Công ty Cổ phần Xăng dầu Dầu khí Thái Bình (PV OIL Thái Bình, mã chứng khoán POB - UPCOM) tiền thân là Xí nghiệp Dầu khí Thái Bình, được thành lập vào năm 1994. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực mua bán, kinh doanh sản phẩm dầu mỏ và sản xuất, kinh doanh nước giải khát, nước uống đóng chai. POB trở thành công ty đại chúng vào tháng 5.2017. Hiện, POB vận hành nhiều cửa hàng xăng dầu tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Thái Bình và Hưng Yên.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020, POB đạt 547,57 tỉ đồng doanh thu, giảm 33,81% so với mức 827,32 tỉ đồng năm 2019. Lãi gộp đạt 32,86 tỉ đồng. Trong năm 2020, POB đạt 440 triệu đồng doanh thu tài chính.
Trong kỳ, chi phí tài chính của POB là 50 triệu đồng, chi phí bán hàng 26,75 tỉ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp 7,07 tỉ đồng.
Kết quả, năm 2020, POB lỗ sau thuế gần 730 triệu đồng, trong khi đó, năm trước ghi nhận khoản lãi 2,52 tỉ đồng. Với kết quả kinh doanh được ghi nhận trong năm, POB đã hoàn thành 73,26% kế hoạch doanh thu và không những không hoàn thành mà còn âm 28,43% so với kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Tại ngày 31.12.2020, tổng tài sản của POB đạt 133,05 tỉ đồng - giảm gần 11% so với năm 2019. Chiếm phần lớn trong cơ cấu tài sản của POB là tài sản cố định (75,54 tỉ đồng). Tài sản ngắn hạn của POB ở mức 51,45 tỉ đồng, trong đó, chiếm một nửa là các khoản phải thu ngắn hạn (25,55 tỉ đồng), tiếp đến là hàng tồn kho 21,32 tỉ đồng. Tiền và tương đương tiền giảm mạnh gần 51% xuống còn 4,17 tỉ đồng.
Về nguồn vốn, kết thúc năm 2020, vốn chủ sở hữu của POB bị ăn mòn từ mức 112,83 tỉ xuống còn 109,17 tỉ đồng. Nợ phải trả ở mức 23,88 tỉ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn (23,41 tỉ đồng).
Cần nói thêm rằng, từ năm 2015 trở lại đây, vốn chủ sở hữu của POB liên tục suy giảm. Cụ thể, năm 2015 vốn chủ sở hữu của POB là 132,8 tỉ đồng thì năm 2016 và 2017 chỉ còn hơn 111 tỉ đồng. Năm 2018 và 2019, vốn chủ sở hữu của POB nhích lên rồi giảm nhẹ ở các mức 112,95 tỉ đồng và 112,83 tỉ đồng. Tới năm 2020, vốn chủ sở hữu của POB tụt sâu hơn về mức 109 tỉ đồng.
Đáng nói, hiệu quả kinh doanh của POB cực kỳ thấp với lợi nhuận “mỏng như lá lúa”, thể hiện qua các chỉ số sinh lời ở mức đáy so với trung bình ngành.
Theo khảo sát của Lao Động, biên lợi nhuận gộp của POB liên tục giảm từ mức 6,52% năm 2015 xuống còn 4,76% năm 2019 và tăng lên 6% năm 2020. Trong khi đó, biên lãi gộp trung bình của các doanh nghiệp kinh doanh nhiên liệu trên sàn chứng khoán (hơn 100 công ty) là trên 20% trong nhiều năm gần đây.
Còn biên lãi ròng của POB thì loanh quanh mức 0,2 - 0,3% trong nhiều năm trở lại đây. Thậm chí, năm 2020 còn bị âm 0,13% trong khi biên lãi ròng trung bình của các doanh nghiệp cùng ngành dao động từ 14 - 17% trong giai đoạn 2015 - 2020.
Hiện tại, Nhà nước đang nắm giữ 68% cổ phần tại POB thông qua Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV OIL) và 11% cổ phần thông qua Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương (OceanBank do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nắm 100% vốn).
Như vậy, với kết quả kinh doanh thấp, hiệu quả sinh lời quá thấp của POB trong nhiều năm qua, cổ đông Nhà nước chịu thiệt thòi trước tiên.
Ban lãnh đạo của PV OIL Thái Bình hiện nay gồm ông Đoàn Duy Công - Chủ tịch Hội đồng quản trị, ông Trần Minh Tuấn - thành viên HĐQT và ông Quách Văn Sơn - thành viên HĐQT kiêm Giám đốc, người đại diện pháp luật.