Ông Nguyễn Ngọc Châu (xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) cho biết, trước đây ông canh tác 10 công đất (1 công = 1.000m2 - PV) sầu riêng. Vì sầu riêng muốn cho trái đòi hỏi phải chăm bón và kỹ thuật làm bông tốn rất nhiều công sức, trong khi xung quanh bà con trồng mít Thái, có thời điểm giá 40.000 - 50.000đ/kg. Mỗi trái 10kg đến 15kg tính ra bán gần cả triệu đồng, nên ông quyết định phá vườn sầu riêng trồng duy nhất loại nông sản này.
“Có ngờ đâu, công bao nhiêu tháng trời, tôi thuê người bồi đất, bón phân, thuốc dưỡng trái phun liên tục 6 tháng từ lúc mới ra trái đến bán được, chi phí bỏ ra trên dưới khoảng 100 triệu, đến hiện tại thu hoạch, thương lái đến vườn thu mua chỉ 5.000 đồng/kg đối với trái loại 1. Công sức và tiền đầu tư coi như đi đứt, vốn còn lấy không nổi nói chi lãi. Lúc giá rẻ mình gọi thương lái họ cũng không đến mua, hoặc đến nhưng chậm vài ngày với lý do vựa không ăn, dội chợ, xe không qua cửa khẩu được… Nếu không ai mua để chín cây cũng bỏ, thối bỏ nhìn thấy tiếc, nóng ruột lắm chú ơi” - ông Châu buồn bã nói.
Cùng tâm trạng lo lắng, bà Đinh Thị Đầm (ngụ cùng địa phương) chia sẻ: “Mít tuy thấy trái to lên đến cả chục kg, có người bảo với giá 5.000 đồng/kg bán cũng có tiền nhiều nhưng thật ra không phải. Hiện tại, lái mít họ phân loại ngày một khó, loại 1 trái từ 9kg trở lên, múi phải to, trái phải tròn đều, không sẹo, xơ không đen, trái không chín cây, không bị hâm, bị vết nứt... nếu không đạt chuẩn trên, liệt vào loại mít bi, mít nhỏ, mít chợ, mua với giá 3.000đ/kg. Mấy ngày nay, vườn nhà tối đã đến lứa nhưng gọi mãi cũng chưa ai đến mua. Mỗi cây chỉ để thu hoạch từ 2 đến 5 trái. Với giá mít hiện tại, bà con chúng tôi chỉ có lỗ…”.
Chị Nguyễn Ngọc Giàu - một chủ vựa chuyên thu mua mít Thái - cho biết, hiện tại Trung Quốc là thị trường chính để tiêu thụ. Thời gian này, giá mít rẻ do đối tác bên nước bạn thông báo nhập sản lượng hạn chế hơn những tháng đầu năm. Tháng trước, mỗi ngày chị cho đi khoảng 20 tấn, hiện tại sản lượng mỗi ngày đi khoảng 8 tấn, chưa được một nửa.
“Thứ nhất do tắc biên, xe nối dài đợi sang cửa khẩu, rồi chờ đợi thông tin từ thị trường nước bạn, chúng tôi không thể chủ động. Thứ hai do giá xăng dầu tăng, chi phí vận chuyển cũng tăng theo, chúng tôi phải cân đối lại sản lượng mua vào, nếu cung vượt cầu, vận chuyển ngược trở về coi như mất trắng. Thứ ba, thị trường Trung Quốc ngày một khó về điều kiện nhập khẩu nông sản từ Việt Nam. Các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, về phân loại, kích cỡ trái… khắt khe hơn trước đây nhiều” - chị Giàu lý giải.
Theo thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tỉnh Hậu Giang hiện có tổng diện tích mít trên 3.000ha, sản lượng 33.065 tấn, tập trung chủ yếu tại huyện Châu Thành với 79% diện tích mít của tỉnh. Tại các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Long An…, diện tích mít không lớn, khoảng 2.625ha. Tiền Giang là địa phương có diện tích mít lớn nhất khu vực ĐBSCL với tổng diện tích 6.031ha, sản lượng 77.675 tấn.
Trong khi đó, dự báo từ Cục Trồng trọt, trong quý I năm 2022, sản lượng trái cây chính ở các tỉnh thành phía Nam khoảng 1,3 triệu tấn. Trong đó, thanh long khoảng 240.000 tấn; chuối 250.000 tấn; xoài 244.000 tấn; mít 158.000 tấn; bưởi 143.000 tấn; cam 132.000 tấn và dứa khoảng 127.000 tấn… Đây là một thách thức lớn cho ngành nông nghiệp, cũng như chính quyền địa phương.