Đẩy mạnh tín dụng chính thức, hạ nhiệt tín dụng đen

Lao Động |

Tín dụng đen” xảy ra tại nhiều địa phương với thủ đoạn tinh vi, phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, gây bức xúc trong xã hội. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do bà con vẫn còn tâm lý e ngại vay vốn ngân hàng vì cho rằng sẽ gặp nhiều thủ tục, giấy tờ phức tạp.

Nhằm bàn về các giải pháp góp phần đẩy lùi tín dụng đen, giúp người dân, công nhân lao động tiếp cận được nguồn tín dụng chính thức, Báo Lao Động tổ chức Hội thảo “Cảnh báo bẫy tín dụng đen, đẩy mạnh kênh tín dụng chính thức".

Tham dự buổi hội thảo có:

- Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

- Ông Nguyễn Ngọc Hiển – Tổng Biên tập Báo Lao Động.

- Trung tá Đỗ Minh Phương - Phó Trưởng Phòng Trọng án- Cục Cảnh sát Hình sự - Bộ Công an

- Ông Lê Ngọc Lâm – Tổng Giám đốc Ngân hàng BIDV

Cùng đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, đại diện lãnh đạo ngân hàng thương mại, Đại diện Công ty tài chính tiêu dùng, đại diện Tổ chức Tài chính vi mô, các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, các luật sư,...

Hội thảo "Cảnh báo bẫy tín dụng đen, đẩy mạnh kênh tín dụng chính" được phát trực tiếp vào lúc 14h00 ngày 12.11. Xem trực tiếp tại https://laodong.vn

* 16:40: Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng nhà nước phát biểu kết luận hội thảo

Qua trao đổi của các đại biểu tại Hội thảo ngày hôm nay, có thể thấy tội phạm tín dụng đen những năm vừa qua ngày càng biến tướng, gây ra nhiều hệ lụy. Đặc biệt, trước tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 khiến nhiều người lao động rơi vào cảnh khó khăn, mất việc làm và không có tiền chi tiêu, tội phạm "tín dụng đen" đã lợi dụng tình cảnh này để mở rộng “bẫy” vay nợ thông qua nhiều hình thức, phương thức và thủ đoạn mới. Tuy nhiên, trong hơn 02 năm kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25.4.2019, các bộ, ngành, địa phương đã tăng cường triển khai các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhận thức và ý thức cảnh giác của người dân được nâng cao.

Về mặt đạt được: Qua trao đổi của đồng chí đại diện Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an, chúng ta thấy rằng: công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen được triển khai tích cực; công tác quản lý nhà nước được siết chặt, nhất là đối với các cơ sở kinh doanh liên quan đến lĩnh vực cho vay, cầm đồ, kinh doanh tài chính, dịch vụ đòi nợ thuê; Các kênh cung cấp tín dụng phục vụ đời sống, tín dụng tiêu dùng về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu vốn của tất cả các phân khúc khách hàng từ món vay giá trị lớn đến món vay tiêu dùng nhỏ lẻ. Nhiều TCTD đã đa dạng hóa cách thức tiếp cận khách hàng để mở rộng và nâng cao chất lượng tín dụng thông qua phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp cơ sở, các tổ chức chính trị xã hội (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ…); Tín dụng cho nền kinh tế, đặc biệt là tín dụng dành cho những khu vực dễ bị tổn thương, có nguy cơ là nạn nhân của tín dụng đen như DNNVV, nông nghiệp, nông thôn, vay tiêu dùng, phục vụ đời sống cấp bách, người nghèo, đối tượng chính sách,... vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, có lĩnh vực còn tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung, mặc dù trong bối cảnh ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 đã cho thấy sự đồng hành, quan tâm của ngành ngân hàng chung tay cùng xã hội ngăn ngừa hoạt động “tín dụng đen”.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đó, qua trao đổi của các đồng chí, chúng ta cũng nhìn nhận, nhận diện được nhiều khó khăn, thách thức trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động “tín dụng đen”, trong cung ứng tín dụng chính thức hiện nay đang phải đối mặt như:

- Việc nghiên cứu, triển khai các giải pháp nhằm phòng ngừa, đấu tranh, xử lý đối với các diễn biến mới của tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen sẽ gặp nhiều trở ngại, nhất là tình trạng các đối tượng hoạt động tín dụng đen chuyển hướng sang sử dụng công nghệ cao để hoạt động.

- Các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng liên quan đến hoạt động tín dụng đen ngày càng gia tăng phức tạp. Trong khi việc triển khai các giải pháp quản lý nhà nước trên không gian mạng còn hạn chế, nhất là trong việc định danh số tài khoản mạng xã hội, ngăn chặn các số thuê bao không chính chủ, kiểm soát các ứng dụng điện thoại (app), website có liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi,...

- Mặc dù các TCTD đã tích cực đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng tiêu dùng, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, tuy nhiên một số bộ phận người dân còn tìm đến vay tiền từ “tín dụng đen” do để phục vụ nhu cầu vay vốn không hợp pháp (cờ bạc, ma tuý, kinh doanh phi pháp,...) hoặc do thói quen tiêu dùng, tâm lý e ngại tiếp xúc với ngân hàng.

- Ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhất là đợt bùng phát lần thứ 4 vừa qua, khó khăn về kinh tế có thể làm tình hình “tín dụng đen” trở nên căng thẳng hơn khi: người dân có nhu cầu vay vốn để phục vụ sinh hoạt, sản xuất kinh doanh nhưng chưa đáp ứng điều kiện tiếp cận vốn vay từ hệ thống ngân hàng sẽ có xu hướng tìm đến các nguồn vay không chính thống, tập trung vào nhóm người có thu nhập thấp, bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh.

Một số giải pháp sau nhằm đẩy mạnh kênh tín dụng chính thức, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi “tín dụng đen”:

- Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp trọng tâm theo Chỉ thị 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

- Bộ Công an: Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng tham gia đường dây, có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” hoặc các đối tượng tham gia giới thiệu, tuyên truyền cho “tín dụng đen; có giải pháp phù hợp cho phép sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về công dân trong việc xác thực khách hàng để giúp các TCTD giảm chi phí, hạ lãi suất, tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là người dân thuộc nhóm dễ bị ảnh hưởng của “tín dụng đen”.

- UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp phối hợp với ngành ngân hàng hỗ trợ người dân tiếp cận các chương trình tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, phục vụ đời sống; hỗ trợ các ngân hàng trong quá trình thẩm định, xác minh đối tượng, nhu cầu vay vốn của người dân; kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh trong xử lý tài sản bảo đảm nhằm tăng khả năng cung ứng vốn tín dụng chính thức hiệu quả hơn.

- Các tổ chức tín dụng:

+ Mở rộng tín dụng và ưu tiên tập trung vốn cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, DNNVV; đồng thời phát triển các sản phẩm tín dụng tiêu dùng thuận lợi, phù hợp với mọi tầng lớp nhân dân.

+ Đẩy mạnh triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19, thiên tai, dịch bệnh hoặc khi người dân gặp khó khăn do các nguyên nhân chính đáng chưa thể trả được nợ đúng hạn như xem xét gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, giúp người dân tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, không phải đi vay nặng lãi từ các đối tượng cho vay tín dụng đen.

+ Tiết giảm chi phí hoạt động, quan tâm dành nguồn lực để giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp được vay vốn với lãi suất hợp lý.

+ Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động tín dụng, ngân hàng, cải tiến quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay; Khuyến khích phát triển mô hình ngân hàng lưu động ở những vùng khó khăn, tạo điều kiện cho các khách hàng thuận tiện hơn trong việc tiếp cận vốn và các dịch vụ ngân hàng khác.

+ Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong hoạt động ngân hàng; chú trọng xây dựng mô hình hoạt động, sản phẩm dịch vụ ngân hàng thân thiện, dễ sử dụng, dễ tiếp cận với đại đa số người dân.

- Các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp ngành ngân hàng phổ biến, tuyên truyền giới thiệu các kênh vay vốn chính thống; đẩy mạnh phát triển các loại hình tiết kiệm, tín dụng trong hệ thống, kịp thời hỗ trợ tài chính đối với hội viên, đoàn viên gặp khó khăn; góp phần hạn chế đoàn viên, hội viên tìm đến “tín dụng đen”.

- Các cơ quan báo chí, truyền thông quan tâm phối hợp với ngành công an, ngành ngân hàng đa dạng hoá các phương thức tuyên truyền, phổ biến, dễ tiếp cận tới người dân về: các chính sách, chương trình, sản phẩm, dịch vụ ngân hàng chính thức; cảnh báo sớm các phương thức thủ đoạn mới của hoạt động “tín dụng đen”, gắn với các vụ án, vụ việc cụ thể Tôi hy vọng rằng với các chính sách, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, sự tham gia truyền thông tích cực của các cơ quan báo đài, nạn “tín dụng đen” sẽ được kiểm soát và giảm thiểu đáng kể, người dân an tâm vượt qua đại dịch COVID-19, ổn định, khôi phục sản xuất kinh doanh.

* 16h25: Bà Trần Thị Tuyết Nhung – Phó Tổng giám đốc Tổ chức tài chính vi mô TYM trình bày tham luận về "TYM tiếp cận phụ nữ thu nhập thấp để cho vay và hướng dẫn tiết kiệm"

Tổ chức tài chính vi mô TNHH một thành viên Tình Thương tiền thân là Dự án Quỹ Tình Thương (viết tắt là TYM) được TW Hội LHPN Việt Nam thành lập năm 1992. Dự án nhằm mục tiêu hỗ trợ vốn và cung cấp kiến thức cho phụ nữ nghèo, giúp họ cải thiện kinh tế gia đình và nâng cao vị thế trong xã hội. Qua quá trình hoạt động tích cực và chứng minh hiệu quả rõ rệt, ngày 17.08.2010, TYM được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kí giấy phép thành lập và hoạt động tài chính quy mô nhỏ, nay gọi là tài chính vi mô. Trải qua gần 30 năm hoạt động, TYM không ngừng mở rộng quy mô, chính thức hóa hoạt động và thu hút thêm nhiều người tham gia, đặc biệt đã chứng minh người có thu nhập thấp có khả năng thoát khỏi đói nghèo trở thành các doanh nhân vi mô nếu được tiếp cận với các dịch vụ tài chính. Đến nay, TYM hoạt động tại 12 tỉnh phía Bắc và Trung Việt Nam với trên 177.000 khách hàng trong đó 100% là phụ nữ, trên 70% thành viên sinh sống tại khu vực nông thôn, miền núi và bán đô thị. Tổng số vốn cho vay trên 23.000 tỉ đồng; dư nợ vốn đạt trên 2.030 tỉ đồng; tỉ lệ hoàn trả là 99,99% và số dư tiết kiệm đạt trên 1.862 tỉ đồng.

 
Bà Trần Thị Tuyết Nhung – Phó Tổng giám đốc Tổ chức tài chính vi mô TYM.

Đối tượng cho vay của TYM Khách hàng trọng tâm của TYM chính là những chị em phụ nữ nghèo, thu nhập thấp, yếu thế ở các vùng miền khác nhau, từ vùng nông thôn, miền núi, đến đồng bằng, đô thị. Có được niềm tin yêu của chị em và gặt hái được những kết quả hôm nay, chúng tôi tin rằng yếu tố thành công đầu tiên đến từ phương thức hoạt động tài chính vi mô mà chúng tôi đã học hỏi từ những thực tiễn tốt nhất trên thế giới và điều chỉnh phù hợp vào bối cảnh Việt Nam.

Để đáp ứng nhu cầu vay vốn đa dạng, mọi thời điểm của khách hàng, TYM đang cung cấp 7 sản phẩm vốn cơ bản (ngắn, trung hạn) phục vụ cho các mục tiêu đầu tư, phát triển và nhu cầu đời sống. Trước tình hình dịch COVID-19, tháng 9.2021, TYM bổ sung 2 loại vốn mới nhằm tạo thêm cơ hội cho người dân có thể tiếp cận nguồn vốn chính thức dễ dàng hơn. Vốn vay tạo việc làm có đặc tính hướng đến các đối tượng khách hàng có hoạt động sản xuất kinh doanh, sử dụng lao động thuê ngoài, có cơ hội được vay số tiền lên đến 100 triệu đồng mà không cần thế chấp. Phương thức tiếp cận và cho vay

Về dịch vụ tài chính: TYM cung cấp nguồn vốn chính thức để hỗ trợ khách hàng thực hiện các dự án chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất kinh doanh buôn bán nhỏ, phát triển kinh tế gia đình, nhiều chị em đã và đang trở thành những doanh nhân vi mô thành đạt. Khi vay vốn tại TYM, khách hàng được cán bộ TYM tư vấn, hỗ trợ trong suốt quá trình vay vốn với các phương thức được áp dụng như sau:

- Các khoản vốn vay không phải thế chấp; thủ tục và quy trình vay vốn đơn giản, chuẩn mực, hiệu quả và thuận tiện;

- Quy mô món vay được thiết kế đa dạng, phù hợp với nhiều nhu cầu khác nhau của khách hàng. Chỉ khống chế mức dư nợ tối đa (đối với khách hàng vi mô là 50 triệu đồng, khách hàng khác tối đa 100 triêu đồng), không có mức vay tối thiểu. Khách hàng có thể có nhiều khoản vay cùng một lúc, miễn là đảm bảo khả năng trả nợ tốt;

- Thời hạn vay vốn được thiết kế phù hợp. Các khoản vay với thời hạn từ 6 đến 18 tháng.

- Phương thức hoàn trả linh hoạt, nhưng đều áp dụng hình thức trả dần giúp áp lực dòng tiền thanh toán thấp hơn cho khách hàng.

TYM hoạt động với đặc thù không phải là một tổ chức tín dụng chỉ thực hiện nghiệp vụ tín dụng thuần tuý, mà còn là đơn vị thực hiện nhiệm vụ chính trị xã hội của TƯ Hội LHPN Việt Nam giao, do vậy, ngoài hoạt động tín dụng, TYM phối hợp chặt chẽ với các cấp Hội PN ở địa phương để tổ chức nhiều hoạt động chăm lo cho thành viên.

TYM kết hợp cả hai sứ mệnh: hỗ trợ phụ nữ cải thiện điều kiện kinh tế và nâng cao vị thế của họ trong xã hội vào các hoạt động của tổ chức. Chính vì vậy, khách hàng TYM được tham gia nhiều hoạt động nâng cao năng lực và giao lưu cộng đồng.

Tại các buổi sinh hoạt hàng tuần/tháng, chị em có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế, chăm sóc gia đình và thảo luận các vấn đề chung của địa phương và xã hội. Cán bộ TYM cũng hướng dẫn các chị em cách ghi chép sổ sách, quản lý chi tiêu của gia đình và của hoạt động kinh doanh sản xuất. Các chị cụm trưởng hàng năm được đào tạo kỹ năng quản lý cụm. Các chị em có cùng ngành nghề được TYM tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề trong đó giảng viên là cán bộ Hội phụ nữ hoặc chuyên gia với lĩnh vực chuyên môn phù hợp.

Cùng với nhu cầu ngày càng đa dạng của chị em khách hàng, các chủ đề và hình thức đào tạo của TYM cũng ngày càng phong phú. TYM tổ chức nhiều chương trình giáo dục tài chính cho chị em, góp phần giúp khách hàng bảo vệ mình, đưa ra những quyết định đúng đắn, phù hợp với nhu cầu và phát triển của bản thân và gia đình. TYM cũng rất chú trọng đến những dự án khởi sự, khởi nghiệp của khách hàng, đặc biệt là những chị em phụ nữ nghèo, thu nhập thấp. TYM luôn đồng hành cùng khách hàng, tạo động lực, giúp khách hàng không chỉ tiếp cận dịch vụ tài chính chính thức, mà còn những hỗ trợ phi lợi nhuận để họ khởi nghiệp vững chắc. Ngoài ra, TYM có một số hoạt động hỗ trợ cộng đồng nhằm xây dựng cộng đồng giàu mạnh, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu nông thôn mới, như: hỗ trợ xây dựng công trình nông thôn mới, tuyên truyền về các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; xây dựng nhà mái ấm tình thương (hỗ trợ cho các khách hàng xây nhà ở kiên cố hơn); cấp học bổng con thành viên nghèo học giỏi; khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho khách hàng; tặng quà cho khách hàng nghèo nhập dịp lễ, tết.

Từ mô hình hoạt động cụ thể của TYM đã minh họa phần nào về những kinh nghiệm trong hoạt động tài chính vi mô nhằm nâng cao hiểu biết và khả năng tiếp cận của phụ nữ vùng sâu vùng xa với các hoạt động cộng đồng, xã hội, đặc biệt là dịch vụ tài chính, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi “tín dụng đen”.

Thứ nhất, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế bền vững không thể chỉ dựa vào sản phẩm vốn vay. Khách hàng cần các dịch vụ tài chính khác như tiết kiệm với cơ chế linh hoạt để tích lũy tài sản, bảo hiểm lẫn nhau khi gặp khó khăn, dịch vụ phát triển kinh doanh để mở rộng, phục vụ cho các dự án kinh doanh của họ,…

Thứ hai, thiết kế sản phẩm tài chính theo đúng nhu cầu và thuận tiện cho khách hàng là điểm then chốt của thành công.

Thứ ba, cân bằng hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội và đưa nguyên tắc bảo vệ khách hàng vào từng quyết định và hành động của tổ chức và của từng nhân viên. Về phía TYM, để góp phần thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; bám sát những định hướng của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, làm sao tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn chính thức cho người dân và hỗ trợ tài chính một cách toàn diện, TYM sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động tại các vùng đô thị, nông thôn, miền núi, cải tiến sản phẩm và dịch vụ phù hợp với nhu cầu của khách hàng tại các khu vực này.

* 16:11 Ông Phan Cử Nhân - Giám đốc Ban Hợp tác quốc tế và Truyền Thông Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) trình bày Tham luận “Tín dụng chính sách góp phần đảm bảo an sinh xã hội và đẩy lùi tín dụng đen”

 
Ông Phan Cử Nhân - Giám đốc Ban Hợp tác quốc tế và Truyền Thông Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH).

Trong 19 năm qua (từ khi thành lập đến 30.9.2021), đã có hơn 40 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước; trong đó, tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và vùng đặc biệt khó khăn,... góp phần giúp hơn 6,1 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 4,7 triệu lao động; giúp gần 134.000 lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; hơn 3,7 triệu học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng hơn 15,2 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, hơn 744.000 căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách...

Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội tại địa phương và phát triển kinh tế - xã hội, với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”; qua đó đã góp phần ngăn chặn tệ cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn. Hiện tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt trên 242.291 tỉ đồng với gần 6,4 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng chính sách khác còn dư nợ. NHCSXH đang triển khai trên 20 chương trình tín dụng chính sách. Chất lượng tín dụng luôn được chú trọng nâng cao. Tỉ lệ nợ xấu luôn ở mức dưới 1%/tổng dư nợ. NHCSXH không thu phí khi làm thủ tục vay vốn. NHCSXH thông qua tổ chức tiết kiệm vay vốn, cán bộ hội đoàn thể, cũng là những người hàng xóm láng giềng sẽ giúp họ tiếp cận nhanh và vững tin vào NHCS.

Trước tình hình tín dụng đen diễn ra phức tạp ở nhiều địa phương, thực hiện chỉ đạo của NHNN VN, HĐQT NHCSXH đã chỉ đạo tiến hành khảo sát về tình hình vay tín dụng đen của các đối tượng chính sách xã hội là khách hàng vay vốn của NHCSXH. Qua khảo sát nhanh thực tế một số địa phương, vùng miền trên cả nước và thống kê của các chi nhánh NHCSXH trong toàn hệ thống, chưa phát hiện được khách hàng nào của NHCSXH có vay vốn trực tiếp từ hoạt động này, chỉ có khoảng 150 hộ vay vốn có ảnh hưởng gián tiếp từ tín dụng đen (gia đình có con em dính líu tới tín dụng đen); trên cơ sở đó ngân hàng dự kiến sẽ đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ cho triển khai phương án thí điểm mở rộng tín dụng tiêu dùng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo để phục vụ các nhu cầu thiết yếu chính đáng của cuộc sống, góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”. Ngoài ra, NHCSXH đã có hàng loạt giải pháp nhằm mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế tín dụng đen như: nâng mức cho vay tối đa lên 100 triệu đồng/ hộ vay không phải đảm bảo tiền vay và nâng thời hạn cho vay tối đa lên 120 tháng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; tăng cường công tác quản lý chất lượng tín dụng, phối hợp với chính quyền cơ sở, các tổ chức hội đoàn thể phối hợp giữa công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư với vốn vay nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tín dụng, tăn cường công tác truyền thông, phổ biến chính sách đến với người nghèo và các đối tượng chính sách khác…

Khách hàng khi nắm được những quy định về dịch vụ ngân hàng thì sẽ hiểu biết và sử dụng ngân hàng tránh được tín dụng đen. NHCSXH có những app trên điện thoại zalo để khách hàng có thể tìm hiểu, tiếp cận một cách dễ dàng.

* 15h55: Ông Lê Anh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc CIC trình bày tham luận: "Giải pháp hỗ trợ khách hàng tiếp cận nguồn vốn Tổ chức Tín dụng của Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam"

Tình trạng tín dụng đen ở nước ta đang diễn biến ngày càng phức tạp. Việc cho vay nặng lãi diễn ra phổ biến, công khai. Rất nhiều đối tượng người dân, đặc biệt lớp trẻ đã bị sa vào cạm bẫy tín dụng đen, lâm vào tình cảnh cùng quẫn. Trước tình hình này, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 8.1.2019 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành Ngân hàng, trong đó có việc triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của khách hàng vay. Xuất phát từ thực trạng và yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) đã triển khai Cổng thông tin kết nối khách hàng vay tại địa chỉ https://cic.gov.vn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn vay một cách đơn giản, dễ dàng.

 
Ông Lê Anh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc CIC (Ngân hàng Nhà nước).

Qua hơn 2 năm triển khai, Cổng thông tin đã trở thành cầu nối đáng tin cậy, là địa chỉ thân quen của nhiều người dân ở khắp mọi miền Tổ quốc. Cổng thông tin bước đầu đã mang lại những lợi ích đáng kể cho cả khách hàng và tổ chức tín dụng (TCTD).

Về phía khách hàng vay, Cổng thông tin cho phép người dân, doanh nghiệp đăng ký nhu cầu vay và tra cứu thông tin tín dụng của bản thân.

Nội dung thông tin về sản phẩm vay được hiển thị hết sức đa dạng trên Cổng thông tin, thuận lợi cho người dân trong việc tìm kiếm. Sau khi khách hàng lựa chọn được sản phẩm vay phù hợp, Cổng thông tin cho phép người dùng đăng ký nhu cầu vay. Thời gian qua, có khoảng 500 ngàn tài khoản người dân đã đăng ký tham gia giao dịch trên Cổng thông tin với 241.000 nhu cầu vay của cá nhân. Lượng nhu cầu vay của cá nhân liên tục tăng cao. Ngay sau khi khách hàng gửi nhu cầu vay lên hệ thống, thông tin nhu cầu vay được tự động chuyển tới user TCTD. Khách hàng sẽ có cơ hội được nhiều TCTD tiếp cận trong 1 thời gian ngắn sau đó, nhờ vậy mà có nhiều lựa chọn hơn trước khi quyết định làm thủ tục vay ở một TCTD nào đó. Để giúp khách hàng chủ động sắp xếp kế hoạch tài chính trả nợ, trên giao diện đăng ký nhu cầu, CIC đã phát triển tính năng ước tính dòng tiền phải trả theo thời gian tùy thuộc vào số tiền cần vay, lãi suất mong muốn và thời hạn vay mà khách hàng đã đăng ký trên hệ thống.

Ngoài việc đăng ký nhu cầu vay và được TCTD kết nối, Cổng thông tin cho phép người dùng khai thác trực tuyến thông tin tín dụng của bản thân. Để được tham gia giao dịch trên Cổng thông tin, người dân chỉ cần tải ứng dụng iCIC (CIC Credit Connect) và đăng ký thông tin cá nhân online. Sau khi có đủ thông tin để xác thực, CIC cấp tài khoản truy cập ứng dụng cho người dùng.

Về phía Tổ chức tín dụng, Cổng thông tin cho phép TCTD giới thiệu, quảng bá các sản phẩm dịch vụ của mình tới cộng đồng và tìm kiếm khách hàng vay một cách nhanh chóng, hiệu quả.

Đến thời điểm hiện tại, có gần 4.000 tài khoản người dùng từ 54 TCTD được cấp quyền tham gia hệ thống để kết nối, tiếp cận người vay; hiện có khoảng 520 sản phẩm từ 38 TCTD đang được giới thiệu trên giao diện Cổng thông tin. Mặc dù mới đang ở giai đoạn đầu triển khai hoạt động kết nối nhu cầu vay, song đã có khoảng trên 20% nhu cầu vay đăng ký trên hệ thống được TCTD tiếp cận.

Với giải pháp ứng dụng Cổng thông tin kết nối khách hàng vay, CIC bước đầu đã hỗ trợ khá nhiều người dân và doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn chính thống, hỗ trợ TCTD tìm kiếm khách hàng một cách thuận lợi, dễ dàng và hiệu quả. Mặc dù đã đạt được một số kết quả đáng kể, song Cổng thông tin vẫn còn những tồn tại nhất định. Có một lượng khá lớn nhu cầu vay đăng ký trên hệ thống là những món vay nhỏ, không có tài sản bảo đảm, do đó chưa thu hút được sự quan tâm kết nối của các ngân hàng thương mại, thời gian qua chủ yếu các nhu cầu này được tiếp cận bởi các công ty tài chính.

Bên cạnh đó, cách thức tổ chức hoạt động cung cấp dịch vụ của CIC để hỗ trợ TCTD khai thác, sử dụng thông tin nhu cầu vay vẫn còn hạn chế. Việc này, CIC đã có những giải pháp để khắc phục trong thời gian tới. Về phía khách hàng, căn cứ trên những thông tin mà khách hàng khai báo khi đăng ký nhu cầu, CIC phát triển chức năng tư vấn giúp người vay lựa chọn đơn vị cho vay phù hợp với nhu cầu và khả năng trả nợ.

Về phía TCTD, CIC tổ chức lại hoạt động cung ứng dịch vụ, tăng thêm các tiện ích trên ứng dụng để giúp cán bộ tín dụng khai thác, sử dụng thông tin nhu cầu một cách có hiệu quả hơn.

 
Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì Hội thảo.
 
Các đại biểu tham dự hội thảo

* 15:32: Ông Lê Ngọc Lâm – Tổng giám đốc Ngân hàng BIDV trình bày tham luận “Cho vay tiêu dùng, giải pháp hạn chế tín dụng đen”

Ông Lê Ngọc Lâm – Tổng giám đốc Ngân hàng BIDV trình bày tham luận.
Ông Lê Ngọc Lâm – Tổng giám đốc Ngân hàng BIDV trình bày tham luận.

Hoạt động “Tín dụng đen” có đặc trưng là cho vay giữa các tổ chức, cá nhân không qua hệ thống tổ chức tín dụng chính thức, với mức lãi suất cao và vượt mức lãi suất tối đa theo quy định pháp luật và bị pháp luật nghiêm cấm. Hệ lụy của “Tín dụng đen” ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế, tác động xấu đến tình hình an ninh trật tự, dễ kéo người dân vào “bẫy tín dụng đen” dẫn đến “khuynh gia, bại sản” cho các gia đình, cá nhân, thậm chí có tình huống siết nợ bạo lực, gây bất an cho xã hội. BIDV đã liên tục triển khai các biện pháp theo đúng chủ trương của Chính phủ, NHNN nhằm đẩy lùi hoạt động Tín dụng đen, hỗ trợ người dân tiếp cận vốn vay ngân hàng, đặc biệt là các mục đích vay vốn phục vụ tiêu dùng, nhu cầu đời sống chính đáng của Khách hàng, nhất là trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, cụ thể: BIDV đã triển khai chiến lược theo hướng đẩy mạnh hoạt động ngân hàng bán lẻ. Trong giai đoạn 10 năm gần đây, dư nợ bán lẻ đã tăng trưởng mạnh mẽ gấp 12 lần so với năm 2011 và từ chiếm tỷ trọng 13,3% tổng dư nợ tín dụng BIDV năm 2011 lên ~38% năm 2021.

Thứ hai, BIDV đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ khách hàng tiếp cận vốn vay Ngân hàng trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp: Thực hiện đúng chủ trương của NHNN trong việc hỗ trợ KHCN chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, BIDV đã triển khai đồng bộ, xuyên suốt nhiều giải pháp, đảm bảo khách hàng có thể tiếp cận vốn ngân hàng ngay cả trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp như năm 2020 – 2021, góp phần hạn chế phát triển tín dụng đen, bao gồm các biện pháp hỗ trợ chính: Giảm thu nhập để giảm LSCV hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 (năm 2021 dự kiến giảm ~7.100 tỉ đồng); triển khai gói tín dụng 20.000 tỉ đồng ngắn hạn hỗ trợ cho vay KHCN sản xuất kinh doanh chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; Đồng hành cùng ngành y, hỗ trợ cán bộ y tế tuyến đầu chống dịch với việc triển khai nhiều gói tín dụng với tổng quy mô 25.000 tỉ đồng; triển khai các gói tín dụng cạnh tranh phục vụ các mục đích tiêu dùng, kinh doanh với lãi suất cho vay cạnh tranh.

Thứ ba, BIDV phát triển, ứng dụng công nghệ trong phục vụ KHCN vay vốn thông qua website internet, các ứng dụng trên điện thoại di động thông minh. Thời gian qua BIDV cũng như NHNN và các cơ quan liên quan đã có sự quan tâm sâu sát, triển khai nhiều biện pháp nhằm đầy lùi tín dụng đen. Tuy nhiên hiện tín dụng đen vẫn len lỏi, tồn tại không chỉ ở vùng sâu, vùng xa mà ở ngay giữa lòng thành thị do các nguyên nhân như: Vẫn tồn tại nhiều KHCN ít có cơ hội tiếp cận thông tin, chính sách cho vay của các Ngân hàng; Người dân gặp khó khăn, chưa hiểu rõ về tài sản bảo đảm, giá trị, tính pháp lý tài sản bảo đảm khi đi vay Ngân hàng; khó khăn vướng mắc trong quy định của pháp luật hiện hành đối với cho vay online; khởi tạo và thẩm định, phê duyệt tín dụng tự động; Hệ thống thông tin, liên kết chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan chức năng tại Việt Nam chưa hoàn thiện; Chế tài xử phạt đối với việc cho vay nặng lãi, tổ chức tín dụng đen còn nhẹ, chưa đủ tính răn đe.

 
Ngân hàng BIDV tiếp tục phát triển, số hóa các sản phẩm tín dụng, đơn giản hoá thủ tục và triển khai cho vay online đối với KHCN.

Các giải pháp BIDV tiếp tục triển khai:

- Tận dụng lợi thế về mạng lưới điểm giao dịch rộng khắp của BIDV; Gia tăng liên kết với các đối tác, doanh nghiệp, tổ chức trên toàn quốc và có kế hoạch tiếp cận khách hàng tại khu vực nông thôn.

- Tiếp tục phát triển, số hóa các sản phẩm tín dụng, đơn giản hoá thủ tục và triển khai cho vay online đối với KHCN.

- Nâng cao nhận thức, văn hóa vay tiêu dùng (góp phần giảm tín dụng đen)

- BIDV sẽ tiếp tục đào tạo và xây dựng đội ngũ cán bộ bán hàng huyên nghiệp.

Một số đề xuất:

- Đề nghị NHNN phối hợp cùng các Bộ/Ngành hỗ trợ, ban hành các chính sách phát triển tài chính toàn diện như: Phát triển các công cụ tài chính vi mô để hỗ trợ cho vay đối với người dân có thu nhập thấp, không ổn định, dưới chuẩn ngân hàng, sớm ban hành các quy định và quản lý đối với hoạt động cho vay ngang hàng; Tăng cường, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của người dân… cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng, nâng cao hiểu biết về tài chính cho người dân và bảo vệ người tiêu dùng. Đề nghị NHNN phối hợp cùng các Bộ/Ngành hỗ trợ, sửa đổi và hoàn thiện hệ thống văn bản, hành lang pháp lý trong cho vay online của TCTD.

- Trong bối cảnh chuyển đổi số nền kinh tế, chuyển đổi số quốc gia, BIDV Kiến nghị Chính phủ và các Bộ/ngành liên quan xem xét, sớm nghiên cứu cơ chế kết nối, chia sẻ thông tin dữ liệu quốc gia giữa các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, đặc biệt là các TCTD/công ty tài chính.

- Đề nghị Bộ/Ngành liên quan cần nghiên cứu ban hành các chế tài xử phạt nghiêm khắc, đủ tính răn đe đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định của pháp luật trong cho vay nặng lãi, tổ chức hoạt động tín -dụng đen, không để tín dụng đen có cơ hội tồn tại.

- Các cơ quan đoàn thể, truyền thông đại chúng vào cuộc tích cực trong vận động tuyên truyền, tập huấn cho người dân tiếp cận các phương tiện thanh toán, tín dụng chính thống, tránh xa tín dụng đen.

* 14h45: Bà Hà Thu Giang - Phó Vụ trưởng - Vụ tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước)

Triển khai Chỉ thị 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã khẩn trương xây dựng, ban hành Kế hoạch hành động của ngành với 07 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm với mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp khi vay vốn TCTD, qua đó góp phần hạn chế, đẩy lùi “tín dụng đen”. Qua 02 năm triển khai Chỉ thị 12/CT-TTg và Chương trình hành động của ngành ngân hàng, đến nay ngành ngân hàng đã đạt một số kết quả nổi bật như sau:

- Về hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động cho vay, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ trực tuyến:

Từ đầu năm 2019 đến nay, NHNN đã ban hành 85 văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng, trong đó, đã sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhiều quy định để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức, hỗ trợ hoạt động vay vốn của người dân, doanh nghiệp như: Ban hành Thông tư 18 sửa đổi, bổ sung quy định về hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính theo hướng mở rộng mục đích vay vốn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn tiêu dùng của người dân, tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động cho vay, thu hồi nợ; Ban hành Thông tư 01, Thông tư 03, Thông tư 14 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; Ban hành Thông tư tái cấp vốn đối với Ngân hàng chính sách xã hội để cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất đối với người lao động; Hoàn thiện cơ chế hỗ trợ các đối tượng chính sách tiếp cận vốn, gia hạn chính sách tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo; nâng mức cho vay; Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và ban hành Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.

- NHNN đã chỉ đạo tổ chức tín dụng (TCTD) mở rộng, đa dạng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay nhằm tăng cường tiếp cận tín dụng qua các kênh chính thức, đặc biệt là với người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa như cho vay liên vụ, cho vay qua sổ tín dụng, vay vốn thông qua các tổ, nhóm của các tổ chức chính trị - xã hội, cho vay, thu nợ ngay tại địa bàn của người vay, triển khai điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dụng...

 
Bà Hà Thu Giang - Phó Vụ trưởng - Vụ tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước)

- Về phát triển mạng lưới: Từ năm 2019 đến nay, NHNN đã cấp phép thành lập mới 29 chi nhánh, Văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp cho các TCTD. Đến nay, toàn hệ thống đã có 124 tổ chức tín dụng và gần 1.200 quỹ tín dụng nhân dân; Riêng công ty tài chính đã có 22 công ty tài chính được cấp phép hoạt động với 13 chi nhánh, 43 văn phòng đại diện và hơn 50 nghìn điểm giới thiệu dịch vụ tại tất cả các tỉnh, thành phố; có 4 TCTCVM được cấp phép hoạt động với khoảng 115 chi nhánh, PGD tại nhiều tỉnh, thành phố.

- Về tăng cường truyền thông: NHNN đã cùng với hệ thống ngân hàng tăng cường hoạt động truyền thông về cơ chế, chính sách cho vay, dịch vụ ngân hàng đến đông đảo người dân; giải đáp nhiều kiến nghị; cảnh báo các hệ lụy để người dân phòng, tránh “tín dụng đen” Đến cuối tháng 10.2021, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 9,99 triệu tỉ đồng, tăng 8,72% so với cuối năm 2020, là kết quả rất đáng ghi nhận trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động đến hầu hết các lĩnh vực, ngành kinh tế. Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên có mức tăng trưởng khá, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (là nơi dễ phát sinh hoạt động “tín dụng đen”) đạt trên 2,48 triệu tỉ đồng với hơn 14 triệu khách hàng, chiếm trên 25% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế, tăng 9,2% so với cuối năm 2020 và tăng 32,8% so với thời điểm trước khi ban hành Chỉ thị 12/CT-TTg. Đặc biệt, các TCTD cũng đẩy mạnh cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng, toàn hệ thống có 78 TCTD tham gia cho vay phục vụ đời sống với dư nợ vay đạt gần 1,95 triệu tỉ đồng, chiếm 19,6% trong tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, tăng 5% so với cuối năm 2020, tăng 9,55% so với cuối năm 2018 và tăng 5,4% so với thời điểm trước khi ban hành Chỉ thị 12/CT-TTg, trong đó dư nợ dài hạn chiếm tỷ trọng lớn 84%.

- Trước tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến thu nhập của người dân đặc biệt là tập trung vào nhóm người có thu nhập thấp như công nhân, người lao động thời vụ, người kinh doanh nhỏ,... dẫn tới tình hình tội phạm "tín dụng đen" có chiều hướng diễn biến phức tạp, NHNN và toàn ngành ngân hàng đã tích cực triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho người dân, doanh nghiệp, góp phần khôi phục sản xuất. Cụ thể:

- NHNN đã liên tiếp 03 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện để các TCTD giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Thường xuyên chỉ đạo các TCTD tiết giảm tối đa chi phí hoạt động, dành nguồn lực để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng. Đến nay, mặt bằng lãi suất vay giảm khoảng 1,66%/năm so với trước dịch.

- NHNN đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13.3.2020, Thông tư 03/2021/TT-NHNN ngày 2.4.2021 và Thông tư 14/2021/TT-NHNN tạo khuôn khổ pháp lý để các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ, tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

- Với các giải pháp tích cực nêu trên, hệ thống ngân hàng với mạng lưới các chi nhánh, phòng giao dịch phủ rộng đến các thôn bản, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa đã cơ bản đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống cho người dân, doanh nghiệp, góp phần tích cực hạn chế người dân tìm đến các nguồn “tín dụng đen”.

- Mặc dù ngành ngân hàng luôn chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng chính đáng của người dân, doanh nghiệp, nhưng quá trình cấp tín dụng vẫn gặp khó khăn do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, tội phạm “tín dụng đen” vẫn có cơ hội để phát triển do:

- Về phía khách hàng: Thiếu năng lực tổ chức sản xuất kinh doanh, các nhu cầu vay vốn tiêu dùng cấp bách thường khó chứng minh mục đích sử dụng vốn và khả năng trả nợ; quá trình thẩm định cấp tín dụng khó khăn do nguồn thông tin không đầy đủ, độ chính xác không cao. Đặc biệt trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát như thời gian qua thì việc thẩm định cho vay lại càng khó khăn hơn do khách hàng khó chứng minh khả năng trả nợ....

- Về phía các Tổ chức tín dụng: Phải đảm bảo chất lượng nợ, an toàn vốn và an toàn hệ thống, thủ tục cho vay, xử lý nợ, rủi ro không giống các tổ chức cung ứng “tín dụng đen”; Chi phí huy động vốn của các CTTC cao hơn hẳn so với các NHTM nên lãi suất cho vay tiêu dùng thường cao hơn nhiều lãi suất cho vay của các NHTM và lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh; Tác động của dịch COVID-19 ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng tiêu dùng và chất lượng nợ của các CTTC tiêu dùng; Hoạt động không lành mạnh của các tổ chức cung cấp tài chính tiêu dùng không do NHNN cấp phép, hoạt động “tín dụng đen” gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động và uy tín của các công ty tài chính tiêu dùng.

Để góp phần cùng các cấp, các ngành đấu tranh, ngăn ngừa, hạn chế “tín dụng đen”, thời gian tới, toàn ngành ngân hàng sẽ tiếp tục đồng hành và triển khai quyết liệt các giải pháp:

- Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản quy định về hoạt động cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng; quy định về tín dụng ngành, lĩnh vực phù hợp với sự thay đổi nhanh chóng về công nghệ và yêu cầu của thực tế nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp.

- Khuyến khích các TCTD phát triển mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa nhằm tăng cường khả năng cung ứng tín dụng, dịch vụ ngân hàng chính thức.

- Chỉ đạo TCTD tập trung nguồn vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, nhu cầu đời sống, tiêu dùng chính đáng của người dân của người dân, doanh nghiệp đặc biệt khi đại dịch COVID-19 được đẩy lùi, nền kinh tế trong nước phục hồi.

- Tiếp tục triển khai các chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với các khách hàng bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới với lãi suất thấp hơn trước dịch,...

- Đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng, tạo điều kiện cho các TCTD phát triển các sản phẩm cho vay phục vụ đời sống, tín dụng tiêu dùng an toàn, hiệu quả.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; chỉ đạo các CTTC tiêu dùng tập trung chấn chỉnh lại hoạt động cho vay, có chính sách lãi suất phù hợp, thu nợ bảo đảm minh bạch, đúng quy định pháp luật.

- Tăng cường công tác truyền thông về các cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng đến mọi tầng lớp nhân dân, giúp người dân, doanh nghiệp hiểu về tín dụng từ các kênh cung cấp tín dụng chính thức, góp phần chuyển tải vốn tín dụng ngân hàng đến người dân một cách hiệu quả nhất. Để đẩy lùi tín dụng đen, cần có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp, các ngành, trong đó có Bộ Công an với vai trò là đơn vị đầu mối trong triển khai Chỉ thị 12/CT-TTg, đẩy nhanh tiến độ kết nối thông tin giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các ngành, lĩnh vực, đây là cơ sở để TCTD có đầy đủ thông tin, rút ngắn được quy trình thẩm định, giải ngân cho vay; Các cơ quan báo chí, truyền thông để truyền tải thông tin cơ chế chính sách, chương trình, sản phẩm, tín dụng ngân hàng tới người dân để người dân biết và hiểu được lợi ích của các kênh tiếp cận vốn chính thức, cũng như giúp họ thấy được hậu quả của “tín dụng đen”.

* 14:25: Trung tá Đỗ Minh Phương - Phó Trưởng Phòng Trọng án - Cục Cảnh sát Hình sự - Bộ Công An trình bày Tham luận “Thực trạng tội phạm và vi phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” sau 02 năm thực hiện Chỉ thị 12/CT ngày 25.4.2019 của Thủ tướng Chính Phủ”.

Thực hiện Chỉ thị số 12 ngày 25.4.2019 của Thủ tướng Chính Phủ, Cục CSHS đã phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Công an ban hành Kế hoạch để chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương đồng loạt triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh đối với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

Sau hơn 02 năm quyết liệt thực hiện, tình hình TP và VPPL có liên quan đến hoạt động tín dụng đen đã có những chuyển biến tích cực. Các đối tượng cho vay và đòi nợ không còn hoạt động công khai, lộng hành như trước; nhận thức và ý thức cảnh giác của người dân từng bước được nâng cao; tình trạng treo biển, dán tờ rơi, quảng cáo giảm mạnh. Hiệu quả các mặt công tác quản lý nhà nước theo chức năng của lực lượng công an từng bước được nâng cao. Hoạt động kiểm tra liên ngành đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, kinh doanh tài chính được duy trì thường xuyên. Theo thống kê, hiện toàn quốc có 26.942 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Từ đầu năm 2020 đến nay, Công an các địa phương đã cấp mới 2.436, thu hồi 175 Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự để kinh doanh dịch vụ cầm đồ, phát hiện 2.736 cơ sở vi phạm, xử phạt hành chính số tiền 7,728 tỉ đồng. Qua công tác nghiệp vụ, Công an các địa phương đã rà soát, phát hiện: 6664 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ; 540 cơ sở kinh doanh tài chính; 3667 cá nhân có biểu hiện hoạt động cho vay lãi suất cao. Trong năm thứ hai thực hiện Chỉ thị 12, qua thống kê các vụ án, vụ việc liên quan đến hoạt động tính dụng đen, lực lượng Công an đã tiếp nhận, phát hiện: 1047 vụ/1718 đối tượng, đã khởi tố 554 vụ/990 bị can; Xử phạt hành chính 375 vụ/593 ĐT. Gồm các tội danh: Giết người; Cố ý gây thương tích; Làm nhục người khác; Bắt, giữ, giam người trái pháp luật; Xâm phạm chỗ ở người khác; Cướp tài sản…

 
Trung tá Đỗ Minh Phương - Phó Trưởng Phòng Trọng án - Cục Cảnh sát Hình sự - Bộ Công an trình bày Tham luận

Tình hình TP&VPPL liên quan đến hoạt động tín dụng đen tuy được kiềm chế nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 làm thiệt hại nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Tình trạng tạm dừng kinh doanh, kinh doanh không có lãi; nợ lương, mất việc làm, giảm thu nhập khiến nhu cầu vay tiền để phục vụ sinh hoạt, kinh doanh tăng cao. Một bộ phận không nhỏ thanh niên còn có nhu cầu vay tiền để phục vụ tiêu xài cá nhân hoặc thậm chí sử dụng cho các mục đích VPPL như sử dụng ma túy, cờ bạc... Các đối tượng hoạt động tín dụng đen chuyển hướng lợi dụng công nghệ, mạng xã hội….. mời chào, dụ dỗ người kinh doanh nhỏ lẻ, người lao động thu nhập thấp, công nhân, thanh thiếu niên….. vay tiền. Các đối tượng hình sự hoạt động cho vay lãi nặng dưới hình thức hụi, họ nhắm đến một bộ phận tiểu thương, người kinh doanh nhỏ lẻ, thanh thiếu niên, các đối tượng cần tiền “vay nóng” phục vụ cho các nhu cầu bất chính, tiêu xài cá nhân...

Các kiến nghị:

- Các bộ ngành, địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm đã được phân công trong Chỉ thị số 12.

- Thường xuyên tổ chức tuyên truyền phòng ngừa TP&VPPL liên quan đến hoạt động tín dụng đen trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương sinh động, đa dạng, dễ tiếp cận đến người dân.

- UBND các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành có liên quan kịp thời giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội trong và sau thời gian dịch bệnh COVID-19; kịp thời phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn để có giải pháp tháo gỡ, góp phần hạn chế người dân có nhu cầu vay tiền chính đáng, phục vụ sản xuất, kinh doanh phải tìm đến hoạt động tín dụng đen.

- Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương siết chặt công tác quản lý nhà nước về ANTT có liên quan đến công tác phòng, chống TP&VPPL liên quan đến hoạt động tín dụng đen.

- Đề nghị Bộ Thông tin và Truyền Thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp phối hợp Bộ Công an và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp giải quyết tình trạng các đối tượng sử dụng tài khoản ngân hàng, số thuê bao điện thoại không chính chủ, tạo lập website, ứng dụng điện thoại, tài khoản mạng xã hội không khai báo, đăng ký chính danh và thực hiện hành vi phạm pháp luật nhằm trốn tránh sự điều tra, phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng.

 
Các đại biểu tham dự hội thảo

* 14:11: Bà Nguyễn Thị Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

 
Bà Nguyễn Thị Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại Hội thảo.

10 tháng đầu 2021, GDP của tỉnh có mứ tăng trưởng 2 con số. Quảng Ninh cũng đang đẩy mạnh đột phát chiến lược nhất là hạ tầng đồng bộ và hiện tại. Hết năm 2020 tỉ lệ lao động qua đào tạo 85%. Tính đến 31.10.2021 toàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ cho 6517 doanh nghiệp, hơ. 217 nghìn lao động. Bằng kinh nghiệm, tỉnh đã ưu tiên chỉ đạo các phương pháp... đảm bảo cuộc sống bình yên cho người dân. Riêng việc lãnh đạo chỉ đạo liên quan đến đấu tranh tín đụng đen, tỉnh đã có kế hoạch triển khai đấu tranh liên quan đến tín dụng đen, tỉnh đã có kế hoạch triển khai chỉ thị 12 của Thủ tướng chính phủ liên quan đến đấu tranh, ngăn ngừa liên quan đến tín dụng đen.

Tỉnh đã xây dựng hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan đến đấu tranh liên quan đến tín dụng đen, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong việc phòng ngừa tội phạm liên quan đến tội phạm liên quan đến tín dụng đen. Tỉnh đã có 91 đoàn công tác tiến hành kiểm tra 109 lượt với 138 cơ sở kinh doanh đã phát hiện 37 cá nhân liên quan đến vi phạm tín dụng đen. Trong thực tế việc cảnh báo liên quan đến tín dụng đen là việc rất cấp bách trong việc liên quan đến tín dụng đen.

 
Hội thảo "Cảnh báo bẫy tín dụng đen, đẩy mạnh kênh tín dụng chính"

* 14h00: Ông Nguyễn Ngọc Hiển - Tổng Biên tập Báo Lao Động Phát biểu khai mạc Hội thảo.

Kính thưa Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú,

Kính thưa bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh,

Kính thưa các vị khách quý, các quý vị đại biểu,

Trước tiên, tôi muốn bày tỏ lời cảm ơn tới các quý vị khách quý, các quý vị đại biểu đã bớt chút thời gian đến tham dự Hội thảo “Cảnh báo bẫy tín dụng đen, đẩy mạnh kênh tín dụng chính thức” do Báo Lao Động và Ngân hàng nhà nước Việt Nam tổ chức hôm nay.

Kính thưa các quý vị, thời gian qua hoạt động “tín dụng đen” xảy ra tại nhiều địa phương với thủ đoạn tinh vi, phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, gây bức xúc trong xã hội. Tín dụng đen đang bủa vây những người yếu thế, từ thành phố cho tới nông thôn. Đáng lo ngại hơn, với cách đòi nợ kiểu xã hội đen hiện nay, không ít người dân rơi vào cảnh khốn cùng, mất nhà cửa… Tuy nhiên, việc ngăn chặn tín dụng đen không dễ dàng khi thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi, thậm chí sử dụng công nghệ cao, tổ chức hoạt động tín dụng đen qua mạng.

Chính vì vậy việc phòng, chống tín dụng đen cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ hơn với sự tham gia đồng bộ của các Bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội.

Ông Nguyễn Ngọc Hiển - Tổng Biên tập báo Lao Động.
Ông Nguyễn Ngọc Hiển - Tổng Biên tập báo Lao Động.

Hôm nay, Báo Lao Động phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để tổ chức Hội thảo “Cảnh báo bẫy tín dụng đen, đẩy mạnh kênh tín dụng chính thức” để làm rõ bức tranh tổng thể, những hệ luỵ của hoạt động tín dụng đen đến cuộc sống người dân. Hội thảo là cơ hội để các ngân hàng, công ty tín dụng tiêu dùng, tổ chức tài chính vi mô truyền thông rộng rãi đến người dân về những chương trình gói hỗ trợ cho người dân có nhu cầu vay vốn chính đáng phục vụ sản xuất, kinh doanh, hoặc nhu cầu cấp bách cá nhân. Mục tiêu của hội thảo là tạo diễn đàn trao đổi thông tin giữa người dân, ngân hàng, các cơ quan quản lý, công an, luật sư và phóng viên về tín dụng đen, hệ luỵ trong xã hội, và làm thế nào để người dân tiếp cận được nguồn tín dụng chính thức. Các chuyên gia, đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý sẽ cùng bàn về các giải pháp góp phần phòng, chống tín dụng đen, giúp người dân, người lao động tiếp cận được nguồn tín dụng chính thức. Trên tinh thần đó, tôi tuyên bố khai mạc Hội thảo.

Xin chúc Quý vị sức khoẻ, chúc cho hội thảo của chúng ta hôm nay thành công tốt đẹp.

 
Lao Động
TIN LIÊN QUAN

Cảnh báo bẫy tín dụng đen, đẩy mạnh kênh tín dụng chính

Lao Động |

14h ngày 12.11, Báo Lao Động tổ chức Hội thảo “Cảnh báo bẫy tín dụng đen, đẩy mạnh kênh tín dụng chính thức” nhằm bàn về các giải pháp góp phần đẩy lùi tín dụng đen, giúp người dân, công nhân lao động tiếp cận được nguồn tín dụng chính thức.

Bị dán ảnh khắp nơi vì chậm trả tiền vay tín dụng đen

ĐÌNH TRƯỜNG |

Các ứng dụng (app), website cho vay tiền biến tướng đang hoạt động không tuân thủ quy định của pháp luật và phải bị xoá sổ triệt để. Đồng thời, để ngăn chặn tín dụng đen, các chuyên gia cho rằng, cần có giải pháp cho người dân tiếp cận các nguồn tài chính chính thống, nguồn vốn vay "sạch".

Tăng trưởng tín dụng 2021 có thể chạm ngưỡng 13%

Lam Duy |

Nhờ hoạt động cho vay thường tăng tốc trong 2 tháng cuối năm, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng năm 2021 có thể đạt 13%.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.

Nói về sai phạm ở Cục Đăng kiểm, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải: "Tôi cũng thấy xấu hổ"

Khánh Hoà |

Nhìn lại vụ việc liên quan tới Cục Đăng kiểm thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng thừa nhận dù mới về công tác tại bộ 2 tháng nhưng bản thân ông cũng thấy xấu hổ khi biết thông tin. Tuy nhiên, ông Thắng khẳng định cán bộ hư thì phải xử lý, kể cả thay 100% nhưng vẫn phải tập trung làm tốt nhiệm vụ được giao.

Cảnh báo bẫy tín dụng đen, đẩy mạnh kênh tín dụng chính

Lao Động |

14h ngày 12.11, Báo Lao Động tổ chức Hội thảo “Cảnh báo bẫy tín dụng đen, đẩy mạnh kênh tín dụng chính thức” nhằm bàn về các giải pháp góp phần đẩy lùi tín dụng đen, giúp người dân, công nhân lao động tiếp cận được nguồn tín dụng chính thức.

Bị dán ảnh khắp nơi vì chậm trả tiền vay tín dụng đen

ĐÌNH TRƯỜNG |

Các ứng dụng (app), website cho vay tiền biến tướng đang hoạt động không tuân thủ quy định của pháp luật và phải bị xoá sổ triệt để. Đồng thời, để ngăn chặn tín dụng đen, các chuyên gia cho rằng, cần có giải pháp cho người dân tiếp cận các nguồn tài chính chính thống, nguồn vốn vay "sạch".

Tăng trưởng tín dụng 2021 có thể chạm ngưỡng 13%

Lam Duy |

Nhờ hoạt động cho vay thường tăng tốc trong 2 tháng cuối năm, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng năm 2021 có thể đạt 13%.