Doanh nghiệp than khó
Dù đã vào thời điểm giao dịch rộn ràng của ngành bất động sản nhưng trong 6 tháng cuối năm 2018, gần như không có một dự án bất động sản mới nào tại TP HCM được tung ra thị trường. Các vướng mắc về thủ tục, luật định và nhiều lý do bất khả kháng khác đã khiến cho nhiều dự án chuẩn bị cho giai đoạn cuối năm nhưng vẫn không thể tung ra thị trường.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp hoàn thành các điều kiện xây dựng để mở bán nhưng cũng đang chờ được nghiệm thu và chấp thuận cho phép mở bán. Thậm chí, nhiều dự án xin phép được chuyển đổi mục đích sử dụng đất để được chấp thuận đầu tư dự án nhưng cũng vướng phải luật định.
Nhiều dự án đã được công bố, giới thiệu ra thị trường từ nhiều tháng trước nhưng đến nay, vì vướng mắc các thủ tục mà vẫn chưa thể mở bán như dự án Akira của Nam Long, High Intela và West Intela của LDG Group, River Gate của công ty Thanh Niên, Diamond Lotus của Phúc Khang… Tất cả các doanh nghiệp này đều đang đợi chờ các cơ quan nhà nước xem xét tháo gỡ vướng mắc.
Càng cuối năm, áp lực về doanh thu của các doanh nghiệp càng lớn. Do đó, mặc dù đã cố gắng hoàn thành các thủ tục cần thiết nhưng để có thể được phép triển khai ra thị trường hay không thì vẫn nằm ngoài tầm tay của các doanh nghiệp.
Khách hàng mua nhà cũng gặp khổ
Không chỉ doanh nghiệp than khó, nhiều khách hàng mua nhà cũng gặp nhiều khó khăn. Điều đầu tiên khiến khách hàng lo lắng là việc tăng giá nhà do nguồn cung bị thiếu. Nhất là trong đợt cuối năm, nhiều dự án tăng khá mạnh.
Trước đó, tại khu vực Bắc Sài Gòn, dự án Marina Tower có giá khoảng 18 triệu/m2. Đến nay, vì gần như toàn khu vực không có dự án mới nên giá chuyển nhượng đã tăng mạnh chênh lệch đến 300 triệu/căn khoảng 60m2.
Trong khi đó, tại khu Tây, nhiều dự án trước đó được bán giá chỉ khoảng 23,5 triệu/m2 đến nay đã tăng lên 30 triệu/m2 như dự án High Intela là một ví dụ. Nhiều khách hàng đặt mua giai đoạn trước dù đến nay chưa ký hợp đồng nhưng đã lãi hơn 6 triệu đồng/m2, thức gần 400 triệu đồng/căn.
Ngoài việc thiếu nguồn cung làm tăng giá nhà, nhiều khách hàng lo ngại việc vướng mắc các thủ tục luật định sẽ làm kéo dài thời gian ký kết hợp đồng với chủ đầu tư và gia tăng nhiều rủi ro về mặt pháp lý. Thậm chí, nhiều khách hàng không nắm bắt thông tin còn thanh lý hợp đồng vì không thể chờ đợi.
Cả doanh nghiệp và khách hàng đều gặp khó. Nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng đó là nguyên nhân chính dẫn đến nguồn cung bị giảm sút rõ rệt như vậy. Bên cạnh đó, việc nhiều dự án không thể triển khai sẽ tạo nhiều áp lực cho doanh nghiệp trong việc giải quyết các khiếu nại, khiếu kiện của khách hàng, giảm doanh thu và làm xáo trộn hệ thống bán hàng, nhất là đối với các doanh nghiệp hoạt động môi giới bất động.
Nếu các cấp chính quyền không nhanh chóng hỗ trợ giải quyết dứt điểm các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, đồng thời có các kiến nghị lên cấp trên để điều chỉnh các điều luật phù hợp thì hệ lụy sẽ không nhỏ và thị trường sẽ có những biến động tiêu cực trong thời gian sắp tới.