Luật hoá Nghị quyết 42 để khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế

Nhóm PV |

Tại hội thảo “Cần Luật hoá Nghị quyết 42 để giải bài toán xử lý nợ xấu ngân hàng” do Báo Lao Động phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng tổ chức sáng 19.2, các chuyên gia đều nhấn mạnh đến tính cấp bách của việc luật hóa Nghị quyết 42 để ban hành Luật Xử lý nợ xấu, giúp khơi thông nguồn vốn phục vụ cho việc phục hồi và phát triển kinh tế.

* 10h45: Cần thiết phải luật hóa Nghị quyết 42 để ban hành Luật Xử lý nợ xấu

Lắng nghe các ý kiến tham luận tại hội thảo, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng – cho rằng, Nghị quyết 42 đến nay đã gần 5 năm, chỉ còn vài tháng nữa là kết thúc. Hiệu quả của của Nghị quyết 42 đã tác động đến nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng. Đặc biệt, nó đã phá tan "cục máu đông" nợ xấu trong nền kinh tế, đưa dòng vốn luân chuyển vào hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh. Tác dụng rất thiết thực trong bối cảnh tốc độ phát triển của nền kinh tế trong COVID-19. Từ đó, nó đã tạo tiềm lực cho các TCTD trong thời gian đó đổi mới ứng dụng công nghệ, chuẩn bị trước một bước cho giai đoạn tiếp theo. Khi dịch COVID-19 xảy đến, do có sự chủ động cũng như xử lý nợ xấu tại Nghị định 42 đã hỗ trợ ngân hàng vượt qua khó khăn, tích luỹ lợi nhuận và đầu tư bổ sung vào công nghệ.

 
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng - phát biểu kết luận hội thảo.

Theo ông Hùng, kể cả trích lập dự phòng rủi ro 30% nhưng trong năm 2021, tình hình tài chính của các TCTD vẫn rất khả quan. Điều cho thấy rằng nguồn thu chính của nhà băng không chỉ đến từ tín dụng mà còn từ những hoạt động dịch vụ và đổi mới công nghệ. "Các TCTD trở thành ví của của người dân và tận dụng tối ta tiền gửi tăng vượt bậc trong 2021 và đầu 2022. Tỉ lệ CASA của các ngân hàng lên đến 40 - 45% là điều không tưởng cách đây chục năm. Những điều này đã cho thấy Nghị định 42 hiệu quả như nào", ông nói.

Tính đến cuối năm 2021, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được trên 1.300 nghìn tỉ đồng nợ xấu. Trong đó: Giai đoạn 2012-2015 xử lý được 493,1 nghìn tỉ đồng; giai đoạn 2016-2021 xử lý được trên 800 nghìn tỉ đồng; Tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 của toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được khoảng 368,9 nghìn tỉ đồng (không bao gồm nợ xấu xử lý bằng sử dụng dự phòng rủi ro). Số nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 được xử lý thu hồi trong giai đoạn từ 15.8.2017 đến cuối năm 2021 đạt trung bình khoảng 6,92 nghìn tỉ đồng/tháng, cao hơn 3,94 nghìn tỉ đồng/tháng so với giai đoạn trước khi có Nghị quyết số 42 (giai đoạn năm 2012 - 2017). Tỉ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD trong giai đoạn 2016-2021 được duy trì dưới mức 3%. Vị Tổng thư ký cho biết: "Những kết quả đạt được đã cho thấy vai trò, tầm quan trọng của Nghị quyết số 42 trong quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu của các TCTD, góp phần xử lý hiệu quả nợ xấu, thu hồi vốn cho các TCTD để tái đầu tư, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế”.

Bên cạnh kết quả đạt được, qua quá trình theo dõi và phản ảnh của các TCTD hội viên cho thấy trong quá trình thực hiện Nghị quyết 42 vẫn còn phát sinh nhiều khó khăn và vướng mắc. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Ngân hàng và các TCTD đã có nhiều văn bản báo cáo Quốc hội, Chính phủ và các Bộ ngành, tuy nhiên, đến nay nhiều vướng mắc vẫn chưa được tháo gỡ hoàn toàn hoặc cách áp dụng vẫn còn chưa đồng bộ, thiếu thống nhất, làm hạn chế công tác xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của các TCTD.

Ông Hùng chỉ ra những điểm cụ thể như sau:

Thứ nhất là vướng mắc trong thu giữ tài sản bảo đảm. Việc thu giữ hạn chế, gặp nhiều vướng mắc do phần lớn các Hợp đồng bảo đảm cũ chưa có nội dung đáp ứng điều kiện tại điểm b khoản 2 Điều 7 NQ 42, theo đó Hợp đồng bảo đảm phải có thỏa thuận việc Bên bảo đảm đồng ý cho các TCTD có quyền thu giữ tài sản biến động (TSBĐ). Do đó, phần lớn không triển khai được việc thu giữ. Bên cạnh đó cũng chưa có quy định cụ thể trong việc xử lý đối với từng loại TSBĐ (động sản và bất động sản), các tài sản đặc thù, những trường hợp đặc biệt.

Thứ hai là vướng mắc trong áp dụng thủ tục rút gọn. Ông Hùng chỉ ra rằng trên thực tiễn, hầu như chưa có TCTD nào áp dụng thành công thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp theo Nghị quyết 42. Nguyên nhân chính là Khoản 1 Điều 8 Nghị quyết 42 chỉ áp dụng đối với tranh chấp về nghĩa vụ giao TSBĐ, tranh chấp về quyền xử lý TSBĐ của khoản nợ xấu của TCTD mà chưa quy định rõ việc áp dụng thủ tục rút gọn đối với các tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa các TCTD với khách hàng vay. Do đó, chưa tạo được cơ sở pháp lý cho Tòa án áp dụng thủ tục rút gọn rộng rãi khi TCTD khởi kiện, yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp HĐTD.

Thứ ba là vướng mắc trong việc xác định thứ tự ưu tiên thanh toán từ tiền bán/phát mại TSBĐ. Liên quan đến nộp thuế thu nhập phát sinh từ việc xử lý TSBĐ, Bộ Tài chính có công văn số 5477/BTC-TCT ngày 14/5/2019 gửi NHNN về việc thu thuế theo NQ 42; Tổng cục thuế có công văn số 1988/TCT-DNL ngày 20/5/2019; Liên quan đến thu án phí, Tổng cục THADS có công văn số 2004/TCTHADS-NV1 ngày 3.7.2019 hướng dẫn theo hướng trên cơ sở quy định tại Điều 12 Nghị quyết 42 về chi phí xử lý TSBĐ và thứ tự thanh toán án phí tại Điều 47 Luật thi hành án dân sự. Theo hướng dẫn của các Bộ/Ngành liên quan như trên, trong quá trình xử lý TSBĐ để thu hồi nợ xấu của các TCTD theo quy định tại Nghị quyết số 42, tiền thu được từ việc xử lý TSBĐ sau khi trừ chi phí bảo quản, thu giữ và chi phí xử lý TSBĐ chưa được ưu tiên thanh toán để thu hồi nợ xấu của các TCTD theo như quy định tại Điều 12 Nghị quyết 42. Dẫn đến cơ chế ưu tiên thu hồi nợ xấu của các TCTD từ số tiền xử lý TSBĐ theo Nghị quyết 42 không được bảo đảm thực thi trên thực tế bởi sự thiếu đồng bộ, chưa nhất quán giữa quy định tại Nghị quyết 42 với quy định của pháp luật về thuế và pháp luật về THADS.

Thứ tư là khó khăn về nhận lại TSBĐ là vật chứng trong vụ án hình sự. Điều 14 Nghị quyết 42 quy định: “Sau khi hoàn tất thủ tục xác định chứng cứ và xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án, cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm hoàn trả vật chứng trong vụ án hình sự là TSBĐ của khoản nợ xấu theo đề nghị của bên nhận bảo đảm là TCTD…”. Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào giải thích và lượng hóa các tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể về việc “ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án”.

Thứ năm là vướng mắc trong nguyên tắc áp dụng pháp luật về xử lý nợ xấu, xử lý TSBĐ của khoản nợ xấu. Theo ông Hùng, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 42, một số cơ quan có thẩm quyền đã ban hành văn bản hướng dẫn các cơ quan cấp dưới hoặc áp dụng trong nội bộ ngành mình có nội dung tiếp tục duy trì việc áp dụng các Luật chuyên ngành như trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực. Dẫn đến mục tiêu ban hành các chính sách hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ xử lý, thu hồi nợ xấu theo tinh thần Nghị quyết 42 không đạt được toàn diện, một số chính sách hỗ trợ hoạt động xử lý nợ xấu trong Nghị quyết 42 chưa đi vào thực tiễn.

* 10h10: Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu và sự cần thiết Luật hóa Nghị quyết 42/2017/QH14

Trình bày tham luận “Tính cấp bách của việc luật hóa Nghị quyết 42 để giúp ngân hàng nhanh chóng xử lý nợ xấu, khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế" tại phiên 2 của buổi hội thảo, Luật sư Trương Thanh Đức - Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC - cho rằng, Nghị quyết số 42 đã sắp hết hiệu lực, thời hạn thực hiện chỉ còn 6 tháng (đến 15.8.2022). Nếu không được tiếp tục xử lý nợ xấu theo Nghị quyết này thì sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho ngành Ngân hàng, nhất là trong bối cảnh nợ xấu bùng phát sau hậu quả của đại dịch COVID-19.

Luật sư Trương Thanh Đức – Công ty luật ANVI - phát biểu tại hội thảo.
Luật sư Trương Thanh Đức – Công ty luật ANVI - phát biểu tại hội thảo.

“Vì vậy, cần hoàn thiện chính sách xử lý nợ xấu theo hướng quy định rõ ràng hơn, cụ thể hơn, hợp lý hơn, khả thi hơn và hợp lý nhất là nâng lên thành luật, để bảo đảm việc xử lý kịp thời, có hiệu quả nợ xấu của ngành Ngân hàng nói riêng và của cả nền kinh tế nói chung. Trường hợp không kịp ban hành hoặc không ban hành Luật, thì cần tiếp tục duy trì hiệu lực của Nghị quyết này”, Luật sư Đức cho hay.

Theo ông Đức, Luật Xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng cần được tiếp tục duy trì trong khoảng tối thiểu 5 - 10 năm nữa, cho đến khi nào tòa án thực sự bảo đảm được trên thực tế yêu cầu xử lý tài sản bảo đảm nói riêng, các vụ án đòi nợ nói chung một cách nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả.

Trong đó có việc rút gọn thủ tục theo đúng quy định tại Phần thứ Tư về “Giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn”, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và Nghị quyết số 03 ngày 15.5.2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao “Hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu tại Tòa án nhân dân”.

Bình luận về việc bảo đảm quyền của chủ sở hữu tài sản, Luật sư Trương Thanh Đức cho hay, xử lý nợ xấu gồm 2 loại chính là nợ xấu không có và nợ xấu có tài sản bảo đảm. Đối với nợ xấu không có tài sản bảo đảm, là khoản nợ rất khó thu hồi trên thực tế vì phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng tài chính của chính “con nợ” chứ không phải do vướng mắc, khó khăn của pháp luật. Vì vậy không cần thiết phải đặt ra vấn đề hỗ trợ xử lý bằng quy định pháp luật đặc thù, mà vẫn được xử lý theo quy định chung như đối với mọi khoản nợ, trong đó có việc đòi nợ theo trình tự yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp.

“Đối với nợ xấu có tài sản bảo đảm, nhất là nợ xấu của các tổ chức tín dụng, tuy có khả năng thu hồi, nhưng lại gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trên thực tế, nên rất cần cơ chế pháp lý hỗ trợ để xử lý, trong đó tập trung vào việc xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ”, ông Đức nói.

Cũng theo vị này, xét về bản chất, việc chủ sở hữu tài sản thực hiện giao dịch thế chấp là đã tự nguyện thỏa thuận và chấp nhận hậu quả pháp lý ảnh hưởng hạn chế, bất lợi đến quyền sở hữu tài sản và chỗ ở của mình, mà mức độ cao nhất là chấp nhận không còn quyền sở hữu tài sản và không còn chỗ ở. Còn xét về hậu quả pháp lý của việc bảo đảm, nhất là trường hợp phải xử lý tài sản để thực hiện nghĩa vụ bảo đảm, thì có thể coi quyền bảo đảm tương tự như quyền định đoạt tài sản.

“Tóm lại, có thể coi quyền bảo đảm bằng tài sản là một dạng quyền định đoạt tài sản có điều kiện. Và điều kiện trong trường hợp này là khi phải xử lý tài sản bảo đảm để thực hiện nghĩa vụ bảo đảm. Nghĩa là, chủ sở hữu tài sản chấp nhận, nếu xuất hiện sự vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận bảo đảm thì tài sản sẽ được định đoạt”, Luật sư Đức bình luận.

Còn về các điều kiện thu giữ tài sản thế chấp, theo luật sư, trong việc xử lý tài sản bảo đảm thì vấn đề vướng mắc chủ yếu là xử lý tài sản thế chấp, nhất là tài sản của người thứ ba. Còn đối với xử lý tài sản cầm cố thì gần như không có khó khăn gì, đặc biệt là xử lý tài sản bảo đảm ký quỹ và đặt cọc thì càng đơn giản, dễ dàng. “Để bảo đảm một cách công bằng, hợp lý, hài hòa quyền và lợi ích của cả hai bên, tránh việc tổ chức tín dụng lợi dụng, lạm quyền gây thiệt hại cho người có tài sản thế chấp, thì cần xem xét quy định thêm điều kiện về thời hạn thông báo và xử lý tài sản bảo đảm theo hướng khuyến khích chủ sở hữu tài sản tự bán tài sản. Chẳng hạn như đối với tài sản bảo đảm là động sản thì thời hạn tối thiểu là 1 tháng đối với bất động sản thì thời hạn tối thiểu là 6 tháng”, luật sư Đức nhấn mạnh.

* 9h30: “Cần đồng bộ hệ thống luật và các văn bản dưới luật về xử lý nợ xấu”

Phát biểu tại hội thảo, ông Phan Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc - Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, kể từ thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực và được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng như các Bộ, ngành có liên quan chỉ đạo, quán triệt, triển khai áp dụng thì chúng tôi nhận thấy kết quả thu nợ của các tổ chức tín dụng nói chung cũng như của BIDV nói riêng đã ghi nhận được những kết quả vượt trội, thành tựu nổi bật. Riêng đối với BIDV, tổng số nợ xấu theo Nghị quyết 42 đã được xử lý lũy kế từ ngày 15.8.2017 đến nay là gần 100.500 tỉ đồng, bình quân khoảng 25.000 tỉ đồng/năm, so với giai đoạn trước khi có Nghị quyết 42 (từ năm 2012 đến trước ngày 15.8.2017) là khoảng 15.000 tỉ đồng/năm. Đối với kết quả thu hồi nợ ngoại bảng, tổng số dư nợ mà BIDV đã xử lý và thu hồi được trong 10 năm (giai đoạn 2012 – 2021) là 37.247 tỉ đồng.

Ông Phan Thanh Hải – Phó Tổng Giám đốc BIDV trình bày tham luận “Khó khăn trong quá trình xử lý nợ xấu và vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết 42”.
Ông Phan Thanh Hải – Phó Tổng Giám đốc BIDV trình bày tham luận “Khó khăn trong quá trình xử lý nợ xấu và vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết 42”.

Bên cạnh những kết quả đạt được, lãnh đạo BIDV cũng nêu một số khó khăn trong quá trình xử lý nợ xấu và vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết 42, như dịch bệnh COVID-19 bùng phát trong khoảng 2 năm trở lại đây đã ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến hoạt động xử lý thu hồi nợ của các ngân hàng. Trong đó, kinh tế chịu thiệt hại nặng nề từ đại dịch COVID-19 dẫn tới suy giảm khả năng tài chính, giảm nhu cầu mua tài sản, mua khoản nợ của các đối tác, đồng thời nhiều nhà đầu tư có tâm lý e ngại, không dám mua tài sản vì sợ rủi ro do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh. Các dịch vụ liên quan đến hoạt động xử lý nợ tại một số địa bàn bị tạm dừng hoạt động trong nhiều tháng, như bán đấu giá, thẩm định giá, thừa phát lại… đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động, khả năng thu hồi nợ của ngân hàng. Ngoài ra, còn khó khăn trong công tác thi hành án. Bởi hiện nay, đối với các khoản nợ có nhiều tài sản thế chấp tọa lạc tại các huyện, tỉnh khác nhau, theo quy định của pháp luật về thi hành án thì không được phát mại đồng thời các tài sản mà phải thực hiện cuốn chiếu từng tài sản theo từng địa bàn, dẫn tới thời gian thu hồi nợ kéo dài, không xử lý tổng thể, dứt điểm được toàn bộ TSBĐ tại cùng thời điểm, gây thiệt hại cho ngân hàng.

 
Ông Phan Thanh Hải – Phó Tổng Giám đốc BIDV trình bày tham luận

Từ những khó khăn, thách thức đó, ông Phan Thanh Hải kiến nghị việc các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu, luật hóa Nghị quyết 42 để ban hành Luật Xử lý nợ xấu trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết, bởi các lý do sau: Thứ nhất, giải quyết xung đột pháp luật; bổ sung cơ chế, chính sách pháp luật cần thiết. Bởi các quy định trong Nghị quyết 42 được điều chỉnh hoặc liên quan đến nhiều văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành khác, như: Bộ Luật dân sự, Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Quản lý thuế,… Trong đó, một số văn bản pháp luật được ban hành sau thời điểm NQ42 có hiệu lực. Thứ hai, cần đồng bộ hệ thống luật và các văn bản dưới luật về xử lý nợ xấu: Trong trường hợp Quốc hội xem xét, thông qua việc luật hóa Nghị quyết 42 thì sau khi Luật Xử lý nợ xấu được ban hành và triển khai áp dụng, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng như các cơ quan chức năng có liên quan sẽ có cơ sở để tổng kết thực tiễn, nghiên cứu và đề xuất ban hành đồng bộ các Nghị định, Thông tư quy định, hướng dẫn cụ thể nhằm giải quyết các vấn đề, vướng mắc phát sinh xoay quanh việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. “Việc đồng bộ hệ thống luật và các văn bản dưới luật liên quan đến xử lý nợ xấu sẽ là tiền đề quan trọng để xây dựng hành lang pháp lý cần thiết, hình thành một môi trường kinh tế lành mạnh, hoạt động cấp tín dụng và xử lý nợ chuyên nghiệp, bài bản cho Việt Nam, góp phần nâng cao mức độ an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng Việt Nam”, ông Hải nêu.

* 9h15: Thực trạng và giải pháp xử lý nợ xấu tại Tổ chức tín dụng trong thời kỳ dịch COVID-19

Trình bày tham luận “Thực trạng và giải pháp xử lý nợ xấu tại Tổ chức tín dụng trong thời kỳ dịch COVID-19” tại hội thảo, ông Trần Minh Đạt, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB Bank) khẳng định, từ khi Nghị quyết 42 được thực hiện thì các tổ chức tin dụng được đa dạng trong việc xử lý nợ xấu. Qua đó, khách hàng cũng hợp tác hơn trong trả nợ, hạn chế những chủ tài sản chây ì. Các khó khăn của ngành ngân hàng trong xử lý nợ xâu tồn tại trong nhiều năm cũng đã được hướng dẫn giải quyết. Thu được nợ thì cũng là kênh dẫn vốn mới, đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh. Triển khai Nghị quyết 42 được gần 2 năm thì COVID-19 lại xuất hiện, đó là cái không may cho ngành ngân hàng. COVID-19 khiến bản chất của nợ xấu có sự thay đổi. Câu chuyện xử lý nợ của các ngân hàng trong bối cảnh đại dịch thực sự là rất khó, ảnh hưởng lớn đến chất lượng tín dụng và công tác xử lý nợ xấu. Để xử lý nợ xấu trong đại dịch, theo ông Đạt, MB bám sát chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, tập trung cho vay trong những lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của NHNN. Chúng tôi cũng tập trung cho vay trong những lịch vực ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Ngoài ra, kiểm soát chặt chẽ, cơ cấu nợ cho những khách hàng đủ điều kiện theo chỉ đạo của NHNN. Chúng tôi rất thận trọng trong cơ cấu nợ, xuất phát từ đánh giá kỹ lưỡng thực trạng của khách hàng. Chúng tôi cũng duy trì hiệu quả công tác thu hồi nợ xấu và duy trì tỉ lệ nợ xấu ở mức rất thấp.

Ông Trần Minh Đạt, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB Bank) phát biểu tại hội thảo.
Ông Trần Minh Đạt, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB Bank) phát biểu tại hội thảo.

Ông Trần Minh Đạt cho biết, MB đặc biệt chú trọng thu hồi nợ sau cơ cấu nợ tại các đơn vị bị ảnh hưởng bởi COVID. Làm thế nào để thu hồi các khoản nợ này được cao nhất? Với các dư nợ COVID được cơ cấu đến cuối năm 2020, thì chúng tôi thu hồi đến 95%. Nghĩa là chỉ 5% này được liệt vào nợ xấu. Ảnh hưởng COVID-19 của năm 2020 nó sẽ không nặng nề như năm 2021, MB cố gắng chỉ 10% dư nợ được cơ cấu trong giai đoạn COVID năm 2021 là nợ xấu. “Để nâng cao chất lượng tín dụng, bản chất của nó không phải chỉ câu chuyện thu hồi nợ mà nó là quá trình xuyên suốt từ lựa chọn ngành nghề/lĩnh vực cho vay, lựa chọn doanh nghiệp tốt, quá trình giám sát/kiểm tra việc sử dụng vốn đúng mục đích. Khi mình đã lựa chọn tốt ngay từ đầu, nợ xấu sẽ ít phát sinh. Ngay cả khi chẳng may có rủi ro trong kinh doanh, nhưng khách hàng tốt, dùng vốn đúng mục đích thì cũng không bao giờ bị mất vốn hết”, ông Đạt nhấn mạnh. Ngay cả trong đại dịch, tỉ lệ nợ xấu của MB chỉ 1%, đến cuối năm 2021 chỉ 0,68%. MB bám sát chỉ đạo của NHNN, thiết lập tỉ lệ cho vay trên tài sản đảm bảo rất chặt chẽ, chú trọng trích lập dự phòng rủi ro, phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro… Với các khách hàng khó khăn, MB cố gắng thỏa thuận, xử lý theo hướng hòa giải thì sẽ nhanh hơn.

* 8h50: Bức tranh nợ xấu Việt Nam năm 2021-2022 và kiến nghị

TS Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV chỉ ra những Kết quả tích cực của việc thực hiện Nghị quyết 42. Cụ thể, cuối 2016 ghi nhận nợ xấu nội bảng 2,5% và nợ xấu gộp 10,1%. Sang tháng 9.2017, nợ xấu nội bảng và nợ xấu gộp đều cải thiện đáng kể, lần lượt là 2,34% và 8,61%. Sang năm 2019, tỉ lệ này lần lượt giảm tiếp còn 1,6% và 4,4%. Về thể chế, nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện đã được ban hàn, giúp hoàn thiện hành lang pháp lý cho xử lý nợ xấu. Nhận thức của người dân, doanh nghiệp và trách nhiệm của cơ quan liên quan (công an, toà án, chính quyền địa phương...) đối với công tác xử lý nợ đều được cải thiện. Từ tháng 8.2017 đến hết tháng 8.2021, hệ thống các tổ chức tín dụng đã nhận diện .... nghìn tỉ đồng nợ xấu và đã xử lý được 364,1 nghìn tỉ đồng. Tốc độ xử lý nợ xấu tăng khoảng 7,15 nghìn tỉ đồng/tháng (từ 15.8.2017 đến hết tháng 8.2021), so với mức 3,63 nghìn tỉ đồng/tháng ở giai đoạn trước đó. Qua đây, ông Lực bày tỏ niềm trăn trở với vấn đề tài sản đảm bảo và thứ tự ưu tiên tiền thanh lý tài sản đảm bảo hiện nay chưa thống nhất. Ông đề xuất cần làm rõ hơn với Bộ Tài chính về thuế và phí khi chuyển nhượng tài sản. Cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu là nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 bùng phát từ đầu năm 2020 và tiếp tục kéo dài với diễn biến phức tạp, đã ảnh hưởng sâu sắc tới toàn bộ nền kinh tế, gây những tác động tiêu cực tới hoạt động của các doanh nghiệp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng thanh toán của doanh nghiệp.

Ông lực cho rằng không ngạc nhiên khi tỉ lệ nợ xấu toàn ngành ngân hàng tăng mạnh kể từ năm 2020, và dự kiến sẽ còn tăng trong giai đoạn tới. Trên thực tế, để ứng phó với diễn biến tiêu cực của nợ xấu, các TCTD đã chủ động phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro (tỷ lệ bao phủ nợ xấu bình quân của 28 NHTM niêm yết và Agribank (chiếm khoảng 80% thị phần tổng tài sản) đã tăng lên mức 150% cuối năm 2021, là mức cao nhất từ trước tới nay), song không thể phủ nhận nợ xấu vẫn còn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, gánh nặng đối với hệ thống TCTD là không nhỏ.

"Trong điều kiện Nghị quyết 42 sắp hết hiệu lực (tháng 8.2022), áp lực nợ xấu đang ngày một hiện hữu, việc gia hạn Nghị quyết 42 và tiến tới là luật hóa Nghị quyết 42 là những bước đi cần thiết", ông nói. Về bức tranh nợ xấu ngành ngân hàng hiện nay, chuyên gia kinh tế cho biết tỉ lệ nợ xấu có xu hướng tăng từ năm 2020.

Cụ thể, nợ xấu trong hệ thống TCTD có xu hướng giảm dần từ năm 2016 - 2019, có thể đạt mục tiêu theo QĐ 1058/QĐ-TTg (2017) Nợ xấu tăng trở lại từ năm 2020 do sự bùng nổ của đại dịch COVID-19.

TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế - trình bày tham luận “Bức tranh nợ xấu Việt Nam 2021-2022 và kiến nghị”
TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế - trình bày tham luận “Bức tranh nợ xấu Việt Nam 2021-2022 và kiến nghị”

Theo số liệu từ NHNN, cuối năm 2021 tỉ lệ nợ xấu nội bảng là 1,9% (tăng 0,21 điểm % so với cuối năm 2020), nếu tính thêm nợ bán cho VAMC thì con số này là 3,9%. Tỉ lệ nợ xấu gộp (bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ xấu bán cho VAMC chưa được xử lý và nợ xấu tiềm ẩn từ các khoản cơ cấu lại) tăng mạnh lên mức 7,31% cuối năm 2021 từ mức 5,1% cuối năm 2020 và gần tương đương với con số cuối năm 2017 (7,4%) - cũng là năm mà Nghị quyết 42 bắt đầu có hiệu lực. Nợ xấu của hệ thống các TCTD gia tăng là điều đã được dự báo trước khi mà sự bùng phát của đại dịch COVID-19, và đặc biệt là làn sóng thứ 4 với biến chủng Delta trong năm 2021 đã gây ra các tổn thất nặng nề đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, sinh kế và đời sống của người dân. Theo báo cáo tài chính năm 2021 mới được các ngân hàng công bố, nợ xấu có xu hướng gia tăng rõ rệt tại một số ngân hàng, thí dụ như VPBank (tăng 60% so với 2020), Vietinbank (49%), VIB (58%), HDB (43%)…. Bình quân số dư nợ xấu 28 NHTM niêm yết và Agribank tăng 17,3% so với năm 2020. Trong bối cảnh nợ xấu gia tăng, Ngân hàng Nhà nước đã cho ra đời 3 thông tư chưa có tiền lệ cho phép cơ cấu lại nợ, không phải chuyển nhóm nhưng vẫn phải phân nhóm ngầm trong ngân hàng và trích lập dự phòng rủi ro trong một số năm xác định. Ông Lực nhận định đây là một sự thay đổi rất lớn và là nước đi "thông minh".

Theo số liệu thu thập, tại Mỹ nợ xấu cũng tăng không kém gì Việt Nam. Tỉ lệ gia tăng chủ yếu đến từ cho vay tiêu dùng và thẻ tín dụng, đây là đối tượng chịu tác động mạnh nhất trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Riêng tại Châu Âu, tỉ lệ nợ xấu lại giảm do họ bán, thanh lý rất nhiều nợ xấu. Họ bán theo cơ chế thị trường, giá thị trường, bán đứt. Tại Châu Á, tỉ lệ nợ xấu đồng loạt tăng từ Hàn Quốc, ASIAN 5 hay Trung Quốc. Theo ông, đây là xu thế tất yếu trong bối cảnh kinh tế khó khăn, sản xuất đình trệ và thu nhập của người dân giảm.

 
TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế

Trước bối cảnh Nghị quyết 42 sắp đến thời điểm hết hiệu lực, TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh rằng có 6 lý do sau sẽ đáng để cân giắc gia hạn thêm.

Thứ nhất, tác động, hiệu quả của Nghị quyết 42 là rất tích cực, rõ nét. Thứ hai, còn một số vướng mắc chính khi thực hiện Nghị quyết 42 trong thời gian qua. Thứ ba, nợ xấu là vấn đề liên tục, hiện hữu của ngành ngân hàng và có xu hướng gia tăng. Thứ tư, Nghị quyết sẽ góp phần cải thiện, tăng hiệu lực, hiệu quả của thể chế, một trong 3 đột phá chiến lực. Thứ năm, về trách nghiệm quốc tế, đây là lúc rà soát các quy định pháp luật về kinh doanh, quản lý và xử lý nợ xấu. Thứ sáu, xử lý bất cập, tăng hiệu quả xử lý nợ xấu. Qua đó tăng nguồn lực và tiết giảm chi phí cho hệ thống tổ chức tín dụng, các bên liên quan và nền kinh tế.

Mặc dù tỉ lệ bao phủ nợ xấu của các TCTD đã được cải thiện rõ rệt, song rủi ro nợ xấu luôn tiềm ẩn. Trong khi đó, Nghị quyết 42 và Thông tư 14 sẽ hết hiệu lực trong vài tháng tới, khiến áp lực xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD kể từ quý 3.2022 là rất lớn.

TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh rằng các giải pháp mạnh mẽ để xử lý triệt để nợ xấu, đặc biệt các giải pháp liên quan đến khung pháp lý, cần phải được đặc biệt chú trọng trong năm 2022 để nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu, tránh tình trạng nợ xấu cũ chưa được xử lý, nợ xấu mới gia tăng nhanh hơn nhằm tháo gỡ rủi ro tiềm tàng cho nền kinh tế. Qua đây, ông cho rằng Chính phủ nên xem xét đề xuất Quốc Hội sớm tổng kết Nghị quyết 42, tiến tới luật hóa Nghị quyết 42 trên cơ sở rà soát, hoàn thiện và hệ thống hóa các quy định pháp luật liên quan. Chuyên gia kinh tế kiến nghị hướng luật hóa Nghị quyết 42 có thể được tiến hành theo 2 bước sau:

Bước 1, gia hạn điều chỉnh, cập nhật phù hợp Nghị quyết 42 với thời gian gia hạn khoảng 3 năm để có thêm thời gian rà soát, chuẩn bị cho dự thảo luật, kịp thời tháo gỡ ngay những vướng mắc đã được chỉ ra.

Bước 2, tiến hành xây dựng Luật xử lý nợ xấu theo hướng phù hợp với thị trường và thông lệ quốc tế hơn.

Ông Lực lưu ý rằng gia hạn thêm Nghị định 42 cần song hành với giải quyết 5 vướng mắc chính:

Thứ nhất là sự vào cuộc, phối kết hợp chưa đồng bộ của các cơ quan chức năng, địa phương còn chưa kịp thời, chưa đồng bộ và nhất quán.

Thứ hai là những vướng mắc trong xử lý tài sản đảm bảo liên quan đến quyền thu giữ tài sản bảo đảm (TSBĐ) của TCTD; việc mua, bán, sang tên TSBĐ là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; vướng mắc về thực hiện thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý TSBĐ và việc nộp thuế chuyển nhượng TSBĐ; thiếu thông tin về hiện trạng TSĐB; và khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc hoàn trả TSBĐ là vật chứng trong vụ án hình sự.

Thứ ba là khó khăn trong khâu định giá, thẩm định giá khoản nợ và TSĐB.

Thứ tư là sự hạn chế trong số lượng hồ sơ được áp dụng theo thủ tục rút gọn. Trên thực tế, chỉ cần bên vay không thống nhất với TCTD về dư nợ hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt hay từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo đảm…thì Tòa án sẽ không áp dụng thủ tục rút gọn.

Thứ năm là sự thiếu vắng một thị trường mua bán nợ chính thức thực sự tại Việt Nam.

* 8h30: Tính cấp bách của việc luật hoá Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Hiển - Uỷ viên đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Lao Động - gửi lời cảm ơn tới các quý vị khách quý, các đại biểu đến tham dự Hội thảo “Cần Luật hoá Nghị quyết 42 để giải bài toán xử lý nợ xấu ngân hàng” do Báo Lao Động và Hiệp hội Ngân hàng tổ chức.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hiển, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh suốt 3 năm qua dẫn đến khả năng trả nợ của khách hàng vay suy giảm, nợ xấu của các tổ chức tín dụng có khả năng tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Trong 5 năm qua, ngành Ngân hàng đã xử lý nợ xấu theo Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, đến ngày 15.8.2022 tới đây, Nghị quyết này sẽ hết hiệu lực thi hành.

Ông Nguyễn Ngọc Hiển - Tổng Biên tập Báo Lao Động và ông Nguyễn Quốc Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng chủ trì Hội thảo “Cần Luật hoá Nghị quyết 42 để giải bài toán xử lý nợ xấu ngân hàng”.
Ông Nguyễn Ngọc Hiển – Uỷ viên đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Lao Động phát biểu khai mạc hội thảo.

Ông nhận định: "Nếu các khó khăn, vướng mắc trong khuôn khổ pháp lý liên quan đến xử lý nợ xấu chưa được tháo gỡ thì sẽ khó khơi thông được nguồn vốn của hệ thống ngân hàng, qua đó ảnh hưởng đến mức độ an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng và tăng trưởng GDP của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, ngày 21.2 tới đây, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cũng sẽ tổ chức buổi làm việc với các tổ chức tín dụng xoay quanh tình hình xử lý nợ xấu. Từ thực trạng trên, hôm nay (19.2), Báo Lao Động tổ chức Hội thảo “Cần Luật hoá Nghị quyết 42 để giải bài toán xử lý nợ xấu ngân hàng”. “Mục tiêu của hội thảo là tạo diễn đàn trao đổi thông tin giữa Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại, chuyên gia, luật sư, Hiệp hội ngân hàng, phóng viên về tính cấp bách của việc luật hoá Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu, mở ra cánh cửa khơi thông nguồn vốn cho ngân hàng”- Tổng Biên tập Báo Lao Động Nguyễn Ngọc Hiển nhấn mạnh.

Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

* Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh trong 2 năm qua dẫn đến khả năng trả nợ của khách hàng vay suy giảm, nợ xấu của các tổ chức tín dụng có khả năng tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới, việc kiểm soát tỉ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng ở mức dưới 2% trong thời gian tới được coi là thách thức không nhỏ đối với ngành Ngân hàng.

Nếu các khó khăn, vướng mắc trong khuôn khổ pháp lý liên quan đến xử lý nợ xấu (đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp) chưa được tháo gỡ thì sẽ không thể khơi thông được nguồn vốn của hệ thống ngân hàng, qua đó ảnh hưởng đến mức độ an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng và tăng trưởng GDP của nền kinh tế.

Trong 5 năm qua, ngành ngân hàng đã xử lý nợ xấu theo Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 và Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, đến ngày 15.8.2022, Nghị quyết này sẽ hết hiệu lực thi hành. NHNN đã kiến nghị Chính phủ đề xuất Quốc hội xem xét xây dựng Luật về xử lý nợ xấu.

Khách mời sẽ trình bày tham luận tại hội thảo bao gồm: Đại diện Ngân hàng Nhà nước, đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước, đại diện Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng Nhà nước.

TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế; Ông Phan Thanh Hải - Phó Tổng Giám đốc BIDV; Ông Trần Minh Đạt - Phó Tổng giám đốc MB; Ông Nguyễn Quốc Hùng - Chủ tịch Hiệp hội ngân hàng; Luật sư Trương Thanh Đức (Công ty luật ANVI).

Hội thảo truyền hình trực tiếp trên www.laodong.vn và Báo Chính phủ www.baochinhphu.vn.

 
 
Nhóm PV
TIN LIÊN QUAN

Sớm luật hoá Nghị quyết 42, tăng hiệu quả xử lý nợ xấu

ĐÌNH TRƯỜNG |

Sau 5 năm thí điểm, Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã mang lại những kết quả tích cực. Tuy nhiên, theo đánh giá từ phía Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng, cần sớm hoàn thiện và luật hoá các quy định này để có được giá trị pháp lý cao hơn, góp phần tạo điều kiện cho việc xử lý nợ xấu giữa các cơ quan chức năng.

5 năm triển khai Nghị quyết 42, hiệu quả xử lý nợ xấu ra sao?

ĐÌNH TRƯỜNG |

Vào năm 2017, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết 42 thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác xử lý nợ xấu, bảo đảm để các tổ chức tín dụng tiếp tục là kênh dẫn vốn chủ đạo, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế.

Luật hóa Nghị quyết 42 sẽ tăng hiệu quả xử lý nợ xấu

ĐÌNH TRƯỜNG |

Nợ xấu tăng mạnh ở nhiều ngân hàng trong bối cảnh Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sắp hết hạn vào tháng 8 tới.

Tăng cường củng cố tin cậy chính trị Việt Nam - Hàn Quốc

Thanh Hà |

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo nhất trí tiếp tục tăng cường củng cố tin cậy chính trị.

Tướng hàng đầu Mỹ thị sát quân đội Ukraina

Ngọc Vân |

Tướng Mỹ Mark Milley đến Đức để giám sát chương trình huấn luyện binh sĩ Ukraina của Lầu Năm Góc.

Hà Nội ngày cận Tết, ra khỏi nhà là gặp... tắc đường

Tô Thế |

Hà Nội - Cũng như mọi năm vào dịp cận Tết Nguyên đán, các tuyến đường ở Hà Nội luôn có mật độ phương tiện lưu thông rất cao. Nhiều tuyến phố ùn tắc bất kể ngày đêm.

Hà Nội phân luồng ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc dịp Tết

PHẠM ĐÔNG |

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tổ chức phân luồng cho phương tiện ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Khu nghỉ dưỡng ẩn mình giữa rừng thông tuyệt đẹp ở Mộc Châu

Chí Long |

Nằm ngay trung tâm khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Phoenix Mộc Châu Resort được bao phủ bởi rừng thông hàng trăm năm tuổi, với không khí trong lành, mát mẻ tựa như Đà Lạt thu nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc.

Sớm luật hoá Nghị quyết 42, tăng hiệu quả xử lý nợ xấu

ĐÌNH TRƯỜNG |

Sau 5 năm thí điểm, Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã mang lại những kết quả tích cực. Tuy nhiên, theo đánh giá từ phía Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng, cần sớm hoàn thiện và luật hoá các quy định này để có được giá trị pháp lý cao hơn, góp phần tạo điều kiện cho việc xử lý nợ xấu giữa các cơ quan chức năng.

5 năm triển khai Nghị quyết 42, hiệu quả xử lý nợ xấu ra sao?

ĐÌNH TRƯỜNG |

Vào năm 2017, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết 42 thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác xử lý nợ xấu, bảo đảm để các tổ chức tín dụng tiếp tục là kênh dẫn vốn chủ đạo, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế.

Luật hóa Nghị quyết 42 sẽ tăng hiệu quả xử lý nợ xấu

ĐÌNH TRƯỜNG |

Nợ xấu tăng mạnh ở nhiều ngân hàng trong bối cảnh Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sắp hết hạn vào tháng 8 tới.