Nợ xấu tăng 2 con số
Các báo cáo tài chính quý II/2020 vừa được một vài ngân hàng thương mại công bố cho thấy, nhiều con số tăng trưởng theo chiều hướng đáng lo ngại liên quan đến tốc độ gia tăng các nhóm nợ xấu và nguồn tiền mà các ngân hàng phải sử dụng để trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Trong 9 báo cáo tài chính mà PV Báo Lao Động có được tính đến thời điểm ngày 27.7.2020, có đến 6 ngân hàng ghi nhận tốc độ tăng trưởng nợ xấu theo chiều đi lên trong 6 tháng đầu năm, với mức tăng ở một số nhóm nợ lên tới gần 80%.
Bắt đầu với Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), báo cáo tài chính quý II của ngân hàng này đưa ra các con số cho thấy tổng số dư các nhóm nợ xấu vào ngày 30.6.2020 leo lên 1.476,7 tỉ đồng, tăng gần 19,6% so với con số 1.234,9 tỉ đồng vào thời điểm cuối năm 2019. Trong số này, nợ xấu ở nhóm nợ dưới tiêu chuẩn có mức tăng lớn nhất tới trên 47,2% chỉ sau 6 tháng đầu năm. Số dư nợ xấu tăng lên buộc TPBank cũng phải liên tục gia tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong 2 quý đầu năm nay, lần lượt là hơn 324 tỉ đồng trong quý I/2020 và 441,6 tỉ đồng trong quý II/2020.
Theo đó chỉ sau ít tháng đầu năm, tổng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của ngân hàng này vọt tăng lên 765,7 tỉ đồng và có mức tăng tới 49,1% so với cùng kỳ 2019.
Ngân hàng TMCP Quốc Tế (VIB) cũng đang phải chứng kiến mức tăng rất mạnh ở hàng loạt nhóm nợ xấu sau 6 tháng kinh doanh đầu năm. Báo cáo tài chính quý II/2020 của VIB cho thấy tổng số dư các nhóm nợ xấu tăng tới 27,6% so với cuối năm 2019, lên 3.267,2 tỉ đồng với thực tế cả 3 nhóm nợ xấu đều có mức tăng giật mình. Đáng chú ý nhất là nợ xấu ở nhóm dưới tiêu chuẩn có mức tăng tới 79,6% và nợ nghi ngờ cũng tăng hơn 49,2% trong khi dù có mức tăng thấp nhất 12,6%, số dư nợ xấu tuyệt đối ở nhóm có khả năng mất vốn lại đang lên tới 1.979 tỉ đồng, chiếm phần lớn trong tổng số dư nợ xấu của ngân hàng VIB.
Nợ xấu vọt tăng trong các tháng đầu năm giải thích vì sao VIB phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng hơn 421 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm, tăng hơn 31,7% so với tổng mức trích lập của cùng kỳ 2019.
Trong khi đó tại Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), hoạt động kinh doanh sau 6 tháng đầu năm ghi nhận tổng số dư nợ xấu tăng thêm gần 500 tỉ đồng, tương đương 23,4% lên hơn 2.506 tỉ đồng với mức tăng xuất hiện lần lượt ở cả 3 nhóm nợ xấu và nhiều nhất ở nhóm nợ có khả năng mất vốn.
Cụ thể, trong lúc các nhóm nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ có tổng mức tăng chỉ khoảng 164 tỉ đồng, nhóm nợ có khả năng mất vốn tại LienVietPostBank tăng thêm hơn 312 tỉ đồng chỉ sau vài tháng và đưa tổng số dư nợ có khả năng mất vốn tại ngân hàng này lên con số trên 1.738 tỉ đồng.
Đà tăng sẽ chưa dừng lại
Một diễn biến đáng chú ý khác là cùng với mức tăng nợ xấu, LienVietPostBank trong quý II/2020 cũng tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro tín dụng với hơn 253 tỉ đồng, tương đương 450% so với mức trích lập của cùng kỳ 2019 và đây là yếu tố khiến lợi nhuận của ngân hàng sụt giảm rất mạnh sau 6 tháng kinh doanh.
Báo cáo tài chính của LienVietPostBank cho thấy kết quả lợi nhuận trước trước thuế trong quý II/2020 giảm tới hơn 33,8% so với cùng kỳ 2019, xuống chỉ còn 400,6 tỉ đồng và theo đó kéo giảm lợi nhuận trước thuế của ngân hàng trong 2 quý đầu năm xuống còn 1.004,2 tỉ đồng.
Lý giải về mức biến động lợi nhuận rất lớn tại ngân hàng, ông Phạm Doãn Sơn - Tổng Giám đốc LienVietPostBank cho hay, thu thuần từ lãi của ngân hàng giảm do phải thực hiện các biện pháp giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ cho khách hàng trong khi ngân hàng lại tăng trích lập dự phòng, mua lại toàn bộ trái phiếu bán nợ của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) là hai nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của ngân hàng giảm trong quý II/2020. Tuy nhiên ông Sơn cũng cho rằng, việc chủ động tất toán trước hạn đối với toàn bộ nợ xấu bán cho VAMC trong tháng 6.2020 sẽ góp phần nâng cao chất lượng tài sản của ngân hàng và tạo đà tăng trưởng lợi nhuận trong các năm tiếp theo.
Biến động nợ xấu và dấu hiệu giảm sút lợi nhuận do những hệ lụy mà nợ xấu gây ra tại một số ngân hàng trên đây phần nào cho thấy những khó khăn mà cộng đồng doanh nghiệp đang phải chịu đựng bắt đầu có xu hướng lan rộng và tác động xấu tới hoạt động của khối ngân hàng.
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) đánh giá, trong bối cảnh khách hàng khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, các ngân hàng cũng đang chịu hậu quả nặng nề khi doanh nghiệp không trả được nợ, tiềm ẩn nợ xấu gia tăng và ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Thực tế, diễn biến nợ xấu có xu hướng đi lên tại các ngân hàng hiện nay thậm chí còn được dự báo có thể trở nên bi đát hơn trong thời gian tới đây.
Phó Chánh Thanh tra - Cơ quan Thanh tra giám sát (NHNN) Trần Đăng Phi trước đó cũng cảnh báo về khả năng nợ xấu sẽ tăng trong năm nay, dù trong thời gian qua các ngân hàng được áp dụng rất nhiều biện pháp như cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, điều chỉnh thời hạn trả nợ.
Trong các kịch bản nợ xấu mà NHNN xây dựng, tỉ lệ nợ xấu có thể tăng từ 3% vào cuối năm 2020 lên 3,7% tùy theo diễn biến của dịch bệnh và thậm chí có thể còn cao hơn. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và khả năng phục hồi của những tổ chức tín dụng yếu kém.