Nơi các nhà đầu tư điện khí LNG chú ý
Dự án điện khí LNG Bạc Liêu được tỉnh Bạc Liêu trao Giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 1.2020. Theo kế hoạch, nhà đầu tư có 12 tháng kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đầu tư (đến hết năm 2020) để hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư.
Tiếp đó nhà đầu tư sẽ có 36 tháng để triển khai xây lắp, lắp đặt đường đưa khí vào bờ và vận hành tổ máy turbin khí giai đoạn 1 (công suất 750 MW) vào cuối 2023. Sau đó, tiếp tục xây lắp và vận hành các tổ máy còn lại để đạt công suất 3.200 MW cuối năm 2027 như Quy hoạch điện VII (điều chỉnh).
Dự án do Công ty Delta Offshore Energy Pte. Ltd (DOE) là chủ đầu tư và Tập đoàn Bechtel (Mỹ) là tổng thầu EPC. Tổng mức đầu tư dự kiến là 93.600 tỉ đồng (tương đương khoảng 4 tỉ USD). Trong đó, vốn chủ sở hữu chiếm 15% và vốn vay chiếm tối đa 85%. Dự án đang chờ các bước thủ tục để được khởi công với nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, việc nhà đầu tư chọn tỉnh Bạc Liêu để đầu tư cho thấy, lợi thế và tiềm năng của tỉnh thuộc ĐBSCL này được các nhà đầu tư chú ý.
Tỉnh Cà Mau cũng đề xuất 4 dự án điện khí với tổng công suất 10.700 MW (gấp 3 lần công suất so với tỉnh Bạc Liêu). Trong đề xuất của mình, tỉnh Cà Mau cho biết, với đường bờ biển dài, nhiều cửa biển và các hòn đảo xung quanh rất thuận lợi để xây dựng kho, cảng, đường ống dẫn khí và hệ thống kho nổi (FSRU) phát triển điện khí.
Hiện nguồn cung khi cho 2 Nhà máy điện Cà Mau 1 và 2 chỉ đáp ứng được 67% tổng công suất vận hành nên cần phải bổ sung nguồn khí nhập khẩu.
Tỉnh này cũng đã được phê duyệt kho cảng nhập khẩu LNG với công suất 1 triệu tấn/năm bắt đầu vận hành năm 2022-2025 và sau năm 2025 tăng lên 2 triệu tấn/năm.
Để phát huy tiềm năng và lợi thế về điện khí, giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn cung khí, UBND tỉnh Cà Mau đã kiến nghị đầu tư 4 dự án điện khí LNG như nói trên.
Cụ thể là Dự án điện khí Cà Mau 3 có công suất 1.500 MW; Dự án điện khí Tân Thuận có công suất 3.200 MW; Dự án điện khí Sông Đốc có công suất 3.000 MW và Dự án điện khí LNG cùng hệ thống FSRU có quy mô 3.000 MW.
Tại tỉnh Long An, Nhà máy điện LNG Long An I và II có diện tích 90ha với tổng mức đầu tư 3,13 tỉ USD do Công ty VinaCapital GS Energy Pte. Ltd làm chủ đầu. Dự án có công suất dự kiến 3.000 MW, gồm hai nhà máy tuabin khí chu trình hỗn hợp, công suất mỗi nhà máy 1.500 MW.
Dự án nhà máy điện Long An I và II được phê duyệt quy hoạch từ năm 2016, sử dụng nhiên liệu than nhập khẩu. Tuy nhiên, việc sử dụng than cho phát điện không được người dân và chính quyền địa phương đồng tình do lo ngại ô nhiễm môi trường.
UBND tỉnh Long An đã kiến nghị và được Thủ tướng đồng ý chủ trương điều chỉnh dự án nhà máy điện Long An I và II từ sử dụng nhiên liệu than sang nhiên liệu khí thiên nhiên hóa lỏng.
Sau khi thực hiện các bước của dự án, nhà máy điện Long An I sẽ đi vào vận hành vào tháng 12.2025, nhà máy điện Long An II vận hành vào tháng 12.2026. Cả 2 nhà máy dự kiến đặt ở xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.
ĐBSCL sẽ xuất khẩu điện
Bên cạnh điện khí, hàng loạt các dự án điện gió tại ĐBSCL cũng đang được triển khai rầm rộ.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt cho rằng Cà Mau có 3 mặt giáp biển, tốc độ gió trung bình là 6-7 m/giây ở độ cao 80 – 100 mét, nên rất thuận lợi cho việc đầu tư điện gió.
Tỉnh Cà Mau cũng đề nghị bổ sung 24 dự án với tổng công suất 12.018 MW. Trong số này có 6 dự án điện gió ngoài khơi với tổng công suất 8.500 MW và 18 dự án điện gió gần bờ với tổng công suất là 3.518 MW.
Cũng cho rằng có đặc trưng của khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo với nền nhiệt cao, số giờ nắng là hơn 2.000 giờ/năm, việc phát triển điện mặt trời cũng được tỉnh Cà Mau chú ý. Hiện tỉnh này đã mời gọi nhà đầu tư Dự án Kè giảm sóng kết hợp điện mặt trời, nuôi trồng thuỷ hải sản và khôi phục rừng ngập mặn tại bãi triều của bờ biển phía Tây tỉnh Cà Mau.
Ngoài ra với khoảng trên 300.000ha đất nuôi trồng thuỷ sản đã được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm tới đề xuất làm điện mặt trời kết hợp nuôi trồng thuỷ sản. Vì vậy tỉnh này cũng đề nghị bổ sung 9 dự án điện mặt trời với công suất 2.846 MW vào quy hoạch điện.
Các tỉnh ven biển từ Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau đều có dự án điện gió, tổng số các dự án điện gió đang khảo sát, vận hành lên đến trên 200 dự án.
Nếu lý tưởng các dự án năng lượng này vận hành đạt công suất thiết kế, ĐBSCL sẽ thừa điện, có khả năng xuất khẩu.
Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030 xác định ĐBSCL là vùng xuất khẩu năng lượng. ĐBSCL được định hướng sẽ thay thế tất cả các nhà máy điện than chưa xây dựng bằng các nhà máy điện sử dụng khí thiên nhiên/LNG và năng lượng tái tạo (mặt trời, gió…), trong đó, chú trọng quy trình xử lý chất thải vùng với lượng chất thải thu gom từ nhiều tỉnh để đạt được quy mô hiệu quả và áp dụng phương pháp đốt rác thành năng lượng một cách hiệu quả và thân thiện với môi trường.