Thận trọng trước khi đầu tư
Cảnh báo của Bộ Tài chính dẫn dữ liệu của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội về hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) thời gian quan cho thấy, khối lượng phát hành TPDN riêng lẻ trong tháng 5 là 27.061 tỉ đồng.
Theo đó nâng tổng khối lượng phát hành TPDN riêng lẻ trong 5 tháng đầu năm 2020 lên con số 91.616 tỉ đồng và đạt mức tăng 15% so với cùng kỳ năm 2019. Đáng chú ý trong số này có hiện tượng các doanh nghiệp bất động sản gia tăng huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu và nhà đầu tư cá nhân tiếp tục xu hướng tăng mua TPDN trong các tháng đầu năm.
Trước tình hình trên, bên cạnh việc khuyến nghị các doanh nghiệp phải tính toán cụ thể dòng tiền để xây dựng phương án phát hành trái phiếu khả thi, đảm bảo khả năng trả nợ và không vì mục tiêu bán cho nhà đầu tư cá nhân mà chia nhỏ thành nhiều đợt phát hành với nhiều mã trái phiếu, Bộ Tài chính cũng khuyến cáo các nhà đầu tư cần tiếp cận đầy đủ thông tin, phân tích và đánh giá kỹ các rủi ro có thể gặp phải đối với trái phiếu trước khi đầu tư.
Cụ thể trước khi quyết định đầu tư, cần yêu cầu doanh nghiệp phát hành, tổ chức phân phối cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành bao gồm cả tình hình huy động vốn trái phiếu, mục đích phát hành trái phiếu, tài sản đảm bảo của trái phiếu cũng như nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành, nghĩa vụ của tổ chức phân phối đối với trái phiếu. “Theo đó, chỉ khi nắm rõ thông tin về trái phiếu và cân nhắc kỹ lưỡng về các rủi ro có thể gặp phải, nhà đầu tư nhất là nhà đầu tư cá nhân mới nên mua trái phiếu, không nên mua trái phiếu chỉ vì lãi suất cao, vì có khả năng không thu hồi được khoản tiền đầu tư trái phiếu (bao gồm cả gốc và lãi) nếu doanh nghiệp phát hành gặp khó khăn” - Bộ Tài chính khuyến cáo.
Siết chặt hoạt động phát hành
Liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp, Bộ Tài chính hiện cũng đang hoàn tất quá trình lấy ý kiến cho dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 163/2018 về phát hành TPDN. Nhằm bảo vệ các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ khi chưa nắm bắt được đầy đủ thông tin, không có kinh nghiệm đầu tư và khả năng phân tích rủi ro, Bộ Tài chính kiến nghị trước mắt sửa đổi theo hướng phát hành và giao dịch TPDN riêng lẻ chỉ được thực hiện trong phạm vi 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong suốt vòng đời của trái phiếu.
Bộ Tài chính cho rằng, quy định này cũng nhằm tách bạch giữa phát hành ra công chúng là phát hành và giao dịch không hạn chế về số lượng nhà đầu tư; phát hành riêng lẻ là chỉ phát hành và giao dịch trong phạm vi dưới 100 nhà đầu. Sau khi Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp mới có hiệu lực thi hành sẽ quy định việc phát hành và giao dịch TPDN riêng lẻ chỉ cho các NĐT chứng khoán chuyên nghiệp.
Nhằm hạn chế tình trạng doanh nghiệp có quy mô vốn nhỏ phát hành trái phiếu với khối lượng lớn tiềm ẩn rủi ro cho cả doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư mua trái phiếu, dự thảo nghị định cũng bổ sung điều kiện về giới hạn khối lượng phát hành trái phiếu theo hướng doanh nghiệp phát hành phải đảm bảo dư nợ TPDN phát hành riêng lẻ không vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu tại báo cáo tài chính quý gần nhất được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu phải lựa chọn kênh phát hành ra công chúng với tiêu chuẩn, điều kiện cao hơn và công khai, minh bạch hơn.
Bên cạnh đó, để hạn chế việc các doanh nghiệp chia nhỏ phát hành trái phiếu thành nhiều đợt với nhiều mã cho các nhà đầu tư cá nhân, lách quy định về phạm vi phát hành riêng lẻ cho dưới 100 nhà đầu tư, dự thảo nghị định cũng bổ sung điều kiện đợt phát hành trái phiếu sau phải cách đợt phát hành trước tối thiểu là 6 tháng và quy định trái phiếu phát hành trong mỗi đợt phát hành phải có cùng điều kiện, điều khoản.
Theo đánh giá của TS Nguyễn Trí Hiếu, để đảm bảo thị trường TPDN phát triển lành mạnh, cần có các quy định để sàng lọc sức khỏe doanh nghiệp và chỉ nên cho các doanh nghiệp đủ điều kiện được phát hành trái phiếu, không thể để phát hành đại trà và tạo ra rủi ro cho thị trường.
Theo đó các doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu phải đảm bảo các tiêu chí về sức khỏe tài chính, tỉ lệ thanh khoản, các chỉ tiêu về tài chính như tỉ lệ ROA, ROE và các báo cáo tài chính của doanh nghiệp cũng phải được kiểm toán độc lập, đảm bảo tính trung thực, chính xác.
TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, thị trường cần có các công ty chấm điểm tín dụng các doanh nghiệp bởi khi thiếu các đơn vị này, nhà đầu tư sẽ phải dựa vào sự phán đoán của mình và khả năng phán đoán sẽ không thể chính xác nếu thiếu các thông tin, kiến thức về tài chính. Việc đầu tư vào TPDN khi đó sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Bộ Tài chính: Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của pháp luật
Giao dịch trái phiếu tăng trưởng đột biến khiến Bộ Tài chính lần thứ hai trong chưa đầy 3 tháng phải khuyến cáo nhà đầu tư, doanh nghiệp và tổ chức phân phối về hoạt động phát hành và chào bán trái phiếu.
Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị không chào mời trái phiếu bằng mọi giá mà phải có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ như tình hình tài chính của doanh nghiệp, mục đích phát hành, tài sản đảm bảo... Đồng thời, tổ chức phân phối cũng phải có biện pháp mua lại trái phiếu đúng hạn như cam kết với nhà đầu tư.
Bộ Tài chính cho biết sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện kiểm tra, giám sát trên cơ sở đó xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong hoạt động phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp. C.Nguyên
Không nên siết thị trường trái phiếu doanh nghiệp(?)
Trước những thay đổi chính của dự thảo sửa đổi Nghị định 163/2018, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) mới đây có văn bản góp ý gửi tới Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính. Theo đó, HoREA cho rằng, trong bối cảnh thị trường bất động sản đang gặp rất nhiều khó khăn mà Nghị định 163 chỉ mới thực hiện hơn 1 năm, không nên có quan điểm siết lại thị trường TPDN bất động sản tại thời điểm này, mà chỉ nên tập trung xây dựng các quy định pháp luật nhằm tăng cường tính minh bạch trong phương án phát hành trái phiếu, tín nhiệm của doanh nghiệp phát hành, trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp hay cơ chế giám sát, kiểm soát của cơ quan nhà nước về yêu cầu sử dụng vốn trái phiếu đúng mục đích theo phương án phát hành trái phiếu.
HoREA cũng kiến nghị nên bỏ quy định dư nợ phát hành không vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu bởi theo kết quả hoạt động phát hành trái phiếu của 177 doanh nghiệp trong 11 tháng đầu năm 2019, có đến 149 doanh nghiệp (chiếm 84,2%) có giá trị phát hành trái phiếu dưới 3 lần vốn chủ sở hữu và chỉ có 28 doanh nghiệp (chiếm 15,8%) có giá trị phát hành trái phiếu trên 3 lần vốn chủ sở hữu.