Không chỉ 2 tổ máy còn lại của nhà máy này mà các nhà máy nhiệt điện khác tại Quảng Ninh, Hải Phòng… cũng đang đứng trước nguy cơ ngừng hoạt động đồng loạt, do cuộc khủng hoảng thiếu than chưa có hướng giải quyết.

Cũng theo ông Hạnh, để hoàn thành 6,4 tỉ kWh được giao năm 2018, cần khoảng 3,5 - 3,6 triệu tấn than, trong đó nhà cung cấp chính là TKV. Ngay từ đầu năm, Cty CP Nhiệt điện Quảng Ninh đã đề xuất TKV ký luôn hợp đồng cung cấp 3,2 triệu tấn, nhưng TKV chỉ đồng ý ký 2,6 triệu tấn, có bổ sung 10% và sau quý 3, nếu thiếu than, sẽ ngồi lại ký cấp thêm.
“Ngay từ quý 3.2018, nhìn thấy thiếu than trầm trọng, chúng tôi đã nhiều lần làm việc với TKV đề nghị cung cấp nốt số than trong hợp đồng và cấp thêm. Tuy nhiên, đến nay, TKV chỉ nói cố gắng cấp 200.000 tấn trong 260.000 tấn còn lại theo hợp đồng” – ông Hạnh cho biết.
Trong công văn mới nhất “cầu cứu” Bộ Công thương, ngày 20.11.2018, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, tại các cuộc họp giữa các bên, TKV và Tổng Cty Đông Bắc cam kết cấp đủ than cho các NMNĐ sản xuất, nhưng thực tế lượng than cấp nhỏ giọt. Vì thế, theo EVN, lượng than dự trữ của NMNĐ Quảng Ninh chỉ còn 8.800 tấn than (không đủ 1 ngày vận hành); NMNĐ Hải Phòng còn trên 66.000 tấn (khoảng 5 ngày vận hành).
Chúng tôi đã liên hệ TKV để tìm hiểu về việc thiếu than cho nhiệt điện và hướng khắc phục nhưng chưa nhận được câu trả lời. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, lượng than tồn của của TKV năm nay rất ít. Trong đó, tại các công ty trực tiếp cung cấp than cho các khách hàng, trong đó có NMNĐ, là Cty tuyển than Hòn Gai và Cty tuyển than Cửa Ông, lượng than tồn kho chỉ khoảng 200.000 tấn/đơn vị so với cả triệu tấn những năm trước.
Trước tình hình TKV không thể cung cấp đủ than, EVN đã có công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép EVN tìm kiếm các nguồn than hợp pháp trong nước và chủ động nhập khẩu than. Được biết theo Chỉ thị 21/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 26.8.2015, EVN chỉ được mua than từ TKV và Tổng Cty Đông Bắc.