Theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinatex Lê Tiến Trường, trong quý I/2021, nhiều doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng đến hết tháng 4.2021. Những mặt hàng như hàng dệt kim, hàng phổ thông với sức tiêu thụ lớn đã có đơn hàng đến tháng 7-8.2021. Các doanh nghiệp cũng đã chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu để đáp ứng sản xuất, thực hiện hợp đồng.
Hiện nay, các đơn hàng đang có sự phục hồi khá và các doanh nghiệp đang gấp rút thực hiện các đơn hàng để giao đúng hạn.
Tuy nhiên, ông Lê Tiến Trường cũng bày tỏ lo lắng khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất, cung ứng đơn hàng của ngành dệt may vừa khởi sắc được vài tháng qua.
“Nếu phát sinh phải cách ly thì không chỉ không có tăng trưởng mà còn có nguy cơ chúng ta phải chịu phạt hợp đồng. Do vậy, hiện nay Vinatex chỉ đạo các đơn vị đưa chế độ phòng dịch ở mức cao nhất để đảm bảo hoạt động sản xuất an toàn, hiệu quả, đồng thời thực hiện nghiêm túc tập trung sản xuất kinh doanh, đảm bảo năng suất, chất lượng trong giai đoạn bản lề phấn đấu đạt ngưỡng năm 2019 để phục hồi về tài chính, đơn hàng” – ông Lê Tiến Trường chia sẻ.
Được biết, để sản xuất an toàn trong bối cảnh dịch bệnh, các doanh nghiệp dệt may đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp, trong đó yêu cầu phòng chống được đặt lên hàng đầu với cấp độ cao nhất: Thực hiện triệt để yêu cầu 5K của Bộ Y tế, thực hiện giãn cách trong doanh nghiệp, giãn cách trong nhà ăn tập thể…;
Thực hiện cách ly và xét nghiệm đầy đủ với người lao động trở lại làm việc từ vùng dịch đúng quy định, có kết quả âm tính mới dược vào làm việc; vận động người lao động nâng cao tinh thần chống dịch COVID-19, không tụ tập ngoài giờ, thực hiện vệ sinh, sát khuẩn đầy đủ, nghiêm túc…
Trao đổi với PV, ông Lê Tiến Trường bày tỏ: Theo theo dự báo của McKinsey tháng 12.2020 thì nhanh nhất phải đến quý III/2022, thế giới mới có nhu cầu bằng năm 2019, nếu không thì phải hết năm 2023. Năm 2021, Vinatex phấn đấu đạt kết quả bằng năm 2019 cũng đã là cố gắng lớn.
“Với dệt may, để đạt được mức tiêu thụ của năm 2019, theo dự báo, sáng sủa nhất cũng phải đến quý III/2022, còn theo kịch bản phục hồi chậm, thì phải hết năm 2023.
Dự báo đến giữa năm 2022, sản xuất cũng sẽ tương đương năm 2019. Như vậy, đạt được kế hoạch ở thời điểm này cũng đã sớm từ 1-4 quý so với thế giới. Đây là mục tiêu hết sức thách thức và chúng tôi sẽ nỗ lực để đạt được kết quả cao nhất. Tuy nhiên, chúng ta còn phụ thuộc rất nhiều vào kiểm soát dịch bệnh ở cả trong nước và thế giới” – Chủ tịch Vinatex Lê Tiến Trường chia sẻ.