Tính đến đầu tháng 8.2021, biểu lãi suất huy động và lãi suất tiết kiệm tiền đồng (VND) trên thị trường chứng kiến sự phân nhóm rất rõ giữa các ngân hàng thương mại Nhà nước và nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần.
Cụ thể tại các ngân hàng thương mại Nhà nước như Vietcombank, Vietinbank, Agribank và BIDV, lãi suất huy động cao nhất hiện chỉ đạt 5,5 - 5,6%/năm, chủ yếu áp dụng với các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên.
Trong khi đó tại nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần, lãi suất tiết kiêm cao nhất hiện cao hơn khoảng 0,7-0,8% so với mặt bằng lãi suất tại các ngân hàng quốc doanh.
Đáng chú ý một số ngân hàng cổ phần hiện đang trả lãi suất sát ngưỡng 7%/năm cho tiền gửi VND và đây được ghi nhận là biểu lãi suất huy động VND cao nhất trên thị trường hiện nay.
Theo tìm hiểu của PV Báo Lao Động, để nhận được mức lãi suất này, người gửi tiền phải đáp ứng các điều kiện hết sức "khắt khe" từ phía ngân hàng.
Cụ thể như tại ngân hàng HDBank, để nhận được lãi suất 6,8 - 6,85%/năm cho kỳ hạn 12 - 13 tháng, người gửi tiền cần có số tiền gửi tiết kiệm từ tối thiểu 300 tỉ đồng trở lên.
Tương tự tại ngân hàng LienVietPostBank, để nhận được lãi suất 6,99%/năm, người gửi tiền phải tham gia kỳ hạn 13 tháng cũng với số tiền từ 300 tỉ đồng trở lên.
Theo đánh giá của chứng khoán ngân hàng Vietcombank (VCBS), thực tế trong nửa đầu năm 2021, lãi suất huy động có mức giảm khoảng 0,3% và sau đó ổn định ở mặt bằng thấp.
Cũng theo quan sát của VCBS, việc lãi suất kỳ hạn ngắn tăng nhẹ 0,1 - 0,5% tại một số ngân hàng xuất hiện thời gian qua chỉ mang tính chất cục bộ, không phản ánh sự hình thành xu hướng tăng mới.
Ở giai đoạn này, thông điệp của Ngân hàng Nhà nước là tiếp tục nhất quán kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào hoạt động kinh doanh, đầu cơ bất động sản. Định hướng chung là duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong diễn biến phức tạp.
Đặt trong bối cảnh chính sách tiền tệ trên thế giới vẫn là nới lỏng, VCBS cho rằng, lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại Việt Nam có thể đi ngang trong thời gian tới. Áp lực tăng nhẹ, nếu có là nhằm cân bằng lợi ích của người gửi tiền với xu hướng đa dạng sang các kênh đầu tư.
"Lãi suất huy động có thể tăng 10-20 điểm (0,1-0,2% - PV) vào cuối năm, khi ngân hàng thường đẩy mạnh cho vay; đồng thời, doanh nghiệp và người dân có xu hướng rút tiền khỏi hệ thống, kéo theo áp lực huy động" - VCBS nhìn nhận.