Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua đại dịch COVID-19: Quyết liệt hỗ trợ doanh nghiệp, chặn đà suy giảm

Đặng Tiến |

Báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh quý I/2020 vừa được Bộ Công Thương công bố cho thấy, hàng loạt ngành công nghiệp trọng điểm của Việt Nam đang trong tình trạng suy giảm đáng báo động vì chịu tác động kéo dài của đại dịch COVID-19. Trước thực trạng này, Chính phủ và các bộ, ngành đang vào cuộc quyết liệt với nhiều giải pháp đồng bộ cùng các chính sách an sinh xã hội, các gói hỗ trợ hàng chục ngàn tỉ đồng để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua đại dịch...

Đối mặt với suy giảm nặng nề

Theo báo cáo mới nhất của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN), trong quý I/2020, doanh thu của các doanh nghiệp do Ủy ban quản lý giảm khoảng 27.376 tỉ đồng so với cùng kỳ. Hiện 7/19 tập đoàn, tổng công ty đã không cân đối được thu chi với tổng số lỗ khoảng 3.728 tỉ đồng. Chuyện các doanh nghiệp lớn đồng loạt kêu cứu hay buộc phải đóng cửa không còn là chuyện lạ.

Trao đổi với PV Lao Động, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines - ông Dương Chí Thành thừa nhận, do tình hình diễn biến dịch bệnh phức tạp, dự kiến năm 2020, VNA sẽ giảm tải cung ứng khoảng 60%; doanh thu giảm 50.000 tỉ đồng tương đương giảm 65% so với kế hoạch. Hiện trên 50% người lao động của đơn vị này đang phải tạm nghỉ chờ việc và toàn bộ người lao động phải giảm lương, đây là điều chưa từng có trong lịch sử. Được biết, hiện VNA Group có trên 20.000 lao động, trong đó lực lượng phi công là 1.200 người, kỹ sư máy bay có 2.500 người, đội ngũ tiếp viên 3.000 người. Việc 50% lao động ngừng việc đồng nghĩa với việc số lượng lên tới hơn 10.000 người. Riêng đội ngũ phi công và tiếp viên phải ngừng việc lên tới 90%. Được biết, trong đội bay 108 chiếc của VNA có 15 chiếc Boeing 787 và 14 chiếc Airbus 350. Mỗi tháng, tiền thuê, lãi ngân hàng của một chiếc “siêu máy bay” VNA phải trả rơi vào khoảng 1 triệu USD, cả đội “siêu máy bay” là khoảng gần 30 triệu USD/tháng. Tiền sân đỗ máy bay của VNA phải chi trên 6 tỉ đồng/tháng.

Còn với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) thì sao? Theo số liệu của UBQLVNN thì tổng doanh thu quý I/2020 của Tập đoàn này ước đạt 28.449 tỉ đồng, giảm 1.706 tỉ đồng so với cùng kỳ (ước lỗ 572 tỉ đồng). Dự kiến năm 2020 tập đoàn này sẽ giảm doanh thu khoảng 12.517 tỉ đồng (ước lỗ khoảng 1.143 tỉ đồng).

Theo Chủ tịch HĐQT Petrolimex - ông Phạm Văn Thanh, đây thật sự là cuộc khủng hoảng chưa bao giờ xảy ra, dịch bệnh bùng phát mạnh và lan rộng đang tác động, ảnh hưởng lớn đến toàn bộ nền kinh tế. Để đối phó với dịch bệnh, Petrolimex đã triển khai và áp dụng nhiều giải pháp quyết liệt, đảm bảo an toàn cho người lao động và khách hàng đảm bảo an ninh năng lượng và nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Theo đó, Petrolimex đã xây dựng kế hoạch cụ thể tiết giảm chi phí toàn ngành, cắt giảm các chi phí không thực sự cấp thiết. Mỗi cán bộ quản lý của Petrolimex tự nguyện giảm 20% mức lương để cùng chia sẻ các khó khăn mà tập đoàn đang phải đối mặt; điều chỉnh các kịch bản và chính sách điều hành kinh doanh phù hợp.

Các doanh nghiệp nói gì?

Trong báo cáo “điểm mặt thua lỗ” của UBQLVNN thì sau VNA, Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) cũng được nhận định nếu dịch kéo dài đến hết quý IV/2020, doanh nghiệp này ước lỗ khoảng 140 tỉ đồng.

Trao đổi với PV Lao Động, đại diện VEC, ông Đỗ Chí Chung - Chánh Văn phòng VEC - cho biết, hiện đơn vị đang huy động tổng lực để triển khai việc phòng chống dịch trên các tuyến cao tốc do đơn vị quản lý, đặc biệt là tại các trạm thu phí. Vấn đề thiệt hại về kinh tế mới chỉ là ước tính sơ bộ chưa có số liệu cụ thể vì mùa dịch, người dân hạn chế đi lại khiến lưu lượng xe lưu thông giảm mạnh tại các tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và Đà Nẵng - Quảng Ngãi khiến doanh thu cũng sụt giảm nghiêm trọng.

Về thiệt hại của ngành Đường sắt, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam - ông Trần Thiện Cảnh - thừa nhận, đúng là dịch COVID-19 khiến đơn vị phải dừng chạy hàng loạt đôi tàu trong nước và liên vận quốc tế gây ảnh hưởng lớn đến doanh thu của ngành, dẫn đến không thể đảm bảo được kế hoạch được giao. “Tuy tại thời điểm hiện tại do các phương thức giao thông như vận tải khách đường bộ phải dừng và hàng không đang hạn chế. Do đó, việc đường sắt tổ chức chạy một đôi tàu là hơi căng do có nhiều khách đi tàu, cùng đó việc vận chuyển hàng hóa có tăng, nhưng nếu về tổng thể thì nếu dịch bệnh kéo dài, nhiều khả năng năm 2020 ngành Đường sắt sẽ lỗ khoảng hơn 1.000 tỉ đồng” - ông Cảnh nói.

“Trước mắt, chúng tôi kiến nghị Chính phủ cần xem xét cho chậm đóng các khoản bảo hiểm, tính toàn Tổng Công ty cũng khoảng 800 tỉ đồng; cũng kiến nghị Nhà nước xem xét miễn giảm khoản tiền 8% trên doanh thu hạ tầng thuê vận tải; xin giữ lại 20% kinh phí thu trên kết cấu hạ tầng nộp cho Nhà nước cùng đó là các khoản thuê đất của các doanh nghiệp xin miễn hoặc gia hạn chậm nộp, khoanh nợ và trả chậm các khoản lãi. Về lâu dài, Tổng Công ty cũng mong muốn Chính phủ phê duyệt đề án tái cơ cấu hoạt động và giao quản lý kết cấu hạ tầng về cho đơn vị quản lý và gia hạn niên hạn đầu máy toa xe khoảng 3 năm vì các dự án này từ trước đến nay phải vay thương mại không được vay ưu đãi theo diện dự án cơ khí trọng điểm” - ông Cảnh đề xuất.

Còn Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) - ông Lê Tiến Trường - cho biết, từ trung tuần tháng 3.2020, liên tiếp có các đơn hàng bị hủy, dừng hoặc tạm dừng, dẫn đến khả năng nhiều đơn vị trong Vinatex sẽ thiếu việc làm trong tháng 4 và tháng 5.2020. Nếu không có sự điều chỉnh về chính sách, có thể nhiều doanh nghiệp sẽ mất khả năng thanh khoản vào cuối tháng 4.2020. Lao động thiếu việc làm từ 30% tới 50% trong tháng 4 và tháng 5.2020. Thiệt hại ước tính trên 5.000 tỉ đồng nếu 30% công nhân thiếu việc làm trong tháng 4.2020 và 50% công nhân thiếu việc làm trong tháng 5.2020 (riêng Tập đoàn Dệt may Việt Nam ước tính thiệt hại 403 tỉ đồng) và nếu tình hình kéo dài thêm thì mỗi tháng ngành Dệt may sẽ thiệt hại tới 3.000 tỉ đồng.

“Giải pháp mà Tập đoàn chúng tôi đặt ra là phải tận dụng cơ hội tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu sản phẩm phòng dịch như khẩu trang, quần áo y tế dùng vải kháng khuẩn, quần áo dùng một lần từ vải không dệt; Áp dụng chế độ làm việc linh hoạt, giảm giờ làm xuống còn khoảng 32h-40h/tuần, làm việc luân phiên, trên cơ sở thảo luận thống nhất với người lao động. Đồng thời kiến nghị cho phép được xuất khẩu khẩu trang, trang phục phòng dịch; Miễn, giảm, hoãn các loại bảo hiểm, thuế, tiền thuê đất, chính sách sử dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ người lao động  thiếu việc làm...” - ông Trường nói.

Được biết, ngành Công nghiệp ôtô cũng không khá khẩm hơn. Theo Bộ Công Thương, quý I/2020, ngành sản xuất xe có động cơ giảm 2,5%. Trong khi đó, cùng kỳ năm trước tăng tới 17,9%. Sản lượng ôtô sản xuất trong nước ước đạt 56,2 nghìn chiếc (giảm 10,4% so với cùng kỳ). Mới đây, ngày 5 và 6.4.2020, hai hãng xe lớn là VinFast, Nissan cũng đã tạm ngừng hoạt động nhà máy. Theo đại diện của VinFast, tùy thuộc diễn biến dịch bệnh nên chưa thể nói thời điểm hoạt động trở lại. Cùng đó, các hãng xe khác như: Ford, Toyota, Honda, TC Motor (lắp ráp xe Hyundai), VinFast, Nissan, Yamaha tạm ngưng hoạt động sản xuất ôtô, xe máy tại Việt Nam. Theo dự báo của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), lượng tiêu thụ ôtô trong năm nay có thể sụt giảm hơn 15% so với dự kiến. Lượng xe đến sửa chữa giảm khoảng 30-40%. Dự báo số lượng xe này có thể giảm mạnh tới 60-70% nếu tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến nghiêm trọng hơn.

Ngành gỗ cần sự hỗ trợ kịp thời từ phía ngân hàng

Theo báo cáo Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA), ngành Công nghiệp chế biến gỗ đang phải đối mặt với tình trạng hàng loạt thị trường lớn liên tục báo dừng, huỷ, giãn đơn hàng vì dịch COVID-19, khiến hầu hết doanh nghiệp gỗ đứng trước nguy cơ phải ngừng sản xuất vào cuối tháng 4.2020 và mất khả năng hỗ trợ người lao động.

Hiện nay, những thị trường xuất nhập khẩu các mặt hàng gỗ quan trọng của Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc và ngay cả EU, Mỹ đều bị ảnh hưởng nặng nề khi dịch COVID-19 bùng phát, khiến kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam tới các thị trường này sụt giảm.

Đại diện của HAWA cho biết, trong năm 2020, doanh nghiệp ngành gỗ kỳ vọng vào việc tổ chức Hội chợ quốc tế đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam (VIFA Expo 2020), một trong những sự kiện các doanh nghiệp kỳ vọng việc giới thiệu mẫu mã sản phẩm tại hội chợ sẽ giúp đẩy mạnh bán hàng cho khách hàng trong nước, bù đắp phần nào sự giảm sút về đơn hàng do thị trường xuất khẩu thu hẹp vì dịch bệnh lan rộng. Tuy nhiên, Hội chợ VIFA Expo 2020 đã phải tạm dừng do dịch COVID-19 và chưa có thời hạn tổ chức lại. Về phía HAWA đang phải tính đến nhiều giải pháp thay thế, trong đó có thể chuyển đổi sang các hội chợ giao thương trực tuyến để sớm giới thiệu các mẫu mã thiết kế mới cho khách hàng trong nước và các đối tác xuất khẩu.

Ông Nguyễn Ninh - Giám đốc Công ty Kiến Ninh - doanh nghiệp chuyên xuất khẩu các sản phẩm gỗ chế biến tinh ở quận Tân Bình - chia sẻ, chỉ tính lượng đơn hàng bị đối tác huỷ từ ngày 25.3 đến nay, giá trị các đơn hàng này đã lên tới cho số hàng chục tỉ đồng. Từ nay đến giữa tháng 4 sẽ tiếp tục có đơn hàng báo huỷ, hoãn, khiến mức độ thiệt hại của doanh nghiệp tăng lên. Hiện nay công ty của ông Ninh đã cho hầu hết nhân viên nghỉ việc đến hết tháng 4, chỉ giữ lại khoảng 5 nhân viên để theo dõi kho xưởng, hồ sơ và các thủ tục thuế. Tính toán của vị giám đốc trên cho thấy, trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng sang hầu hết các thị trường trọng điểm của ngành gỗ, doanh nghiệp dù có trường vốn và khoẻ mạnh đến mấy cũng có nguy cơ sụt giảm doanh thu, lợi nhuận. Theo tính toán thì ảnh hưởng nặng nhất là kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm. Ông Ninh cũng xác định khả năng xấu nhất là cả năm 2020, nếu dịch bệnh kéo dài sang quý III và chưa kiểm soát được tại Mỹ và EU, hai thị trường lớn của doanh nghiệp. Ðiều đáng lo hiện nay là nhiều doanh nghiệp có hợp đồng vay tín dụng đến hạn phải trả nợ vào tháng 4 và các tháng tới. Khách hàng dừng, huỷ các đơn hàng, kể cả là chậm thanh toán, có ảnh hưởng lớn tới dòng tiền của doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp không biết trông vào đâu để trả nợ. Khó khăn này cần có sự hỗ trợ kịp thời của ngân hàng, nếu không sẽ đe doạ đến khả năng thanh toán của doanh nghiệp.

Ngay giữa mùa dịch, ông Ninh cũng đã thử liên hệ với một số ngân hàng có công bố tham gia hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng thực tế vẫn chưa thể tiếp cận sự ưu đãi này. Mặc dù đã có một số ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhưng việc thực hiện chưa đồng đều tại các ngân hàng thương mại và địa phương. Mức giảm lãi suất chỉ áp dụng đối với các khoản vay mới, còn khoản vay cũ không được áp dụng.

“Khó khăn trước mắt đối với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong giai đoạn này là vấn đề tài chính. Đó cũng là lý do mà các doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ kiến nghị phía ngân hàng cần có chính sách gia hạn thời gian trả nợ, giảm hoặc miễn lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Đồng thời, tăng các nguồn tín dụng ưu đãi cho các mục đích như chi lương, chi nợ nhà cung cấp cho các khoản nợ trên 30 ngày (thời gian vay khoảng 12 tháng). Cùng với đó, ngành chức năng cần tạo điều kiện hoãn nộp các khoản thuế (VAT, thuế nhập khẩu nguyên phụ liệu, thuế thu nhập doanh nghiệp) và tiền thuê đất cho doanh nghiệp cho đến khi hết dịch bệnh…” - ông Nguyễn Ninh cho biết.

Bảo Chương

Đặng Tiến
TIN LIÊN QUAN

Hỗ trợ doanh nghiệp vượt COVID-19, bảo đảm việc làm cho người lao động

Khánh Vũ (thực hiện) |

TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam bày tỏ những ý kiến về những khó khăn và các giải pháp để duy trì tăng trưởng trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

10 giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do COVID-19

Khánh Vũ (ghi) |

Tuỳ thuộc vào diễn biến của tình hình dịch bệnh, nhưng về cơ bản, các biện pháp cấp bách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua dịch bệnh COVID-19 xoay quanh vấn đề giảm thuế, phí.

Hỗ trợ doanh nghiệp trước dịch COVID-19, không tăng giá điện đến hết quý II

Thiên Bình |

Trong giai đoạn dịch COVID-19 đang ảnh hưởng đến kinh tế, Bộ Công Thương đã có chỉ thị về việc không tăng giá điện đến hết quý II.

Rét buốt 13 độ C, người dân vẫn chen chân đến chợ hoa Quảng An ngày cận Tết

Minh Hà - Việt Anh |

Mặc dù Hà Nội đang rét buốt, nhiệt độ về đêm giảm sâu dưới 13 độ C nhưng chợ hoa Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội) vẫn tấp nập, nhộn nhịp người bán, kẻ mua trong những ngày cận Tết Nguyên đán 2023.

Giờ thứ 9: Điếng người khi biết con nuôi của chồng chính là con riêng (P1)

Nhóm PV |

Trong cuộc sống hiện đại, quan niệm "con nào cũng là con" được rất nhiều người ủng hộ. Và dù rằng là con trai hay gái cũng được yêu thương, chăm sóc như nhau. Tuy nhiên, vẫn có những người còn giữ những tư tưởng cổ hủ, lạc hậu, mong muốn có một cậu con trai để nối dõi và để hương hỏa cho ông bà tổ tiên. Vì lí do đó, nhiều người đã đánh mất niềm hạnh phúc của gia đình và những đứa con của chính họ.

Chương trình Giờ thứ 9 do NSND Khải Hưng là đạo diễn. Giọng đọc: NSND Minh Hòa – NSƯT Phú Thăng. Âm nhạc: Xuân Phương.

Bạn đang có những câu chuyện riêng muốn chia sẻ với độc giả của Báo Lao Động? Hãy liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ email: media@laodong.vn.

Bản tin dự báo thời tiết đêm nay và ngày mai 19.1

NHÓM PV |

Dự báo thời tiết mới nhất 19.1: Khu vực Nam Bộ ngày mai có mây, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, ngày nắng, đêm không mưa.

Hà Nội: Tết vẫn chưa về đến... làng chài

Kim Sơn |

Hà Nội - Những ngày này không khí xuân đã tràn ngập khắp phố phường, người người nhà nhà ra đường sắm Tết. Tuy nhiên, ở làng chài Văn Đức (Gia Lâm) người dân vẫn đang tất bật mưu sinh, kiếm con tôm con cá cho bữa ăn hàng ngày.

Nhiều lý do để trừ, cắt thưởng Tết của người lao động

Bảo Hân |

Vụ việc một công ty tại Bạc Liêu có thông báo về việc cắt thưởng cuối năm do không like, share bài của giám đốc đang thu hút sự chú ý của dư luận.

Hỗ trợ doanh nghiệp vượt COVID-19, bảo đảm việc làm cho người lao động

Khánh Vũ (thực hiện) |

TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam bày tỏ những ý kiến về những khó khăn và các giải pháp để duy trì tăng trưởng trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

10 giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do COVID-19

Khánh Vũ (ghi) |

Tuỳ thuộc vào diễn biến của tình hình dịch bệnh, nhưng về cơ bản, các biện pháp cấp bách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua dịch bệnh COVID-19 xoay quanh vấn đề giảm thuế, phí.

Hỗ trợ doanh nghiệp trước dịch COVID-19, không tăng giá điện đến hết quý II

Thiên Bình |

Trong giai đoạn dịch COVID-19 đang ảnh hưởng đến kinh tế, Bộ Công Thương đã có chỉ thị về việc không tăng giá điện đến hết quý II.