Các chợ chính tại Hà Nội chưa họp lại, nguồn cung không nhiều khiến giá các mặt hàng thực phẩm tăng cao. Đặc biệt, giá rau xanh tăng vọt bất thường.
Ế ẩm, nhưng tất cả mặt hàng thực phẩm đều tăng giá
Mặc dù đã mùng 5 Tết, nhưng hầu hết các chợ chính chưa họp lại. Thực phẩm bán tại các chợ cóc tự phát không nhiều, không có sự quản lý của ban quản lý chợ nên tự do “hét” giá lên mức cao hơn cả thời điểm trong Tết.
11 giờ trưa 29.1.2020 (mùng 5 Tết), buồn rầu nhìn phản thịt lợn vẫn còn đầy ắp, chị Trần Thị Thắm (Mê Linh, Hà Nội) than thở: Các công ty chưa bán lợn ra, chúng tôi phải cân móc hàm của các thương lái bán lẻ với giá 120.000 đồng/kg, phải bán ra ở mức 160.000-200.000 đồng/kg mới có lãi. Nhưng với giá này, nhiều người tiêu dùng chỉ hỏi giá rồi bỏ đi. Một phần vì mới Tết ra nhu cầu mua thịt cũng không cao, giá thịt lợn lại đắt nên rất khó bán”.

Rau xanh tăng giá gấp 3 lần
Tại một chợ cóc trên phố Trần Vỹ, nhặt vài cọng hành lá và 2-3 cây rau mùi, bị người bán hàng đòi giá 18.000 đồng, chị Nguyễn Kim Khanh không khỏi giật mình. Hỏi sang các loại rau xanh, rau thơm khác, chị đều bị người bán hàng nói giá “trên trời”: Rau mùi: 50.000 đồng/kg (giá tăng gấp 3 lần), súp lơ: 27.000 đồng/cây bé (sát Tết 7.000 đồng/cây); su hào: 15.000 đồng/củ cỡ nắm tay nhỏ (sát Tết chỉ 4.000-5.000 đồng/củ) ; cần ta: 25.000 đồng/mớ (mớ nhỏ chỉ bằng 2/3 ngày thường), rau muống: 25.000 đồng/mớ (sát Tết 7.000 đồng/mớ), ớt chuông: 70.000 đồng/kg (sát Tết 25.000 đồng/kg)...

Bà Nguyễn Thị Chính, bán rau tại phố Mai Dịch (Hà Nội) phân trần: Giá rau xanh mấy ngày nay tăng cao bởi trận mưa đá đêm 30 và ngày mùng 1 Tết và mưa dông diện rộng đã phá nát hết rau màu các tỉnh lân cận như: Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Kạn, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Hưng Yên, Hải Dương... “Chúng tôi đi lấy hàng mà không có. Vùng Chương Mỹ cũng mưa lớn rau bị dập nát hết, giá rau xanh đắt càng khó bán chứ chúng tôi không tự ý nâng giá” - bà Chính phân trần.
