Rủi ro đạo đức nhân viên ngân hàng
Trao đổi với phóng viên báo Lao Động, lãnh đạo cấp cao một Ngân hàng thương mại cổ phần cho biết: “Vụ việc lộ thông tin tài khoản cá nhân của nghệ sĩ Hoài Linh trên mạng không phải là câu chuyện bảo mật công nghệ mà vấn đề rủi ro đạo đức của nhân viên ngân hàng.
Hệ thống công nghệ của ngân hàng với nhiều lớp tường lửa không dễ gì có thể tấn công. Tôi cho rằng việc ngân hàng kia đã phạt mạnh tay đưa vụ việc nhân viên ngân hàng tiết lộ thông tin khách hàng sang cơ quan điều tra là đúng và cần thiết để răn đe”.
Vị giám đốc ngân hàng này bày tỏ lo ngại: “Vấn đề truy soát xem ai truy cập vào hệ thống để lấy thông tin khách hàng có thể kiểm tra chỉ trong vài phút. Hệ thống công nghệ thông tin của ngân hàng quét nhận diện chính xác user nào, máy tính nào, dải IP nào, truy cập lúc mấy giờ.
Hiện tại, tuỳ vào quy định của từng ngân hàng, nhưng ngay cả giao dịch viên cũng có thể truy cập để kiểm tra, tra soát thông tin phục vụ các nghiệp vụ khác nhau của ngân hàng. Tuy nhiên, các nhân viên ngân hàng có trách nhiệm phải giữ an toàn bảo mật thông tin của khách hàng. Ở các ngân hàng, việc bảo mật thông tin là rất quan trọng và buộc phải tuân thủ theo quy định nội bộ, không phải ai tự dưng thích nhìn số tài khoản của khách hàng thì có thể vào xem.
Mức xử phạt khi làm lộ thông tin khách hàng ra sao?
Trao đổi với phóng viên báo Lao Động chiều 28.5, Luật sư Trương Thanh Đức cho biết: “Nhiều khả năng vụ việc này sẽ xử phạt hành chính chứ không xử hình sự.
Hành vi của cá nhân làm lộ hoặc cung cấp thông tin khách hàng không đúng quy định thì có thể bị phạt tiền từ 30 – 40 triệu đồng theo quy định tại Điều 47 của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14.11.2019 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Vi phạm quy định về chế độ báo cáo, quản lý và cung cấp thông tin.
Luật sư Trương Thanh Đức cho biết, theo quy định trong luật, ngân hàng chỉ được phép cung cấp thông tin trong ba trường hợp:
Thứ nhất, khách hàng yêu cầu, khách hàng đồng ý, khách hàng cho phép. Thứ hai, theo yêu cầu của cơ quan chức năng nhà nước, cơ quan pháp luật (toà án, công an, cơ quan thuế...). Thứ ba, phục vụ cho hoạt động nội bộ. Nếu không nằm trong các trường hợp trên thì sẽ bị xử phạt.
Bên cạnh đó, cá nhân sẽ phải chịu các hình thức kỷ luật từ phía tổ chức tín dụng (theo quy định của bộ luật lao động) có thể từ khiển trách tới chấm dứt hợp đồng lao động hay bồi thường thiệt hại nếu có.
Theo Luật sư, ngân hàng cần xử lý nghiêm để giữ được uy tín của mình, đó là yếu tố sống còn của lĩnh vực ngân hàng.
"Ba yêu cầu thông tin đối với ngành ngân hàng là an toàn, chính xác và bảo mật", ông nhấn mạnh.
Thông tin về việc NSƯT Hoài Linh giữ tiền từ thiện hơn 14 tỉ đồng ủng hộ đồng bào miền Trung đang gây xôn xao dư luận. NSƯT Hoài Linh đã chính thức lên tiếng giải thích việc chậm trễ giải ngân là do ảnh hưởng tình hình dịch COVID-19. Tuy nhiên lời giải thích này vẫn chưa làm thỏa lòng dư luận, sự việc đang gây tranh cãi gay gắt.
Tối 24.5, trên một diễn đàn về công nghệ đăng tải hình ảnh chi tiết lịch sử giao dịch tài khoản được cho là của nghệ sĩ Hoài Linh (tên đầy đủ là Võ Nguyễn Hoài Linh) tại ngân hàng. Sao kê tài khoản đăng lên mạng được cho là do “nhân viên của ngân hàng đăng tải”.
Thông tin được đăng tải gồm chi tiết các khoản tiền gửi vào, rút ra và nội dung chuyển khoản. Trong đó có nội dung gửi tiền vào các quỹ từ thiện mà nghệ sỹ Hoài Linh đã từng kêu gọi.
Cho tới thời điểm hiện tại, bài viết trên diễn đàn đã bị xoá.