Năm 2019, là năm Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn có hiệu lực thi thành; theo đó vào ngày 8-3-2019, Chính phủ ban hành Nghị định 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản. Đây được xem cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng, phát triển lực lượng Kiểm ngư.
Chức năng của lực lượng Kiểm ngư:
Theo Điều 87, Chương VI Luật Thủy sản 2017 có nêu rõ: Kiểm ngư là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, thực hiện chức năng thực thi pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Tổ chức của lực lượng Kiểm ngư:
Theo Luật Thủy sản 2017 Tổ chức Kiểm ngư bao gồm: Kiểm ngư trung ương; Kiểm ngư tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển được tổ chức trên cơ sở yêu cầu bảo vệ nguồn lợi thủy sản và nguồn lực của địa phương. Cụ thể hơn tại điều Điều 62, Chương 6, Nghị định 26/2019/NĐ-CP:
1. Kiểm ngư trung ương được tổ chức như sau:
a) Cục Kiểm ngư là cơ quan thuộc Tổng cục Thủy sản trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Cục Kiểm ngư có các phòng chuyên môn, các Chi cục Kiểm ngư Vùng và Trung tâm phục vụ hoạt động Kiểm ngư;
b) Chi cục Kiểm ngư Vùng có các phòng chuyên môn, đội tàu Kiểm ngư và Trạm Kiểm ngư;
c) Cục Kiểm ngư và các Chi cục Kiểm ngư Vùng có tư cách pháp nhân, có trụ sở, con dấu riêng và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước;
d) Trạm Kiểm ngư thuộc Chi cục Kiểm ngư Vùng có con dấu riêng để giao dịch hành chính và thực hiện nhiệm vụ xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền.
2. Kiểm ngư tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển là tổ chức hành chính thuộc cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh, do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập.
Kinh phí hoạt động của Lực lượng Kiểm ngư

Nguồn kinh phí bảo đảm hoạt động kiểm ngư được quy định tại Mục 1, Điều 94, Chương VI Luật Thủy sản 2017: Kinh phí đầu tư và kinh phí hoạt động của Kiểm ngư được bố trí từ ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành và các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật. Chi tiết hơn theo Điều 64, Chương 6 Nghị định 26/2019/NĐ-CP:
1. Nguồn ngân sách nhà nước bảo đảm cho hoạt động kiểm ngư theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành:
a) Ngân sách trung ương bảo đảm kinh phí cho hoạt động của Kiểm ngư trung ương, gồm: Vốn đầu tư phát triển; chi thường xuyên;
b) Ngân sách địa phương bảo đảm kinh phí cho hoạt động của Kiểm ngư tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển, gồm: Vốn đầu tư phát triển; chi thường xuyên;
c) Hàng năm, căn cứ khả năng cân đối của ngân sách và số tiền thu xử phạt hành chính của năm trước năm hiện hành, cơ quan kiểm ngư lập dự toán kinh phí hoạt động của năm kế hoạch, gửi cơ quan tài chính cùng cấp để trình cấp có thẩm quyền theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn, trong đó kinh phí thu được từ xử phạt vi phạm hành chính để phục vụ cho chi thường xuyên hoạt động kiểm ngư.
2. Các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.
Năm 2019 được coi là năm bản lề của Kiểm ngư, trải qua hơn 5 năm xây dựng, hình thành và phát triển Lực lượng Kiểm ngư đang dần kiện toàn lực lượng, phát triển Chi cục Kiểm ngư các vùng, đào tạo nhân lực đội ngũ công chức thuyền viên tàu Kiểm ngư cũng như viên chức và người lao động được tuyển dụng bổ sung về số lượng, chất lượng. Đồng thời Kiểm ngư Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Tổng cục, Bộ tư lệnh: Hải quân, Biên phòng, Cảnh sát biển, Cục Cứu hộ Cứu nạn, Cục Cảnh sát giao thông và Tổng cục Phòng chống thiên tai để thực thi pháp luật thủy sản, hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển.
Kiểm ngư Việt Nam là lực lượng chuyên trách thuộc Tổng cục Thủy sản, trực thuộc Bộ NN&PTNT, được thành lập ngày 25.1.2013 theo Nghị định số 102/2012/NĐ-CP của Chính phủ Việt Nam ban hành ngày 29.11.2012. Lực lượng này thực hiện chức năng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và thanh tra chuyên ngành thủy sản trên các vùng biển Việt Nam. Bên cạnh đó, Kiểm ngư sẽ bảo vệ ngư dân và chủ quyền quốc gia trên biển. Tuy là lực lượng dân sự nhưng Kiểm ngư có thể phối hợp với Hải quân, Biên phòng và Cảnh sát biển.