Đầy đủ cơ chế, hướng dẫn…
Quyết định số 15/2020 quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do COVID-19 được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 24.4, có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và các chế độ quy định tại quyết định này được áp dụng ngay từ ngày 1.4.2020. Ngay sau đó ít ngày, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (VBSP) Dương Quyết Thắng ban hành văn bản số 2129 hướng dẫn nghiệp vụ cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc đối với người lao động.
Theo đó, người sử dụng lao động sẽ được vay vốn lãi suất 0% tại VBSP để trả lương người lao động bị ngừng việc. Để được vay vốn, doanh nghiệp phải có từ 20% hoặc từ 30 người lao động trở lên đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên; đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động trong khoảng thời gian từ ngày 1.4.2020 đến hết ngày 30.6.2020.
Đồng thời đang gặp khó khăn về tài chính, không cần đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc cho người lao động, đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương để trả cho người lao động ngừng việc và không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm ngày 31.12.2019.
Để đáp ứng nguồn vốn cho vay chương trình này, ngay từ đầu tháng 5.2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư 05 có hiệu lực ngay từ ngày ký 7.5.2020 về việc cho vay tái cấp vốn 16.000 tỉ đồng, lãi suất 0% để VBSP cho doanh nghiệp và người sử dụng lao động gặp khó khăn về tài chính vay trả lương cho người lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng của dịch với lãi suất 0%.
Đến ngày 13.5, thông tin tại hội nghị kết nối ngân hàng với các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do dịch COVID-19, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định, cơ quan ngân hàng trung ương đã trích chuyển đủ 16.000 tỉ đồng cho VBSP nhằm thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn theo Quyết định 15 của Chính phủ.
Đến thời điểm trên, toàn bộ các cơ chế, hướng dẫn cần thiết về gói cho vay này đã được ban hành chỉ trong vòng ít ngày sau khi Thủ tướng ký ban hành Quyết định 15. Thậm chí nguồn vốn 16.000 tỉ đồng cũng sớm được trích chuyển đủ để VBSP có thể sớm thực hiện cho vay tới người dân.
Nhưng vẫn chưa giải ngân
Tuy nhiên tại buổi làm việc của NHNN với đại diện nhiều hiệp hội, ngành nghề trên địa bàn tỉnh Yên Bái tổ chức vào ngày 27.5 mới đây nhằm tăng cường triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đại diện NHNN chi nhánh tỉnh Yên Bái cho biết, đến nay VBSP tỉnh Yên Bái vẫn chưa thể giải ngân cho vay theo Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ. Vị này cho biết, đối với gói hỗ trợ cho vay người sử dụng lao động tại VBSP, do quy định chặt chẽ về điều kiện vay vốn của người sử dụng lao động, đến thời điểm hiện tại trên địa bàn tỉnh chưa có người sử dụng lao động đáp ứng đủ điều kiện để được UBND cấp huyện phê duyệt, do đó VBSP tỉnh Yên Bái chưa thể giải ngân cho vay.
Thừa nhận thực tế này khi trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết thêm, theo các quy định tại Quyết định 15 của Chính phủ, ngân hàng sẽ cho vay dựa trên danh sách người sử dụng lao động đủ điều kiện được vay vốn được UBND các tỉnh thành phố phê duyệt.
Cụ thể trong 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ vay vốn theo hướng dẫn của VBSP và quyết định phê duyệt của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, VBSP sẽ phê duyệt cho vay và trường hợp không cho vay sẽ thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do đến người sử dụng lao động. NHNN chỉ thực hiện cho VBSP vay tái cấp vốn để thực hiện cho vay trên cơ sở danh sách được địa phương phê duyệt.
Song trên cơ sở mà VBSP báo cáo lên, ông Nguyễn Quốc Hùng cho hay, đến ngày 15.5 cả 63 tỉnh thành phố trong cả nước đều nhìn nhận là các doanh nghiệp, người sử dụng lao động trên địa bàn chưa có nhu cầu vay. Theo ông Hùng, điều kiện vay vốn là doanh nghiệp phải có từ 20% hoặc từ 30 người lao động trở lên đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên và phải trả trước 50% lương cho người lao động, chỉ được vay 50% còn lại từ vốn vay lãi suất 0% của nhà nước.
“Tôi cho rằng hiện nay các doanh nghiệp đã đi vào sản xuất trở lại hoặc vẫn cố gắng duy trì sản xuất từ đầu mùa dịch nên đã có công ăn việc làm và nguồn thu. Có thể các doanh nghiệp tự cân đối để chủ động trả lương cho người lao động thay vì phải thực hiện xác nhận nhiều thủ tục để vay nguồn vốn này. Hơn nữa đây không phải là vốn Nhà nước cho không mà là vốn vay phải trả nên doanh nghiệp cũng phải tính toán” - ông Hùng đánh giá.
Cũng theo Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, cần nhìn thẳng vào vấn đề là việc chưa cho vay được là do doanh nghiệp không có nhu cầu vay hay doanh nghiệp có nhu cầu mà không vay được là hai chuyện hoàn toàn khác nhau.
“Cá nhân tôi cho rằng, việc không triển khai cho vay được là do chúng ta kiểm soát và khống chế rất tốt dịch bệnh COVID-19 trong thời gian ngắn nên các doanh nghiệp dù cũng bị ảnh hưởng nhưng mức độ đỡ hơn”. Ông Hùng cũng cho rằng, vấn đề là người lao động có nhận được lương trong thời gian ngừng việc hay không mới là quan trọng.