Doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn: Vì sao 7 “sếu đầu đàn” được điểm danh?

Linh Anh |

07 doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu được đề xuất nghiên cứu, thí điểm nhằm phát huy vai trò những con chim đầu đàn, dẫn dắt, lan tỏa khu vực doanh nghiệp khác. Đây là những doanh nghiệp có tài sản trên 1 tỉ USD của những lĩnh vực quan trọng, then chốt là hạt nhân thúc đẩy phát triển nền kinh tế.

Phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng trong thời kỳ mới

Theo đề án do Bộ Kế hoạch - Đầu tư chủ trì, xây dựng thì việc xây dựng các tập đoàn kinh tế mạnh đã được đề cập tại nhiều Nghị quyết quan trọng. Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba BCH Trung ương Đảng (Khóa IX) đã đề ra chủ trương: “Hình thành một số tập đoàn kinh tế (TĐKT) mạnh trên cơ sở các tổng công ty (TCty) nhà nước, có sự tham gia của các thành phần kinh tế, kinh doanh đa ngành, trong đó có ngành kinh doanh chính chuyên môn hoá cao và giữ vai trò chi phối lớn trong nền kinh tế quốc dân, có quy mô rất lớn về vốn, hoạt động cả trong và ngoài nước, có trình độ công nghệ cao và quản lý hiện đại, có sự gắn kết trực tiếp, chặt chẽ giữa khoa học công nghệ, đào tạo, nghiên cứu triển khai với sản xuất kinh doanh. Thí điểm hình thành TĐKT trong một số lĩnh vực có điều kiện, có thế mạnh, có khả năng phát triển để cạnh tranh và hội nhập kinh tế có hiệu quả như: Dầu khí, viễn thông, điện lực, xây dựng...”.

Triển khai thực hiện chủ trương của Nghị quyết này, năm 2005, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam là TĐKT đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm thành lập. Từ năm 2005 cho đến nay, đã có 13 TĐKT nhà nước được thí điểm thành lập.

Trong quá trình hoạt động từ khi thực hiện thí điểm đến nay, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) quy mô lớn mà trọng tâm là các TĐKT, TCty nhà nước đã có những đóng góp nhất định cho phát triển kinh tế - xã hội, điều tiết vĩ mô, ổn định giá cả, cung cấp sản phẩm, dịch vụ thiết yếu cho nền kinh tế cũng như trong việc đầu tư phát triển các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, thực hiện xoá đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa...

Tuy nhiên, Bộ KH-ĐT cũng đưa ra đánh giá: từ khung pháp lý thí điểm đến việc triển khai tổ chức thực hiện thí điểm thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý, giám sát các DNNN quy mô lớn còn nhiều vấn đề đặt ra. Mô hình tổ chức và hoạt động vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế và kết quả hoạt động chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ, năng lực cạnh tranh còn thấp. Một số TĐKT lớn của Nhà nước, điển hình là Vinashin, Vinalines bị thua lỗ đã để lại nhiều hệ lụy xấu cho nền kinh tế đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm được.

Tại Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3.6.2017 Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN, Đảng đã nhận định có sự “chủ quan, nóng vội trong thực hiện chủ trương thí điểm thành lập các TĐKT nhà nước hoạt động đa ngành”. Để nâng cao hiệu quả hoạt động và phát huy vai trò của TĐKT trong thời kỳ mới, Nghị quyết đã đưa ra mục tiêu đến năm 2030 là: “Củng cố, phát triển một số TĐKT nhà nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế”.

Tại Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 26.2.2020 Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao xây dựng Đề án “Phát triển DNNN quy mô lớn, đặc biệt là TĐKT nhà nước đa sở hữu nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng trong thời kỳ mới”.

Tiêu chí để làm “sếu đầu đàn”

Để thực hiện vai trò "sếu đầu đàn" sẽ phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt của doanh nghiệp nhà nước trong việc hình thành và mở rộng các chuỗi sản xuất, cung ứng và chuỗi giá trị trong nước, khu vực và thế giới, tại Đề án, Bộ KHĐT xác định một số tiêu chí sau: Phải đạt yêu cầu kinh tế quy mô xét trên tiêu chí về quy mô tài sản hoặc vốn điều lệ (đề xuất mức vốn điều lệ ở mức trên 1.800 tỉ đồng); phải có khả năng mở rộng thị trường và tăng được thị phần, theo đó, phải đạt được thị phần đủ lớn để có khả năng chi phối thị trường, phải hoạt động trong những ngành có tính chất lan tỏa, dẫn dắt (không thuộc ngành, lĩnh vực Nhà nước độc quyền) như: Kết cấu hạ tầng kinh tế, công nghiệp, năng lượng, viễn thông, tài chính ngân hàng; ưu tiên các doanh nghiệp đã đa dạng hóa sở hữu hoặc có khả năng đa dạng hóa sở hữu trong thời gian tới, Nhà nước sẽ nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở lên.

Tại cuộc họp về Đề án này diễn ra ngày 10.3.2021, một số các tiêu chí đã được cụ thể hoá như: tài sản trên 20.000 tỉ đồng, các tiêu chí chung khác của các doanh nghiệp này là chiếm thị phần từ 30% trở lên, bảo đảm các quy định về cạnh tranh; ROE (lợi nhuận trên vốn) lớn hơn 6; được quản trị tốt trên cơ sở nguyên tắc OECD.

Vì sao 7 “sếu đầu đàn” được chọn?

Ban đầu, đề án đưa ra nghiên cứu 17 TĐKT, TCty tuy nhiên so với các tiêu chí đưa ra, trong đó có tiêu chí quản trị thì nhiều TĐKT lại chưa đáp ứng được.

Để án đưa ra một số vấn đề, những doanh nghiệp được chọn sẽ phải là các DNNN hoạt động hiệu quả và có quy mô lớn trong một số lĩnh vực năng lượng, viễn thông. Đây là những ngành quan trọng, ảnh hưởng đến quá trình thực hiện chuyển đổi số trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 và an ninh năng lượng quốc gia. Từ đó có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển kinh tế.

Theo đề xuất ban đầu, có 7 doanh nghiệp sẽ được thí điểm đầu tiên gồm 3 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao (Viettel, VNPT, MobiFone), 2 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo (Tập đoàn Điện lực EVN và Tập đoàn Dầu khí PVN), 1 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực cảng biển và logistics là Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn và Vietcombank thuộc lĩnh vực tài chính - ngân hàng.

Về tầm nhìn, mục tiêu xây dựng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có tiềm lực mạnh mẽ về tài chính và khoa học công nghệ, có sức cạnh tranh cao, chủ động tích cực hội nhập quốc tế, trở thành TĐ Dầu khí quốc gia ngang tầm với các nước khác trong khu vực (Thái Lan, Malaysia...).

Đối với Tập đoàn Điện lực, phát triển TĐ Điện lực Việt Nam thành TĐKT mạnh, kinh doanh bền vững, là TĐKT hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam và khu vực, đóng vai trò chủ đạo, nòng cốt để ngành điện lực Việt Nam phát triển bền vững, hiệu quả trong nhiệm vụ đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Phấn đấu đưa TĐ trở thành TĐKT hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng Việt Nam tại khu vực Châu Á đến năm 2030.

Tầm nhìn với TĐ Bưu chính Viễn thông Việt Nam là chuyển đổi từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông sang nhà cung cấp dịch vụ số. Đến năm 2030, trở thành Trung tâm số - Digital Hub ở khu vực Châu Á và chủ động, tiên phong tham gia gánh vác 3 trụ cột của nền kinh tế số Việt Nam.

Tầm nhìn với Mobifone, phát triển trở thành một trong những doanh nghiệp viễn thông chủ lực quốc gia về cung cấp các dịch vụ viễn thông, phát triển dịch vụ viễn thông di động sử dụng các công nghệ nâng cấp và công nghệ mới, tập trung phát triển dịch vụ dữ liệu trên nền mạng di động và các dịch vụ tích hợp và dịch vụ giá trị gia tăng. Điều chỉnh MobiFone từ doanh nghiệp khai thác viễn thông truyền thống sang doanh nghiệp số, tạo động lực cho sự phát triển các lĩnh vực kinh doanh - kỹ thuật - đầu tư.

Còn với Viettel là định hướng Xây dựng và phát triển TĐ Công nghiệp - Viễn thông Quân đội trở thành TĐ kinh tế năng động, hiện đại, có năng lực cạnh tranh cao trong nước và nước ngoài, vươn ra thị trường quốc tế để hiện thực hóa trở thành một TĐ kinh doanh toàn cầu.

Đã có ý kiến cho rằng, việc lựa chọn thí điểm 7 TĐKT, TCty là phù hợp, cho dù cả VNPT, MobiFone, Viettel tuy là cùng mảng viễn thông nhưng lại có những định hướng khác nhau nên không giẫm chân trong lĩnh vực hoạt động.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào các doanh nghiệp và lĩnh vực mang tính mở đường có thể thấy một mảng rất lớn đang thiếu là hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Trên thực tế, hoạt động của các doanh nghiệp chủ lực của ngành Giao thông lại chưa làm ăn hiệu quả. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đưa ra đề xuất: “Kể cả một số doanh nghiệp, lĩnh vực có thể chưa tốt nhưng cần thì vẫn có thể đưa vào Đề án để phát triển mạnh lên, dẫn dắt doanh nghiệp trong nước, chứ không chỉ lựa chọn những doanh nghiệp, lĩnh vực đang làm ăn tốt. Tranh thủ cơ hội để giúp doanh nghiệp trỗi dậy, đất nước bứt phá”.

Bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực

Tại cuộc gặp mặt các doanh nhân, trí thức tiêu biểu với chủ đề "Đối thoại 2045” dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 6.3 mới đây, nhiều lãnh đạo tập đoàn kinh tế tư nhân đặt vấn đề “mong muốn Chính phủ kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các khu vực kinh tế, giữa các doanh nghiệp với nhau”. Trong đó có ý kiến của ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TPBank, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Tập đoàn DOJI - cho rằng: “Phải bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp FDI, không phân biệt, không kỳ thị trong đánh giá, trong nhìn nhận. Bình đẳng tiếp cận nguồn lực”.

Liệu đề án có đưa ra những chính sách mới để “ưu tiên” cho nhóm doanh nghiệp nhà nước “sếu đầu đàn” không? Bộ KHĐT đưa ra kiến nghị: Xây dựng các mối liên hệ giữa DNNN và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, cần tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái hiện đại cho DNNN phát huy vai trò trong xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ, tạo ra môi trường kinh doanh và pháp lý chung, cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đã đầu tư. Trong đó, cần ban hành các giải pháp chính sách theo hướng làm rõ những công đoạn cần thiết, đảm bảo kết nối được tất cả các công đoạn và các bên có liên quan trong chuỗi sản xuất, kết nối DNNN và doanh nghiệp khu vực tư nhân.

Đồng thời, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính theo nguyên tắc bảo đảm tính rõ ràng, minh bạch, đơn giản hoá, cập nhật và kịp thời trong các quy định, thực hiện các thủ tục nhằm thúc đẩy phát triển của các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các DNNN, trong đó có TĐKT, TCty hoạt động bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.

Linh Anh
TIN LIÊN QUAN

7 doanh nghiệp “tỉ USD” sẽ đóng vai trò dẫn dắt, mở đường

C.P |

7 doanh nghiệp nhà nước có tổng tài sản trên 20 nghìn tỉ đồng trở lên thuộc 4 lĩnh vực được đề xuất để nghiên cứu thí điểm tham gia Đề án phát triển doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn phát huy vai trò dẫn dắt, mở đường.

Vực dậy các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ: Cạnh tranh sòng phẳng, mở cửa cho doanh nghiệp tư nhân

Văn Nguyễn - Cao Nguyên |

* Kiến nghị không thành lập mới doanh nghiệp nhà nước mới trong 10 năm tới.

Mở cửa cho doanh nghiệp tư nhân cùng tham gia vào các lĩnh vực mà nhà nước đang đầu tư, đồng thời hoàn thiện thể chế kinh tế để buộc các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) phải hoạt động theo cơ chế thị trường cũng như cạnh tranh sòng phẳng với các thành phần kinh tế khác là những gợi ý quan trọng nhằm gia tăng hiệu quả hoạt động của các DNNN, khắc phục tình trạng yếu kém và thua lỗ triền miên diễn ra tại nhiều doanh nghiệp trong thời gian qua.

Hàng loạt doanh nghiệp rơi vào cảnh thua lỗ, âm vốn sở hữu

Văn Nguyễn – Cao Nguyên |

Sở hữu và sử dụng một nguồn lực lớn của Nhà nước về nguồn vốn và đất đai nhưng hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước trong những năm gần đây bộc lộ hàng loạt tồn tại, vướng mắc, chưa tương xứng với nguồn lực nhà nước đầu tư. Chưa kể không ít doanh nghiệp liên tiếp trong nhiều năm gần đây rơi vào cảnh thua lỗ triền miên. Thực tế này đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu nhằm tìm kiếm các giải pháp vực dậy các doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả, mạnh dạn đề xuất cho phá sản hoặc giải thể...

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

7 doanh nghiệp “tỉ USD” sẽ đóng vai trò dẫn dắt, mở đường

C.P |

7 doanh nghiệp nhà nước có tổng tài sản trên 20 nghìn tỉ đồng trở lên thuộc 4 lĩnh vực được đề xuất để nghiên cứu thí điểm tham gia Đề án phát triển doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn phát huy vai trò dẫn dắt, mở đường.

Vực dậy các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ: Cạnh tranh sòng phẳng, mở cửa cho doanh nghiệp tư nhân

Văn Nguyễn - Cao Nguyên |

* Kiến nghị không thành lập mới doanh nghiệp nhà nước mới trong 10 năm tới.

Mở cửa cho doanh nghiệp tư nhân cùng tham gia vào các lĩnh vực mà nhà nước đang đầu tư, đồng thời hoàn thiện thể chế kinh tế để buộc các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) phải hoạt động theo cơ chế thị trường cũng như cạnh tranh sòng phẳng với các thành phần kinh tế khác là những gợi ý quan trọng nhằm gia tăng hiệu quả hoạt động của các DNNN, khắc phục tình trạng yếu kém và thua lỗ triền miên diễn ra tại nhiều doanh nghiệp trong thời gian qua.

Hàng loạt doanh nghiệp rơi vào cảnh thua lỗ, âm vốn sở hữu

Văn Nguyễn – Cao Nguyên |

Sở hữu và sử dụng một nguồn lực lớn của Nhà nước về nguồn vốn và đất đai nhưng hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước trong những năm gần đây bộc lộ hàng loạt tồn tại, vướng mắc, chưa tương xứng với nguồn lực nhà nước đầu tư. Chưa kể không ít doanh nghiệp liên tiếp trong nhiều năm gần đây rơi vào cảnh thua lỗ triền miên. Thực tế này đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu nhằm tìm kiếm các giải pháp vực dậy các doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả, mạnh dạn đề xuất cho phá sản hoặc giải thể...