Việt Nam xuất siêu sang cả Nga và Ukraine
Bộ Công Thương vừa công bố Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2022.
Đối với hoạt động xuất nhập khẩu, Bộ này cho biết, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 2.2022 giảm 20% so với tháng trước, ước đạt 48,2 tỉ USD. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 2.2022 vẫn tăng 17,6%.
Tính chung 2 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 108,52 tỉ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 10,2%; nhập khẩu tăng 15,9%.
Theo Bộ Công Thương, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch ước đạt 16,83 tỉ USD; nhập khẩu từ Mỹ ước đạt 2 tỉ USD; xuất siêu sang Mỹ đạt 14,83 tỉ USD.
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 19,7 tỉ USD, nhập siêu từ Trung Quốc đạt 12,5 tỉ USD (xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 7,18 tỉ USD). Xuất siêu sang EU ước đạt 5,04 tỉ USD, tăng 56,6% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với thị trường Nga, trong 2 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất siêu 109,1 triệu USD (xuất khẩu đạt 555,3 triệu USD, chiếm 1,03% kim ngạch xuất khẩu cả nước; nhập khẩu đạt 446,2 triệu USD, chiếm 0,8% nhập khẩu cả nước).
Đối với thị trường Ukraine, trong 2 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất siêu 49,1 triệu USD (xuất khẩu đạt 57,5 triệu USD, chiếm 0,11% kim ngạch xuất khẩu cả nước; nhập khẩu đạt 8,4 triệu USD).
Về cán cân thương mại, theo số liệu của Bộ Công Thương, trong tháng 2 ước tính nhập siêu 2,33 tỉ USD. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính nhập siêu 937 triệu USD.
Đề nghị tính lại công thức giá cơ sở xăng dầu
Để thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy phục hồi sản xuất và thương mại, trong báo cáo này, Bộ Công Thương kiến nghị cần tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác điều hành thị trường, giá cả các hàng hóa do nhà nước quản lý;
Phối hợp trong công tác thông tin tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với công tác điều hành của nhà nước và bình ổn thị trường hàng hóa.
Bộ này đề nghị Bộ Tài chính rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu như mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức đã áp dụng từ 2014, phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam (Premium) và các loại thuế, nhất là thuế bảo vệ môi trường cho phù hợp.
Điều này nhằm bảo đảm tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và người tiêu dùng, doanh nghiệp sử dụng xăng dầu, đảm bảo thực hiện mục tiêu bình ổn thị trường, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh trong quá trình phục hồi kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ.
Thực tế, trong nhiều năm qua kể từ khi áp dụng Thông tư 39 quy định về phương pháp tính giá cơ sở, cơ chế hình thành, quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn của liên bộ Công Thương - Tài chính, chi phí kinh doanh định mức cho mặt hàng xăng là 1.050 đồng/lít; với các loại dầu diesel, dầu hỏa là: 950 đồng/lít; với các loại dầu mazut là: 600 đồng/kg.
Chi phí định mức kinh doanh xăng dầu được áp dụng cố định từ năm 2014 đến nay, mặc dù đã có nhiều thay đổi và biến động giá cả thị trường.
Điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho rằng mức chi phí định mức này không còn phù hợp do thị trường giá xăng dầu thế giới đã biến động liên tục, lạm phát và các chi phí đều tăng cao, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, cửa hàng, đại lý không mặn mà bán hàng trong thời gian qua.