Trao đổi với phóng viên, đại diện Vietcombank cho biết: "Ngày 5.1.2022, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) nhận được Công văn số 04/Cục I.2 của Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng về việc báo cáo tình hình cấp tín dụng đối với một số khách hàng.
Thực hiện yêu cầu báo cáo, Vietcombank đã khẩn trương rà soát và tính đến thời điểm ngày 7.1.2022, Vietcombank chưa phát sinh bất kỳ khoản cấp tín dụng (cho vay, bảo lãnh, đầu tư trái phiếu…) đối với các doanh nghiệp và cá nhân để tham gia đấu giá các lô đất ở khu đô thị Thủ Thiêm, TP.Hồ Chí Minh. Nội dung báo cáo cũng đã được Vietcombank gửi tới cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng”.
Mới đây bên lề phiên thảo luận Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, doanh nghiệp đấu giá đất tại Thủ Thiêm với giá 2,4 tỉ đồng/m2 là bất thường, điển hình của việc làm nhiễu loạn thị trường.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc so sánh cũng tại TP.HCM, đường Nguyễn Huệ - vốn là trái tim của thành phố - có giá trung bình 1,5 tỉ đồng/m2. Trong khi đó, Thủ Thiêm là khu vực hạ tầng mới, đang còn xây dựng, hoang vắng thì mức đấu giá lên tới 2,4 tỉ đồng/m2.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, điều này là không phù hợp, giá không thực khi giao dịch đột biến tăng gấp vài lần.
Bộ trưởng cho rằng, cần xem các nhà đầu tư có thực hiện đúng theo cam kết trúng giá hay không, hay bỏ cọc. Bộ Tài chính chỉ kiểm tra những doanh nghiệp này trên thị trường chứng khoán, còn quản lý nhà nước về đất đai là Bộ Tài nguyên và Môi trường, kể cả vấn đề giá đất.
Theo Bộ trưởng, con số 2,4 tỉ đồng/m2 ghi nhận tại Thủ Thiêm, nơi hạ tầng chưa đồng bộ, cao hơn nhiều so với khu vực quận 1, nơi vốn có hạ tầng đồng bộ hơn. Hiện tại, giá đất ở khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ chỉ vào khoảng 1 - 1,5 tỉ đồng/m2.
Hiệp hội Bất động sản TPHCM cũng bày tỏ lo ngại về các bất cập của phương pháp định giá đất từ vụ đấu giá 4 lô đất Thủ Thiêm. Trong đó, có việc xác định giá đất cụ thể để xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất rất thấp so với giá đất trúng đấu giá.