Cầu Bến Thủy - Ký ức về kỳ tích nối đôi bờ xứ Nghệ

Quang Đại |

Ngày 19.5.1990, kỷ niệm 100 năm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên quê hương của Người diễn ra sự kiện quan trọng - niềm vui chung của nhân dân Nghệ An, Hà Tĩnh - là lễ khánh thành cầu Bến Thủy nối đôi bờ sông Lam.

Khát vọng nối đôi bờ Bến Thủy

Hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh cùng thuộc vùng văn hóa xứ Nghệ, nhưng bị ngăn cách bởi dòng sông Lam mênh mông. Đoạn sông Lam chảy qua khu vực Bến Thủy, nằm trên tuyến quốc lộ 1A rộng khoảng 650m. Nơi đây, mùa hè nước trong xanh ngăn ngắt, mùa mưa lũ nước đục ngầu cuộn chảy. Người dân hai tỉnh lưu thông bằng thuyền bè, đò ngang.

Trong chiến tranh, nơi đây là trọng điểm đánh phá ác liệt của Không quân, Hải quân Mỹ cũng như tạo nên kỳ tích anh hùng của quân và dân ta đã không quản gian khổ, hy sinh, bom đạn; quyết không để tuyến vận chuyển quân đội, hàng hóa, đạn dược vào miền Nam bị gián đoạn.

Sau khi chiến tranh kết thúc, do điều kiện kinh tế, kỹ thuật còn hạn chế, các phương tiện giao thông qua Bến Thủy bằng phà hoặc cầu phao. Có 3 bến phà được bố trí, ngày đêm chở người, phương tiện nối liền huyết mạch giao thông hai tỉnh và hai miền Nam Bắc. Tuy nhiên, việc lưu thông bằng cầu phao và phà còn nhiều hạn chế, đặc biệt vào mùa mưa lũ hoặc khi cầu phao gặp trục trặc, gây ách tắc giao thông nghiêm trọng.

Ký ức của người dân Nghệ An – Hà Tĩnh còn ghi dấu hình ảnh những đoàn xe nằm chờ phà dài hàng chục cây số, lái xe nằm vạ vật hằng tuần. Đây cũng là “cơ hội vàng” cho người dân, họ bán các đồ ăn, thức uống cho cánh lái xe và hành khách như kẹo lạc, bánh chưng, mì tôm, thuốc lá… và các sản vật địa phương, kiếm được một khoản thu nhập.

Do nhu cầu bức bách cần có cây cầu vĩnh cửu, mặt cầu rộng cho hai làn xe qua sông Lam, nhà nước quyết định đầu tư xây dựng cầu Bến Thủy (còn gọi là cầu Bến Thủy I do sau này có thêm một cây cầu Bến Thủy II song song với cầu cũ). Cầu Bến Thủy sẽ có ý nghĩa to lớn đối với giao thông vận tải trên toàn tuyến quốc lộ 1A, đặc biệt có ý nghĩa thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh cũng như các địa phương Khu IV.

Đây được xem là một nhiệm vụ rất khó khăn. Do quy mô xây dựng lớn, việc thi công cầu Bến Thủy được giao cho 3 đơn vị thực hiện: Tổng Công ty Thăng Long (Hà Nội) và Công ty Cầu Cảng 473, Xí nghiệp 479, đều thuộc Liên hiệp Các xí nghiệp Giao thông 4.

Ông Nguyễn Đức Văn – Chủ tịch Công đoàn Công ty CP 473 - nhớ lại: Tháng 3.1986, Công ty Cầu-cảng 473 (tên gọi Công ty Cổ phần 473 lúc bấy giờ) được giao nhiệm vụ thi công cầu Bến Thủy I - cây cầu đầu tiên bắc qua sông Lam. Lúc này, việc xây dựng cầu Bến Thủy gặp rất nhiều khó khăn. Nền kinh tế đất nước sau chiến tranh 10 năm vẫn trong tình trạng bao cấp, nguồn lương thực, thực phẩm khan hiếm, đời sống của người công nhân eo hẹp; vật tư, trang thiết bị vừa thiếu vừa cũ kỹ, trong khi điều kiện địa hình, địa chất phức tạp, mà nhiệm vụ được giao với khối lượng lớn: Thi công từ trụ số 8 đến trụ số 12, mố cầu phía nam và lắp dầm thép 53m, dầm BTDUL 33m áp dụng kỹ thuật lao dầm bằng cẩu nổi CN-100 có sức nâng 100 tấn.

Cầu Bến Thủy I - kỳ tích của ngành cầu đường Việt Nam. Ảnh: Minh Lý
Cầu Bến Thủy I - kỳ tích của ngành cầu đường Việt Nam. Ảnh: Minh Lý

Tài trí người thợ

Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, lãnh đạo Công ty Cầu - Cảng 473 quyết tâm huy động tối đa nhân lực, phương tiện, bố trí kế hoạch bài bản, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ đúng tiến độ đề ra. Ông Cao Đức Phát – nguyên Phó Giám đốc Công ty, tại thời điểm 1986 là Trưởng Phòng Kế hoạch - cho biết: Lúc đó phương tiện thiếu, công ty chỉ có cần cẩu 25 tấn, phải đi mượn xà lan 400 tấn, thuê búa đóng cọc. Công ty lúc đó có khoảng 500 cán bộ công nhân, được huy động tối đa, nếu thiếu lao động thì huy động thêm người địa phương.

"Cầu dài, lớn, sông sâu, yêu cầu thi công gấp gáp do tính chất trọng điểm, trong khi điều kiện thi công vô cùng khó khăn, phương tiện, kỹ thuật thiếu thốn, tất cả dựa vào sức người và mưu trí. Anh em chúng tôi mấy trăm con người ăn ngủ tại công trường" - ông Nguyễn Hữu Hàn - Phó Giám đốc phụ trách chỉ huy thi công cầu Bến Thủy - nhớ lại.

“Công trường lúc đó vô cùng nhộn nhịp, không khí lao động khẩn trương, xung quanh ngổn ngang sắt, thép, xi-măng, đá, cát… nhưng tuyệt đối không ai tơ hào của nhà nước. Nghỉ giữa ca, anh em có mì tôm, nước nôi đầy đủ” - ông Nguyễn Hữu Hàn kể.

Lúc đó, toàn bộ sắt thép đều được nhập khẩu từ Liên Xô, đá, sỏi, cát thì lấy từ các địa phương lân cận, nguồn dồi dào và chất lượng tốt, xi-măng thì dùng hãng Chinfon (Hải Phòng) lúc bấy giờ, bêtông trộn bằng máy.

Do yêu cầu tiến độ, các đơn vị thi công nhiều thời điểm làm việc thông tầm, không kể ngày đêm hay thời tiết khắc nghiệt. Mùa hè, xứ Nghệ nóng như chảo lửa, mùa đông rét cắt da thịt, mưa lũ nước dòng Lam cuồn cuộn đục ngầu… tất cả đều không ngăn cản được nhịp điệp thi công đều đặn, khẩn trương.

Thời điểm đó, do kỹ thuật thi công còn lạc hậu, nên khâu khó khăn nhất là xây trụ cầu giữa lòng sông. Sau khi định vị, vị trí thi công được rào lại bằng hàng rào thép, hút sạch nước, đóng cọc chống lún, làm cốt thép rồi mới đổ bêtông mác P300, máy trộn đặt trên sà lan 500 tấn. Các trụ cầu được đổ xong, nhìn những cột bêtông cốt thép sừng sững mọc lên giữa dòng sông cuộn chảy, từ lãnh đạo đến công nhân ai cũng thở phào vì việc khó khăn nhất đã hoàn thành.

Bến Thủy là cây cầu lớn thứ hai cả nước, sau cầu Thăng Long được xây dựng sau ngày đất nước hòa bình. Sau 5 năm thi công với biết bao hy sinh, gian khổ, năm 1990, công trình cầu Bến Thủy hợp long, hoàn tất, sẵn sàng đón những chuyến xe đầu tiên nối liền huyết mạch giao thông quốc lộ 1A.

Quá trình thi công, các đơn vị nhận được sự quan tâm thường xuyên của lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, tỉnh Nghệ Tĩnh. Khi khởi công, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Phan Trọng Tuệ có mặt. Đến thời điểm thông xe, Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo về dự lễ cắt băng khánh thành, gắn biển cầu Bến Thủy.

Đúng ngày 19.5.1990, kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, lễ khánh thành, thông xe cầu Bến Thủy đã trở thành ngày hội lớn của ngành Giao thông Vận tải và nhân dân Nghệ Tĩnh. Cờ hoa rợp hai bờ sông Lam. Bao người vui mừng vì thoát cảnh chen chúc, chờ đợi qua phà, cầu phao, chấm dứt cảnh từng đoàn xe rồng rắn kẹt cứng hai bên bờ sông ngày mưa lũ.

Kết thúc công trình cầu Bến Thủy I, Công ty Cầu - Cảng 473 được Công đoàn ngành Giao thông Vận tải tặng cờ Thi đua, Đội Cầu 1 nhận cờ Thi đua của Liên hiệp Các xí nghiệp Xây dựng Giao thông 4, cá nhân ông Võ Quang Sinh – Tổ trưởng Tổ lao dầm đội cầu 1 - được công nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua” và được tặng thưởng Huân chương Lao Động hạng Nhì.

“Hoàn thành công trình cầu Bến Thủy I,  Công ty 473 không chỉ có được thành tích cụ thể cùng với những phần thưởng cao quý, quan trọng hơn là đã thu hoạch được một “vụ mùa" phát huy truyền thống, phát huy năng lực thi công từ những kinh nghiệm, những bài học vô giá của cả chặng đường gần 20 năm đầy sóng gió, mà mỗi công trình trong hàng chục công trình lớn nhỏ tích lũy thêm được” – ông Nguyễn Xuân Hải - Giám đốc Công ty 473 - chia sẻ.

Quang Đại
TIN LIÊN QUAN

Cây cầu gãy "đẹp như trong tranh" thu hút giới trẻ đến chụp hình

ĐÌNH TRỌNG |

Cây cầu bắc qua dòng Sông Bé (huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) được xây dựng đến nay gần 100 năm. Gãy 2 nhịp ở giữa, không còn sử dụng, cây cầu cổ này vẫn được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh, hiện đang thu hút giới trẻ đến thăm quan chụp hình.

Dự án BOT cầu Bến Thủy: Dân phản đối, chủ đầu tư kêu khó

Lâm Anh |

Hàng trăm người dân huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã dàn ôtô kèm theo băng rôn tập trung ở đầu cầu Bến Thủy 1 phía Hà Tĩnh để phản đối vì cho rằng mình không sử dụng đường BOT tuyến nam cầu Bến Thủy mà vẫn mất phí khi qua cầu trong khi đó chủ đầu tư cho rằng vị trí trạm là do Bộ GTVT chọn.

Trạm BOT cầu Bến Thủy: Có thể giảm phí nhưng khó di dời

Khánh Hoà |

Cả lãnh đạo Bộ GTVT và đại diện chủ đầu tư hai trạm thu phí cầu Bến Thuỷ đều nhận định việc di dời hai trạm này là rất khó. Tuy nhiên, việc giảm phí hỗ trợ người dân đang được xem xét.

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Vì sao gốc đào Nhật Tân được chào bán với giá 200 triệu đồng?

Quỳnh Trang |

Sáng 17.1, dọc đại lộ Lê-Nin, thành phố Vinh (Nghệ An) tấp nập cảnh mua - bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, thu hút nhiều người xem nhất là gian trưng bày gốc đào Nhật Tân của anh Đặng Văn Cường (36 tuổi, trú TP Vinh) bởi nơi đây trưng bày gốc cổ thụ độc đáo với thế "rồng bay".

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Cây cầu gãy "đẹp như trong tranh" thu hút giới trẻ đến chụp hình

ĐÌNH TRỌNG |

Cây cầu bắc qua dòng Sông Bé (huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) được xây dựng đến nay gần 100 năm. Gãy 2 nhịp ở giữa, không còn sử dụng, cây cầu cổ này vẫn được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh, hiện đang thu hút giới trẻ đến thăm quan chụp hình.

Dự án BOT cầu Bến Thủy: Dân phản đối, chủ đầu tư kêu khó

Lâm Anh |

Hàng trăm người dân huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã dàn ôtô kèm theo băng rôn tập trung ở đầu cầu Bến Thủy 1 phía Hà Tĩnh để phản đối vì cho rằng mình không sử dụng đường BOT tuyến nam cầu Bến Thủy mà vẫn mất phí khi qua cầu trong khi đó chủ đầu tư cho rằng vị trí trạm là do Bộ GTVT chọn.

Trạm BOT cầu Bến Thủy: Có thể giảm phí nhưng khó di dời

Khánh Hoà |

Cả lãnh đạo Bộ GTVT và đại diện chủ đầu tư hai trạm thu phí cầu Bến Thuỷ đều nhận định việc di dời hai trạm này là rất khó. Tuy nhiên, việc giảm phí hỗ trợ người dân đang được xem xét.