"Trong quản lý tài chính cá nhân chúng tôi có câu "Một lỗ rò nhỏ có thể làm đắm cả một con thuyền" để nói về việc chúng ta coi thường các khoản chi tiêu nhỏ, không đáng gì nhưng thực tế cộng dồn lại khá nhiều", TS. Hoàng Thị Bảo Thoa - Giảng viên Viện Quản trị kinh doanh, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ trong chương trình Tài chính thông minh.
Theo chuyên gia, mọi người rất dễ rơi vào cảnh "cháy túi" nếu chi tiêu vượt quá thu nhập và dùng tiền không có kế hoạch. Qua chương trình, bà Thoa đã đề xuất liều vaccine chống "viêm màng túi" một cách hiệu quả.
Bài học nằm lòng để chi tiêu hiệu quả
TS. Hoàng Thị Bảo Thoa cho biết: "Hãy thanh toán các khoản chi tiêu thiết yếu trước. Với các bạn trẻ còn độc thân thì thứ tự ưu tiên có thể là tiền nhà, tiền điện nước, tiền đi lại, tiền ăn..."
Ngoài các khoản thiết yếu này, chuyên gia tài chính cá nhân khuyến cáo các bạn nên dành một khoản tiền nhất định cho việc học tập nâng cao trình độ...
"Sở dĩ tôi khuyến cáo nên ưu tiên khoản tiền này vì đây thực sự là giai đoạn vàng để các bạn chuẩn bị năng lực làm việc và nó sẽ ảnh hưởng lớn đến mức thu nhập cũng như sự thăng tiến của các bạn trong tương lai. Đến khi lập gia đình và có con, các bạn sẽ bận rộn hơn và phải ưu tiên nhiều khoản tiền cho con cái", vị tiến sĩ nói.
Bên cạnh đó, hãy đặt ra các mục tiêu chi tiêu cụ thể và cố gắng tuân theo một cách có kỷ luật. Ví dụ như hạn chế ăn ngoài hàng, giảm tiêu thụ thực phẩm bán sẵn hoặc đóng hộp, không mua những thứ chỉ để gây ấn tượng với người khác...
Đặc biệt, trước khi mua một thứ gì đó, mỗi người hãy tự hỏi mình 3 lần "Mình có thật sự cần vật này không?" trước khi quyết định xuống tiền!
Những quy tắc quản lý chi tiêu đơn giản
Có nhiều quy tắc quản lý tài chính thông minh mà chúng ta có thể áp dụng. Bà Thoa đề xuất quy tắc 6 chiếc lọ.
Theo đó, bạn chia thu nhập của mình thành 6 phần khác nhau: 1 phần cho chi tiêu, 1 phần cho tiết kiệm, 1 phần cho đầu tư, 1 phần cho trao tặng, 1 phần cho giáo dục và 1 phần cho việc hưởng thụ. Trong đó chi tiêu thiết yếu chiếm khoảng 55%, 5% cho quỹ trao tặng và 4 phần còn lại, mỗi phần khoảng 10%.
Đơn giản dễ nhớ hơn, các bạn có thể tham khảo quy tắc 50/20/30. Trong đó 50% dành cho chi tiêu thiết yếu. 30% cho chi tiêu linh hoạt bao gồm cả du lịch, giải trí. 20% còn lại chi cho mục tiêu tài chính gồm tiết kiệm và đầu tư. Xem thêm...
Điều quan trọng nhất khi thực hiện các quy tắc này là sự kỷ luật. "Bạn không được lấy từ quỹ này để dùng cho quỹ khác. Nó không khác gì việc các bạn đã đút tiền vào lợn tiết kiệm rồi lại lấy móc để móc nó ra vậy!", chuyên gia nhấn mạnh.