VIỆT NAM XẾP VỊ TRÍ 67/141 VỀ NĂNG LỰC CẠNH TRANH TOÀN CẦU:

Nỗ lực bền bỉ và tăng hạng ngoạn mục

CẨM HÀ |

Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu vừa được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố ngày 9.10 cho thấy sự tiến bộ vượt bậc của Việt Nam khi tăng 10 bậc về năng lực cạnh tranh, lên vị trí 67 trong 141 nền kinh tế thế giới trong năm 2019. Đây là kết quả tích cực ghi đậm dấu ấn từ những nỗ lực bền bỉ và quyết liệt của Chính phủ cũng như các bộ, ban ngành về đơn giản hóa thủ tục kinh doanh trong thời gian qua. Câu hỏi hiện nay là làm sao để Việt Nam tiếp tục duy trì “phong độ” tăng hạng trong các năm tới cũng như có thể vươn lên vị trí cao về năng lực cạnh tranh trong khu vực ASEAN.

Vị trí cao nhất từ trước đến nay

Cho đến nay, vị trí 67 là vị trí cao nhất mà Việt Nam đạt được trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu được WEF công bố suốt nhiều năm qua. Với mức tăng 3,5 điểm so với năm 2018 (lên 61,5 điểm), Việt Nam đồng thời cũng là nền kinh tế có mức tăng cao nhất về điểm số trên thế giới trong năm nay, nằm trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương có năng lực cạnh tranh cao nhất thế giới. Khi đưa ra đánh giá này, WEF nhìn nhận Việt Nam đang là nền kinh tế thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài để trở thành một trung tâm thương mại của khu vực.

TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đánh giá, đây rõ ràng là kết quả bước đầu minh chứng cho nỗ lực bền bỉ trong cải cách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua. “Những nỗ lực cải cách thể chế quan trọng nhất của Việt Nam thời gian qua đóng góp vào việc thăng hạng chỉ số này có thể kể đến là: Các nỗ lực ký kết và thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; chương trình cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành; những chủ trương và giải pháp quan trọng thúc đẩy thực hiện Chính phủ điện tử và nền kinh tế số; thực hiện cơ chế Một cửa quốc gia ASEAN; xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh ở các địa phương” - TS Vũ Tiến Lộc đánh giá.

Chủ tịch VCCI nhìn nhận, dù hành trình cải cách còn nhiều việc phải làm, nhưng những nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh ở Việt Nam mấy năm qua đã gặt hái những chùm quả ngọt. “Đó là những thành quả tăng trưởng cao kỷ lục so với cùng kỳ nhiều năm trước, cùng với sự chuyển dịch về cơ cấu và cải thiện bước đầu về chất lượng tăng trưởng, bất chấp tình trạng suy giảm nhịp độ tăng trưởng và bất ổn trong nền kinh tế toàn cầu trước trào lưu của chủ nghĩa bảo hộ và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung” - ông Lộc phân tích.

Việt Nam đã cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính. Ảnh: PV
Việt Nam đã cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính. Ảnh: PV

Cần tiếp tục nỗ lực cải cách

Trong khi đó theo phân tích của Ths Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương), xếp hạng 2019 cho thấy năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam cải thiện vượt trội, với 8/12 trụ cột tăng điểm và tăng nhiều bậc. Nhiều trụ cột trong đánh giá của WEF có mức tăng tới 25,7 điểm và 54 bậc như ứng dụng công nghệ thông tin hay các trụ cột như thị trường sản phẩm, mức độ năng động trong kinh doanh, thị trường lao động hay năng lực đổi mới sáng tạo tăng từ 6 đến 23 bậc. Dù có mức tăng thấp hơn, trụ cột thể chế cũng tăng tới 5 bậc, lên vị trí 89 trong đó đáng kể nhất là nhóm các chỉ số thể hiện mức độ định hướng tương lai của Chính phủ tăng mạnh.

“Những nỗ lực cải cách nổi bật như cắt giảm, đơn giản hoá ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh; chú trọng cải thiện các quy định, thủ tục nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi; đẩy mạnh Chính phủ điện tử và giao dịch không dùng tiền mặt… đóng góp có ý nghĩa vào kết quả năng lực cạnh tranh 4.0 năm 2019 của nước ta” - Ths Nguyễn Minh Thảo nhìn nhận. Tuy nhiên, điều bất ngờ là dù có sự cải thiện nhanh về vị trí chỉ sau một năm nhưng theo Ths Nguyễn Minh Thảo, năng lực cạnh tranh 4.0 của VIệt Nam vẫn chỉ đứng ở vị trí thứ 6 trong ASEAN, sau Singapore (thứ 1), Malaysia (thứ 27), Thái Lan (thứ 40), Indonesia (thứ 50) và Philippines (thứ 64). Việt Nam vẫn chỉ đứng trên Lào và Campuchia vốn vẫn ở cuối bảng xếp hạng và vị trí của Việt Nam về năng lực cạnh tranh trong ASEAN không hề thay đổi so với các năm trước.

Điều này cho thấy vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là vấn đề về thể chế, kỹ năng, môi trường kinh doanh và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Thực tế dù Việt Nam có những cải thiện đáng kể về điểm số và thứ hạng của hầu hết các chỉ số thành phần trong 8/12 trụ cột, báo cáo của WEF năm 2019 cho thấy vẫn còn 3 trụ cột đánh giá của Việt Nam tụt hạng và 1 trụ cột giữ vị trí không đổi. Đáng chú ý theo bà Nguyễn Minh Thảo, trong trụ cột hệ thống tài chính, nguồn vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) giảm tới 12 bậc và kết quả này cho thấy việc tiếp cận tín dụng vẫn là trở ngại lớn đối với các DNVVN. Chưa kể mức độ sẵn có về vốn đầu tư mạo hiểm tuy có sự cải thiện, nhưng chậm hơn so với nhiều nền kinh tế dẫn tới thứ hạng giảm 10 bậc và phần nào phản ánh môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam chưa thực sự ổn định và thuận lợi, khiến các quỹ đầu tư thận trọng hơn khi đầu tư cho doanh nghiệp ở Việt Nam.

“Bởi vậy Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực cải cách mạnh mẽ, thực chất và toàn diện hơn nữa để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế một cách bền vững và mang lại sự thịnh vượng. Điều này đòi hỏi không chỉ nỗ lực từ Chính phủ mà cần sự chung tay của các bên liên quan, nhất là cộng đồng doanh nghiệp và người dân” - Ths Nguyễn Minh Thảo đánh giá.

Hiệu quả từ công tác cải cách thủ tục hành chính

Ông Tạ Quang Vinh - Chánh Văn phòng Bộ Xây dựng - cho biết, cải cách thủ tục hành chính mang lại kết quả rõ rệt nhất là sau 1 năm thành lập và hoạt động, bộ phận một cửa tại Bộ Xây dựng đã phát huy hiệu quả tích cực. Cụ thể, sau 1 năm, Bộ đã tiếp nhận hơn 20.000 lượt hồ sơ thủ tục hành chính, đã giải quyết hơn 19.000 lượt hồ sơ, qua đó giảm thiểu tỉ lệ quá hạn hoặc bổ sung hồ sơ của doanh nghiệp và người dân. Ông Vinh nhận định, bộ phận một cửa có nhiệm vụ tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại bộ, một chuyển động quan trọng trong cải cách môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Trong khi đó, lãnh đạo Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TNMT) cho biết, lãnh đạo Bộ TNMT đã xác định, lấy việc hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về TNMT để tháo gỡ các vướng mắc, điểm nghẽn từ thực tiễn. Bộ đã chỉ đạo các đơn vị tập trung nguồn lực triển khai đánh giá tình hình thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch của các lĩnh vực có tác động đến phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường như: Đất đai, khoáng sản, biển và hải đảo, môi trường, tài nguyên nước. Xây dựng để ban hành các quy định giải quyết tháo gỡ các vướng mắc về đất đai, quản lý tài nguyên nước, khoáng sản để huy động nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế - xã hội. T.CHÍ ghi

CẨM HÀ
TIN LIÊN QUAN

Nhà máy sản xuất thực phẩm của Amway tại Việt Nam đạt chuẩn HS-GMP

Nguyễn Trang |

Với mục tiêu luôn tiên phong trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật, Amway đã vinh dự đạt được chứng nhận HS GMP vào ngày 24.05.2019.

Tỷ giá ngoại tệ 11.10: Đàm phán Mỹ-Trung thiếu đột phá, USD và vàng rớt sâu

L.H |

Tỷ giá ngoại tệ hôm nay (11.8): Giá USD suy yếu sau khi Mỹ đưa một loạt công ty của Trung Quốc vào danh sách đen thương mại trước thềm cuộc đàm phán Mỹ - Trung sắp diễn ra. Giá vàng SJC trong nước hiện ở mức 42,06 triệu đồng/lượng.

Khúc “be” tráng trên thị trường gọi xe

Thanh Đăng |

CEO Trần Thanh Hải của Be Group nói sẵn sàng cho cuộc đua vài trăm triệu USD trên thị trường gọi xe - nhưng vấn đề là có ai đánh giá cao thị trường này và có thể đầu tư vài trăm triệu USD cho Be hay không lại là chuyện khác, rất khác…

Những món ăn đặc sắc của người Hoa ở Chợ Lớn, TPHCM

Phạm Công Luận |

Ẩm thực Hoa là thế giới đa dạng, đậm đà bản sắc từng dân tộc trong cộng đồng người Hoa sống tại Việt Nam. Đã vậy, qua hàng trăm năm ở đây, các món ăn cũng đã có điều chỉnh, gia giảm trong cách chế biến để thích nghi với nguồn nguyên liệu nhiệt đới có sẵn, chiều chuộng khẩu vị của khách…

Ông Kissinger đổi lập trường, nêu kế hoạch Ukraina mới nhất

Song Minh |

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger thay đổi lập trường, ủng hộ Ukraina gia nhập NATO.

Tiểu thương chợ hoa lớn nhất Hà Nội than ế ẩm ngày giáp Tết

MINH HÀ - DƯƠNG ANH |

Theo các tiểu thương bán hoa tại chợ Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội), năm nay giá hoa vẫn giữ mức ổn định, tăng cao nhất vào các ngày 29 và 30 Tết. Tuy nhiên, hàng hóa vẫn còn tiêu thụ chậm, chỉ bằng 50% so với mọi năm.

Những bản hợp đồng bom tấn tại V.League 2023

AN NGUYÊN |

Trước thềm mùa giải mới V.League 2023, các câu lạc bộ như Công an Hà Nội, Nam Định hay Thanh Hoá hoạt động rất tích cực trên thị trường chuyển nhượng với những bản hợp đồng "bom tấn" chất lượng.

Chứng khoán: Tiếp tục tăng lên ngưỡng kháng cự 1.100 điểm

Gia Miêu |

Việc thị trường vượt vùng tích lũy có thể là tín hiệu kỹ thuật khiến dòng tiền quay lại thị trường chứng khoán.

Nhà máy sản xuất thực phẩm của Amway tại Việt Nam đạt chuẩn HS-GMP

Nguyễn Trang |

Với mục tiêu luôn tiên phong trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật, Amway đã vinh dự đạt được chứng nhận HS GMP vào ngày 24.05.2019.

Tỷ giá ngoại tệ 11.10: Đàm phán Mỹ-Trung thiếu đột phá, USD và vàng rớt sâu

L.H |

Tỷ giá ngoại tệ hôm nay (11.8): Giá USD suy yếu sau khi Mỹ đưa một loạt công ty của Trung Quốc vào danh sách đen thương mại trước thềm cuộc đàm phán Mỹ - Trung sắp diễn ra. Giá vàng SJC trong nước hiện ở mức 42,06 triệu đồng/lượng.

Khúc “be” tráng trên thị trường gọi xe

Thanh Đăng |

CEO Trần Thanh Hải của Be Group nói sẵn sàng cho cuộc đua vài trăm triệu USD trên thị trường gọi xe - nhưng vấn đề là có ai đánh giá cao thị trường này và có thể đầu tư vài trăm triệu USD cho Be hay không lại là chuyện khác, rất khác…