Dịch bệnh COVID-19 đang có diễn biến phức tạp làm người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm. Việc Hà Nội yêu cầu tạm dừng các dịch vụ không thiết yếu để phòng, chống dịch đã đem lại cơ hội lớn cho kênh mua sắm online, đặt hàng từ nhà. Nhiều người tiêu dùng chọn mua sắm online để hạn chế phải đến các cửa hàng mua sắm trực tiếp, hạn chế tối thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Theo đó, các cửa hàng, quán ăn trong thời gian này tiếp nhận đơn hàng và đáp ứng nhu cầu của người dân thông qua lực lượng giao nhận hàng hóa (shipper) đang được xem là phương pháp hữu hiệu nhất để áp dụng. Điều này khiến doanh thu của người bán không giảm, vừa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người tiêu dùng.
Trao đổi với Lao Động, anh Nguyễn Đình Tuấn (sinh năm 1997, quê ở Nghệ An, hiện đang là sinh viên Đại học Giao thông vận tải) cho biết, đa số người giao hàng như anh chủ yếu là sinh viên các trường đại học đi làm thêm. Trong khi đó, thời gian này do sinh viên nghỉ học nên số lượng shipper bị giảm mạnh. Điều này khiến cho số người giao hàng tại Hà Nội luôn ở trong tình trạng quá tải, bởi đơn hàng nhiều mà nhân lực shipper thì ít.
“Trung bình một ngày tôi phải giao đến 40 đơn hàng cho khách. Có nhiều khi khách đặt đồ ăn mà tôi giao muộn gần một giờ. Biết là chưa làm hài lòng khách hàng nhưng mình cũng cố gắng hết sức vì đơn hàng quá nhiều nên cũng mong khách thông cảm” - anh Tuấn nói.
Tiếp đó anh Nguyễn Đức Hậu (sinh năm 1997, quê Hà Nam, sinh viên Đại học Văn hóa Hà Nội) - một shipper giao hàng nhanh thông tin, do nhiều cửa hàng đóng cửa nên lượng đơn hàng ngày càng tăng lên. Các đơn hàng khá đa dạng trong đó nhiều nhất vẫn là đồ ăn vặt.
"Vì công việc và tranh thủ thời gian được nghỉ học nên tôi vẫn đi làm đầy đủ mỗi ngày. Trong quá trình làm việc, chúng tôi luôn cố gắng thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn như đeo khẩu trang và xịt khuẩn. Thêm vào đó do thiếu người nên giá của các đơn hàng cũng tăng cao hơn so với thường ngày. Thu nhập của tôi cũng được cải thiện, trung bình mỗi ngày được 500.000 đồng với 40 đơn hàng", anh Hậu nói.
Bình thường, anh Hậu làm việc khoảng 10 tiếng/ngày. Tuy nhiên thời gian này do lượng đơn hàng tăng cao, anh làm thêm khoảng 2-3 tiếng để tăng thêm thu nhập và đáp ứng nhu cầu của khách hàng tốt nhất.
Một trường hợp khác, anh Nguyễn Đức Quân (sinh năm 1994, quê ở Sóc Sơn, Hà Nội) - thông tin, trước đây anh vốn là xe ôm công nghệ nhưng hơn một tháng nay đã chuyển sang làm giao đồ ăn nhanh. Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, lượng khách đi xe sụt giảm nghiêm trọng khiến cánh xe ôm rơi vào cảnh “đói” khách. Vì vậy, anh quyết định chuyển sang làm shippper giao hàng nhanh. Với khoảng 50 đơn hàng mỗi ngày cũng giúp anh thu về 700.000 đồng.
“Tính ra, nghề giao hàng vừa ổn định vừa đỡ vất hơn là chạy xe ôm. Tôi làm chuyên cho 1 quán nên việc cũng đều, lương thưởng khá ổn định. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh nên có hôm tôi làm không hết việc, vất vả hơn khi phải cố gắng trả hàng cho khách đúng giờ” - anh Quân nói.
Theo các chuyên gia y tế, để phòng, chống dịch COVID-19 thì chính bản thân mỗi shipper phải có ý thức giữ gìn sức khoẻ của mình, như đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc gần với người khác, mang theo dung dịch khử khuẩn, rửa tay khi nhận, giao đồ, trường hợp có biểu hiện, triệu chứng của bệnh thì phải xin nghỉ để tự cách ly tại nhà. Như vậy sẽ giúp cho chính bản thân các shipper và cho cả cộng đồng.