Cơ chế đặc thù cho TPHCM sớm thành đô thị thông minh

MINH QUÂN - HUYỀN TRÂN |

Chiều 26.11, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân chủ trì hội nghị công bố đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025” với mục tiêu đảm bảo kinh tế thành phố phát triển bền vững; nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc; giải quyết các vấn đề bức xúc của thành phố (ngập nước, kẹt xe, quá tải bệnh viện, an toàn thực phẩm)…

TPHCM vốn là đầu tàu kinh tế, trung tâm tăng trưởng của cả nước. Để sớm biến TPHCM trở thành đô thị thông minh ngang tầm khu vực, mới đây Quốc hội đã thông qua nghị quyết một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

Người dân được hưởng nhiều lợi ích

Đề án Xây dựng đô thị thông minh của TPHCM xác định 4 mục tiêu tổng quát chính: Đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững, hướng đến kinh tế tri thức, kinh tế số; Quản trị đô thị hiệu quả trên cơ sở dự báo; Nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc; Tăng cường sự tham gia quản lý của người dân, tổ chức. Có thể nói nôm na, để xây dựng đô thị thông minh, TPHCM ứng dụng triệt để công nghệ thông tin không chỉ với bộ máy hành chính để nâng cao công tác quản lý, điều hành, mà còn đối với tất cả mọi lĩnh vực đời sống, xã hội liên quan trực tiếp người dân, doanh nghiệp. Các tiện ích tạo ra sẽ giúp người dân, doanh nghiệp thuận lợi hơn trong cuộc sống, tương tác với cơ quan nhà nước...

Khi TPHCM trở thành đô thị thông minh thì người dân sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ các lĩnh vực trong cuộc sống. Chẳng hạn khi hoàn chỉnh đô thị thông minh, người dân chỉ cần với thiết bị điện tử cầm tay (điện thoại, iPad..) là có thể dễ dàng lựa chọn dịch vụ y tế, giáo dục, vui chơi giải trí, biết được khu vực nào kẹt xe, ngập nước để chủ động về mặt thời gian, có lựa chọn hướng đi phù hợp. Người dân cũng có thể sử dụng vé điện tử liên thông hệ thống giao thông công cộng; kiểm soát truy xuất nguồn gốc thực phẩm…

Tương tự, với việc khám-chữa bệnh ở các bệnh viện công sẽ được đăng ký giờ khám, dịch vụ, lựa chọn bác sĩ qua mạng, thay vì phải đến xếp hàng mất nhiều thời gian như hiện nay. Với hồ sơ bệnh án điện tử, bệnh nhân chỉ cần cầm một cái thẻ có mã vạch và khi kiểm tra mã vạch thì bác sĩ có thể biết được thông tin bệnh án của bệnh nhân…

Còn với các lĩnh vực giải quyết thủ tục hành chính, xin giấy phép xây dựng, đăng ký kinh doanh…việc liên thông điện tử trong đô thị thông minh sẽ giúp người dân, doanh nghiệp có thể ở nhà nộp hồ sơ, thanh toán chi phí thủ tục qua mạng, rồi nhận kết quả thông qua bưu điện. Mỗi một sở ngành là đầu mối tiếp nhận dịch vụ công nào thì phải chủ động liên thông với các sở ngành, đơn vị khác có liên quan để giải quyết, đồng thời trả kết quả cuối cùng, không để người dân, doanh nghiệp phải lo vác hồ sơ chạy lòng vòng...

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết, sau hơn 1 năm chuẩn bị, đến nay đề án chính thức thực hiện, đầu tiên sẽ thí điểm tại quận 1 và quận 12. Đề án hướng tới việc đảm bảo môi trường sống thoải mái, tích cực, lành mạnh và an toàn cho người dân.

Cảnh kẹt xe tại TP.Hồ Chí Minh. Điều này cần phải giải quyết cấp bách khi muốn trở thành TP thông minh.Ảnh: T.L
Cảnh kẹt xe tại TP.Hồ Chí Minh. Điều này cần phải giải quyết cấp bách khi muốn trở thành TP thông minh.Ảnh: T.L

Cơ chế đặc thù sẽ thúc đẩy nhanh việc xây dựng thành phố thông minh

Để trở thành đô thị thông minh, TPHCM còn rất nhiều việc phải làm, trong đó đặc biệt là việc đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, giao thông, y tế, hệ thống cảnh báo và giám sát chống ngập… Và, để đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng này đòi hỏi TPHCM phải có một nguồn lực kinh tế rất lớn cũng như có đầy đủ các cơ chế, chính sách nhằm thu hút các nhà đầu tư tham gia.

Với những thế mạnh, tiềm lực có sẵn lâu nay của TPHCM cùng với một số cơ chế, chính sách đặc thù cho TPHCM vừa được Quốc hội thông qua, thì có lẽ việc xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh không còn là “nhiệm vụ bất khả thi” và không còn quá xa vời.

Chẳng hạn, với cơ chế đặc thù cho TPHCM được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu từ việc điều chỉnh chính sách thuế, phí, lệ phí; được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn với tài sản trên đất… thì sắp tới sẽ giúp thành phố chủ động trong nguồn lực kinh phí để đầu tư cơ sở hạ tầng phục vục cho việc xây dựng thành phố thông minh…

Trao đổi với PV Lao Động về vấn đề này, ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND TPHCM, Phó Trưởng ban Đề án thành phố thông minh - cho biết, Nghị quyết cơ chế đặc thù cho TPHCM vừa được Quốc hội thông qua sẽ giúp cho TPHCM có nhiều cơ hội chủ động hơn để đầu tư tài chính và chủ động trong việc mời gọi doanh nghiệp tham gia vào xây dựng đề án thành phố thông minh.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TPHCM - trong dài hạn, TPHCM phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào đổi mới sáng tạo, trong đó thành phố đặt mục tiêu nằm trong nhóm 10 thành phố toàn cầu (hay thành phố đẳng cấp thế giới).

Để thực hiện điều này, trước mắt thành phố phải trở thành đô thị thông minh. Nếu Nghị quyết về cơ chế, chính sách thí điểm phát triển TPHCM được xem như động lực trực tiếp thì việc xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh được xem như một đòn bẩy để thành phố tăng trưởng vượt bậc.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, từ khi chưa có cơ chế, chính sách đặc thù thì thành phố đã chủ động xây dựng đô thị thông minh, tuy nhiên hiện nay đã có cơ chế đặc thù rồi thì phải chủ động hơn và năng động hơn.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu trong năm 2018 phải triển khai 5 công cụ dùng chung gồm xây dựng trung tâm dữ liệu tích hợp, trung tâm mô phỏng dự báo; trung tâm về an toàn mạng và điều hành; quy hoạch hạ tầng chung… Đồng thời triển khai một số nhánh như giao thông thông minh, giáo dục thông minh, y tế thông minh, giám sát môi trường thông minh...

* Theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, về nguyên tắc của đô thị thông minh là phải có tính dự báo; tạo điều kiện cho con người sống ở hai không gian (không gian thực và không gian trên mạng); phải giúp cho mỗi người dân, mỗi cơ quan tổ chức là một chủ thể sáng tạo và góp ý sáng kiến cho thành phố; có đô thị thông minh thì hoạt động của chính quyền phải được giám sát có hiệu quả. Đô thị thông minh thì phải có giải pháp dùng chung cấp thành phố và mỗi cấp, mỗi ngành có giải pháp riêng. Theo đó, thành phố phải có cơ sở tích hợp dữ liệu dùng chung và dữ liệu này phải có tài khoản, vì tài nguyên thông tin là nguồn lực quốc gia không để người khác lấy đi; xây dựng trung tâm dự báo cấp thành phố nhằm dự báo chung về tăng trưởng kinh tế, dân số, lao động, môi trường…; xây dựng trung tâm điều hành cấp thành phố ở một số lĩnh vực; phải có hạ tầng mạng dùng chung; phải có công cụ đặc thù gắn với không gian mạng, công cụ để xử lý tinh vi gắn với điện toán đám mây, mô phỏng.

* Đề án đô thị thông minh hướng đến bốn chủ thể chính của đô thị gồm: Chính quyền, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội. Đối với chính quyền, thành phố thông minh sẽ đáp ứng nhu cầu dự báo phát triển chính xác hơn, và thông qua xây dựng chính quyền điện tử, kết nối chia sẻ thông tin dữ liệu nhằm gia tăng hiệu quả điều hành trên các lĩnh vực. Người dân sẽ được cung cấp các tiện ích hỗ trợ để ra quyết định tối ưu. Việc tương tác giữa người dân với chính quyền sẽ dễ dàng; đồng thời, tham gia giám sát, quản lý và xây dựng thành phố. Doanh nghiệp sẽ có môi trường minh bạch, đơn giản, thuận tiện hoạt động và được cung cấp nhiều thông tin để có quyết định kinh doanh chính xác. Còn đối với các tổ chức xã hội, đô thị thông minh tạo ra kết nối phản hồi thông tin để họ tham gia một cách hiệu quả vào quá trình cung cấp các dịch vụ cho đô thị.

MINH QUÂN - HUYỀN TRÂN
TIN LIÊN QUAN

Người dân lỉnh kỉnh đồ đạc rời Thủ đô về quê ăn Tết

PHẠM ĐÔNG - HỮU CHÁNH |

28 Tết, tại các bến xe lớn Hà Nội như Mỹ Đình, Nước Ngầm, Giáp Bát... bắt đầu nhộn nhịp, người dân khăn gói đồ đạc về quê nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Đầu tư chứng khoán dài hạn có hiệu quả hơn gửi tiết kiệm?

LÂM ANH |

VN-Index kết năm 2022 giảm gần 33% dẫn đến tỉ suất sinh lời của các nhà đầu tư trên kênh này bị kéo tụt đáng kể. Trong khi đó, cuộc đua tăng lãi suất tiền gửi đang ngày một nóng lên khiến kênh đầu tư chứng khoán đang ngày càng lép vế hơn trong cuộc đua hút dòng tiền.

Người dân lỉnh kỉnh hành lý về quê ăn Tết, có chặng xe về miền Tây hết vé

Chân Phúc |

Lượng khách tăng đột biến tại Bến xe Miền Tây (quận Bình Tân) trong sáng ngày 19.1. Một số chặng từ TPHCM đi các tỉnh miền Tây đã rơi vào tình trạng hết vé.

Interactive: Bạn có hiểu đúng về cách bày mâm ngũ quả 3 miền?

Nhóm PV |

Bày mâm ngũ quả ngày Tết là nét văn hóa lâu đời của người Việt Nam. Tùy theo vùng miền, mâm ngũ quả lại được bài trí với nhiều loại quả khác nhau. Vậy mâm ngũ quả mỗi miền gồm những quả gì và ý nghĩa của nó là gì, cách chưng ra sao? Tham gia chương trình truyền hình tương tác của Báo Lao Động bằng cách theo dõi câu hỏi, bấm vào phương án trả lời mà bạn cho là đúng ngay trên màn hình video tương tác dưới đây.

Người lao động Việt Nam ở nước ngoài: Luôn khắc khoải nỗi nhớ Tết quê nhà

Vương Trần |

Tết Nguyên đán Quý Mão đến nhưng ở nơi xa xứ, nhiều lao động Việt Nam vẫn đang ngược xuôi, mưu sinh với công việc. Xa quê, nơi xứ người, nhiều lao động không khỏi bồi hồi, nhớ hương vị Tết quê.

Những người lính canh giữ mùa xuân biển cả

Tạ Quang |

Kiên Giang - Trong những ngày Tết, khi người dân được vui vầy sum họp bên gia đình thì những cán bộ, chiến sĩ, tàu cảnh sát biển 9003, Hải đội 401-Bộ tư lệnh Vùng cảnh sát biển 4, lại lên đường làm nhiệm vụ trực Tết trên biển, vì nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc.

Người Việt chi hàng trăm triệu đồng nuôi mèo quý tộc

ANH HUY |

Mặc dù có giá lên tới hàng trăm triệu đồng song những con mèo quý tộc có nguồn gốc từ Châu Âu vẫn được giới sành chơi Việt săn đón, đặc biệt là trong năm Quý Mão 2023.

Những sự kiện thể thao trong nước và quốc tế nổi bật trong năm 2023

TAM NGUYÊN |

Thể thao Việt Nam và thế giới sẽ tiếp tục có một năm sôi động với nhiều sự kiện đáng chú ý…