Trao đổi với Lao Động, ông Hà Văn Chương - Hà Văn Chương - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Đắk Lắk cho biết, vẫn chưa xảy ra tình trạng các hộ dân, doanh nghiệp lắp điện mặt trời bị thừa điện, không bán được mà còn phải trả tiền khi bị đẩy lên lưới như các địa phương khác. Tuy nhiên, người dân muốn dùng công tơ bán điện mặt trời, lên lưới thì phải có công tơ 2 chiều (lên xuống). Nếu người sử dụng chỉ dùng công tơ một chiều thì chỉ có thể tính sản lượng khác và phải trả tiền cho điện lực khi đã lên lưới...
Trong lúc Chính phủ chưa có chính sách mới, để hạn chế rủi ro nói trên, khi người dân có nhu cầu lắp đặt ĐMTMN để sử dụng thì nên thông báo với phía Công ty Điện lực Đắk Lắk và đơn vị sẽ nghiên cứu thay bằng công tơ hai chiều, tránh có rủi ro.
Điện lực tỉnh Đắk Lắk hiện có đến hơn 5.300 khách hàng lắp đặt ĐMTMN. Trong đó, số lượng trang trại kết hợp lắp đặt hệ thống điện này đã chiếm đến 1/3 tổng số. Đặc biệt, tại địa bàn TP.Buôn Ma Thuột, số khách hàng lắp đặt điện mặt trời mái nhà đã lên đến con số hơn 2.000.
"Hiện, chính sách phát triển điện mặt trời vẫn còn mới, các cơ quan nhà nước chưa chuẩn bị những hướng dẫn cụ thể cũng như cơ sở pháp lý để hướng dẫn cho người dân. Kể cả chính quyền địa phương cũng không biết quản lý điện mặt trời mái nhà bằng các tiêu chí như thế nào để có căn cứ kiểm tra, đánh giá cũng như kết luận.
Ngành điện, đơn vị tư vấn lắp đặt lẫn khách hàng cũng chưa thật nắm rõ các hướng dẫn, tiêu chuẩn, thiết bị nào được đưa vào loại nào không được đưa vào... Do đó, trong quá trình triển khai, thiết bị tốt hoặc chưa tốt lắm nên khi vận hành xảy ra hỏng hóc. Đáng lẽ ra thiết bị được bảo hành 10 năm nhưng sau vài tháng đã gặp sự cố ngoài ý muốn. Đây là khó khăn lớn nhất mà các bên liên quan đang gặp phải ", ông Chương cho biết.
Thời gian qua, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện nhiều trang trại xây dựng chưa hoàn thiện các hạng mục sản xuất trang trại nhưng chỉ chủ yếu tập trung lắp hệ thống pin ĐMTMN. Có nơi còn chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện trang trại. Một số trang trại triển khai dự án khi chưa hoàn thiện thủ tục xác nhận trang trại, chưa triển khai trồng trọt, chăn nuôi theo phương án đã được phê duyệt vẫn đang trong giai đoạn thi công (chủ yếu thi công phần ĐMTMN) nhưng đều được đấu nối với điện lực...
Người dân nên chờ Chính phủ ban hành chính sách cụ thể và chủ động liên hệ với điện lực địa phương để được tư vấn, hướng dẫn trước khi lắp đặt ĐMTMN. Các hộ dân lắp đặt công suất điện vừa đủ dùng để giảm thiểu nguồn vốn đầu tư và khoan phát lên lưới trong thời gian Chính phủ chưa có chính sách mới. Và trước khi đấu nối lên lưới, cần có văn bản đồng ý, thỏa thuận của phía điện lực, ông Chương khuyến cáo.