Hàng xách tay cũng "len lỏi" lên sàn
Ông Lê Hữu Nghĩa - Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty TNHH AB Beauty World - cho biết, Việt Nam được đánh giá là thị trường tiêu thụ mỹ phẩm tiềm năng nhất nhì khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên cùng với đó cũng xuất hiện nhiều hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên thị trường.
Thậm chí, theo ông Nghĩa, các sản phẩm, mỹ phẩm chức năng hiện bán trên kênh thương mại điện tử rất nhiều nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ. Hàng gian, hàng giả rất nhiều dù ngành hàng này liên quan mật thiết đến sức khỏe của con người, cần đảm bảo chất lượng.
Ngày đầu Nghị định 98/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực, trên một số trang thương mại điện tử, chủ một số gian hàng vẫn đăng bán những sản phẩm xách tay.
Trên sàn Shopee, chủ gian hàng Bothang** vẫn đăng bán sản phẩm áo lông vũ Uniqlo xách tay Nhật Bản với giá 915.000 đồng. Chủ gian hàng quảng cáo: "Đây là áo lông vũ thương hiệu Uniqlo chính hãng xách tay Nhật, được mua trực tiếp tại store (cửa hàng) Nhật, chất dày dặn, nhẹ, màu sắc trẻ trung". Trong khi đó, chủ gian hàng hathu** cũng bán sản phẩm kính hồng hoa HM hàng xách tay Anh, giá bán 135.000 đồng.
Ông Nguyễn Như Ngọc - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại DNT, chuyên nhập khẩu rượu vang cho hay, hàng xách tay ảnh hưởng đến hoạt động nhập khẩu chính ngạch, song mức độ ảnh hưởng của các mặt hàng khác nhau.
Ông Ngọc lấy ví dụ, với các dòng rượu vang nhập khẩu, mức độ ảnh hưởng không lớn. Bởi đối tượng khách hàng là những nhà hàng, khách sạn 4-5 sao. Những nhà hàng này bắt buộc phải có hóa đơn nên hàng xách tay rất khó chen được vào.
Còn mặt hàng rượu mạnh và các sản phẩm có giá trị cao như máy tính là mặt hàng bị ảnh hưởng rõ rệt, dễ bị làm nhái nhất.
"Chính vì vậy, những đơn vị làm ăn chân chính như chúng tôi rất ủng hộ khi Nghị định 98/2020 đi vào thực thi, siết chặt hoạt động kinh doanh hàng hóa xách tay, nhập lậu”, ông Ngọc nhấn mạnh.
Sẽ thu hồi giấy phép, tên miền nếu không hợp tác, vi phạm nhiều lần
Theo Phó Chánh văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường Nguyễn Kỳ Minh, các đối tượng xấu tận dụng môi trường, lợi dụng thương mại điện tử để bán những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu, xâm phạm bản quyền.
"Trước đây, các sàn thương mại điện tử rất cần các chính sách mở để thu hút người bán nhưng giờ đây khi mà lượng người tham gia rất lớn, thậm chí hàng trăm ngàn, hàng triệu người bán thì lúc này vai trò kiểm tra, kiểm soát thị trường lại nổi bật lên.
Các cơ quan chức năng hoàn toàn có thể yêu cầu các sàn phải có trách nhiệm xử lý, đóng các tài khoản xấu hoặc có các hình thức xử phạt về mặt kỹ thuật..." - ông Nguyễn Kỳ Minh nói thêm.
Ông Nguyễn Hữu Tuấn - Trưởng phòng Quản lý Thương mại điện tử, Bộ Công Thương cho rằng, nếu các gian hàng không hợp tác, không có biện pháp xử lý ngăn chặn nếu đã được thông báo về các gian lận, hàng giả, hàng cấm và vi phạm bản quyền sẽ bị xử phạt tới 40 triệu đồng.
"Khi phát hiện ra hành vi vi phạm mà các sàn không có biện pháp thì có chế tài, chẳng hạn phạt tiền 30 – 40 triệu đồng đối với hành vi đã nhận được phản ánh mà không xử lý" - ông Tuấn nói.
Thậm chí, với các trường hợp tái phạm nhiều lần, không phối hợp với các cơ quan quản lý có thể sẽ bị thu hồi giấy phép, dừng tên miền.
Từ hôm nay (15.10), Nghị định 98/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chính thức có hiệu lực.
Điểm đáng chú ý tại nghị định này là xử phạt nặng hơn so với các quy định trước đây, nhất là với hoạt động kinh doanh hàng xách tay, người buôn bán hàng xách tay lậu có thể bị phạt đến 200 triệu đồng.