Rao bán nhiều tài sản "khủng"
Mới đây, Ngân hàng Ngoại Thương (Vietcombank) cho biết đang tiến hành phát mại đất và tài sản gắn liền trị giá gần 1.100 tỉ đồng.
Khối tài sản trên thuộc tài sản đảm bảo của Công ty TNHH Kỹ Nghệ Evergreen Việt Nam. Cụ thể, Vietcombank đấu giá quyền sử dụng các thửa đất có tổng diện tích hơn 30.000 m2, công trình và toàn bộ máy móc của Công ty Evergreen Việt Nam tại Khu công nghiệp VSIP II.
Khối tài sản trên còn có quyền sử dụng đất 40.000 m2, công trình và toàn bộ máy móc của công ty này tại Khu công nghiệp VSIP IIA.
Trong khi đó, chi nhánh ngân hàng ở nhiều địa phương khác cũng rao bán loạt bất động sản để thu hồi nợ, BIDV Thừa Thiên - Huế cũng phát đi thông báo phát mại quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất có diện tích hơn 1.100 m2 nằm tại đường Hùng Vương (TP. Huế) với giá khởi điểm hơn 99 tỉ đồng. Đây là tài sản đảm bảo của Công ty TNHH Thanh Trang.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng vừa rao bán lô đất 1.900 m2 có địa chỉ tại số 20 Trần Cao Vân (quận 1 - TPHCM).
Được biết đây là tài sản thế chấp để thanh toán khoản nợ của Công ty TNHH Phát triển địa ốc Sài Gòn Mới. Trước đó, vào cuối tháng 12.2021, khối tài sản này đã được thông báo phát mại với mức giá khởi điểm tương tự.
Vietinbank Khu công nghiệp Bình Dương cũng đấu giá quyền sử dụng và tài sản gắn liền trên thửa đất rộng hơn 7.400 m2 tại đường Tân Kỳ Tân Quý (Bình Tân, TPHCM). Đây là tài sản đảm bảo cho khoản nợ của Công ty TNHH Lục Kim Quân. Giá khởi điểm được đưa ra là 230 tỉ đồng.
Bên cạnh các bất động sản, hàng loạt tài sản có giá trị như xe hơi, vốn cổ phần, máy móc thiết bị chuyên dụng cũng đang được nhiều ngân hàng thông báo phát mại.
Trong đó, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB) đang rao bán nhiều loại xe sang như Mercedes-Benz, BMW, Chevrolet...
Vietcombank chi nhánh TPHCM đấu giá 20% phần vốn góp của Tổng Công ty Tư vấn thiết kế Dầu khí (PVE) với giá khởi điểm là hơn 340 tỉ đồng.
Ngân hàng cũng chịu nhiều sức ép
Ngày 11.2, trao đổi với PV Báo Lao Động, chuyên gia kinh tế TS Châu Đình Linh (Đại học Ngân hàng TPHCM) cho biết, xử lý nợ xấu thông qua việc rao bán tài sản đảm bảo là một biện pháp buộc phải làm trong thời điểm hiện nay, khi mà các ngân hàng cũng đang chịu nhiều sức ép. Đó là việc có thể phải đối diện với khoảng trống pháp lý và cả áp lực về tỉ lệ nợ xấu trong tương lai.
"Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu sẽ hết hiệu lực vào cuối năm 2022 nên ngân hàng phải đẩy nhanh tiến trình thanh lý, phát mãi tài sản, đấu giá tài sản. Hơn nữa, trong nội dung sửa đổi Thông tư 52 của Ngân hàng Nhà nước về đánh giá xếp hạng tổ chức tín dụng, tỉ lệ nợ xấu là một chỉ tiêu đánh giá xếp hạng. Cho nên giải pháp này là bắt buộc để giảm trừ tỉ lệ nợ xấu xuống" - TS Châu Đình Linh cho hay.
Cũng theo chuyên gia kinh tế này, những sức ép như trên là rất lớn, đặc biệt với những ngân hàng có "sự kháng cự thấp" với những rủi ro liên quan đến xử lý nợ xấu.
"Do đó, ngân hàng hoạt động theo phương thức quản trị rủi ro một cách chủ động. Vì vậy, các ngân hàng cũng phải tự cải thiện mình thông qua việc xử lý nợ, thông qua tỉ lệ an toàn vốn, quy trình tín dụng... Chưa kể các quy định mới về tái cơ cấu nợ cũng sẽ xuất hiện các khoản nợ tiềm ẩn, vì vậy, ngân hàng cũng phải đón đầu và có các biện pháp để xử lý nợ" - TS Châu Đình Linh phân tích.