Như Lao Động đã thông tin, Vimedimex gần đây vướng nghi án giả mạo thông tin trong công văn kèm theo các văn bản giấy tờ khác xin cấp phép nhập khẩu 50 triệu liều vaccine COVID-19 Moderna (Mỹ).
Theo đó, Vimedimex có công văn gửi lãnh đạo Bộ Y tế với nội dung công ty này đã liên hệ với Tập đoàn Moderna, Tập đoàn SB Capital Management và các bên đã thống nhất những nội dung liên quan đến việc nhập khẩu 50 triệu liều vaccine COVID-19 Moderna về Việt Nam. Tuy nhiên, phía Moderna phủ nhận toàn bộ thông tin này và cho biết chỉ làm việc với Chính phủ Việt Nam về việc nhập khẩu vaccine COVID-19 Moderna.
PV Lao Động đã liên hệ với lãnh đạo Cục Quản lý Dược và lãnh đạo Vimedimex để làm rõ thông tin, song tới nay vẫn chưa thể trực tiếp đối thoại.
Tham vọng nhập khẩu và phân phối vaccine COVID-19, vậy, tiềm lực của Vimedimex ra sao?
Nợ phải trả 7.947 tỉ đồng, gấp 23 lần vốn tự có
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020 của VMD, tại ngày 31.12.2020, tổng tài sản của doanh nghiệp này ở mức 8.292 tỉ đồng - được hình thành từ 95,83% nợ phải trả (7.947 tỉ đồng) và hơn 343 tỉ đồng vốn chủ sở hữu.
Theo khảo sát của Lao Động, trên cả 2 sàn HOSE và HNX, có khoảng 70 doanh nghiệp có nợ phải trả lớn hơn vốn chủ sở hữu (hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu lớn hơn 1 lần). Tuy nhiên, nợ phải trả gấp hơn 23 lần vốn chủ sở hữu như VMD là hi hữu.
Tức là, cứ có 1 đồng vốn tự có thì VMD đi vay ngân hàng hoặc vay chủ nợ khác 23 đồng. Với hệ số này, VMD trở thành một trong những doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy nợ cao nhất trên sàn chứng khoán. Về nguyên tắc, tỉ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu càng cao thì doanh nghiệp càng gặp nhiều khó khăn trong việc trả nợ.
Ngoài ra, hệ số thanh toán ngắn hạn của VMD rất thấp, chỉ ở mức 0,04. Khi hệ số thanh toán ngắn hạn càng dần về 0, doanh nghiệp càng mất khả năng chi trả, gia tăng nguy cơ phá sản.
Chiếm phần lớn trong cơ cấu nợ phải trả của VMD là nợ ngắn hạn, mà cụ thể là khoản phải trả người bán ngắn hạn (7.370 tỉ đồng, tương đương 88,8%).
Tình trạng lệ thuộc vốn vay của VMD cũng đã kéo dài chục năm, từ 2010 đến nay.
Rủi ro vỡ nợ
Chính trong Bản cáo bạch năm 2010 và 2011, VMD cũng thừa nhận rằng “Công ty phụ thuộc khá nhiều vào nguồn tín dụng trả chậm của nhà cung cấp, nếu trường hợp công ty không bán được hàng sẽ không thể thanh toán được khoản phải trả, gây rủi ro vỡ nợ”.
Nhìn sâu vào chất lượng tài sản của VMD tại ngày 31.12.2020 có thể thấy, phần lớn tài sản của VMD là hàng tồn kho (3.765 tỉ đồng); các khoản phải thu ngắn hạn chiếm 3.695 tỉ đồng.
Với chất lượng như trên, tài sản hơn 8.000 tỉ của VMD gần như không có khả năng sinh lời. Điều này phản ánh trong tỉ suất lợi nhuận trên tài sản (ROA) của VMD chỉ đạt 0,4% trong cả năm 2020. Trước đó, ROA chỉ nhỉnh hơn 0,3% trong suốt nhiều năm (2016-2019).
Đây là tỉ lệ thấp nếu so sánh với các doanh nghiệp cùng ngành khác, như Dược Hậu Giang (16,64%), Dược Hà Tây (10%), Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (15%), Dược phẩm Trung ương 3 (trên 20%), Dược phẩm Imexpharm (khoảng 10%).