Trao đổi với Lao Động, một thương nhân phân phối xăng dầu ở Hà Nội cho biết, sau kỳ điều chỉnh giá ngày 1.3 vừa qua, các doanh nghiệp vẫn lỗ hơn 3.000 đồng/lít xăng, khoảng gần 4.000 đồng/lít dầu. Trong khi hiện giá dầu thô đã tăng mạnh nên kỳ điều hành tới chắc chắn giá xăng dầu phải tiếp tục tăng cao.
Vị này ước tính, giá xăng dầu trong kỳ điều chỉnh tới (ngày 11.3), giá xăng RON 95 tăng khoảng 3.800 đồng mỗi lít; xăng E5 tăng 3.400 đồng/lít; còn dầu DO tăng rất mạnh, khoảng 4.800 đồng/lít.
Với mức tăng này, giá xăng RON 95 có thể chạm ngưỡng 30.000 đồng mỗi lít - nếu không có công cụ can thiệp đủ sức nặng như giảm thuế.
Lý giải nguyên nhân giá xăng trong nước có thể tăng rất mạnh trong kỳ điều chỉnh tới, thương nhân này cho biết, hiện giá dầu thô leo đỉnh khiến giá thành phẩm mặt hàng này tại thị trường thế giới cũng không ngừng đi lên.
Cụ thể, dầu WTI đã tăng tới 7%, được giao dịch trên mức 128 USD/thùng trước khi chốt phiên ở mức 123,7 USD/thùng, tăng 3,6%. Giá dầu Brent cũng tăng 7,7% lên mức 132,75 USD/thùng trước khi giảm xuống còn 123,21 USD/thùng, tăng 4,3%.
Còn theo dữ liệu được Bộ Công Thương công bố tới ngày 7.3, giá thành phẩm xăng dầu trên thị trường Singapore với xăng RON92 (loại dùng pha chế xăng E5 RON92) là 142,01 USD một thùng; xăng RON95 là 145,88 USD; dầu diesel 158,44 USD mỗi thùng.
Như vậy, từ 1.3 đến nay, giá thành phẩm thế giới đã tăng gần 20% mỗi lít xăng, dầu. Việc này khiến chênh lệch giá cơ sở (dùng để tính toán giá bán lẻ trong nước) và giá thế giới ngày càng tăng.
Theo Nghị định 83 trước đây, nếu các yếu tố cấu thành làm cho giá cơ sở tăng vượt 3% đến 7% so với giá cơ sở liền kề trước đó, thương nhân đầu mối có quyền tự tăng giá bán lẻ sau 3 ngày kể từ ngày gửi văn bản báo cáo ban điều hành.
Và nếu các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trên 7%, thì Liên Bộ Công Thương - Tài chính phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến về biện pháp điều hành cụ thể. Trong khi đó, biến động giá tuần qua đã tăng gần 20%.
Ông M - một thương nhân phân phối xăng dầu cho biết: "Ngưỡng biến động đã vượt 10%, là ngưỡng bất thường, đột biến, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, cơ quan điều hành cần tính toán điều chỉnh ngay thay vì chờ đủ 10 ngày, đừng để tình trạng chậm điều hành giá như hồi tháng 2 vừa rồi, không ít doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu méo mặt" - ông M nói.
Ông Bùi Ngọc Bảo - quyền Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng việc điều hành giá tiệm cận với thế giới là cái "đích" cần hướng tới.
Theo đó, nếu trong trường biến động mạnh, việc xem xét điều chỉnh 2 ngày một lần sẽ tiệm cận với giá thế giới hơn, giảm lỗ cho doanh nghiệp ngành này.
Tuy nhiên, ông Bảo cho biết vẫn chỉ giải quyết được phần nào, bởi vấn đề chính hiện nay là giá dầu thế giới tăng mạnh nhưng không phải do cung cầu mà đến từ những căng thẳng địa chính trị.
Trong nước, để hạ nhiệt giá xăng dầu, bình ổn thị trường, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến phương án giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu từ ngày 1.4 đến hết năm 2022, với mức giảm 500 đồng đến 1.000 đồng so với mức kịch khung đang áp dụng.
Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp, người dân, mức mà Bộ Tài chính đưa ra là thấp trong bối cảnh giá mặt hàng này tăng quá mạnh như hiện nay.