Tuy mới xuất hiện mới xuất hiện vài năm qua nhưng đến nay đã có tới trên 40 công ty hoạt động trong lĩnh vực cho vay ngang hàng (P2P) tại thị trường Việt Nam. Với nhiều ưu điểm, thông qua các đơn vị triển khai P2P, các cá nhân có thể vay tiền nhanh với các khoản tiền nhỏ và trong thời gian ngắn thông qua đăng ký qua internet. Theo một số liệu từ Ngân hàng Thế giới, với việc có trên 70% lượng người dân không được tiếp cận với các dịch vụ tài chính chính thức khá, trong khi tỉ lệ sử dụng internet, smartphone tăng mạnh và nhu cầu tiêu dùng cũng ngày càng gia tăng, Việt Nam trở thành thị trường hấp dẫn đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực P2P.
Tuy nhiên chính sự phát triển quá nhanh, quá mạnh của P2P chỉ trong một thời gian ngắn khiến hoạt động này tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đáng chú ý tại Việt Nam hiện nay, hoạt động cho vay ngang hàng chưa được pháp luật điều chỉnh. Người cho vay và nhà đầu tư chỉ dựa vào niềm tin, sự tín nhiệm khi đăng nhập vào hệ thống do các công ty ứng dụng công nghệ thành lập. Sự tồn tại của P2P có nguy cơ vi phạm qui định quản lý hoạt động ngân hàng truyền thống. Nếu xảy ra rủi ro sẽ ảnh hưởng nhất định tới sự ổn định của hệ thống tài chính.
Hơn nữa, sự lỏng lẻo này khiến P2P có khả năng trở thành công cụ cho các loại tội phạm tiến hành trốn thuế, rửa tiền. Nguyên nhân là do hoạt động cho vay ngang hàng không chịu sự kiểm soát của hệ thống ngân hàng truyền thống và các khoản vay có thể mua bán qua thị trường thứ cấp, khiến cơ quan chức năng khó kiểm soát nguồn gốc luồng tiền, danh tính, mục đích như các khoản gửi tiền và sử dụng tiền vay truyền thống.
Bên cạnh đó theo nghiên cứu mới đây về P2P của nhóm tác giả Ths Lê Anh Tùng (Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội), Ths Phạm Mai Ngân (Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc) và TS Nguyễn Thị Kim Oanh (HSB, Đại học Quốc gia Hà Nội và QUT, Australia), sự kết hợp kỳ hạn của khách hàng vay và nhà đầu tư kiến cho các khoản đầu tư P2P phần lớn có tính thanh khoản thấp. Có khả năng nhà khai thác P2P phát triển thị trường thứ cấp cho phép nhà đầu tư thanh lý khoản đầu tư bằng cách bán khoản vay cho nhà đầu tư khác. Sự sắp xếp thị trường thứ cấp này tương đối hạn chế. Điều này hoàn toàn đúng nếu nhà khai thác P2P công bố thông tin về người vay và tiến trình trả nợ vay. Nếu các khoản vay với thông tin không tối ưu, khả năng thanh khoản sẽ thấp.
Chưa kể hoạt động P2P cũng dễ bị lợi dụng, biến tướng thành huy động tài chính đa cấp, lừa đảo, cho vay nặng lãi. Một số đối tượng có thể lợi dụng mô hình P2P để thực hiện hành vi bất hợp pháp (hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi, cầm đồ biến tướng, tài chính đa cấp…), đưa ra các quảng cáo sai sự thật, hứa hẹn lợi nhuận cao, lãi suất cạnh tranh, để lừa đảo, chiếm dụng vốn của người tham gia.
Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu, bài học về các dịch vụ tương tự, như bán hàng online, gọi xe ôm, xe tắc xi, cho thuê phòng, bán bảo hiểm, bán dịch vụ du lịch, vé máy bay… cho thấy hoạt động P2P là trào lưu khó cưỡng ở thị trường Việt Nam. Vấn đề là thời điểm và hành động của nhà quản lý và công chúng đón nhận dịch vụ này như thế nào sẽ góp phần quyết định thời điểm và tần suất phủ sóng của dịch vụ. “Nghiên cứu khung pháp lý cho hoạt động P2P cần được chủ động triển khai. Thay vì tư duy không thừa nhận hay cấm đoán, sử dụng khung pháp lý kiểm soát và hạn chế rủi ro là cách tiếp cận được lựa chọn trong hội nhập quốc tế và cơ chế kinh tế thị trường” - nhóm nghiên cứu đưa nhận định.