Đặc khu kinh tế - những “động cơ đặc biệt” của nền kinh tế

Nhóm Phóng viên |

Theo dự kiến, hôm nay (10.11) Quốc hội sẽ nghe và thảo luận về dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, hay còn gọi là Đặc khu hành chính - kinh tế. Khi luật được thông qua thì những đặc khu này sẽ được coi là “động cơ” để thúc đẩy nền kinh tế.

Chỉ chờ Quốc hội “bấm nút”

Cuối tháng 8.2017, Chính phủ đã có Tờ trình số 363/TTr-CP ngày 31.8.2017 về Dự thảo dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến và sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 và thông qua tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV.

Tờ trình nêu rõ về sự cần thiết ban hành Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm, chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội về xây dựng và phát triển đặc khu kinh tế đã được thông qua tại các kỳ Đại hội VIII, X, XI và XII của Đảng. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng xác định nhiệm vụ “Xây dựng một số đặc khu kinh tế để tạo lực tăng trưởng và thử nghiệm thể chế phát triển vùng có tính đột phá”.

Trước đó, ngày 22.3.2017, Bộ Chính trị đồng ý chủ trương thành lập ba đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (HCKTĐB) Vân Đồn - Quảng Ninh, Bắc Vân Phong - Khánh Hòa và Phú Quốc - Kiên Giang.

Trong thông báo số 2, Bộ Chính trị kết luận: “Đề án xây dựng các đơn vị HCKTĐB là đề án lớn, nhiều vấn đề lớn và khó”. Tuy nhiên, “Đây là chủ trương lớn của Đảng đã được thông qua nhiều kỳ đại hội do vậy cần quyết tâm triển khai thực hiện, làm từng bước vững chắc, vừa làm vừa rút kinh nghiệm”.

Bộ Chính trị cũng khẳng định: “Đồng ý cho thành lập 3 đơn vị HCKTĐB Vân Đồn - Quảng Ninh, Bắc Vân Phong - Khánh Hòa, Phú Quốc- Kiên Giang, để khai thác tốt tiềm năng trong khu vực, thu hút mạnh vốn đầu tư, công nghệ cao, phương thức quản lý mới tiên tiến tạo thêm nguồn lực và động lực, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình phát triển và tái cơ cấu kinh tế cho tỉnh, vùng và cả nước”.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - cho biết: “Vân Đồn có vịnh Bái Tử Long đẹp không kém gì vịnh Hạ Long, với hàng trăm hòn đảo rất tuyệt đẹp cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng cao cấp. Điều quan trọng là tất cả còn hoang sơ, chưa bị tác động bởi bàn tay con người. Vân Đồn còn có quỹ đất “sạch” rất lớn. Vì thế, đến đây, các nhà đầu tư có tầm cỡ tha hồ thể hiện ý tưởng, đưa ra những sản phẩm, dịch vụ đẳng cấp thế giới.

Ngoài ra, từ sân bay Vân Đồn, trong bán kính 5 giờ bay có thể tiếp cận tới thị trường rộng lớn gồm Đông Á, ASEAN, Trung Quốc với dân số hơn 3 tỉ người và tổng GDP hơn 22 nghìn tỉ USD. Trong khi đó, các tuyến giao thông đường bộ kết nối Vân Đồn đã và đang được xây dựng, như cao tốc Hải Phòng - Hạ Long, Hạ Long - Vân Đồn và dự kiến cuối năm nay sẽ khởi công xây dựng cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.

Chúng tôi đã có nhà đầu tư chiến lược có uy tín cùng tham gia từ bước đầu xây dựng Đặc khu, với sản phẩm đầu tiên của họ là sân bay quốc tế Vân Đồn, dự kiến đón chuyến bay đầu tiên vào 30.4.2018. Họ có năng lực thực sự, chuyên sâu vào dịch vụ, sản phẩm đẳng cấp thế giới và đây cũng là định hướng phát triển của Quảng Ninh.

Cho đến nay, đã có khá nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đến trình quy hoạch, dự án về du lịch, thương mại đẳng cấp quốc tế, với tổng số vốn trên 20.000 tỉ đồng và dự kiến sẽ khởi công vào năm tới”.

Ông Thành nhấn mạnh: “Giới đầu tư tinh túy đã sẵn sàng, chỉ chờ sự phê chuẩn của Quốc hội”.

Đánh giá về nhu cầu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trương Minh Hoàng khẳng định với Lao Động bên lề hành lang phiên họp Quốc hội lần thứ 4: “Tôi mới khảo sát hai đơn vị: Bắc Vân Phong (Khánh Hoà) và Vân Đồn (Quảng Ninh) cho thấy các địa phương rất quyết tâm. Ở Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) đã chủ động xin ý kiến nhân dân xem người dân quan tâm đến đặc khu như thế nào. Còn ở Vân Đồn, theo kết quả địa phương báo lại là kết quả biểu quyết bà con cử tri ủng hộ trên 98%. Điều này thể hiện ở hành động bà con cử tri đã giao hơn 300ha để giải phóng mặt bằng làm sân bay.

Infographic: VĂN THẮNG
Infographic: VĂN THẮNG

Cơ hội

Theo đánh giá của các chuyên gia việc hình thành các đơn vị HCKTĐB không chỉ thu hút đầu tư mà còn tạo ra công ăn việc làm cho lực lượng lớn người lao động.

Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định: “Dự kiến, đến năm 2020, Đặc khu Vân Đồn sẽ thu hút khoảng 90.000-98.000 lao động mới và thu hút từ 110.000-111.000 lao động mới vào năm 2030. Đặc khu Vân Đồn sẽ có nguồn thu đáng kể và phấn đấu đến năm 2030, GDP của Đặc khu sẽ vào khoảng 21.300USD/đầu người. Vấn đề này đã được các chuyên gia uy tín, các tổ chức tài chính tính toán kỹ”.

Trong khi đó, dự kiến giá trị doanh nghiệp tạo ra ở Phú Quốc và Bắc Vân Phong sẽ vào khoảng 30 tỉ USD tính đến năm 2020 và thu nhập bình quân của người lao động ở các HCKTĐB từ 4.500-5.000USD/năm, tức là gấp 3 bình quân GDP đầu người hiện nay.

Thách thức

Tuy có lợi thế và tiềm năng cực lớn nhưng dự án Luật về các đơn vị HCKTĐB còn nhiều điều phải bàn.

Đầu tiên là việc thay đổi về bộ máy hành chính khác hẳn với mô hình mang tính truyền thống hiện nay. Theo Dự thảo Luật (điều 40, 41), đơn vị HCKTĐB sẽ không có UBND, HĐND mà thay vào đó là trưởng đơn vị HCKTĐB “là người đứng đầu đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, quyết định và tổ chức thực hiện các chủ trương, biện pháp, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn theo quy định của Hiến pháp, luật này, pháp luật có liên quan và phân cấp, ủy quyền của chính quyền địa phương tỉnh và cơ quan nhà nước cấp trên; thực hiện quản lý, điều hành toàn bộ hoạt động hành chính của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt” và “do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, cách chức”.

Trưởng đặc khu có 116 thẩm quyền (ra quyết định của chính quyền theo quy định) trên 13 lĩnh vực như: Tài chính, ngân sách, đầu tư công, đầu tư kinh doanh, quy hoạch, xây dựng, đô thị, nhà ở và bất động sản, tài nguyên, môi trường, giao thông vận tải, công nghiệp...

Vấn đề tập trung quyền lực cũng dấy lên lo ngại, nói như ông Nguyễn Khắc Định - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH - thì đồng ý nhưng nếu “không có cơ chế giám sát quyền lực ngang cấp, tại chỗ mà thực hiện giám sát từ trên xuống sẽ không tránh khỏi hình thức, dễ dẫn tới tình trạng lạm quyền, mất dân chủ” hay như nhận định của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng, “bộ máy phải vô cùng gọn nhẹ; một người có thể được trao quyền rất lớn, nhưng cần kiểm soát để anh hành động vì lợi ích quốc gia chứ không lồng ghép cá nhân”.

Với riêng Quảng Ninh, thì lãnh đạo UBND tỉnh cho rằng: “Đặc khu trưởng sẽ do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, nhưng trên cơ sở tỉnh Quảng Ninh giới thiệu. Ngoài ra, Quảng Ninh đề xuất Đặc khu trưởng sẽ là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, kiêm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, để vừa kết nối về mặt chính trị, Đảng vừa kết nối về mặt chính quyền. Dù là phó chủ tịch UBND tỉnh, nhưng sẽ không chịu sự điều hành, chỉ đạo của chủ tịch UBND tỉnh”.

Vấn đề thứ hai là năng lực, trình độ quản lý vì nhiều ý kiến cho rằng năng lực của đội ngũ hiện chưa đủ trình độ để điều hành một đơn vị đặc biệt cho mô hình đặc khu”. Theo các chuyên gia kinh tế, để mô hình đơn vị HCKTĐB đúng là “đặc biệt” và thành công thì các cơ chế phải hết sức thông thoáng (trên cơ sở có kiểm soát) như cho người nước ngoài mua nhà, bất động sản nghỉ dưỡng, bỏ hết rào cản về thuế…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trương Minh Hoàng: “Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ giám sát Trưởng Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt”

ĐBQH Trương Minh Hoàng cho rằng: “Tôi mong muốn luật này ban hành để điều chỉnh cho 3 đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt: Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Theo tôi phải chọn một cơ chế quản lý khác với những đơn vị hành chính hiện nay và phải cụ thể.

Về vấn đề dư luận cho rằng khi được giao quyền quá lớn Trưởng Đơn vị HCKTĐB sẽ dẫn đến lạm quyền, ông Hoàng nói: “Đã gọi là đơn vị HCKTĐB thì chúng ta tính toán để cho đơn vị này cơ chế đặc biệt. Tôi ủng hộ phương án tính đến cơ chế trao quyền cho trưởng đặc khu. Chúng ta cũng không lo khi giao quyền cho trưởng đặc khu sẽ dẫn đến lạm quyền. Vì bên trên vẫn còn sự giám sát của HĐND tỉnh. Khi có luật dành riêng cho đơn vị HCKTĐB thì căn cứ vào đó để giám sát các hoạt động, thẩm quyền được giao trong đó thì không phải lo đến việc không kiểm soát được.

Về việc cho thuê đất lên đến 99 năm, tôi nghĩ rằng khi mình đã xác định xây dựng đặc khu - đơn vị HCKTĐB mà không cho các nhà đầu tư chiến lược vào, không cho họ thuê đất lâu dài thì họ không đầu tư. Tôi nghĩ việc này chúng ta nên mạnh dạn làm và có cơ chế kiểm soát.

Ngoài ra, với đơn vị HCKTĐB này, nên mở rộng và cho phép đầu tư một số loại hình nào có thể nới được mạnh dạn đưa vào luật này. Như Casino hay một số loại hình khác là một trong những yếu tố góp phần cạnh tranh với các hoạt động ở các đặc khu lân cận thì chúng ta nên nghiên cứu xem xét. Gọi là đơn vị HCKTĐB mà không khác gì với những nơi khác thì tôi nghĩ khó thu hút đầu tư. HẢI THÀNH (thực hiện)

Nhóm Phóng viên
TIN LIÊN QUAN

Bộ Tài chính nói gì về gói lãi suất 2% chậm giải ngân

Trà My |

Việc giải ngân gói 40.000 tỉ đồng hỗ trợ lãi suất 2% đến nay kết quả chưa được như kì vọng. Bộ Tài chính nói gì về đề xuất điều chuyển nguồn gói vay hỗ trợ lãi suất này sang chương trình cho vay giải ngân qua Ngân hàng Chính sách xã hội?

Giờ thứ 9: Giả điên - Phần 1

Nhóm PV |

Giờ thứ 9 - Dường như mối tình đầu luôn là mối tình đẹp nhất, để lại nhiều dư vị ngọt ngào nhất của tuổi trẻ. Nhưng mối tình đầu cũng luôn buồn nhất và nhiều chia ly nhất. Chắc hẳn, đó sẽ là mối tình không bao giờ quên được vì nó chính là những rung động đầu tiên đối với mỗi người. Và sẽ chẳng có ai tin rằng, có những người chia tay mối tình đầu sau vài chục năm xa cách, lại có thể quay trở về chung sống với nhau thật hạnh phúc.

Tài chính thông minh: Đầu tư gì với 30 triệu đồng tiết kiệm mỗi tháng?

Nhóm PV |

Trong số Tài chính thông minh (laodong.vn) lần này, Ths Ngô Thành Huấn - Giám đốc Khối tài chính cá nhân tại FIDT - sẽ giải đáp thắc mắc của độc giả về câu hỏi tiết kiệm từ 10 - 30 triệu đồng/tháng thì nên đầu tư vào đâu.

Tân huấn luyện viên tuyển Việt Nam và sứ mệnh kế thừa di sản của ông Park

AN NGUYÊN |

Sau khi chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo, VFF sẽ tiến hành công bố tân thuyền trưởng cho đội tuyển Việt Nam. Áp lực và sứ mệnh đặt lên vai người kế nhiệm ông Park rất lớn, vừa đảm bảo duy trì thành công, vừa hướng đến một hoài bão lớn đó là giấc mơ World Cup.

Người trẻ mang mùa xuân đến với người vô gia cư

THUỲ DƯƠNG - THIỆN NHÂN |

Đêm muộn cuối năm, trong cái lạnh tê tái của mùa đông khi đa số mọi người đang trở về quê ăn tết, sum vầy với gia đình thì các đoàn thiện nguyện cũng bắt đầu hành trình mang tết đến cho những cụ ông cụ bà vô gia cư.

Cảnh màn trời chiếu đất của tiểu thương vượt hàng trăm km lên TPHCM bán hoa

Chân Phúc |

Mang cây kiểng, hoa các loại từ mọi miền đất nước vào TPHCM để bán trong dịp Tết, khi màn đêm xuống, khách không còn, những tiểu thương phải nghỉ tạm trên những chiếc võng, lều dựng tạm, mong chờ sớm ngày bán hết hoa Tết để về quê sum họp cùng gia đình.

Thủ tướng phê chuẩn kết quả miễn nhiệm 3 Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai

PHẠM ĐÔNG |

Thủ tướng Chính phủ đã phê chuẩn kết quả miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2021 – 2026 đối với các ông: Hồ Phước Thành; Đỗ Tiến Đông; KPă Thuyên.

Chuyển hồ sơ sai phạm ở dự án của Mường Thanh Hà Nam cho Bộ Công an xử lý

Quang Việt |

Thanh tra Chính phủ chuyển Bộ Công an xem xét và xử lý dự án tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại Mường Thanh tại tỉnh Hà Nam do phát hiện có nhiều sai phạm liên quan chỉ định đầu tư, cho thuê đất, chuyển nhượng căn hộ...