Thưa Bộ trưởng, ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp đòi hỏi không thể tách rời KHCN. Trong đó, vấn đề công nghệ sinh học đóng một vai trò quan trọng. Xin Bộ trưởng cho độc giả biết thêm về vấn đề này?
- Ứng dụng công nghệ tự động, bán tự động trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, như: Rau, hoa trồng trong nhà màng, nhà kính đạt giá trị hàng tỉ đồng/ha; nuôi tôm thẻ chân trắng đã nâng cao năng suất chất lượng tôm, năng suất đạt 40 tấn/ha gấp 40 lần so với sản xuất đại trà, chi phí sản xuất giảm 30-35% so với quy trình cũ; nuôi bò lấy sữa đã đạt năng suất sữa trên 30 lít/ngày/con, chất lượng tốt... Công nghệ thông tin đã và đang được ứng dụng trong sản xuất nông - lâm - thủy sản để quản lý các yếu tố dinh dưỡng đầu vào, quản lý yếu tố môi trường xung quanh đảm bảo phù hợp với yêu cầu của cây trồng vật nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm; ứng dụng trong dự báo dịch bệnh cây trồng vật nuôi, dự báo các yếu tố thiên tai bất thường.
Trong ứng dụng các công nghệ cao vào nông nghiệp thì công nghệ sinh học đóng vai trò rất quan trọng, đã được ứng dụng trong chọn tạo các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt, có sức chống chịu cao. Công nghệ nhân giống in vitro được ứng dụng rộng rãi trong nhân giống cây lâm nghiệp, cây hoa, cây chuối… giúp giảm giá thành cây giống, tạo ra lô cây giống có độ đồng đều cao, sạch bệnh. Nhiều chế phẩm sinh học đã được nghiên cứu tạo ra và ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp để cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng vật nuôi, hạn chế dịch bệnh hại, thay thế dần thuốc hoá học.
Bộ NNPTNT đã lồng ghép thực hiện nhiệm vụ tạo và phát triển CNC trong nông nghiệp, ứng dụng CNC trong nông nghiệp thông qua Chương trình công nghệ sinh học nông nghiệp, thuỷ sản, ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực chế biến, Chương trình KHCN cấp nhà nước và một số nhiệm vụ cấp Bộ nghiên cứu phát triển CNC trong nông nghiệp. Việc ứng dụng CNC trong nông nghiệp đã được nhiều địa phương, DN triển khai thực hiện, nhất là từ sau khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt chỉ đạo các bộ ngành vào cuộc hỗ trợ phát triển sản xuất nông sản theo chuỗi, ứng dụng CNC để sản xuất nông sản đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, sản xuất nông nghiệp sạch. Ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ đã được triển khai mạnh mẽ tại nhiều địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao đối với các sản phẩm rau quả, tôm, bò sữa, lợn, gà, lúa (tại An Giang, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Kiên Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Thanh Hóa, Thái Bình, Nghệ An…). Thúc đẩy chuyên nghiệp hóa trong sản xuất nông nghiệp, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát huy lợi thế, cơ hội, ứng dụng CNC hỗ trợ nâng tầm, quy mô sản xuất của DN trong lĩnh vực nông nghiệp.
Được biết, trong vài năm trở lại đây, Chính phủ đặc biệt coi trọng và tạo điều kiện, cơ chế để phát triển các khu, vùng và DN nông nghiệp ứng dụng CNC. Xin Bộ trưởng cho biết, đến nay, những khu, vùng quy hoạch nào đã đi vào hoạt động?
- Đối với khu nông nghiệp ứng dụng CNC, Thủ tướng đã quy hoạch đến năm 2020 cả nước sẽ có 11 khu. Đến nay, đã có 3 khu được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập. Bộ NNPTNT đã tổ chức thẩm định hồ sơ khu nông nghiệp ứng dụng CNC cho Lâm Đồng và đang hướng dẫn tỉnh hoàn thiện hồ sơ sau thẩm định để có đầy đủ căn cứ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. 4 địa phương gồm: Thái Nguyên, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Cần Thơ thuộc quy hoạch tổng thể đã xây dựng đề án thành lập khu gửi Bộ NNPTNT để tổ chức thẩm định. Bộ đã tổng hợp ý kiến góp ý của bộ ngành, gửi lại địa phương hoàn thiện hồ sơ đề án trước khi tổ chức thẩm định. Ngoài ra, có 3 địa phương còn lại thuộc quy hoạch tổng thể gồm: Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh, Khánh Hòa đã rất năng động, đã có một số mô hình trong khu nông nghiệp ứng dụng CNC đi vào hoạt động khá hiệu quả. Bộ NNPTNT đang hướng dẫn các địa phương này lập hồ sơ để thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
Đối với vùng nông nghiệp ứng dụng CNC, căn cứ các tiêu chí quy định, đã có 5 vùng nông nghiệp ứng dụng CNC thâm canh tôm, hoa, lúa, chuối được địa phương công nhận; về số lượng DN, đến nay có 40 DN ứng dụng CNC được cấp giấy chứng nhận còn hiệu lực gồm: 12 DN ứng dụng CNC trong lĩnh vực trồng trọt; 19 DN ứng dụng CNC trong lĩnh vực thủy sản; 9 DN ứng dụng CNC trong lĩnh vực chăn nuôi.
Được biết, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn nhiều tồn tại cần khắc phục. Với vai trò “Tổng tư lệnh” ngành nông nghiệp, Bộ trưởng nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
- Thứ nhất, ứng dụng CNC trong nông nghiệp chủ yếu tập trung tại một số vùng, một số sản phẩm có thế mạnh, một số DN lớn. Năng suất lao động còn thấp, hiệu quả sản xuất và thu nhập của nông dân chưa được cải thiện nhiều so với mục tiêu tái cơ cấu ngành đã đề ra. Thứ hai, trong chuỗi sản xuất khép kín, mối liên kết giữa người nông dân và DN đóng vai trò then chốt, trong đó DN là trọng tâm, vừa cung cấp đầu vào, hướng dẫn người nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn của thị trường; vừa đảm bảo đầu ra của sản phẩm. Tuy nhiên, hiện nay một số chuỗi giá trị còn chưa bền vững do DN và người nông dân không thực hiện theo hợp đồng đã ký kết với nhau khi có rủi ro về thị trường hoặc giá cả biến động. Thứ ba, sản xuất nông nghiệp Việt Nam còn bị tác động mạnh, thách thức của điều kiện ngoại cảnh như biến đổi khí hậu, thị trường tiêu thụ (thị trường trong và ngoài nước còn chưa thực sự chủ động); các mô hình ứng dụng CNC trong sản xuất nông sản theo chuỗi còn nhỏ lẻ, phân bố không đồng đều. Đóng góp của khoa học và đổi mới công nghệ trong tăng trưởng nông nghiệp còn hạn chế; công nghiệp chế biến nông sản và công nghiệp - dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp chưa thu hút mạnh mẽ DN đầu tư và đổi mới công nghệ.
Nhìn thẳng vào sự thật, vậy Bộ trưởng sẽ tập trung tháo gỡ các vấn đề này như thế nào?
- Về cơ chế chính sách hỗ trợ chung, cần hoàn thiện, đồng bộ hệ thống chính sách tạo hành lang pháp lý phát triển nông nghiệp UDCNC, khuyến khích các hình thức liên kết hợp tác, liên kết tổ chức sản xuất gắn với chế biến sâu, xây dựng quảng bá thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp UDCNC giữa người sản xuất, các trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã với DN. Tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển nông nghiệp CNC theo Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 7.3.2017 của Chính phủ; rà soát hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ quản lý vật tư, nông sản. Tiếp tục thực thi chính sách, hỗ trợ DN về đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ lực quốc gia và cấp tỉnh, tham gia triển lãm hội chợ trong nước, ngoài nước. Tiếp tục khuyến khích DN đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp và đóng vai trò chủ thể trong mối liên kết sản xuất sản phẩm nông sản theo chuỗi, đáp ứng tiêu chuẩn quy chuẩn; đào tạo lực lượng nông dân chuyên nghiệp, đủ điều kiện quản lý những trang trại quy mô lớn, có thể áp dụng CNC.
Về thu hút đầu tư vào nông nghiệp và nông nghiệp CNC, khuyến khích các DN mọi thành phần kinh tế đầu tư, hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở chế biến sâu, phát triển công nghiệp phụ trợ. Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ DN nhập khẩu và chuyển giao CNC trong nông nghiệp. Huy động các nguồn lực đầu tư của xã hội và ưu tiên bố trí nguồn lực ngân sách hỗ trợ thực hiện các Chương trình, Đề án, nhiệm vụ khoa học công nghệ về phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp bền vững nhằm ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu; Các tổ chức KHCN cần quyết liệt đổi mới trong triển khai các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao kết quả KHCN vào sản xuất, hỗ trợ DN và người nông dân về ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp. Đối với các DN, trang trại tư nhân, hộ nông dân, HTX, tổ hợp tác, cần liên kết chặt chẽ để đảm bảo sản xuất gắn với thị trường; phát huy vai trò tiên phong của DN trong phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng!
“Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với nền tảng tích hợp các công nghệ, số hóa kết nối Internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới; tối ưu hóa quá trình sản xuất, phân phối, trao đổi, tiêu dùng và quản trị... là cơ hội cần tận dụng để đẩy nhanh cơ cấu lại ngành nông nghiệp Việt Nam với ba trụ cột chính: Một là ứng dụng KHCN, đặc biệt là CNC, công nghệ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp quy mô hàng hoá; hai là thúc đẩy tổ chức lại sản xuất theo chuỗi liên kết, DN là hạt nhân liên kết, tổ chức sản xuất với hộ nông dân, trang trại, HTX để ứng dụng CNC trong sản xuất và quản trị chu trình sản xuất hàng hoá, truy xuất nguồn gốc, đảm bảo ATTP, gắn với hình thành thương hiệu, phát triển thị trường và bền vững với môi trường; ba là cải cách thể chế thực chất, nghiêm túc, tạo môi trường minh bạch, thuận lợi, năng lực cạnh tranh cao để DN, nhà sản xuất trong và ngoài nhà nước đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và ứng dụng các công nghệ tiên tiến theo hướng xây dựng nền nông nghiệp thông minh, bền vững”.