Cuộc chiến ngầm truyền hình trả tiền

MINH BẰNG |

Thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần củ̀a AVG thất bại, VTVcab “tạo sóng” khi công bố hệ thống kênh mới ngay trước thềm cổ phần hóa (17.4) và K+ “rụt rè” tăng cước phí… chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, cho dù đã có lúc “miếng bánh truyền hình trả tiền” được hình dung là “dát vàng”.

Kỳ 1: Sự thật về cuộc đua giá cước 

Giá cước truyền hình trả tiền ở Việt Nam (PayTv) thuộc loại rẻ nhất Đông Nam Á. Tuy nhiên sẽ rất khó có chuyện “ngon, bổ mà rẻ” trong lĩnh vực truyền hình. Các nhà đài cạnh tranh, giành giật khách hàng bằng giá cước. Cuộc đua này, tưởng là vì khách hàng, nhưng thực tế chưa hẳn là như vậy bởi chất lượng dịch vụ đã bị đặt sang một bên.

Khốc liệt

Chưa có con số thống kê chính thức về số thuê bao truyền hình trả tiền năm 2017 nhưng năm 2015, Bộ TTTT công bố tại Việt Nam có khoảng 11 triệu thuê bao. Nấu căn cứ vào mức tăng trưởng khoảng 10% mỗi năm như công bố của các doanh nghiệp thì đến nay con số này dao động khoảng 14 triệu thuê bao - một mảnh đất được cho là màu mỡ - trong bối cảnh ở Việt Nam có trên 10 doanh nghiệp tham gia mảng này. Đứng đầu là SCTV, tiếp đến là VTVcab, AVG (chuyển lại từ MobiTV), VTC, HTVC, Hanoicab, VNPT, Viettel (NextTV), K+, FPT…

Theo nhiều chuyên gia lĩnh vực này, điều đáng nói là dù số lượng thuê bao vẫn tăng khá đều nhưng doanh thu lại chững, thậm chí thụt lùi. Con số chưa chính thức được tờ Infonet dẫn lại là tổng doanh thu của thị trường truyền hình trả tiền năm 2017 chưa đạt 8.000 tỉ trong khi năm 2016, số lượng thuê bao hơn 12 triệu nhưng doanh thu lên đến 12.000 tỉ đồng.

Lý giải cho câu chuyện ngược đời này, một lãnh đạo lĩnh vực truyền hình trả tiền đã dùng cụm từ “giữa muôn trùng vây” để nói về thực trạng truyền hình trả tiền. Đầu tiên là câu chuyện cạnh tranh lẫn nhau khi hàng loạt doanh nghiệp tung ra các gói khuyến mại quá thấp. Đỉnh điểm là năm 2015, thực tế người dùng chỉ cần phải trả 20.000 đồng đã có một tháng thuê bao.

Cuộc đua “giảm giá cước” tạo ra một trào lưu kéo khá dài. Nhìn bề nổi, có vẻ như người dùng sẽ được lợi (vì cước rẻ) nhưng thực tế không phải như vậy. Khuyến mại nhiều, cước rẻ, các nhà đài không còn nhiều tiền và cơ hội để đầu tư vào nội dung, tạo ra những chương trình mới hấp dẫn và đặc biệt là không còn cơ hội để mua bản quyền truyền hình chất lượng. Nghĩa là người dùng bị lạc giữa ma trận giá cước rẻ nhưng không ngờ rằng món ăn của mình thật sự chất lượng ngày càng thấp đi: Các kênh na ná nhau, chương trình cũ và không có những sự kiện có bản quyền.

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Thành Chung - Phó Cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) - cũng thừa nhận các nhà mạng kinh doanh ở lĩnh vực truyền hình hiện nay đang gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh. Nội dung các gói dịch vụ họ đưa ra quá giống nhau. Vì thế họ chỉ còn biết cạnh tranh vào giá cả hay việc chăm sóc khách hàng.

Hiện nay, giá cước của các nhà mạng ở Việt Nam thấp hơn so với thế giới khá nhiều. Trong khi đó, họ phải chịu mức phí bản quyền rất cao, đa phần là tiền bản quyền từ các sản phẩm của nước ngoài.

Cuộc đua về giảm giá cước, đã từng được ví như “cuộc đua” xuống… vực thẳm. Một số đài chấp nhận đầu tư nhưng thua lỗ, thậm chí đứng bên bờ phá sản, hoặc đổi chủ sở hữu.

Khó khăn đến cả với những “ông lớn” ngành truyền hình. Chẳng hạn như VTVcab - đơn vị chiếm khoảng 25% thị phần hiện nay (số liệu năm 2016, kém hơn so với SCTV khoảng 29% thị phần). Những con số về kinh doanh cho thấy, doanh thu hằng năm của VTVcab khá cao. Doanh thu của VTVcab giai đoạn 2014-2016 có tốc độ tăng trưởng thì ngược lại, lợi nhuận sau thuế Công ty giảm mạnh từ mức 126,5 tỉ năm 2014, 130,5 tỉ năm 2015 xuống còn hơn 76 tỉ đồng năm 2016 khiến tỉ suất lợi nhuận trên vốn chỉ còn 12%. Ngoài ra báo cáo tài chính trước thềm IPO của VTVcab cũng cho thấy đến cuối năm 2016, nợ phải trả của VTVcab vào khoảng 1.936 tỉ đồng, gấp 4 lần vốn chủ sở hữu, trong đó nợ ngắn hạn là 1.329 tỉ đồng, chiếm 68,6% tổng nợ phải trả. Áp lực chi trả ngắn hạn của VTVcab không hề nhỏ, buộc doanh nghiệp này phải có một kế hoạch tái cơ cấu tài chính quyết liệt hơn sau khi cổ phần hóa để giảm thiểu rủi ro.

Một trong những ông lớn khác là K+ cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Từ 2.4, K+ tăng cước phí với các thời hạn thuê bao 1, 3, 6 tháng một cách rất “dè dặt” ở mức 135.000 đồng/tháng (tăng 10.000 đồng/tháng). Lý do đưa ra là chi phí quản lý các thuê bao gia hạn với thời hạn ngắn phát sinh nhiều hơn so với các thuê bao dài hạn.

Thực tế K+ cũng như SCTV, VTVcab... đang đứng trước những bài toán quá nan giải về kinh tế.

Các nhà mạng đang chịu cuộc cạnh tranh khốc liệt. Ảnh: P.V
Các nhà mạng đang chịu cuộc cạnh tranh khốc liệt. Ảnh: P.V

Giữa muôn trùng vây

Theo đánh giá, kinh doanh truyền hình trả tiền dù vẫn còn dư địa tiềm năng (bất chấp lượng thuê bao và lãi có xu hướng đi ngang hoặc giảm) nhưng đang phải chịu quá nhiều áp lực.

Áp lực đầu tiên có thể kể đến chính là việc các công ty trung gian nắm đầu mối bản quyền và rất bị động, phụ thuộc vào những nhà phân phối.

Chẳng hạn trong câu chuyện VTVcab cắt hàng loạt kênh quen thuộc của khán giả như: HBO, CineMAX, RED, Cartoon Network, Disney Channel, CNN, BBC News…vừa qua thì ngoài yếu tố thay đổi chiến lược kinh doanh thì còn có câu chuyện là hợp đồng với nhà phân phối hết hạn, hai bên không thể tìm được tiếng nói chung. Điều đáng nói là nhà phân phối này lại đang giữ quyền của 23 kênh truyền hình nước ngoài vốn được khán giả VTVCab ưa thích như HBO, CineMAX, RED, AXN, WarnerTV, Fox Sports, Fox Sports 2, Cartoon Network, Disney Channel, CNN, BBC News… để phân phối cho hầu hết các đơn vị truyền hình trả tiền ở Việt Nam. Như vậy một đơn vị phân phối nắm giữ tới hơn 20 kênh, chi phối các đài, có thể đẩy giá lên cao dẫn đến độc quyền.

Cuộc “giằng co” giữa VTVcab với nhà phân phối kéo dài trong 3 tháng và cuối cùng là cuộc chia tay. Tất nhiên VTVcab buộc phải tìm những đối tác khác, với những kênh mới “dậy sóng” như đã biết. Yếu tố tích cực ở đây chính VTVcab đã chấp nhận cuộc chơi khắc nghiệt: Có thể mất một số lượng khán giả nhưng họ có quyền tự chủ trong việc định hướng phát triển mà không phải phụ thuộc vào một công ty trung gian chuyên phân phối.

Thứ hai là vấn đề giá bản quyền các chương trình truyền hình ngày càng cao. 4 năm trước, trước thềm World Cup 2014, theo nhiều nguồn tin, VTV đã phải chấp nhận xuống tay số tiền kỷ lục là 7 triệu USD. Năm nay, dù chỉ còn 2 tháng nữa là World Cup 2018 khởi tranh nhưng hầu hết chưa một đối tác nào lên tiếng về việc có được bản quyền World Cup. Các đài nhìn nhau thăm dò và theo giới trong nghề, đây là một cuộc “thi gan” với đối tác rao bán bản quyền World Cup và kết quả chỉ xuất hiện trước giờ G.

Và cuối cùng không thể không nói tới những cuộc chiến giữa các nhà đài với những cuộc cạnh tranh có bề ngầm, bề nổi. Thậm chí, nhiều nhà đài không ngại dùng “thủ đoạn” để lôi kéo khách hàng. Ví dụ đơn giản nhất, trong khi VTVcab đang khiến khách hàng tức giận thì một đối thủ cạnh tranh không ngần ngại vào hẳn fanpage của VTVcab để quảng cáo thu hút khách hàng…

Thế nhưng đối với các đơn vị truyền hình trả tiền hiện nay, đối thủ lớn nhất đối với họ lại đang ở phía trước khi thói quen người dùng đang có dấu hiệu chuyển đổi mạnh. Lượng người xem trực tiếp qua TV, qua màn hình vi tính đã giảm rất sâu và chuyển qua hình thức xem khác cơ động và thuận tiện hơn. Trước tình hình này, các nhà đài sẽ phải làm gì?

Đón xem kỳ 2: Cuộc chiến ngầm truyền hình trả tiền:

Cổ phần hóa và̀ vũ khí mang tên OTT

MINH BẰNG
TIN LIÊN QUAN

Lãnh đạo VTVcab xin lỗi về việc thay đổi hàng loạt kênh quốc tế

Đào Bích |

Ông Bùi Huy Năm, Tổng Giám đốc VTVcab gửi lời xin lỗi khách hàng, đồng thời lý giải việc thay đổi một số kênh truyền hình nước ngoài là kế hoạch nằm trong chiến lược kinh doanh cung cấp dịch vụ trên đa màn hình của VTVcab.

VTVCab: Nếu không vừa lòng, khách hàng có thể lựa chọn đối tác khác

Đào Bích |

Liên quan đến những lùm xùm về sự biến mất của một loạt các kênh trên VTVCab, mới đây, trao đổi với PV Lao Động, một lãnh đạo của VTVCab cho rằng, việc thay đổi nhằm mang lại sự lựa chọn cho khách hàng.

Hàng triệu thuê bao và cú sốc mang tên truyền hình cáp

Anh Đào |

Đưa ra mĩ miều “hàng loạt kênh truyền hình mới”, nhưng thực tế VTVcab đang che giấu một thực tế là hàng loạt các kênh truyền hình hot như HBO, Cinemax, Discovery, Fox Sports, Cartoon Network... lẳng lặng biến mất không một lời giải thích.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Ông Park Hang-seo dặn dò cầu thủ tuyển Việt Nam trong ngày chia tay

AN NGUYÊN |

Kết thúc AFF Cup 2022, huấn luyện viên Park Hang-seo đã nói lời cuối cùng trên cương vị huấn luyện viên trưởng và bày tỏ tình cảm của mình với các cầu thủ tuyển Việt Nam.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Lãnh đạo VTVcab xin lỗi về việc thay đổi hàng loạt kênh quốc tế

Đào Bích |

Ông Bùi Huy Năm, Tổng Giám đốc VTVcab gửi lời xin lỗi khách hàng, đồng thời lý giải việc thay đổi một số kênh truyền hình nước ngoài là kế hoạch nằm trong chiến lược kinh doanh cung cấp dịch vụ trên đa màn hình của VTVcab.

VTVCab: Nếu không vừa lòng, khách hàng có thể lựa chọn đối tác khác

Đào Bích |

Liên quan đến những lùm xùm về sự biến mất của một loạt các kênh trên VTVCab, mới đây, trao đổi với PV Lao Động, một lãnh đạo của VTVCab cho rằng, việc thay đổi nhằm mang lại sự lựa chọn cho khách hàng.

Hàng triệu thuê bao và cú sốc mang tên truyền hình cáp

Anh Đào |

Đưa ra mĩ miều “hàng loạt kênh truyền hình mới”, nhưng thực tế VTVcab đang che giấu một thực tế là hàng loạt các kênh truyền hình hot như HBO, Cinemax, Discovery, Fox Sports, Cartoon Network... lẳng lặng biến mất không một lời giải thích.