Nhu cầu vốn giai đoạn 2016 - 2020 để phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam ước tính khoảng 80 - 100.000 tỉ đồng. Trong đó, kết cấu hạ tầng công cộng cảng biển dự kiến chiếm khoảng 30 - 40% còn lại là nguồn vốn từ lĩnh vực tư nhân, bao gồm cả vốn trong và ngoài nước.
Nắm bắt cơ hội này, Liên danh Cty Geleximco và Cty Cổ phần Vận tải và Thương mại Quốc tế (ITC), vừa đề xuất đầu tư dự án Trung tâm logistics Cái Mép Hạ và bến cảng Cái Mép hạ lưu thuộc phường Phước Hòa, thị xã Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Với tổng vốn đầu tư 30.616 tỉ đồng (khoảng 1,32 tỉ USD), dự án có diện tích đất, mặt nước, mặt bằng dự kiến sử dụng khoảng 1.168ha, trong đó khu bến cảng 105ha, khu trung tâm logistics là 1.000ha.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, với điều kiện tự nhiên thuận lợi, được đầu tư bài bản của Geleximco và chính sách ưu đãi đầu tư hợp lý của địa phương, cụm cảng Cái Mép Hạ hứa hẹn sẽ là địa điểm tập kết hàng hoá XNK cũng như phát triển mạnh các dịch vụ hàng hải và logistic của cả khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và khu vực.
Đối tác liên danh với Geleximco là TCty Vận tải và Thương mại Quốc tế (ITC CORP), đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm và thành công trong lĩnh vực khai thác cảng biến, vận tải biển và logistics tại TPHCM. Ngoài ra, Geleximco cho biết còn có rất nhiều đối tác nước ngoài là các Công ty, Tập đoàn nổi tiếng trên thế giới, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực cảng biển, hãng tàu, logistics sẵn sàng cùng chung tay đầu tư, hợp tác và ủng hộ để khai thác dự án sao cho hiệu quả nhất.
Theo Cty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), cụm cảng nước sâu ở Cái Mép - Thị Vải sẽ trở thành cửa khẩu container quan trọng ở khu vực phía Nam, sau một thời gian dài với hiệu suất hoạt động thấp (mặc dù khối lượng container năm 2017 tại khu vực này đã tăng gấp ba so với 2011 và đạt 2,4 triệu tấn, chiếm khoảng 20% sản lượng container của Việt Nam).
Với đặc điểm của một cụm cảng nước sâu, khu vực này có lợi thế có thể tiếp nhận các tàu trọng tải lớn đến 200.000DWT. Trong xu hướng các hãng luôn muốn sử dụng các tàu có kích thước lớn để vận chuyển hàng hóa. VDSC cho rằng nhu cầu tại khu vực này sẽ khả quan trong vài năm tới.
Ngoài ra, Geleximco được biết đến là tập đoàn đa ngành hàng đầu Việt Nam và các chuyên gia đánh giá rằng, tập đoàn này có bảo chứng mạnh về năng lực thực thi và kinh doanh sinh lời. Trong các thương vụ đầu tư của mình, Geleximco luôn biết cách bắt tay với các ông lớn khác để tạo nhiều dấu ấn trong các lĩnh vực đầu tư phục vụ an sinh xã hội như sản xuất công nghiệp, hạ tầng bất động sản, tài chính ngân hàng, đào tạo và công nghệ thông tin...Thêm một lần nữa, động thái này cho thấy lĩnh vực logistics là con át chủ bài của Geleximco trong tương lai.
Đại diện Lãnh đạo Tập đoàn Geleximco cho biết, Geleximco sẽ phát huy tối đa các lợi thế sẵn có để đầu tư phát triển hạ tầng cảng biển hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế; Hợp tác phát triển và đầu tư mới hệ thống logistics trong nước nhằm phục vụ hoạt động dịch vụ, thương mại. Không chỉ mang lại hàng nghìn việc làm cho người lao động địa phương, xã hội hóa phát triển logistic sẽ góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, kinh doanh đẩy mạnh chất lượng dịch vụ; hướng đến xây dựng hệ thống cảng biển với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, dịch vụ vận tải, logistics chuyên nghiệp, hiện đại trên quy mô cả nước.