Những sợi tơ tằm "dệt" xuyên thế kỷ

Thanh Hải |

Nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa ven sông Thu Bồn, Quảng Nam từng tạo ra những mặt hàng cao cấp, xuất khẩu đi khắp các châu lục từ thế kỷ 16, 17. Ở xứ Đàng Trong này còn dệt nên bao nhiêu câu chuyện truyền thuyết nên thơ, để đời. Điều thú vị là nương nhờ vào những câu chuyện tình son sắt của Bà Chúa Tằm tang mà nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa ở Quảng Nam từ chỗ lụi tàn, giờ đã có cơ may sống lại, rạng rỡ...

Thăng trầm làng lụa

Sử sách ghi rõ, từ những năm đầu thế kỷ XV, XVI, khi thương cảng Hội An thịnh vượng, giao thương rộng rãi nhiều quốc gia trên thế giới thì hàng hoá của xứ Đàng Trong cũng theo đó phát triển mạnh mẽ. Làng nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa của người Quảng Nam ven đôi bờ sông Thu Bồn cũng đã nổi danh vì đã sản xuất được nhiều mặt hàng tơ lụa nổi tiếng như đoạn, lãnh, gấm, vóc... không chỉ bán trong nước mà còn xuất khẩu khắp Á, Âu.

Hơn 500 năm trước là thời điểm câu chuyện tình nên thơ của Hoàng hậu Đoàn Quý Phi và Thần Tông Hoàng Đế (tức Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan) được  kết thành. Họ đã gặp nhau qua câu hát và kết duyên trăm năm từ một đêm trăng sáng trên dòng Thu Bồn. Khi cô thôn nữ hái dâu trong đêm trăng ấy thành hoàng hậu, bà chăm lo con dân như người mẹ đôn hậu. Đặc biệt bà dạy cho khắp nơi trong cả nước nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa. Tất nhiên, Duy Xuyên, Điện Bàn - xứ sở của bà ngày càng phát triển thịnh vượng nghề truyền thống này. Cũng thời điểm đó, cảng thị Hội An dưới thời Chúa Nguyễn đã trở thành trung tâm trung chuyển của con đường tơ lụa quốc tế.

Trong thời kỳ hưng thịnh của nghề, cả làng Mã Châu đều dệt lụa, hơn 4.000 khung cửi đưa thoi ngày đêm. Có thời điểm, diện tích trồng dâu tằm cho làng lụa Mã Châu lên đến hàng nghìn hecta trải dài dọc sông Thu Bồn.

Tuy nhiên, tiếng thoi ở làng lụa Mã Châu bắt đầu thưa dần và suy thoái từ cuối những năm thập niên 1990 vì nhiều lý do. Các Hợp tác xã dần giải thể, nghề buôn thất bát, dẫn đến việc nuôi tằm, trồng dâu cũng dần lụi tàn. Dẫu vậy, người dân Duy Xuyên, Điện Bàn vẫn nhớ nghề xưa nghiệp cũ, nên họ âm thầm truyền kinh nghiệm, giữ nghề. Và khi du lịch phát triển, khách đến Hội An, khách về Mỹ Sơn ngày càng đông thì những năm 2000 - 2005, nhiều Hợp tác xã ở Duy Xuyên đã tái sinh, giúp các nông hộ trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải có cơ hội dựng lại làng nghề truyền thống.

“Chiêm Sơn là, lụa, mỹ miều/Mai vang tiếng cửi, chiều chiều tơ giăng...”. Lần theo câu hát cổ, tôi tìm về Duy Xuyên - nơi được mệnh danh là xứ sở tầm tang. Làng nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt vải Mã Châu, Thi Lai - Đông Yên đã nổi danh thời quá vãng và bây giờ đã hồi sinh.

Nét đẹp lụa Hội An. Ảnh: T.H
Nét đẹp lụa Hội An. Ảnh: T.H

Xứ tầm tang làm du lịch

Chiếc xe du lịch vừa đổ trước sân HTX ươm dệt cho du khách tham quan khu dệt lụa tơ tằm, hoạ sĩ Hoàng Minh Hằng (Hội Mỹ thuật TPHCM) đã tranh thủ đến ngay cửa hàng lưu niệm. Tôi hơi ngạc nhiên vì số lượng lụa mà họa sĩ này mua vượt quá “ngưỡng” quà lưu niệm. Bà Hằng giải thích: “Bây giờ thị trường vải lụa phong phú, nhất là TPHCM có cả thiên đường cho các quý bà lựa chọn để may trang phục, nhưng giới hoạ sĩ chúng tôi thì không thể tìm ra được 1 mét có thể vẽ đẹp như ý”.

Theo đề án làng nghề ở Duy Xuyên, ngoài những cơ sở chính sản xuất để “sống còn”, khu trình diễn phục vụ tham quan du lịch được xây dựng riêng. Tại các khu du lịch làng nghề chuyên nghiệp sẽ tổ chức giới thiệu cặn kẽ, hấp dẫn đến du khách từ truyền thống, giai thoại đến kỹ thuật và đặc trưng của lụa là ở xứ tầm tang Đàng Trong từ xa xưa đến nay. Xây dựng nhiều khu hàng lưu niệm, nghỉ chân, trưng bày sinh động quy trình từ chăm bón biền dâu, hái lá, nuôi tằm... đến khi ra lụa và bán cho du khách.

Chính những đốm lửa ở Duy Xuyên đã nhen nhóm, âm ỷ giữ nghề để rồi hôm nay, khi du lịch đã trở thành mũi nhọn kinh tế của Quảng Nam, Hội An - Mỹ Sơn trở thành điểm đến cả thế giới thì cơ hội làm sống lại làng nghề tầm tang. Hàng loạt các cửa hiệu “may nóng”, bán lụa thương hiệu Việt đã thành công rực rỡ. Mới đây, nhiều doanh nghiệp còn đầu tư cả làng lụa Hội An, không gian văn hóa - du lịch để trình diễn cả nghề tầm tang truyền thống lẫn tái hiện câu chuyện tình diễm lệ của bà Chúa nghề - Đoàn Quý Phi. Chính “đầu ra” sản phẩm linh hoạt, hấp dẫn và đầy nghệ thuật ở các điểm du lịch này, đã góp phần quan trọng cho làng nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt vải ở Quảng Nam có cơ hội sống lại và thịnh vượng.

Không chỉ trình diễn nghề truyền thống, dựng show nghệ thuật để kể chuyện truyền thuyết về bà Chúa tầm tang, mà tại Công viên Văn hóa Chủ đề Ấn tượng Hội An còn mong muốn tạo dựng một thương hiệu mới cho lụa là gấm vóc xứ Quảng.

Không gian trưng bày lụa Việt - Viet Nam Silk House ở đây được sắp đặt trên diện tích hơn 200m2 bao gồm khu vực nuôi tằm, xe tơ, dệt lụa và gian hàng trưng bày sản phẩm. Sắp tới, khi khu làng Việt Nam hoàn thành, sẽ có diện tích hơn 500m2 cho cánh đồng dâu. Du khách không chỉ được ngắm các sản phẩm, chạm tay vào sự mềm mại của lụa là mà còn được nghe các nghệ nhân đến từ làng Lụa Mã Châu giới thiệu về quy trình, kỹ thuật của từng công đoạn từ nuôi tằm đến xe tơ, dệt vải.

Làm lụa với khát vọng quảng bá sản phẩm tơ lụa Việt ra thế giới, các nhà thiết kế đã khéo léo kể những câu chuyện về văn hóa, con người Việt trên những tấm khăn như những bức tranh nghệ thuật đặc sắc. Đây không chỉ là sản phẩm kinh doanh, mà còn là đòn bẩy để tạo cơ hội cho nông dân Duy Xuyên, Quảng Nam vực dậy làng nghề đã từng rạng danh trước đây.

Thanh Hải
TIN LIÊN QUAN

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Cổ động viên tuyển Việt Nam mang cúp vô địch mô hình sang Thái Lan

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã đi quãng đường gần 1000km, mang cúp tới Thái Lan cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.