Gánh nặng trên đường đua nước rút
Các dự án điện gió đang chạy nước rút cho kịp thời gian vận hành trước ngày 1.11.2021 để nhận ưu đãi giá gần 2.000 đồng/kWh.
Tuy nhiên trước sự nở rộ của các dự án điện gió tại ĐBSCL, nhà đầu tư đang chạy đua theo… gió để kịp tiến độ.
Khác với điện mặt trời, việc đầu tư điện gió khó khăn hơn rất nhiều, cộng với ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nhiều dự án đứng trước khả năng chậm tiến độ.
Chủ đầu tư dự án điện gió Hòa Bình 1, Hòa Bình 2, tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Riêng chuyên gia muốn vào làm việc cũng mất đến 14 ngày cách ly theo quy định. Đó là chưa kể trang thiết bị nhập về, vận chuyển đến địa điểm thi công rất mất thời gian”.
Chạy đua với thời gian để hoà lưới điện quốc gia, để kịp thời gian được hưởng ưu đãi về giá khiến các dự án điện gió của Bạc Liêu rơi vào tình trạng "tiến thoái lưỡng nan", tiềm ẩn nguy cơ làm chậm tiến độ.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu ông Phạm Văn Thiều nhận định, trong quá trình triển khai dự án, các chủ đầu tư chưa lường hết được những khó khăn do các dự án phải làm nhanh để kịp thời gian hưởng ưu đãi về giá. Theo quy định, các dự án điện gió không kịp đưa vào vận hành vào trước 30.11 sẽ không được hưởng hỗ trợ giá điện của nhà nước. Chưa kể, các nhà đầu tư cũng phải chạy đua với thời gian để kịp hòa vào lưới điện quốc gia.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh: "Do vậy, đây là áp lực rất lớn đối với các nhà đầu tư; đồng thời cũng tạo nên áp lực rất lớn đến các địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng, cơ sở hạ tầng để phục vụ cho các thiết bị siêu trường siêu trọng, cùng nhiều vấn đề phát sinh khác".
Địa phương cũng lúng túng
Tại Bạc Liêu, có hai dự án điện gió trên bờ. Nhà đầu tư đang gặp khó trong việc vận chuyển thiết bị siêu trường, siêu trọng từ Thành phồ Hồ Chí Minh về điểm thi công. Tải trọng của toàn bộ thiết bị và xe lên đến trên 160 tấn. Trong khi đó, hầu hết các cầu bắt qua sông tại ĐBSCL có sức chịu tải từ 30 đến 50 tấn. Ngày cả đường giao thông (cấp 3 đồng bằng) cũng chỉ chịu tải 30 tấn.
Đối với các dự án ngoài khơi, hầu hết đường dẫn từ đất liền ra biển đều qua rừng phòng hộ, đất của người dân. Theo quy định, việc chuyển đổi đất rừng (diện tích dưới 5ha), phải được thông qua Hội đồng nhân dân tỉnh trong khi quy sử dụng đất, cho chuyển đổi đất lúa đã được phê duyệt từ đầu năm. Tất cả cần thời gian bổ sung, điều chỉnh.
Giải phóng mặt bằng là khâu quan trọng đối với địa phương. Hầu hết người dân đều đồng tình di dời, đồng thuận với các dự án điện gió. Tuy nhiên, đây là dự án do tư nhân triển khai, theo quy định, việc thu hồi đất phải thỏa thuận với dân.
Đứng trước khó khăn này, ngày 15.3, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng ông Trần Văn Lâu thống nhất để Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh điều chỉnh giá đất tại hai dự án điện gió tại thị xã Vĩnh Châu. Cụ thể, từng vị trí và từng loại đất mà có hệ số điều chỉnh từ 1 đến 2,8 lần so với giá đất của UBND tỉnh.
Hàng loạt các dự án điện gió tại ĐBSCL đang triển khai, chạy nước rút để hoàn thành kịp thời gian đóng điện trước 1.11.2021. Theo đó, cũng hàng loạt khó khăn đang chực chờ phía trước. Hiện tượng cũng giống như các dự án điện mặt trời triển khai trước đó.