Sóng gió trên những con tàu vỏ thép ở Miền Trung: Tàu hư có lỗi... “tại anh, tại ả” (kỳ cuối)

XUÂN NHÀN - THUỲ TRANG - NHIỆT BĂNG |

Sự kiện tàu vỏ thép đóng theo NĐ 67/CP của Chính phủ sớm bị hư hỏng, thiếu hiệu quả sau vài chuyến đi biển đã gây sóng gió dư luận trong vài ngày qua.

Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã quan tâm và có chỉ đạo sát sao vấn đề này. Chính quyền các địa phương gồm: Bình Định, Ninh Thuận, Phú Yên... đã tìm kiếm, mổ xẻ các nguyên nhân, đồng thời tích cực thúc đẩy các giải pháp sớm khôi phục đội tàu thép đánh bắt hải sản. Đà Nẵng là một trong những điểm sáng trong chủ trương phát triển đội tàu thép Nghị định 67/CP có hiệu quả.

KỲ CUỐI: Tàu hư có lỗi... “tại anh, tại ả” 

Kinh nghiệm Bình Định

Số lượng tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP bị hư hỏng phải sửa chữa ở Bình Định đã tăng từ 18 lên 20 chiếc.

Sự đồng hành quả quyết, không khoan nhượng của chính quyền Bình Định có thể xem như đảm bảo chắc chắn để câu chuyện về những con tàu gỉ sét, động cơ không đồng bộ không bị... chìm xuồng. Vụ tàu vỏ thép 67 hư hỏng ở Bình Định như Lao Động đưa tin, đã đi đến một kết thúc có hậu. Cty TNHH Đại Nguyên Dương và Cty TNHH MTV Nam Triệu buộc phải sửa chữa 20 tàu hỏng hóc; Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo; trách nhiệm bồi thường, ngoài việc sửa chữa tàu, cơ quan điều tra được yêu cầu làm rõ.

Theo quy định của Nghị định 67, một nhân tố khác đóng vai trò quan trọng để con tàu hình thành và hoạt động bình thường là chủ tàu. Đối tượng này được “quyết định việc vay vốn, lựa chọn mẫu tàu, máy móc trang thiết bị, ngư lưới cụ, cơ sở đóng tàu để đầu tư đóng mới, nâng cấp tàu khai thác hải sản và tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ”.

Trong cách hiểu của cơ quan thừa hành, chủ tàu đồng thời cũng là bên thực hiện chức năng giám sát. Khi ví von “làm ngôi nhà 700-800 triệu đồng phải thuê tư vấn giám sát, đằng này đóng con tàu hàng chục tỉ lại chỉ nghiêng ngó tay ngang” là ông Phan Trọng Hổ nhắm vào trách nhiệm ngư dân.

Thực tế, gánh nặng trên vai ngư dân quá lớn mà họ thì lại thiếu kinh nghiệm, thiếu quan hệ, thiết hiểu biết, thiếu thông tin... Trong khi đó, hệ thống chính quyền từ xã lên tỉnh dường như bị đặt ở ngoài hàng rào cơ sở đóng tàu.

Điều 10, Nghị định 67 chỉ giao UBND các cấp xác nhận đối tượng được vay vốn, được hỗ trợ bảo hiểm, thẩm định, phê duyệt danh sách ngư dân tham gia chương trình... mà không đề cập vai trò cầu nối, hướng dẫn, giám sát quan hệ chủ tàu - doanh nghiệp. Đây là kẽ hở cần điều chỉnh để cơ quan nhà nước địa phương có thể đồng hành một cách hiệu quả cùng ngư dân thông qua công cụ quản lý của mình. Ngoài ra, còn phải tính tới vai trò các hội, vai trò Hiệp hội Thủy sản...

Bài học Đà Nẵng

Đà Nẵng là một điểm sáng trong chủ trương phát triển đội tàu thép Nghị định 67/CP có hiệu quả. Trong khi ngư dân tàu vỏ thép Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên lo lắng, thúc giục đơn vị đóng tàu, sửa chữa sớm khiếm khuyết để đưa tàu trở lại khơi xa, thì tại TP.Đà Nẵng, những chủ tàu 67 chuẩn bị cho những chuyến biển dài trên những chiếc tàu vỏ thép vững chãi.

Trao đổi với anh Lê Văn Sang (Q.Hải Châu, Đà Nẵng) - anh cho hay, chiếc tàu vỏ thép SangFish 05 vẫn đang ra khơi “ngon lành”. Anh Sang cũng chính là người từng trả lại tàu vỏ thép 01 vì liên tục hư hỏng. Nhắc chuyện này, anh nói, bài học xương máu đó giúp nhiều ngư dân như anh nhận ra rằng phải tự thiết kế và giám sát đóng tàu vì đó là tài sản của mình.

Cùng là chủ một chiếc tàu 67 tại Đà Nẵng, gia đình chị Hương anh Nguyễn Sương, người đang sở hữu tàu ĐNa 90767 TS cho biết, sau 1 năm hạ thủy, con tàu hoạt động rất tốt. Thế nhưng để có được những hiệu quả đó, anh Nguyễn Sương đã phải nghiên cứu rất kỹ trong 2 năm, mất thêm 1 năm đóng tàu mới hoàn thành. Lần đầu đóng tàu sắt nên anh Sương đã phải lặn lội ra ĐH Hàng Hải (Hải Phòng) để tham khảo ý kiến của các giáo sư đầu ngành về thiết kế đóng tàu. Có thiết kế rồi, anh Sương tiếp tục lựa chọn nhà máy đóng tàu và túc trực 1 năm tại đây. Đặc biệt, ngoại trừ thép là được cơ quan đăng kiểm duyệt chọn thì tất cả đều do anh Sương quyết định, nhà máy chỉ có làm theo. Để con tàu chất lượng, anh Sương còn thuê giám sát riêng để kiểm tra mối hàn, việc phun sơn.

Hay như anh Trần Văn Mười - người hạ thủy chiếc tàu vỏ thép đầu tiên ở Đà Nẵng - theo nghị định 67 cũng đã lấy thiết kế của nhà nước rồi chỉnh sửa. Đến nay, cả 2 tàu đều hoạt động tốt.

Con tàu là máu thịt

Sau khi nghị định 67 có gần 100 hồ sơ gửi lên đăng ký, tuy nhiên Hiệp hội nghề cá cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đà Nẵng đã giải thích cho ngư dân hiểu, con tàu là tài sản của chính ngư dân, nhà nước chỉ cho vay và cho phần lãi suất, còn ngư dân vẫn mang nợ ngân hàng. Thứ nữa ngư dân phải xác định có năng lực thực sự, bao gồm kỹ năng am hiểu về nghề đánh cá. Từ những điều kiện đó ngư dân sẽ biết con tàu mình đóng như thế nào, phù hợp với nghề nghiệp của mình chứ không thể giao con tàu đóng theo mẫu của một ai đó.

Sau khi có sự tư vấn, nhiều ngư dân tự nhận thấy không có năng lực đã rút khỏi danh sách. Hiện Đà Nẵng có 5 con tàu đang hoạt động rất tốt, nhiều ngư dân còn muốn đóng tàu thứ 2. Bằng chứng rõ ràng nhất cho sự thành công của tàu 67 tại Đà Nẵng là cùng một xưởng đóng tàu nhưng tàu của ngư dân Quảng Nam khi hạ thuỷ thì bị hỏng sơn, hỏng máy còn tàu Đà Nẵng vì được giám sát chặt chẽ nên hoạt động rất tốt.

Ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch Hội nghề cá Đà Nẵng - cho biết: “Việc chuyển từ tàu gỗ sang tàu sắt là một sự chuyển đổi về chất, không thể lấy kiến thức của tàu nhỏ rồi phóng đại lên tàu lớn. Vì vậy, mỗi chính sách của nhà nước cần phải tính toán tỉ mỉ và phải sát với thực tế. Không chỉ tính đến nguồn vốn cho vay mà còn phải tính đến từng người ngư dân, đầu tư đào tạo về năng lực cho người làm biển mà rộng hơn là cả một ngành công nghiệp biển. Đó là điều mà Việt Nam còn hổng rất nhiều, hệ quả là giờ đây hàng chục chủ tàu thành chủ nợ”.

Ngân hàng - nơi cho vay vốn, nơi né
Ông Nguyễn Duy Hưng - PGĐ Ngân hàng Agribank Ninh Thuận: Trong 35 tàu đóng theo NĐ 67 tại Ninh Thuận, thì Ngân hàng Agribank Ninh Thuận cho vay đến 33 tàu, còn lại là ngân hàng BIDV. “Tại sao các ngân hàng khác không tham gia. Tôi nói thẳng là do họ nhận thấy rủi ro lớn nên họ trốn chứ không có vấn đề gì ở đây hết”. Theo ông Hưng, đây là áp lực không nhỏ đối với ngân hàng của ông. Vì vậy, ông Hưng đề xuất các ngân hàng phải thể hiện trách nhiệm như nhau trong việc thực hiện chương trình NĐ 67 chứ “cứ né không phải là cách hay”, nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngư dân.
Khó hoàn thành sửa chữa 20 con tàu trong tháng 8
Theo yêu cầu của Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Bình Định, toàn bộ tàu vỏ thép 67 đóng mới bị hư hỏng phải sửa chữa xong trong tháng 8. Tại Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan (huyện Hoài Nhơn), từ tháng 7, hàng chục con tàu đã được đưa lên đà. Không khí hiện trường đang không êm ả, nhất là ở nhóm tàu do Cty TNHH Đại Nguyên Dương đóng. Đợt kiểm định thứ hai (trên 10 mẫu thép lấy ở phần mạn và đáy) tiếp tục cho kết quả bất lợi với Đại Nguyên Dương. Các chủ tàu yêu cầu Cty phải tháo toàn bộ thép không đạt chuẩn ra thay lại bằng thép mới. Tuy nhiên, đại diện cơ sở đóng tàu lại tìm cách thuyết phục ngư dân để chỉ phải sơn sửa mà thôi. Lý do theo vị này, “làm theo yêu cầu của ngư dân, thời gian kéo dài 8-10 tháng. Mặt khác, Cty hiện không còn tiền”.
Sẽ kiến nghị điều chỉnh NĐ 67 theo sát thực tế

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có chỉ đạo: Phải giữ vững mục tiêu NĐ67 đặt ra, phát triển thủy sản, phát triển tàu cá. Theo đó, các bộ: NN&PTNT, Tài Chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần phối hợp rà soát, đưa ra các cơ sở đáp ứng được yêu cầu thực tế trong đóng mới tàu cá; tháo gỡ khó khăn trong việc vay vốn, các quy định chính sách về đầu tư, tín dụng, bảo hiểm; chính sách ưu đãi thuế; chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư cũng như một số chính sách khác. Trong đó, các vấn đề về chính sách cho vay vốn, hỗ trợ một lần sau đầu tư, chính sách bảo hiểm; quy hoạch tàu cá… cần được đặc biệt chú trọng. “Những chính sách còn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn cũng cần được sửa đổi, bổ sung trong năm 2017 để có thể triển khai, thực hiện từ tháng 1.2018” - Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám cho biết, trong quá trình thực hiện NĐ 67, các hạng mục đầu tư từ nguồn vốn Ngân sách Nhà nước cho cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão chưa đồng bộ; đội tàu cá phát triển mạnh về số lượng, kích thước và công suất tàu, nên xảy ra nhiều bất cập. Bên cạnh đó, do lần đầu triển khai đóng tàu vỏ thép nên ngư dân còn lúng túng chọn cơ sở đóng tàu, tư vấn thiết kế và công tác giám sát thi công; công tác đăng kiểm còn thiếu về nguồn lực, yếu về trình độ… vì vậy Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu Chính phủ ban hành các chính sách nhằm khắc phục các hạn chế trong quá trình thực hiện NĐ 67/CP bộc lộ trong thời gian qua.

Ngoài ra, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát góp ý, cần xem xét thành lập riêng bộ máy chỉ đạo về triển khai NĐ67 nhằm thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn và kịp thời đôn đốc khi có các tình huống xảy ra. Thực hiện hỗ trợ để đóng mới và nâng cấp tàu cá với cơ chế linh hoạt, đồng thời hỗ trợ đóng thuế, hiện đại hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động của tàu cá; kiểm tra, rà soát lại việc thực hiện chủ trương về bảo hiểm thân tàu và đối với ngư dân.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng tín dụng để đóng mới, nâng cấp 993 tàu (593 tàu vỏ gỗ, 333 tàu vỏ thép và 67 tàu vỏ vật liệu mới), chiếm 92% tổng số hồ sơ đề nghị vay vốn của chủ tàu. Tổng số tiền cam kết cho vay là 9.814 tỉ đồng; giải ngân cho vay theo tiến độ đóng mới, nâng cấp tàu đạt 8.928 tỉ đồng, dư nợ đạt 8.762 tỉ đồng, tăng 14% so với cuối năm 2016.

Với nguồn vốn này, đến tháng 7.2017 đã có 761 tàu cá đóng mới đi vào hoạt động, trong đó có 301 tàu vỏ thép. Và đến thời điểm này, chỉ còn 1 trong số 28 tỉnh, thành phố chưa có danh sách phê duyệt chủ tàu đủ điều kiện vay vốn để đóng mới, nâng cấp. Với các tỉnh còn lại sẽ có khoảng gần 2 ngàn tàu được đóng mới đưa vào hoạt động vào các năm tới. Về chính sách bảo hiểm, trong năm 2016, tổng giá trị bảo hiểm là 39.722 tỉ đồng; tổng số tàu tham gia bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ là 12.579 tàu cá; tổng số lượng thuyền viên được hưởng bảo hiểm là 128.291 thuyền viên; tổng số phí bảo hiểm là 400 tỉ đồng…
KHÁNH VŨ

XUÂN NHÀN - THUỲ TRANG - NHIỆT BĂNG
TIN LIÊN QUAN

Sóng gió trên những con tàu vỏ thép ở Miền Trung

NHIỆT BĂNG |

Sự kiện tàu vỏ thép đóng theo NĐ 67/CP của Chính phủ sớm bị hư hỏng, thiếu hiệu quả sau vài chuyến đi biển đã gây sóng gió dư luận trong vài ngày qua. Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã quan tâm và có chỉ đạo sát sao vấn đề này. Chính quyền các địa phương gồm: Bình Định, Ninh Thuận, Phú Yên... đã tìm kiếm, mổ xẻ các nguyên nhân, đồng thời tích cực thúc đẩy các giải pháp sớm khôi phục đội tàu thép đánh bắt hải sản. Đà Nẵng là một trong những điểm sáng trong chủ trương phát triển đội tàu thép Nghị định 67/CP có hiệu quả.

Bán nhà “nuôi” tàu vỏ thép nằm bờ

NHIỆT BĂNG |

“Tôi sợ tàu lật tôi không đi. Ai dám đi con tàu này không? Tôi sẵn sàng chuyển giao, để xem họ có đi biển được không? Cơ quan chức năng nói tàu không lắc, hãy tự tay điều khiển con tàu ra biển thử 2 ngày” - ông Dương Văn Thắng (phường Mỹ Đông, TP.Phan Rang - Tháp Chàm) nói về con tàu vỏ thép dịch vụ hậu cần (số hiệu NT-91234) duy nhất đóng theo NĐ 67 do ông làm chủ ở Ninh Thuận nằm bờ đã 2 năm qua.

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của ngoại giao Việt Nam

Thanh Hà |

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của nền ngoại giao Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, là minh chứng hùng hồn cho việc vận dụng nhuần nhuyễn phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người nhà bệnh nhân mong chờ đón Tết ở bệnh viện không còn lạnh lẽo

MINH HÀ - HẢI DANH |

Hàng trăm người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức vẫn phải chịu cảnh màn trời chiếu đất khi bệnh viện không có chỗ lưu trú. Vào thời điểm cận Tết, họ cảm thấy chạnh lòng, lo lắng phải đón Tết ở bệnh viện trong cảnh thiếu thốn, lạnh lẽo.

Xe khách đâm nhau trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, 27 người thương vong

VIÊN NGUYỄN |

Quảng Ngãi - Một vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giữa 2 xe khách khiến 1 người chết, 26 người bị thương.

Những cách bài trí không gian sống đón Tết thú vị của sao Việt

DI PY, ẢNH: Nghệ sĩ cung cấp. |

Nhiều sao Việt như Ngọc Diễm, Đàm Thu Trang, Đàm Vĩnh Hưng bài trí tổ ấm đón Tết theo nhiều phong cách khác nhau.

Dự báo thời tiết 16.1: Miền Bắc rét đậm mưa vài nơi, nhiệt độ giảm sâu hơn

AN AN |

Dự báo thời tiết hôm nay 16.1.2023, Bắc Bộ trời rét đậm, vùng núi rét hại. Nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ phổ biến từ 9 - 12 độ C, khu vực vùng núi Bắc Bộ phổ biến 6 - 9 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 3 độ C.

Chứng khoán: Thiếu sự đồng thuận của dòng tiền để bứt phá

Gia Miêu |

Với nhiều thông tin hỗ trợ thị trường chứng khoán, nhà đầu tư kỳ vọng chỉ số VN-Index có thể sẽ sớm vượt mức kháng cự 1.067 điểm và hướng về gần mức 1.100 điểm trong tuần giao dịch cuối cùng trước khi nghỉ Tết.

Sóng gió trên những con tàu vỏ thép ở Miền Trung

NHIỆT BĂNG |

Sự kiện tàu vỏ thép đóng theo NĐ 67/CP của Chính phủ sớm bị hư hỏng, thiếu hiệu quả sau vài chuyến đi biển đã gây sóng gió dư luận trong vài ngày qua. Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã quan tâm và có chỉ đạo sát sao vấn đề này. Chính quyền các địa phương gồm: Bình Định, Ninh Thuận, Phú Yên... đã tìm kiếm, mổ xẻ các nguyên nhân, đồng thời tích cực thúc đẩy các giải pháp sớm khôi phục đội tàu thép đánh bắt hải sản. Đà Nẵng là một trong những điểm sáng trong chủ trương phát triển đội tàu thép Nghị định 67/CP có hiệu quả.

Bán nhà “nuôi” tàu vỏ thép nằm bờ

NHIỆT BĂNG |

“Tôi sợ tàu lật tôi không đi. Ai dám đi con tàu này không? Tôi sẵn sàng chuyển giao, để xem họ có đi biển được không? Cơ quan chức năng nói tàu không lắc, hãy tự tay điều khiển con tàu ra biển thử 2 ngày” - ông Dương Văn Thắng (phường Mỹ Đông, TP.Phan Rang - Tháp Chàm) nói về con tàu vỏ thép dịch vụ hậu cần (số hiệu NT-91234) duy nhất đóng theo NĐ 67 do ông làm chủ ở Ninh Thuận nằm bờ đã 2 năm qua.