám sát của cơ quan quản lý, sự phối hợp giữa ngân hàng với các đơn vị liên quan trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn.

Thứ hai, trước những phương thức và thủ phạm mới của tội phạm trong hoạt động thanh toán, ngành Ngân hàng cần tiếp tục kiểm tra thường xuyên, rà soát, bổ sung và hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ, quy định nội bộ về an ninh, bảo mật hệ thống công nghệ thông tin của các đơn vị cung cấp dịch vụ nhằm hạn chế các rủi ro.

Thứ ba, đảm bảo hoạt động thanh toán an toàn, thông suốt trong dịp lễ tết qua ATM, tăng cường hệ thống đảm bảo an toàn, bảo mật cho các giao dịch qua ATM, POS và các giải pháp xác thực khách hàng để phòng, chống các hành vi gian lận.

Thứ tư, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với đặc điểm của từng nhóm đối tượng, từng vùng, miền, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, khu vực nông thôn nhằm nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng, dịch vụ thanh toán trong nền kinh tế, thúc đẩy các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Cuối cùng, Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ công và người dân về thực hiện giao dịch thanh toán qua ngân hàng, bao gồm các khoản thuế, các loại hóa đơn định kỳ (điện, nước, học phí) và viện phí, chi trả an sinh xã hội qua ngân hàng. Đồng thời, cần sự phối hợp chặt chẽ và vào cuộc của các Bộ, Ngành, địa phương, đơn vị liên quan trong việc xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy việc thanh toán các dịch vụ công qua ngân hàng.

8h40: Thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công vẫn còn khiêm tốn

Phát biểu khai mạc Hội thảo “Đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng”, ông Nguyễn Kim Anh Phó Thống đốc NHNN Việt Nam cho biết ngày 23.02.2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 241/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội (sau đây xin phép gọi tắt là Đề án 241) với mục tiêu đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội qua ngân hàng góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của nền kinh tế và phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; phấn đấu đến năm 2020.

 
Ông Nguyễn Kim Anh Phó Thống đốc NHNN Việt Nam. Ảnh: Hải Nguyễn

Cụ thể: 80% giao dịch nộp thuế tại các thành phố trực thuộc trung ương, thành phố thuộc tỉnh thực hiện qua ngân hàng; 70% số tiền điện tại địa bàn thành phố, quận, thị xã thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được thanh toán qua ngân hàng; 50% cá nhân, hộ gia đình ở các thành phố lớn thực hiện thanh toán tiền nước qua ngân hàng; 80% số sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng nộp học phí qua ngân hàng; 50% bệnh viện tại các thành phố lớn chấp nhận thanh toán viện phí qua ngân hàng và 20% số tiền chi trả an sinh xã hội được thực hiện qua ngân hàng.

Theo lãnh đạo NHNN, Đề án 241 ngay từ khi xây dựng cho đến khi được phê duyệt đã nhận được sự đồng thuận/ủng hộ từ các Bộ, ngành địa phương và đến nay, sau khi Đề án được phê duyệt, các Bộ, ban ngành, UBND các tỉnh, thành phố đã tích cực hưởng ứng triển khai, trong đó nhiều đơn vị đã ban hành kế hoạch chi tiết nhằm triển khai thực hiện Đề án.

Về phần mình, thực hiện chủ trương, định hướng của Chính phủ về việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, thời gian qua NHNN đã nghiên cứu và phối hợp chặt chẽ với các Bộ, Ngành, đơn vị liên quan xây dựng các cơ chế, chính sách, chương trình nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt nói chung cũng như thanh toán dịch vụ công nói riêng; đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng đầu tư hạ tầng, nghiên cứu phát triển đa dạng sản phẩm dịch vụ thanh toán tiện ích, kết nối với các cơ quan liên quan (Thuế, Hải quan, Kho bạc Nhà nước, Điện lực, Bảo hiểm xã hội, Bệnh viện,..), đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng trong thanh toán đối với dịch vụ công.

Ông Nguyễn Kim Anh - Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam nói về nỗ lực của ngân hàng trong việc đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng.

Theo đó, bên cạnh việc thanh toán dịch vụ công theo các phương thức truyền thống bằng chứng từ giấy, còn có nhiều phương thức thanh toán mới, hiện đại, dễ sử dụng cho khách hàng lựa chọn như: dịch vụ trích nợ tự động, thanh toán thẻ, giao dịch tại ATM, POS, sử dụng dịch vụ internet banking, mobile banking, sử dụng ví điện tử... Tuy nhiên, trên thực tế, việc thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công vẫn còn khiêm tốn, phạm vi triển khai chủ yếu tập trung vào nhóm đối tượng khách hàng là các tổ chức, doanh nghiệp hoặc tại các tỉnh, thành phố lớn, điều kiện kinh tế phát triển.

Để thúc đẩy việc triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Hội thảo “Đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng” được tổ chức với mong muốn tạo cơ hội để cho các bên liên quan: đơn vị cung ứng dịch vụ công, đơn vị cung cấp sản phẩm dịch vụ, giải pháp thanh toán, các cơ quan quản lý chuyên ngành cùng nhau thảo luận nhìn nhận về bức tranh chung đối với tình hình thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng; xác định những những tồn tại cũng như những khó khăn, vướng mắc, rào cản cụ thể để từ đó cùng nhau đưa ra các biện pháp thiết thực nhằm tháo gỡ các vướng mắc đó.

Thay mặt Ngân hàng Nhà nước, Phó Thống đốc NHNN bày tỏ sự cảm ơn Báo Lao động, đơn vị chủ trì tổ chức, cảm ơn Công ty Cổ phần thanh toán quốc gia NAPAS, Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt đã tích cực phối hợp chuẩn bị, tổ chức Hội thảo; trân trọng cảm ơn các Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan), Bộ Lao động thương binh và xã hội, Bảo Hiểm xã hội Việt Nam, Tập đoàn điện lực Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam đã nhận lời mời tham gia và có bài tham luận thuyết trình, chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo. 

8h30: Cần thiết phải tổ chức Hội thảo: Đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng.

Phát biểu tuyên bố lý do tổ chức Hội thảo: “Đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng”, ông Nguyễn Đình Chúc – Phó Tổng biên tập Báo Lao Động cho hay: Quyết định số 1726/QĐ phê duyệt “Đề án khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế”, Quyết định số 241/QĐ 23.2.2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công”… đã đặt ra mục tiêu định lượng cụ thể đến năm 2020 về vấn đề thanh toán dịch vụ công.

 
Ông Nguyễn Đình Chúc – Phó Tổng biên tập Báo Lao Động 

Theo ông Đình Chúc, mặc dù Chính phủ đã có đề án cụ thể nhưng vẫn còn một số tồn tại trong việc thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng như: Giao dịch thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng chưa nhiều, đặc biệt là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa. Việc kết nối giữa ngân hàng với các tổ chức cung ứng dịch vụ công vẫn còn có những khó khăn, tốc độ triển khai chậm…

Chính vì vậy, Báo Lao Động đã tổ chức một buổi hội thảo đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng. Tại hội thảo, ông Nguyễn Đình Chúc gửi lời cảm ơn trân trọng sự phối hợp, giúp đỡ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các bộ ngành như Bộ Công Thương, Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội, Bộ Tài chính, các ngân hàng và doanh nghiệp để hội thảo diễn ra thành công.                          ............................................................

Tham dự hội thảo có TS. Bùi Sĩ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội; Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Kim Anh, đại diện các Bộ: Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế; Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam; các vụ, cục trực thuộc NHNN; Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas); các ngân hàng thương mại…

 
Các đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: Hải Nguyễn 

Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng thanh toán dịch vụ công ở Việt Nam hiện nay, nêu các mô hình thành công trong thanh toán dịch vụ công không dùng tiền mặt. Đồng thời đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng, góp phần thực hiện Quyết định số 241/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: Thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội (gọi tắt là Đề án 241).

Bên cạnh đó, hội thảo cũng đề xuất các giải pháp ứng dụng công nghệ nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại các ngân hàng thương mại.

 
Đồng hành cùng Hội thảo “Đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng” 
Nhóm PV
TIN LIÊN QUAN

8h sáng 24.8: Báo Lao Động tổ chức hội thảo “Đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng”

P.V |

Sáng 24.8, tại Hà Nội, Báo Lao Động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và một số bộ, ngành liên quan sẽ tổ chức Hội thảo “Đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng”.

Đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công

T.C.A |

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: Thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội.

Đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến để hạn chế nạn nhũng nhiễu

H.Trân - M.Quân |

Mặc dù ngày 26.11, TPHCM mới chính thức công bố đề án Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025, tuy nhiên từ những năm qua, TPHCM là địa phương triển khai khá tốt dịch vụ công trực tuyến – bước đi đầu tiên của đô thị thông minh.

Khánh thành trụ sở Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc

THEO TTXVN |

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, trưa 17.1, tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin Pyo đã cắt băng khánh thành trụ sở Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc, một biểu tượng cho quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tướng hàng đầu Mỹ thị sát quân đội Ukraina

Ngọc Vân |

Tướng Mỹ Mark Milley đến Đức để giám sát chương trình huấn luyện binh sĩ Ukraina của Lầu Năm Góc.

Hà Nội ngày cận Tết, ra khỏi nhà là gặp... tắc đường

Tô Thế |

Hà Nội - Cũng như mọi năm vào dịp cận Tết Nguyên đán, các tuyến đường ở Hà Nội luôn có mật độ phương tiện lưu thông rất cao. Nhiều tuyến phố ùn tắc bất kể ngày đêm.

Hà Nội phân luồng ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc dịp Tết

PHẠM ĐÔNG |

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tổ chức phân luồng cho phương tiện ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Khu nghỉ dưỡng ẩn mình giữa rừng thông tuyệt đẹp ở Mộc Châu

Chí Long |

Nằm ngay trung tâm khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Phoenix Mộc Châu Resort được bao phủ bởi rừng thông hàng trăm năm tuổi, với không khí trong lành, mát mẻ tựa như Đà Lạt thu nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc.

8h sáng 24.8: Báo Lao Động tổ chức hội thảo “Đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng”

P.V |

Sáng 24.8, tại Hà Nội, Báo Lao Động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và một số bộ, ngành liên quan sẽ tổ chức Hội thảo “Đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng”.

Đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công

T.C.A |

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: Thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội.

Đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến để hạn chế nạn nhũng nhiễu

H.Trân - M.Quân |

Mặc dù ngày 26.11, TPHCM mới chính thức công bố đề án Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025, tuy nhiên từ những năm qua, TPHCM là địa phương triển khai khá tốt dịch vụ công trực tuyến – bước đi đầu tiên của đô thị thông minh.