Dự báo tăng trưởng kinh tế quý I/2021 đạt 3,5-4%
Những tháng cuối năm 2020, khi tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, kinh tế Việt Nam có nhiều điểm sáng về xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài khi hàng loạt “ông lớn” về công nghệ chuyển dịch sang đầu tư tại Việt Nam. Từ bức tranh tươi sáng đó, Chính phủ đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 là 6,5%.
Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2021, dịch COVID-10 với biến thể mới diễn biến nhanh và phức tạp ở trong nước đã ảnh hưởng ít nhiều đến hoạt động kinh tế nội địa, kéo theo đó là sự sụt giảm của nhiều ngành nghề kinh tế.
Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng - cho biết, đây là thời kỳ nhiều rủi ro và rất khó đoán định. Trong bối cảnh đó, cần nhận diện rõ hơn và cần trả lời rõ hơn câu hỏi liệu các yếu tố trên đã giúp Việt Nam thành công trong việc đạt mục tiêu kép năm 2020 có còn được tiếp tục duy trì không trong năm 2021.
“Mặc dù trong những tháng đầu năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam có nhiều điểm sáng. Tuy nhiên, trước những diễn biến rất phức tạp của dịch COVID-19, dự báo tăng trưởng kinh tế trong quý 1 đạt từ 3.5-4.0%, con số này thấp hơn tăng trưởng quý IV năm 2020 (4.8%)”.
Theo ông Kiên, thời gian này, Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng phải chạy lại mô hình dự báo tăng trưởng, bởi từ tháng 2.2021, nhu cầu tiêu dùng và sức mua trong nước giảm đáng kể, cho nên nếu dùng kết quả của cuối tháng 1.2021 để chạy mô hình sẽ không cho kết quả chính xác.
“Thời điểm này dịch COVID-19 diễn biến quá nhanh, cho nên gần như chúng tôi phải chạy lại số liệu liên tục. Dự báo thì phải có số liệu đầu vào, khi số liệu đầu vào thay đổi thì mô hình cũng cần phải thay đổi", ông Kiên nói.
Theo ông Kiên, hiện tổ đang chạy 3 mô hình dự báo song song: Thứ nhất là mô trường của GS Trần Thọ Đạt tại trường Kinh tế Quốc dân; thứ hai là mô hình của TS Cấn Văn Lực và cuối cùng là mô hình của TS Vũ Thành Tự Anh.
Đầu vào của 3 mô hình khác nhau, nếu như mô hình của TS Cấn Văn Lực nghiên về các chính sách tiền tệ, chính sách tín dụng để giữ ổn định hệ thống ngân hàng, thì mô hình của GS Trần Thọ Đạt thiên về đánh giá an sinh xã hội, người lao động, còn mô hình của TS Vũ Thành Tự Anh là ổn định vĩ mô.
“Mỗi mô hình là mỗi trọng số khác nhau. Khi có kết quả, chúng tôi sẽ ngồi trao đổi, phân tích, bàn bạc xem tại sao lại ra kết quả như vậy. Khi có đầy đủ sự phân tích, đối chiếu, so sánh thì mới dựng lại bức tranh kinh tế và đưa ra các giải pháp phù hợp với tình hình mới” - ông Kiên nói.
Nhìn nhận lại để xây dựng nội lực tốt hơn
Nhận định về bức tranh kinh tế trong quý 1.2021 và cả năm 2021, chuyên gia kinh tế độc lập Trần Sỹ Chương cho biết, mặc dù, nhiều tổ chức kinh tế - tài chính thế giới nhận định nền kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục hoàn toàn trong năm 2021.
Tuy nhiên, ông cho rằng Việt Nam không nên chủ quan, mà cần thận trọng khi đánh giá về sự hồi phục hoàn toàn của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2021, vì hiện dịch đang diễn biến nhanh, phức tạp.
"Việt Nam đã là nền kinh tế rất mở, hội nhập sâu rộng vào thế giới, nên khi bất kỳ quốc gia, nền kinh tế nào bị tổn thương cũng sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam. Trong bối cảnh dịch COVID-19, có quốc gia phục hồi nhanh hơn, có quốc gia phục hồi chậm hơn, song "đoàn tàu kinh tế thế giới" vẫn bị ảnh hưởng", ông Chương nói.
Theo chuyên gia này, năm 2021, Việt Nam sẽ đối mặt với những hệ luỵ xã hội lớn và âm ỉ, vấn đề thất nghiệp, việc làm, bất ổn xã hội. Nếu chúng ta không nhìn xa, không chuẩn bị, đặc biệt khi Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên tự động hoá thì những bất ổn trong vấn đề việc làm sẽ gây những hệ luỵ rất lớn.
Tuy nhiên, trong nguy có cơ, trong những khó khăn là lúc thế giới chậm lại, cho phép Việt Nam nhìn lại mình để “xếp bài”, nhằm xây dựng nội lực tốt, giúp chúng ta có cơ sở, khả năng cạnh tranh tốt hơn.