Mười năm chưa xa
Xã Mỹ Hòa (TX.Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) là vùng chuyên canh giống bưởi Năm Roi nổi tiếng, nhưng cho tới những năm 2000 người dân nơi đây vẫn nghèo vì trái bưởi đầu ra không ổn định, giá bấp bênh, năng suất thấp. Đầu những năm 2000, khi có thông tin “ăn bưởi bị ung thư” của người vô trách nhiệm nào đó trên mạng, trái bưởi khó tiêu thụ, giá rớt thê thảm, nông dân trồng bưởi xã Mỹ Hòa càng thêm khốn khó, vùng quê nghèo bên kia sông đối diện TP.Cần Thơ càng thêm điêu tàn.
Đúng lúc ấy, dự án cầu Cần Thơ được triển khai, cần rất nhiều công nhân làm việc cho công trình. Hàng trăm thanh niên nam nữ xã Mỹ Hòa đã bỏ vườn bưởi đi làm công nhân công trình cầu Cần Thơ. Để rồi, khi sự cố “sập nhịp dẫn” xảy ra, người dân Mỹ Hòa hứng chịu phần lớn hậu quả, vùng đất này càng thêm khổ đau, tang tóc.
Bây giờ, sau 10 năm cầu Cần Thơ thông xe, tôi trở lại Mỹ Hòa vẫn bằng xe gắn máy vì tôi nhớ đường sá ở đây xe hơi không chạy được. Nhưng tôi đã lầm. Một con đường trải nhựa rộng rãi nối từ UBND xã Mỹ Hòa đến chân cầu Cần Thơ không biết được xây dựng từ bao giờ. Một con đường khác nhỏ hơn, nhưng cũng đủ cho xe 4 bánh chạy được, đi từ chân cầu Cần Thơ về hướng bên kia của xã.
Đi trên 2 con đường sạch đẹp này, hai bên là những vườn bưởi xanh mướt, cành lúc lắc quả, thấp thoáng trong vườn là những ngôi nhà mới cất theo dạng biệt thự mini mang phong cách nhà vườn, dù cố hình dung tôi cũng không thể nhận ra cảnh nghèo khó, tang thương 2 bên đường hơn 10 năm về trước.
Cây bưởi thủy chung
Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa – ông Nguyễn Văn Phi – cho biết, các con đường đó, cùng một số công trình phúc lợi công cộng khác, là “quà tặng” của người dân cả nước, của các nhà hảo tâm, nhà thầu công trình cầu Cần Thơ, cho nhân dân xã Mỹ Hòa để bù đắp phần nào mất mát quá lớn mà họ phải gánh chịu. Người dân Mỹ Hòa cũng không quá “bi lụy”, đã sớm vượt qua đau thương, nhanh chóng “đứng dậy”, ổn định cuộc sống, xây dựng quê hương.
Dù sau đó các nhà thầu công trình cầu Cần Thơ có tăng tiền công lên cao hơn số tiền 50.000 – 60.000 đồng/ngày như trước đó, nhưng rất ít người dân Mỹ Hòa trở lại làm công trình, mà trở về với vườn bưởi đã gắn bó bao đời với vùng đất này.
Nông dân Thái Văn Lưu (ấp Mỹ Lợi) có 1,5ha đất trồng bưởi. Gia đình ông đã gắn bó với nghề trồng bưởi từ mấy chục năm trước, nhưng cuộc sống vẫn khó khăn kéo dài, vì vậy khi công trình xây dựng cầu Cần Thơ thông báo tuyển lao động, 2 con trai ông đã xin đi làm công nhân công trình, bỏ lại vườn bưởi cho phụ nữ và người già canh tác. May mắn cho gia đình ông Lưu là 2 con ông không bị gì trong sự cố ngày 26.9.2007. Sau đó các con ông nghỉ làm công trình, trở lại vườn bưởi của gia đình.Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, bưởi của gia đình ông nói riêng, của cả xã Mỹ Hòa nói chung chất lượng ngày càng cao, đang tiêu thụ rất tốt trong và ngoài nước. Bây giờ, mỗi năm gia đình ông Lưu thu nhập từ 500 – 700 triệu đồng từ 1,5ha bưởi, chi phí sản xuất chỉ vài chục triệu đồng, còn công lao động toàn bộ của nhà. Cách đây 3 năm ông Lưu đã phá bỏ ngôi nhà lụp sụp, cất lại “biệt thự”, cùng lúc cất nhà “ra riêng” cho những đứa con đã lập gia đình. Năm rồi ông Lưu được xã Mỹ Hòa chọn đi dự hội nghị tuyên dương “nông dân sản xuất giỏi” toàn tỉnh Vĩnh Long.
Làm đẹp thêm cầu Cần Thơ
Cầu Cần Thơ không chỉ giúp trái bưởi Năm Roi ở Mỹ Hòa “bay” xa, mà nó còn giúp đưa đến đây nguồn sinh kế khác rất quan trọng, giúp vùng đất này sớm trở nên giàu có. Cây cầu thông xe nối 2 bờ sông Hậu đã làm phát triển nhộn nhịp sản xuất công nghiệp, hoạt động dịch vụ phía bờ Bắc, trong đó đáng kể nhất là sự ra đời của Khu công nghiệp Bình Minh ở xã Mỹ Hòa, sát chân cầu Cần Thơ. Các nhà máy trong khu công nghiệp nối nhau đi vào hoạt động đã “vét” sạch lao động nhàn rỗi ở Mỹ Hòa, đồng thời thu hút nhiều lao động từ nơi khác đến, kéo theo các hoạt động thương mại, dịch vụ, nhà trọ… phát triển.
Chỉ trong năm 2019 đã có thêm 42 cơ sở công nghiệp, dịch vụ, thương mại được thành lập ở Mỹ Hòa, nâng tổng số cơ sở công nghiệp, thương mại, dịch vụ trong xã lên 610. Từ 1 xã cách đây hơn 10 năm muốn sửa chiếc xe máy, tìm chỗ ăn trưa phải ra bên ngoài, đến TX.Bình Minh cách đó cả chục cây số, bây giờ đã có trên 600 cơ sở công nghiệp, dịch vụ, thương mại… Đúng là chỉ có “bay” cùng cầu Cần Thơ mới có được tốc độ nhanh như thế!
Nói cho công bằng, không chỉ cây cầu Cần Thơ có công giúp cho vùng đất phía bờ Bắc trở nên đẹp hơn, ngày càng giàu lên; mà ở chiều ngược lại, chính con người và vùng đất Mỹ Hòa cũng đang giúp cho cây cầu lớn nhất đồng bằng này ngày càng đẹp thêm.
Ngày nay, từ trên cầu Cần Thơ nhìn về bờ Nam là hình ảnh TP.Cần Thơ sầm uất, hiện đại. Còn nhìn về bờ Bắc, không còn cảnh đìu hiu năm nào, thay vào đó là những vườn bưởi xanh mướt một bên đầu cầu, bên kia là khu công nghiệp khang trang, hiện đại. Cảnh đẹp ấy dễ làm nao lòng khách đi đường khi ngồi xe qua cầu Cần Thơ cao lồng lộng.
Cũng như những lần trước, lần này về thăm Mỹ Hòa tôi cũng ghé lại chùa Bồ Đề, ngôi chùa cổ gần chân cầu Cần Thơ nhất, nơi đặt tấm bia tưởng niệm 55 công nhân đã nằm xuống khi xây dựng cầu Cần Thơ. Con đường hiện đại mới mở nối Khu công nghiệp Bình Minh với QL1 giúp khách đi xe hơi vào tới tận ngôi chùa thay cho cái cách đi bộ đường sình lầy lội trong những ngày mưa năm ấy.
Chùa Bồ Đề cũng đã được xây dựng lại khang trang hơn nhiều. Đến thắp hương trước tấm bia tưởng niệm trang trọng khắc tên các anh, trong tôi không còn cảm giác đau xót, rưng rưng như 10 năm về trước, thay vào đó cảm giác nhớ ơn, khâm phục. Nhớ ơn các anh đã nằm xuống để xây dựng cây cầu “cứu sinh” cho cả miền Tây và khâm phục gia đình, vợ con các anh và người dân xã Mỹ Hòa đã biết cách vượt qua đau thương, mất mát, mạnh mẽ đứng dậy làm lại mọi việc theo cách tốt đẹp hơn, làm cho vùng đất này sớm trở nên giàu có, làm cho cây cầu Cần Thơ đẹp lên nhiều!